Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Về thăm thành phố bên sông Bến Tre  (Đã xem 4953 lần)

Đã thoát ra ttxtdlbentre

  • Lữ hành cấp 1
  • *
  • Bài viết: 84
Về thăm thành phố bên sông Bến Tre
« vào: Tháng Bảy 23, 2012, 04:27:09 PM »
Thành phố Bến Tre ngày nay, là thị xã Bến Tre trước đây, là vị trí trung tâm của tỉnh, nằm bên bờ sông cùng tên “Bến Tre”. Từ xưa, hệ thống giao thông thủy, bộ nơi đây đã thuận lợi. Về đường thủy từ thành phố Bến Tre tàu thuyền có thể đi thẳng một mạch đến thành phố Hồ Chí Minh, sang thành phố Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc đến các trung tâm kinh tế khác ở đồng bằng Nam Bộ, và có thể ngược dòng sông Cửu Long đến tận Phnôm Pênh, thủ đô của nước Campuchia. Đến trung tâm thành phố Bến Tre, du khách sẽ cảm nhận những nét đẹp hữu tình của một thành phố tỉnh lẻ nằm bên dòng sông thơ mộng.

Điểm dừng chân đầu tiên tham quan là: Công viên tượng đài Đồng Khởi, nằm trên đại lộ Đồng Khởi (đoạn Phường 4), được khánh thành vào ngày 17/01/1995, là một trong những tượng đài tiêu biểu, mang ý nghĩa lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân xứ dừa. Ngay chính giữa tượng đài là hình ảnh một tàu lá dừa vươn cao, bị bom đạn bắn rách tả tơi, nhưng vẫn vươn lên thẳng tắp. Phía trước là hình ảnh người phụ nữ tóc dài, áo bà ba giơ cao ngọn lửa, là biểu trưng tinh hoa kháng chiến Bến Tre. Bên cạnh là tượng những thế hệ người dân tham gia chiến đấu, bất kể là già trẻ, gái trai đều ôm trong tay vũ khí và xác người đồng đội đã hy sinh tiến thắng về phía trước. Phía sau là bức phù điêu về đội quân tóc dài huyền thoại, xuất hiện từ cao trào Đồng Khởi và có thể xem là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Tham quan tượng đài Trần Văn Ơn nằm ở phía Tây hồ Trúc Giang, tượng làm bằng đồng, cao 03m. Anh Trần Văn Ơn quê xã Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre, tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên trong những năm 1950 và hy sinh ngày 09/01/1950 tại Sài Gòn. Ngày anh hy sinh được chọn là ngày “Học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Cạnh công viên tượng đài Trần Văn Ơn là hồ Trúc Giang rộng chừng 02ha, nước trong xanh biếc. Lý giải về hồ Trúc Giang, theo người xưa kể lại: vào thời Pháp thuộc nơi đây được đào lên để lấp cho cả vùng đất Phường 3. Kể từ đó mà hình thành nên cái hồ nằm giữa trung tâm tỉnh lỵ Trúc Giang trước kia. Theo dân gian hồ Trúc Giang còn có tên hồ “Chung Thủy”. Dạo cảnh quanh bờ hồ du khách sẽ ấn tượng, thích thú cảnh đẹp nơi đây, hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên những hàng cây soi bóng bên hồ; những ngày hè, hoa phượng vĩ nở đỏ rực ven hồ trông rất trữ tình lãng mạn, nên thơ, rồi du khách sẽ cảm nhận sự thanh bình của thành phố xứ dừa, một thành phố trẻ đầy thơ mộng.

Xung quanh hồ hiện nay vẫn còn tồn tại những hàng me tây, hàng phượng vĩ cổ thụ và một ngôi trường nổi tiếng có từ khá lâu đời, mà trước năm 1975 có tên gọi: Trường Trung học Kiến Hòa, rồi đổi thành Lạc Long Quân. Sau năm 1975 đổi thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trường THPT chuyên Bến Tre. Hồ Trúc Giang đã hai lần được cải tạo, nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp vốn có tự nhiên. Nó vẫn đẹp, vẫn quyến rủ như ngày nào. Người dân xứ dừa quê tôi dù đi đâu, ở đâu, xa quê hương bao lâu, vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua làm mặt nước hồ lay động nhè nhẹ, yên ả, nên thơ, xao động lòng người.... Những người con về thăm lại quê hương, không ai quên dạo lại quanh hồ, hình như ai cũng mơ về dĩ vãng, muốn mình nhỏ đi như thuở cặp sách, trốn học, nhảy tắm dưới hồ ...

Tham quan Bảo Tàng Bến Tre tại số 146, đường Hùng Vương, phường 3. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm. Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre. Bảo Tàng có khuôn viên rộng, xung quanh có những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa kiểng quý giá, được bày trí rất đẹp. Tại ngôi nhà Bảo Tàng này từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân dân Bến Tre. Đặc biệt, đây còn là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo với cương vị Đại tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa giai đoạn 1960 – 1962. Toàn bộ các phòng và hành lang của ngôi nhà đều được sử dụng để trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; trưng bày Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi, được phát hiện ở ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre được khai quật vào các năm 2004, 2005, 2006.

Ngoài những phòng trưng bày trong nhà, Bảo Tàng Bến Tre còn có khu trưng bày ngoài trời khá rộng và nhà trưng bày thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội -  an ninh quốc phòng tỉnh Bến Tre. Có thể nói Bảo Tàng nằm ở vị trí thuận lợi về mọi mặt, khuôn viên và quan cảnh xung quanh rất đẹp, là điểm hẹn của nhân dân, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về xứ dừa. Bảo tàng vẫn ngày ngày mở cửa đón khách tham quan để quảng bá và giáo dục truyền thống, lịch sử vùng đất Bến Tre.

Cách Bảo Tàng Bến Tre vài trăm thước là Tượng đài Chiến thắng trên sông, được xây dựng tại công viên Hùng Vương, nối dài từ cầu Cái Cá đến cầu Kiến Vàng (thuộc địa phận Phường 5) và đối diện với Khách sạn Hàm Luông. Tượng đài xây dựng nhằm ghi dấu, tưởng niệm những chiến công hiển hách, thần kỳ của những anh hùng đội đặc công thủy Bến Tre năm xưa, đã hy sinh anh dũng góp phần giải phóng thị xã Bến Tre, giải phóng đất nước, mà tiêu biểu trong đó là anh hùng Hoàng Lam. Vì thế, mà nơi đây còn gọi là Công viên Hoàng Lam hay tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”.

Cầu Bến Tre 1
Hai cây cầu đẹp Bến Tre 1 và 2, đều nằm trên đường Hùng Vương. Về đêm du khách có thể thư giãn với thú vui câu cá trên sông Bến Tre. Hay từ đỉnh cầu nhìn sang phía 2 bờ sông ngắm nhìn một góc thành phố xứ dừa về đêm, với những ánh đèn từ đường phố, từ những ngôi nhà nằm hai bên bờ sông, xa xa lấp lánh ánh đèn của tàu, thuyền neo đậu, xuôi ngược trên sông…. Thỉnh thoảng làn gió nhè nhẹ thoảng qua, làm mặt nước sông lay động, tạo nên những đợt sóng lăng tăng, nhấp nhô, lách tách vỗ nhẹ vào đôi bờ; ven bờ hàng bần cũng đung đưa như vẫy tay mến chào quí khách…. Tất cả những hình ảnh đáng yêu ấy đan xen, hòa quyện vào nhau, tạo nên những hình ảnh đẹp làm xao động lòng người, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp huyền ảo, hữu tình, để rồi nhớ mãi đến sông nước xứ dừa Bến Tre, du khách sẽ trở lại lần nữa với bạn bè thân hữu.

Qua cầu Bến Tre 1 và 2, hay tại trung tâm thành phố Bến Tre du khách có thể liên hệ với các đơn vị lữ hành như: Du lịch Hàm Luông, Nam Bộ, Bảo Duyên, cổ phần du lịch Bến Tre…, lựa chọn tour du thuyền, xuồng chèo hay xe đạp, xe gắn máy, xe lôi máy…, đến các điểm du lịch sinh thái - miệt vườn hấp dẫn tại xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh…; tham quan công đoạn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…; thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt của vùng sông nước miệt vườn Bến Tre. Nổi tiếng và ngon nhất là “bưởi da xanh” trồng trên đất Mỹ Thạnh An hay các món ăn dân dã, bình dị sẽ làm du khách hài lòng.

Tại trung tâm thành phố du khách có thể thả bộ ngắm cảnh trên con đường Hùng Vương nằm bên bờ sông Bến Tre kéo dài từ Phường 1, 2, 3, 5, 7 đến tận Bến phà Hàm Luông cũ. Đây là một trong những con đường đẹp, có hàng cây xanh bóng mát thẳng tắp, nhiều du khách đến đây cứ trầm trồ mãi. Hai bên bờ sông được làm bờ kè, hình thành nên công viên có tên gọi như tên con đường. Dạo cảnh vào buổi sáng, chiều hay về đêm trên công viên Hùng Vương, hít thở không khí trong lành, thoải mái, ấm áp, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn được cái đẹp bình dị, yên ả, nên thơ, thú vị bên dòng sông xứ dừa.

Về tín ngưỡng dân gian và tôn giáo: tham quan đình An Hội dối diện với Trung tâm Thương mại của tỉnh. Theo lịch sử, đình An Hội có từ năm 1845. Hàng năm đình An Hội đều tổ chức Giổ hội Hùng Vương (mùng 10/3), lễ hội Kỳ yên, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và các nghi thức cúng dân gian khác của đình…. Tại thành phố Bến Tre còn hiện hữu đa dạng lối kiến trúc của các tôn giáo  như: Chùa Viên Minh - tọa lạc tại (Phường 2), Chùa Viên Giác (Phường 5), Nhà thờ Bến Tre (Phường 3), Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương (Phường 6)…. Thú vị nhất là du khách còn được ngắm nhìn cây bạch mai trên 300 tuổi ở đình làng Phú Tự, xã Phú Hưng, cách thành phố Bến Tre 3 km. Đình Phú Tự đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Đến nay cũng không ai biết được chính xác về thời gian xây dựng đình, chỉ biết đình được xây dựng trước khi xảy ra cơn bão năm Giáp Thìn 1904. Hàng năm, vào giữa tiết lập xuân và tiết thanh minh (từ rằm tháng giêng đến rằm tháng hai âm lịch), cây bạch mai ở đình Phú Tự lại nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát. Đặc biệt, mai chỉ nở về đêm. Cây bạch mai cổ thụ này, là một trong ba cây bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, còn được mệnh danh là “cổ thụ mai, thần mai, danh mộc bạch mai”. Cây bạch mai đã sinh sôi, nảy nở, mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân cây lớn nhỏ, cao 5 - 6m, trong đó có 16 thân cây lớn, đường kính từ 20 - 30cm. Các nhánh mai lớn đều vươn mình ra, trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài  từ 7 - 8m, tỏa thành một tán rộng. Nơi đây là tụ điểm sinh hoạt giao lưu văn hóa của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.

Đến xứ dừa Bến Tre từ vòng xoay Tân Thành (trước đây là ngã ba Tân Thành), du khách sẽ bắt gặp đường tránh Quốc lộ 60, đây là con đường khá qui mô, sang trọng. Con đường này có những lối rẽ tắt vào nội ô thành phố; dẫn đến cầu Hàm Luông về huyện Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú – Chợ Lách. Hay đi thẳng qua cầu Bến Tre 2 về huyện Giồng Trôm - Ba Tri. Cũng từ vòng xoay Tân Thành đi thẳng là Đại lộ Đồng Khởi, là con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố Bến Tre được cải tạo mở rộng, bố trí trồng cây xanh, trang trí cây cảnh – hoa kiểng rất đẹp.

Về đêm tại trung tâm thành phố Bến Tre du khách có thể mua sắm tại Chợ đêm nằm bên bờ sông Bến Tre thuộc Phường 2. Hay thưởng thức đặc sản chè nước cốt dừa, sinh tố dừa, cà phê sân vườn, phố cà phê…. Khám phá các món ăn đặc sản, dân dã, đồng quê tại các điểm ẩm thực hai bên đường tránh quốc lộ 60. Và du khách sẽ chiêm ngưỡng cảnh đẹp về đêm ở con đường này; mua quà lưu niệm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đặc sản kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…, tại các cơ sở và đại lý nằm trên Đại lộ Đồng Khởi.

Về thăm lại thành phố Bến Tre, sẽ thấy có nhiều thay đổi trong phát triển đầu tư xây dựng và kiến thiết. Các lối kiến trúc trong xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình, phố xá, nhà cửa…, đã góp phần đưa thành phố Bến Tre hoàn thiện dần thành phố “xanh – sạch – đẹp – thân thiện với môi trường”. Đến đây du khách sẽ bắt gặp những người dân đôn hậu, chân thành, thân thiện, hiếu khách và giàu lòng nhân ái, biết trân trọng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của đất nước, để xây dựng quê hương xứ dừa ngày giàu đẹp – thân thiện hơn.
TTXTDL Bến Tre
 


Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
5938 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Hai 16, 2016, 03:45:10 PM
Gửi bởi mienphusa
0 Trả lời
4544 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Hai 20, 2016, 10:39:31 AM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
1268 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 27, 2018, 10:02:49 AM
Gửi bởi Congtrinh Nguyen
0 Trả lời
2737 Lượt xem
Bài mới Tháng Năm 02, 2018, 12:06:59 PM
Gửi bởi booktrip
0 Trả lời
2474 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Hai 26, 2023, 03:00:05 PM
Gửi bởi visavietnam.net.vn

Cái Bè – Cù lao Tân Phong 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,380,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Tiền Giang - Bến Tre
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
595,000
Đặt ngay
Suối khoáng nóng núi Thần Tài
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
850,000
Đặt ngay
Ngũ Hành Sơn - Hội An
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
460,000
Đặt ngay
Vinpearl Nam Hội An - khởi hành từ Đà Nẵng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,100,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View