Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Di tích - Đồng Tháp  (Đã xem 16362 lần)

Đã thoát ra Thư Thiên Võ

  • Xa mẹ lần đầu
  • Bài viết: 21
Re:  Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #24 vào: Tháng Chín 20, 2015, 11:36:12 AM »
Ở sát bên Đồng Tháp nhưng chỉ vừa ghé thăm Cao Lãnh 1 lần và có dịp đền khu lưu niệm cụ Sắc. Hy vọng sẽ quay trở lại vào một ngày không xa
 

Đã thoát ra booktrip

  • Global Moderator
  • Lữ hành cấp 5
  • *****
  • Bài viết: 1294
    • Nhất cự ly nhì tốc độ
Re:  Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #23 vào: Tháng Năm 19, 2015, 10:53:51 AM »
Up cho bà con có thông tin du lịch hè về với miền tây sông nước đê
๑۩۞۩๑♥๑۩۞۩๑ (¯`•♥www.bootrip.me•♥´¯) ๑۩۞۩๑♥๑۩۞۩๑
♥๑۩۞۩๑ (¯`•♥Tạo hiệu ứng rao vặt, chữ ký diễn đàn•♥´¯) ๑۩۞۩๑♥
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #22 vào: Tháng Tám 05, 2008, 11:09:10 AM »
Thăm chùa Kiến An Cung

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại phường 2, trung tâm thị xã Sa Đéc, là công trình văn hoá đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Chùa do nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc xây dựng để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu Đinh Mậu (1927) thì làm lễ khánh thành.

Đến với di tích này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc độc đáo, lộng lẫy và trang trọng. Chùa quay mặt ra rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế, gồm 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất là điện thờ. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ. Mái chùa lợp ngói dợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo chữ “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ. Mái ngói được làm rất công phu, gồm 3 lớp : mặt trên là ngói, mặt giữa là gạch, cuối cùng là ngói.

Trước cửa chánh điện có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn, miệng ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện – Ác. Bước vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ để dành làm chỗ cúng tế theo cổ tục. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm. Chánh điện chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường), Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách). Hằng năm chùa có 2 ngày lễ tế : ngày 22-2 và ngày 22-8 âm lịch. Mỗi 3 năm có thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh quá vãng và cầu cho quốc thới dân an.

Khánh đến viếng chùa sẽ thấy mọi thứ trong ngoài đều được sắp đặt khéo léo, không chỉ nhằm tăng thêm vẻ mỹ quan mà còn có ý nghĩa giáo dục, khuyên con nguời tránh dữ làm lành. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa ý nghĩa thâm trầm. Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim, thú, tượng nguời ghép bằng mảnh gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh nằm theo đường gờ lắp kính. Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ. Cửa chính có các bức tranh theo lối thủy mặc, nét hoạ uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú thật sinh động…

Trăm nghe không bằng một thấy, nếu có dịp về Đồng Tháp, mời bạn đến viếng chùa Kiến An Cung để tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc chùa miếu, một nghệ thuật chạm khắc tinh vi và cũng để hiểu vì sao Bộ Văn hoá thông tin đã quyết định công nhận nơi này là di tích lịch sử-văn hoá.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #21 vào: Tháng Tám 05, 2008, 11:04:19 AM »
Đình Phong Mỹ - Nét văn hóa của miền Tây

Từ lâu, vùng đất Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã hấp dẫn du khách không chỉ vì cảnh quan trù phú, nước non hữu tình mà còn vì những nét văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam bộ. Có dịp về Cao Lãnh, khách thập phương sẽ có dịp thắp nén hương ở ngôi đình Phong Mỹ (thuộc xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh), một ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc miền Nam đồng thời cũng là nơi ghi khắc những dấu ấn lịch sử của nhân dân Phong Mỹ anh hùng.

Đình Phong Mỹ là một công trình kiến trúc cổ nổi bật giữa làng quê thanh bình, với diện tích gần 1.200m², uy nghi tọa lạc trên khuôn viên rộng 3 mẫu. Đình Phong Mỹ được vua Tự Đức phong sắc vào năm 1864. Đình thờ thần Hoàng Bổn Cảnh và là nơi tổ chức những lễ hội truyền thống như cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an. Theo cổ lệ tín ngưỡng của người dân Phong Mỹ, hàng năm đình thần tổ chức 2 lễ hội lớn là: lễ cúng Kỳ yên (Hạ điền) vào ngày 18, 19/4 âm lịch và lễ cúng Thượng điền, Lạp miếu ngày 19, 20/12 âm lịch. Hai năm hát đáo lệ một lần và những lần này đều có tổ chức làm lễ “xây chầu”, ca hát đông vui suốt đêm, đồng thời hát bộ để cho ông già, bà cả lẫn trẻ em đến xem tuồng tích.
Khí hậu ở đây thoáng mát ôn hòa nên xung quanh ngôi đình, vào mùa cây trái, nhất là mùa xoài, lúc nào cây cối cũng sai trái trĩu quả. Tiền diện ngôi đình lại hướng ra sông Tiền dập dềnh sóng vỗ như càng tôn thêm nét thanh tú, bề thế của ngôi đình. Khách thập phương đặt chân lên khuôn viên đình Phong Mỹ sẽ cảm nhận được sự thư thái, an nhàn khi ngồi dưới bóng cây râm mát, tận hưởng ngọn gió lành mát rượi từ dòng sông và hít thở bầu không khí thơm mát của một vùng sông nước hữu tình.

Những người yêu thích nghệ thuật kiến trúc chắc chắn sẽ thích thú vô cùng khi chiêm ngưỡng ngôi đình Phong Mỹ với đường nét, kiểu dáng đậm phong cách Nam bộ độc đáo. Đình thiết kế theo lối cổ lầu, mái lợp ngói tiểu, nền gạch hoa trông vừa cổ kính lại vừa tao nhã. Phần mái của trung diện và hậu diện được trang trí hoa văn cá hóa rồng, lưỡng long phun châu trông rất đẹp mắt và tinh xảo. Bên trong đình, những bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Địa thế hài hòa cùng vạn vật, cộng với lối kiến trúc đặc sắc đã làm nên một ngôi đình Phong Mỹ thật ấn tượng trong lòng người dân khi đến viếng thăm và cúng đình.

Với những giá trị tốt đẹp về văn hóa lịch sử cũng như nghệ thuật, Đình Phong Mỹ đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hàng năm, vào kỳ lễ hội người người từ khắp nơi lại quây quần dưới ngôi đình dự lễ Kỳ yên để cầu khẩn mọi điều tốt lành, để xem hát và thưởng thức những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, để ôn lại một quá khứ hào hùng và hướng tới một tương lai tốt đẹp, tươi sáng.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #20 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:59:25 AM »
Lễ hội Gò Tháp-nét văn hoá đặc sắc

Lễ hội Gò Tháp là lễ hội lớn và quy mô nhất Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Từ 10 năm nay lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân huyện Tháp Mười cũng khác đi, cũng hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi lũ lượt kéo về với đủ mọi phương tiện : tàu, ghe, xe lam, xe khách…

Về dự lễ hội đặc sắc Gò Tháp, trước hết bạn có thể thăm các di tích cổ : Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ… sau đó còn được hoà mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Hai lễ hội đầu và cuối năm ở Gò Tháp đều tấp nập hàng chục ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về đây cầu tài, cầu lộc và hành hương đi lễ. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ, tương truyền là nguời có công lao khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 âm lịch là lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều).

Lễ hội ở Gò Tháp có 2 phần rõ rệt : phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kì hội như cúng Bà chúa xứ, cúng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều còn có một số lễ phụ khác như : cúng Thần nông, lễ cầu an, lễ thỉnh sinh… Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn; kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như : dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương… Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong khi đó, phần hội hè có nhiều tiết mục vui chơi giải trí rất hấp dẫn như múa hát, trò chơi dân gian, hát bội, đấu võ… khiến bạn như quên đi những lo toan của cuộc sống hằng ngày để hoà vào không khí lễ hội nô nức, rộn ràng vui tươi… 

Điều lý thú ở lễ hội Gò Tháp là bạn có thể được ăn cơm chay miễn phí trong nhà chùa nhờ có đội ngũ tình nguyện viên phục vụ và hàng tấn gạo, rau quả do khách thập phương mang đến. Điều này đã tạo điều kiện cho rất nhiều bà con nghèo và ở những nơi xa về đây tham dự. Ngoài ra, tại khu hội chợ, bạn còn có thể mua được nhiều đặc sản hay hàng hoá của địa phương về làm quà cho gia đình, bè bạn… Nhờ sự tổ chức chu đáo của chính quyền, ý thức của nguời đi lễ và tính tự quản của nhân dân địa phương mà lễ hội Gò Tháp đông hàng chục vạn nguời hằng năm vẫn luôn diễn ra yên ổn và trật tự.

Đáp ứng được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp, du lịch văn hoá tín ngưỡng tại lễ hội Gò Tháp là hình thức du lịch hấp dẫn, độc đáo mà bạn không nên bỏ qua. Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hoá tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau : giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hoá, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại… Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Được đến thăm các di tích kiến trúc, được cầu nguyện, được chứng kiến các sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống, đó chính là nguyên nhân cuốn hút ngày càng đông khách đến tham dự lễ hội Gò Tháp từ xưa đến nay.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #19 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:54:24 AM »
Hội đình Định Yên

Đình Định Yên được xây dựng vào năm Canh Tuất 1909 tại ấp An Lợi A, xã Định Yên, huyện Lấp Vò để ghi nhớ công ơn ông Phạm Văn An, người đầu tiên khai hoang lập ấp nơi đây.

Đình được lợp ngói đại ống, các kỳ, kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng, lân lộng lẫy. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các câu đối, cân liễn, bao lam sơn son thếp vàng rực rỡ, cẩn ốc xà cừ, chạm hoá long, lưỡng sen, mẫu đơn và các bức tranh sơn thuỷ ca ngợi đất nước và con người… Chánh điện của đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, hai bên tả, hữu thờ các vị Tiền hiền. Trước sân đình là những bồn hoa, cây dương cổ thụ cao vút, làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần thơ mộng.

Thế nhưng điều hấp dẫn nhất đang chờ du khách thập phương khám phá chính là hội cúng đình Định Yên. Hằng năm vào các ngày 16,17 tháng 4 và 15, 16 tháng 11 âm lịch, tại đây diễn ra lễ cúng đình rất long trọng để tưởng nhớ ông Phạm Văn An và những người có công khai hoang, lập nên làng xã. Nếu đến thăm đình Định Yên vào đúng dịp này, bạn sẽ được chứng kiến đầy đủ những nghi thức truyền thống của một hội cúng đình như : đội kỵ mã, đội lân, đội lính hầu, học trò lễ, chiêng, trống, nhạc, lễ… Một lần tham dự hội cúng đình Định Yên chắc chắn sẽ mở ra trước mắt bạn nhiều điều thú vị, làm phong phú thêm vốn hiểu biết về lễ hội cổ truyền dân tộc.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #18 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:49:04 AM »
Hội đình Tân Phú Trung

Cách thị trấn Châu Thành 17 km, đình Tân Phú Trung tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.000 m2, giữa một vùng quê trù phú, cây trái xum xuê của xã Tân Phú Trung, tỉnh Đồng Tháp.

Là một trong những ngôi đình cổ của Đồng Tháp, đình được xây dựng vào giữa thế kỉ XIX và được vua Tự Đức phong sắc Thành Hoàng Bổn Cảnh vào ngày 16/04/1858 âm lịch.

Đình có kiến trúc theo kiểu cổ, mái xây theo hình chữ “Đại”, lợp ngói kiểu ống xưa, trên ngói có hình tượng lưỡng long tranh châu. Cột kèo của đình làm bằng gỗ quý, được chạm trổ tinh vi.

Trong đình có nhiều bức liễn đối, hoành phi được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng, nét chữ sắc sảo. Nghi thờ trước thở Quan Thánh Đế, nghi thờ sau ở giữa thờ Thánh Hoàng Bổn Cảnh và hai bên thờ những nguời đã đóng góp công lao cho đình làng.

Hằng năm, hội cúng đình được tổ chức vào các ngày từ 10 đến 17 tháng 4 âm lịch (năm chẵn) hoặc các ngày 12, 13 tháng 5 âm lịch (năm lẻ) để suy tôn Thành Hoàng và những người có công lập làng. Vào dịp này, nhân dân trong xã và các xã lân cận đến dự rất đông vui, tấp nập, cùng nhau cầu nguyện mưa thuận gió hoà, mùa màng thắng lợi.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #17 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:44:16 AM »
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TỈNH - CÔNG TRÌNH CỦA ĐẠO LÝ



Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào năm 1978 dù còn nhiều việc bộn bề, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định cho xây một công trình to lớn – Công trình của đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây” – Đó là nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nằm trong nội ô thành phố Cao Lãnh. Đi từ hướng phà Cao Lãnh qua cầu Đúc, đến cuối con đường Nguyễn Huệ thênh thang là đài tưởng niệm của Nghĩa trang Liệt sĩ vươn lên bầu trời xanh hai cánh hoa sen. Đồng Tháp là quê hương của sen, hình ảnh hoa sen được nhà kiến trúc cách điệu hóa thành hình tượng của Nghĩa trang liệt sĩ.

Nhìn thẳng từ phía ngoài vào, du khách thấy thấp thoáng một đóa sen đang nhú nở, hai cánh hoa thành hai lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc được nối kết nhau một vòng cung màu trắng nổi lên dòng chữ “Tổ Quốc ghi công”. Giữa hai cánh hoa, sừng sửng một thanh phủ đá hoa cương đứng thẳng nối dài bởi mười tám lần vạch, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng nối nhau dựng nước Việt Nam.

Dưới chân bia là một bệ cao có khắc hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, phía trước tượng đài có ba tấm phù điêu, thể hiện các sự kiện tiêu biểu của tỉnh qua các giai đoạn đoạn: 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975 và thời kỳ xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Nếu nhìn từ trên xuống, toàn khu Nghĩa trang Liệt sĩ là một đóa hoa sen nở xòe, nhụy sen là cái hồ ở giữa, mổi bên là ba cánh sen. Trên cánh sen là nơi đặt hài cốt của hơn ba ngàn liệt sĩ, giữa các khu mộ là đường đi, có bồn hoa, thảm cỏ, cây kiểng trang trí tôn nghiêm đẹp mắt.

Trong lòng đài tưởng niệm là phòng khách được xây dựng âm một phần dưới nước, thông thoáng và đẹp. Vào phòng, du khách sẽ thấy dễ chịu khi những cơn gió thoảng thơm bay qua hồ sen vào phòng, được ngằm nhìn cá lượn, cây cảnh . . .Phía sau phòng khách là phòng họp mặt, xem phim, trong phòng có một bảng ghi tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu và các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang.

Nghĩa trang liệt sĩ thường là khu đất chết, lạnh lẽo, gây sợ hãi nhưng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp như một công viên, với không gian rộng thoáng, với cây cảnh xanh tươi, hồ sen hồng thắm, thảm cỏ mượt mà .v .v .tạo khung cảnh đẹp, thơ mộng.

Ở đây, ngày đêm luôn mở cửa đón khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Các cơ quan đoàn thể thường tổ chức các hoạt động: họp mặt truyền thống, kết nạp Đoàn viên, đội viên, sinh hoạt hè, những đôi tân hôn đến đây dâng hoa, thề nguyện .v. v. . Đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng sống động cho các thế hệ hôm nay và mai sau, tiếp bước cha ông thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #16 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:39:26 AM »
TRỤ SỞ THANH NÊN CÁCH MẠNG ĐỒNG CHÍ HỘI VÀ SA ĐÉC HỌC ĐƯỜNG

Những năm 1924 đến 1926, được sự tuyên truyền vận động của phái viên nhóm Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ Quảng Châu (Trung Quốc) về, vào tháng hai và tháng ba năm 1927, ba thanh niên học sinh tỉnh SaĐéc (nay là Đồng Tháp) đó là đồng chí Nguyễn Văn Pháp, Võ Bữu Bính (*), Lưu Kim Phong được giới thiệu dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội mở tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Đến cuối khóa, ngày 07/01/1927 ba thanh niên này chính thức được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Cuối năm 1927 ba “Hạt giống đỏ” đầu tiên của tỉnh SaĐéc được Tổng bộ ghép thành một tiểu tổ do đồng chí Nguyễn Văn Pháp làm tiểu tổ trưởng và trở về nước hoạt động ở tỉnh Sa Đéc.

Khoảng tháng 7/1928, tổ nhất trí chuyển hướng hoạt động về thị xã Sa Đéc và chọn căn phố nhỏ gần chùa Bà Lâm làm trụ sở (nay là số nhà 86/A đường Trần Hưng Đạo, Phường 1 thị xã Sa Đéc). Để giáo dục cho thế trẻ lòng yêu nước theo con đường cách mạng, tổ có sáng kiến thành lập trường tư thục lấy tên Sa Đéc học đường (nay là từ số nhà 112/9 đến 113/4 đường Nguyễn Huệ, thị xã Sa Đéc). Cạnh trường là tiệm thuốc bắc (nay là số nhà 110/10 đường Nguyễn Huệ) trường và tiệm thuốc bắc là cơ quan liên lạc giữa Kì bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội vời các tỉnh, đồng thời cũng là cơ quan tài chính của hội trong nhiều năm trước ngày Đảng ta ra đời.

Những “Địa chỉ đỏ” của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Sa Đéc (1928-1929) như vầng sáng lan tỏa làm cho phong trào yêu nước của nhân dân các khu vực trong tỉnh có bước phát triển mới, đánh dấu sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa yêu nước với nhiều xu hướng khác nhau đến chủ nghĩa yêu nước theo con đường cách mạng vô sản; là thời kì chuẩn bị cơ sở chính trị, tư tưởng, tổ chức để tiến tới thành lập một chính Đảng cách mạng ở tỉnh nhà.

Trụ sở Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và Sa Đéc học đường là hai điểm di tích lịch sử cách mạng quan trọng, được ghi vào sách sử ở Đồng Tháp là niềm tự hào và là nơi giáo dục sống động về truyền thống cách mạng đối với nhân dân địa phương nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay, mai sau.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #15 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:34:26 AM »
PHONG HÒA CĂN CỨ ĐẶC KHU ỦY HẬU GIANG

Xã Phong Hòa thuộc huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp ( trước kia là làng Phong Hòa thuộc huyện Ô Môn tỉnh Cần Thơ) là một vùng đất hiền hòa, trù phú nằm bên bờ sông Hậu, nhân dấn có truyền thống yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, lại sớm được giác ngộ cách mạng.

Năm 1928, Phong Hòa đã thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội có 04 hội viên nòng cốt, để truyền bá các tài liệu quan trọng của Cách mạng Việt Nam như: “Đường kách mệnh” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tuyên truyền thắng lợi cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và các tài liệu khác. Tháng 11/1929, trên cơ sở tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) của xã Phong Hòa được thành lập, có 05 Đảng viên: Đặng Văn Thân, Trần Kim Giáp, Nguyễn Văn Khuynh, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Văn Chỉ do đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư. Phong trào Cách mạng nơi đây phát triển trở thành căn cứ của Đặc khu ủy Hậu Giang và của một số cơ quan tỉnh Cần Thơ, làm đầu mối qua lại sông Hậu giữa khu 8 và khu 9.

Ngay khi mới thành lập, Chi bộ Phong Hòa đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh trực diện với quân thù. Cuộc đấu tranh vào trung tuần tháng 3/1930, lực lượng trong xã phối hợp với 11 xã của quận Ô Môn, có khoảng 3000 người từ Phong Hòa kéo thẳng đến dinh Tỉnh trưởng ở Cần Thơ đưa yêu sách: “Hoãn đi xâu để gieo mạ làm mùa, hoãn thu thuế thân, thuế đuôi chuột…” đoàn biểu tình được đông đảo đồng bào Cần Thơ ủng hộ. Trước khí thế và sức mạnh của quần chúng bọn địch phải chấp nhận yêu sách của đoàn biểu tình và tên Thống đốc Nam kì phải hoãn việc bắt dân đi làm con lộ từ Bù Húc đến bắc Cần Thơ. Cuộc đấu tranh thằng lợi, phong trào quần chúng lên cao.

Ngày 29/5/1930, thi hành chỉ thị của Đặc khu ủy Cần Thơ, Chi bộ Phong Hòa tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi bỏ thuế thân, thuế hoa chi chợ, thuế bến đò, thuế công xi heo, giảm tô, giảm tức chia lại công điền, công thổ cho dân cày… khiến kẻ thù vô cùng hoảng sợ.

Trong hai cuộc kháng chiến chồng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, quân dân phong Hòa đã diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên địch, trong đó có nhiều lính Mỹ, diệt một xe tăng, thu hàng trăm súng các loại. Bên cạnh đó, Phong Hòa cũng chịu bao đau thương, mất mát, bao người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Ngày nay, trên bước đường xây dựng quê hương, đến thăm Phong Hòa chúng ta rất vui bởi sự đổi mới của vùng căn cứ Cách mạng năm xưa. Với những cách đồng màu mỡ, xanh tươi, những mái nhà rực hồng ngói mới, mái trường rộn tiếng ê a, những vườn cây quít hồng trĩu quả; thăm di tích lịch sử bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng – một trong những Chi bộ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động trước vùng đất và con người anh dũng trong kháng chiến, nhạy bén, thông minh, sáng tạo trong xây dựng đất nước hôm nay.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #14 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:29:26 AM »
CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP
 

Xã Hòa An (nay là phường Hoà Thuận,  thành phố Cao Lãnh) nằm ở ngoại ô, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 2km là vùng đất trù phú giàu truyền thống Cách mạng và lòng yêu nước. Nơi đây - tại vườn mù u, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập.

Để ghi nhớ công ơn những người đi trước và giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cho xây dựng bia Hòa An, với biểu tượng lá cờ Đảng được cách điệu như một đóa sen nở xòe và như một cuốn sách ghi lại những trang sử hào hùng của Đảng và nhân dân tỉnh nhà.

Công trình khánh thành nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1995). Là một trong những chiếc nôi đầu tiên của Cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hòa An rất xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân mà nhà nước ta đã phong tặng.



Từ đầu thế kỷ thứ XX, Hòa An đã có nhiều người sang Trung Quốc, Nhật tìm đường cứu nước. Đặc biệt đầu năm 1927, đồng chí Lưu Kim Phong sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện hoạt động Cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Khi về nước, cùng với các đồng chí do Kỳ bộ cử về, đã khẩn trương hoạt động truyền bá tư tưởng cứu quốc bằng con đường Cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo. Từ những hạt giống đỏ ấy, cuối năm 1928 tổ chức thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Hòa An được thành lập.

Phong trào Cách mạng ở Hòa An chuyển sang bước ngoặc mới, một số hội viên được kết nạp vào Đảng. Tháng 11/1929, tại vườn mù u của ấp Hòa Lợi, làng Hòa An, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập gọi là “Chi bộ Hòa An” hay “Chi bộ đặc biệt Cao Lãnh” gồm các đồng chí Phạm Hữu Lầu, Ba Mảng, Giáo Sa, Tư Ý, Tám Thiện….

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ Hòa An trở thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vừa ra đời, Chi bộ đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi. Sự kiện tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930, nhân dân ta kéo đến nhà tên cai tổng Cần đấu tranh đòi giảm tô, hoãn thuế…làm cho kẻ địch vô cùng hoảng sợ.

Ngày 03/5/1930, tổ chức cuộc đấu tranh trực diện với quận trưởng Cao Lãnh đòi đình thuế, giảm tô, bỏ phạt vạ vô lý …. Có hơn 4000 quần chúng tham gia, buộc địch phải chấp nhận yêu sách và hoãn thu thuế. Qua thử thách đấu tranh, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng lên cao.

Qua những thăng trầm, dù bị thực dân Pháp khủng bố, nhiều đồng chí và đồng bào bị bắt, tù đày; song Chi bộ Hòa An vẫn tồn tại và phát triển làm cơ sở cho việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời của tỉnh vào trung tuần tháng 3/1945, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo quần chúng giành chính quyền trong cao trào Cách mạng tháng tám năm 1945. Từ đó đến nay, Đảng bộ Tỉnh nhà đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, góp phần giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ Quốc và đang từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #13 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:13:37 AM »
CHIẾN THẮNG GIỒNG THỊ ĐAM - GÒ QUẢN CUNG
                                                           

Ngày 26 tháng 9 năm 1959, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân – tiền thân tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), lần đầu ra quân đã đánh thắng trận phục kích vận động trên đồng nước tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, bẻ gãy cuộc hành quân cấp Trung đoàn của địch, diệt và bắt sống hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung nằm phía hữu ngạn kinh Phú Hiệp, cách trung tâm huyện Tam Nông khoảng 12 km đường chim bay. Trong kháng chiến, ở Đồng Tháp vào mùa nước nổi, những giồng, gò là nơi phòng thủ, tiến công lợi hại của quân ta và cũng là điểm tập trung đánh phá của địch. Mùa nước năm 1959, địch điều hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 23 bộ binh và một giang lực gồm 01 tàu LCM, 02 tàu phom đến tỉnh Kiến Phong do tên Trung tá Trần Hoàng Quân chỉ huy mở cuộc hành quân lớn tìm diệt quân giải phóng ở Đồng Tháp Mười.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 1959, ta phát hiện địch hành quân bằng xuồng trên đường cộ (*) cặp theo Giồng Thị Đam. Chúng rất đông, quân ta chỉ 42 tay súng nhưng tinh thần quyết chiến cao, có tài đánh giặc trên đồng nước lại ở trong tư thế chủ động, bí mật. Đợi địch lọt sâu vào trận địa phục kích, ta bất thần nổ súng khiến chúng vô cùng bị động, lớp chết, lớp bị thương, xuồng chìm, quân lính chới với trên mặt nước, mất khả năng chống trả. Quân ta chống xuồng xuất kích thần tốc diệt thêm nhiều tên nữa. Địch rối loạn, khiếp sợ và đầu hàng quân giải phóng, ta bắt sống tù binh, thu dọn chiến trường và băng đồng về Gò Quản Cung (cách Giồng thị Đam 03 km) bổ sung vũ khí mới, chuẩn bị trận địa đánh địch đến ứng cứu. Đến 14 giờ, một tiểu đoàn khác của địch từ An Phong tiến về Gò Quản Cung để cứu viện. Chúng cảnh giác, đi thưa hơn, nhưng cũng sa vào trận địa phục kích của quân ta. Khi địch đến gần, ta nổ súng áp đảo, sau 10 phút tiêu diệt tốp đầu và tốp giữa, bọn đi sau hoang mang tháo chạy.

Trong hai trận thắng liên tiếp tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, ta tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên (có 105 tên bị bắt), trong đó có tên Tiểu đoàn phó, thu hàng trăm súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Bọn tù binh được ta giáo dục, băng bó, chăm sóc những tên bị thương, giao trả lại tất cả tư trang, cấp xuồng và thả tất cả bọn chúng về quận lỵ Hồng Ngự.

Như tiếng sấm đầu mùa, trận đánh Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung chẳng những có ý nghĩa rất quan trọng về mặt quân sự, vì đây là trận mở màn và tập dượt, chuẩn bị cho cuộc đồng khởi của quân dân niềm Nam năm 1960; mà còn có ý nghĩa rất lớn, là bài học kinh nghiệm quí của ta trong việc phối hợp 03 mũi giáp công: “chính trị-binh vận-quân sự”. Vì sau trận đánh này, do sự chính nghĩa, nhân đạo và tuyên truyền khéo léo của ta, hàng trăm binh sĩ được thả đã tuyên truyền trong hàng ngũ của chúng những sự thật “mắt thấy, tai nghe”, làm cho bọn binh lính địch rất hoang mang, dao động và nhiều tên đào rã ngũ.

Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ngày nay là cánh đồng mênh mông biển lúa thuộc nông trường Giồng Găng. Tỉnh đã xây dựng nơi đây cụm tượng đài chiến thắng ghi dấu trận thắng oai hùng năm xưa và để giáo dục truyền thống truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #12 vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:55:11 PM »
BIA TƯỞNG NIỆM BÁC TÔN ĐỨC THẮNG

Bên bờ rạch Đất Sét thuộc địa phận ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò có một tượng đài cao trên 5 mét mang dáng dấp của một cánh sen cách điệu, đây chính là đài tưởng niệm Bác Tôn Đức Thắng.

Bác Tôn Đức Thắng nguyên là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, Bác là Bí thư Xứ ủy, ủy viên quân sự Nam bộ.

Đầu tháng 10/1945, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ An Hưng B vinh dự được đón Bác Tôn cùng Ủy ban hành chánh Nam bộ về quê hượng họp bàn việc chống Pháp tái chiếm Nam bộ. Cuối tháng mười năm ấy, Bác Tôn cùng với đồng chí Lê Duẫn tổ chức cuộc họp tại Mỹ An Hưng để thuyết phục những người lãnh đạo Đệ tam sư đoàn.

Cuối năm 1945 trong chuyến công tác ở miền Tây, Bác đã ghé thăm Chi bộ và nhân dân Mỹ An Hưng. Tình cảm cách mạng trong sáng, ấm áp của Bác là nguồn cổ vũ to lớn giúp Đảng bộ và nhân dân Mỹ An Hưng vững bước tiến lên từ những ngày đầu kháng chiến tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc kiến quốc hôm nay.

Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác (20/8/1888 – 20/8/1988) với tình cảm quý trọng thiêng liêng, Đảng bộ - nhân dân địa phương đã dựng đài tưởng niệm nơi Bác đã nhiều lần đến làm việc trong những ngày đầu kháng Pháp, nhằm giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau để Mỹ An Hưng B luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lưc lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước ta đã tuyên dương.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #11 vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:50:10 PM »
BIA TIỀN HIỀN LÀNG MỸ TRÀ

Bên dốc cầu Đình Trung thuộc làng Mỹ Trà (nay là Phường 2, thành phố Cao Lãnh) về phía phải có tấm bia đá lộ thiên cao 1,65m, ngang 1,10m, dầy 0,53m dựa theo nội dung khắc bằng chữ Hán thì đây chính là bia của Tiền Hiền, làng Mỹ Trà.

Nguyễn Tú quê ở Qui Nhơn (Bình Định) đến Cao Lãnh lập nghiệp rất sớm. Lúc bấy giờ đất Nam Kỳ còn chưa phân định hành chánh rõ ràng, từ sông Đồng Nai đến sông Cửu Long tạm chia làm 09 khố trường để trông coi việc thu thuế là: Hoàng lập, Tam Lịch, Qui Hóa, Qui An, Thiên Mụ, Cảnh Dương, Tân Thạnh, Quản Thảo và Bả Canh.

Nguyễn Tú có công trong việc khai hoang lập ấp tạo dựng nên hai thôn Mỹ Trà và An Bình trên địa bàn khố trường Bả Canh. Lúc mất, ông bà Nguyễn Tú không có người thừa tự nhưng được dân làng an táng tử tế bên bờ sông Cái Sao Thượng. Đến năm 1876, nhân khi làm đường nối liền chợ Mỹ Trà và thôn An Bình, hai ngôi mộ này được phát hiện nằm ngay trên tuyến phóng. Nhà chức trách tìm thân nhân để lo việc di dời, mới biết được lai lịch và công đức của Nguyễn Tú đối với địa phương nên cho sửa sang lại hai ngôi mộ và dựng bia để lưu niệm cho người đời sau. Nội dung bia do cử nhân Nguyễn Giảng Tiên và giáo thọ Nguyễn Bỉnh Khuê soạn thảo.

Nhờ có bia này chẳng những người ta có thể phỏng đoán được địa bàn của khố trường Bả canh là ở khu vực Cao Lãnh. Hay rộng hơn là cả Đồng Tháp Mười, mà còn giúp ta xác định được vùng đất thành phố Cao Lãnh là một trong những nơi được khai thác sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (thôn Mỹ Trà vào năm 1808 dưới triều Gia Long đã là huyện lỵ của huyện Kiến Đăng thuộc trấn Định Tường).

Bia Tiền Hiền làng Mỹ Trà là một di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa. Sắp tới ngành Văn hóa Thông tin sẽ trùng tu, tôn tạo để phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau và là nơi cho khách du lịch, tham quan tìm hiểu văn hóa ở thành phố Cao Lãnh.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích - Đồng Tháp
« Trả lời #10 vào: Tháng Tám 02, 2008, 08:45:04 PM »
Cụm di tích lịch sử tại Bảo tàng Đồng Tháp

Bảo tàng Đồng Tháp nằm trên địa bàn phường 4, thành phố Cao Lãnh, trong khuôn viên 10.000m2, mặt tiền hướng ra bờ sông Cao Lãnh, yên tĩnh và thơ mộng. Nơi đây mỗi ngôi nhà, mỗi thước đất, mỗi hàng cây đều mang dấu tích lịch sử cách mạng trong hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đồng Tháp.

Đến tham quan Bảo tàng Đồng Tháp du khách nhìn thấy những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp, đây là cơ quan đầu não của kẻ thù như: quận đường Cao Lãnh, sau đó là trụ sở ngụy quân tỉnh Kiến Phong (dinh cò, dinh quận, trại lính, trại giam)v.v.

Theo dòng lịch sử, Quận Cao Lãnh thành lập năm 1914, tuy là vùng hẻo lánh nhưng nó là cửa ngõ ra, vào vùng Đồng Tháp Mười - căn cứ kháng chiến của nghĩa quân. Quận Cao Lãnh được giới quan chức người Pháp đánh giá là vùng đất có vị trí địa lý hành chánh phục vụ cho chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế quan trọng ở Nam Kỳ.

Năm 1926 để bành trướng quận lỵ Cao Lãnh, Pháp cho xây dựng ở làng Hòa An, tổng An Tịnh một nha quận đồ sộ, có một lầu (dinh quận). Năm 1956, Mỹ Diệm thành lập tỉnh Kiến Phong, nha quận trở thành trụ sở ngụy quyền tỉnh. Năm 1963 sau khi xây dựng tòa hành chánh, nơi đây giao lại cho lực lượng quân đội quản lý. Cách nha quận khoảng 40 m về hướng Nam là dinh cò Tây. Đây là nơi ở và làm việc của tên cò Cazénova phụ trách cảnh sát và bảo an.

Từ năm 1955 đến năm 1975 ngôi nhà này là nơi ở, làm việc của Chánh án Tòa án tỉnh Kiến Phong của bọn ngụy. Xây dựng sau dinh quận, dinh cò là nhà địa chủ Lư. Tháng 02 năm 1946 Pháp tấn công và tái chiếm Cao Lãnh, lực lượng Hòa Hảo của đại đội Phùng chiếm ngôi nhà này làm trụ sở. Đây là bọn khét tiếng tàn ác, chuyên săn lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng và gây nhiều nợ máu đối với nhân dân. Từ năm 1955 đến năm 1975 ngôi nhà này là trụ sở của Ty công chánh ngụy.

Tại cụm di tích này, trong kháng chiến chống Pháp vào ngày 3/5/1930 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Cao Lãnh, nhân dân ta đã tổ chức cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quân thù. Lực lượng của ta có trên 4.000 người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi với cờ xí, biểu ngữ, băng rol…đã rầm rập kéo ra lộ xe, qua trụ sở Tề xã Hòa An, thẳng đến dinh quận hô vang khẩu hiệu: “hoãn thuế thân 02 tháng”, “thả những người thiến thuế thân”, “thả những người không đi xâu bị bắt”, “bỏ phạt vạ vô cớ”….Trước khí thế hừng hực, hùng mạnh của đoàn biểu tình, tên cò Cazénova cùng quân lính, tuy bên ngoài hò hét thị oai nhưng lại thụt lùi trước làn sóng mạnh mẽ của đoàn biểu tình đang tiến lên, đẩy chúng vào thế hoàn toàn bị động và hoảng loạn. Tên quận trưởng Lê Quang Tường đã ra trước trụ sở ký chấp nhận các yêu sách của đồng bào. Đến 14h00 cùng ngày, tênCognac thống đốc Nam Kỳ và tên LaLouette tỉnh trưởng SaĐéc cùng bọn lính trang bị tận răng đến được Cao Lãnh để chi viện, thì đoàn biểu tình đã giải tán trước đó. Trước yêu sách hợp tình, hợp lý của đồng bào, để mỵ dân tên Cognac đã ký sắc lệnh đình thuế thân 02 tháng cho toàn Nam Kỳ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng tại đây, vào ngày 5/3/1961 Đảng ta đã tổ chức cuộc đấu tranh chính trị lớn. Nhân dân các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Mỹ An kéo về tỉnh lỵ đủ mọi thành phần, mọi phương tiện đưa yêu sách đòi chấm dứt bắn pháo, khủng bố, càn quét để nhân dân yên ổn làm ăn, đòi dân sinh, dân chủ …. Lực lượng từ ngoài kéo vào, quần chúng ở nội ô hưởng ứng tiếp tế cơm nước và phát hiện, chỉ mặt bọn ác ôn để mọi người đề phòng.

Quần chúng ngày càng đông, lên đến cả chục ngàn người, khí thế rất cao. Trước tình hình đó, địch hoảng sợ và thẳng tay đàn áp, nhưng đoàn biểu tình vẫn kiên cường đấu tranh, xông tới. Anh Mai Văn Dừa bị bắn đổ ruột nhưng không để băng bó, tự bứt ruột mình ném vào mặt kẻ thù, Bà Bướm ở xã Long Hiệp bị bắn bể hàm nhưng vẫn vẫy tay cho đoàn biểu tình tiến lên. Không khí cuộc đấu tranh căng thẳng, người trước ngã, người sau xốc tới đã làm cho kẻ địch hoảng sợ. Cuối cùng cuộc đấu tranh giành thắng lợi, buộc tên tỉnh trưởng Đinh Văn Phát chấp nhận yêu sách và thả những người bị bắt.



Với bề dầy lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng tại nơi này, năm 1978 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng cơ quan Bảo tồn Bảo tàng tỉnh nhằm làm cho cụm di tích này trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
3960 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 27, 2008, 09:41:08 PM
Gửi bởi hikaruanh
4 Trả lời
4501 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 28, 2008, 12:05:49 PM
Gửi bởi tey
0 Trả lời
1892 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 05, 2008, 01:57:59 PM
Gửi bởi vivian
0 Trả lời
3473 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 19, 2011, 10:44:31 AM
Gửi bởi vivian
0 Trả lời
1953 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 03, 2012, 09:02:40 AM
Gửi bởi vivian

Sapa - chợ Bắc Hà 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
710,000
Đặt ngay
ĐÀ NẴNG- HỘI AN - HUẾ - ĐỘNG PHONG NHA
Tour: Ghép đoàn
4 ngày 3 đêm
4,629,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày Cù lao Chàm
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
720,000
Đặt ngay
Đồng Tháp - Châu Đốc 2 ngày 1 đêm
Tour: Ghép đoàn
2 ngày 1 đêm
2,268,000
Đặt ngay
Tour Hòn Khô – Eo Gió 1 ngày - QN7
Tour: Thám hiểm
1 ngày 0 đêm
750,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View