Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Sống sót ở Fansipan  (Đã xem 3427 lần)

Đã thoát ra pvuluan

  • Xa mẹ lần đầu
  • Bài viết: 2
Re: Sống sót ở Fansipan
« Trả lời #2 vào: Tháng Mười 02, 2013, 01:54:50 PM »
rat tuyet
 

Đã thoát ra bullbow

  • Lữ khách
  • Lữ hành cấp 2
  • *
  • Bài viết: 231
Sống sót ở Fansipan
« vào: Tháng Mười 02, 2013, 09:38:20 AM »
Nhân sự kiện gần đây có vụ một thanh niên bị mất tích trên Fansipan. Tôi rung mình nhớ lại chuyến đi Fansipang của mình. Một phút bốc đồng, tôi quảy ba lô lên đường chinh phục “nóc nhà Đông Dương” với nhóm bạn đại học. Thế mà cuối cùng, tôi lại một mình lang thang khắp rừng và sườn núi cùng những người xa lạ, trải nghiệm hết cảm giác từ việc bị bỏ lại sau cùng, đứng bên bờ vực và sống sót trong gang tấc.

    1. 10 phút khủng khiếp nhất trong đời

Tính cách của tôi là sợ những gì phức tạp. Do đó, tôi luôn nghĩ một vấn đề theo hướng đơn giản nhất có thể. Và tôi cũng áp dụng suy nghĩ đó cho hành trình leo Fansipan này.

Tôi rất tự tin rằng “không có việc gì khó” vì:

 Trong tờ hướng dẫn từ công ty du lịch, họ đã viết “Thật ra leo Fan không quá khó. Ai cũng leo được! Chỉ cần tập luyện thể lực bằng cách leo cầu thang mỗi ngày.”

 Nếu không đi nổi, leo nổi nữa thì…bò, lếch, có hàng trăm đường lên La Mã.

 Nhóm tôi có đến năm đứa con trai, học sinh giỏi môn thể dục từ năm cấp 2. Cỡ nào mà tụi nó không kéo mình lên.

 Chúng tôi đã chuẩn bị kĩ cho chuyến đi, bằng việc thuê ba porter (người khuân vác) để mang đồ dùng cá nhân và thức ăn lên, hướng dẫn viên ở Sapa và một bác sĩ đi theo đoàn.


Từ chân Trạm Tôn

Không may là chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai trễ mất 3 giờ so với dự tính nên chúng tôi bắt đầu hành trình từ Trạm Tôn vào lúc 11h30, khi cái mệt đã bắt đầu thấm vào cơ thể. Hướng dẫn viên để chúng tôi đi trước. Anh và bác sĩ sẽ đi sau cùng để kéo những người yếu hơn lên.

Chỉ mới leo được một đoạn mà tôi đã thở hồng hộc và mặt đỏ rần. Lúc này tôi mới hiểu được rằng việc bạn có thể đi bộ được mười tầng lầu chung cư chẳng liên quan gì đến sức bền, điều cần thiết nhất khi leo núi. Do đó, khi đến một con dốc khá cao, tôi không thể cố gắng được nữa và đứng thở. Rất may lúc đó các đấng nam nhi đã giúp đỡ kéo tôi lên đường bằng an toàn. Cả bọn ngồi uống nước, ăn quýt và tám vui vẻ. T., một anh bạn khá thân với tôi trong lớp bảo rằng: “Qua con suối phía trước rồi mày tự đi nhé. Tao đi trước đây!” Tôi cứ nghĩ hắn đùa, vì cả bọn đã nhất trí rằng sẽ “vai kề vai, chân kề chân” đúng với tinh thần teambuilding.

Nhưng thật buồn là hắn nói thật.





Sau đoạn này, chúng tôi phải băng qua một con suối. Trên con suối có những tảng đá nhỏ và trơn nên tôi chọn cách đi nép vào bờ hai bên. Mải nhìn xuống đất để tránh nước, tránh trơn trượt mà tôi không để ý rằng tiếng bước chân ngày càng xa dần xa dần. Đến khi ngẩng lên thì xung quanh chẳng còn bóng người nào. Lúc đó, lần đầu tiên trong đời tôi mới có cảm giác sợ hãi thật sự. Tôi lấy sức hét lên với hy vọng rằng sẽ có ai nghe thấy nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đến đáng sợ. Lúc ấy là giữa trưa, trời nắng rất đẹp nhưng tôi luôn có cảm giác rờn rợn. Tôi ngồi bệt xuống bên vách đá, cầm điện thoại gọi liên tục nhưng chẳng ai chịu bắt máy, kể cả hướng dẫn viên. Thề rằng trong hoàn cảnh đó tâm trí tôi đã tưởng tượng ra 1001 tình huống tiêu cực, rằng rắn rết, hổ dữ từ đâu đó sẽ vồ ra và tôi phải chạy bán sống bán chết (theo như lời hướng dẫn viên kể cho chúng tôi, độ chính xác thì miễn bình luận) hay một số tên trộm cướp, lâm tặc nào đó tấn công tôi và trấn lột hết đồ đạc…10 phút khủng khiếp nhất trong đời tôi đã trôi qua như thế!



    2.  Bạn đường xa lạ

Tuy nhiên, quyết định sáng suốt nhất và giúp tôi sống sót suốt cả chuyến đi là đứng tại chỗ mà tự kỉ chứ không tự ý đi tiếp. Dù hướng dẫn viên bảo rằng chỉ có một con đường mòn để đi nhưng tôi luôn đề phòng khả năng bị lạc. Không ai có thể nói trước được điều gì. Đến khi nghe tiếng bước chân, tiếng cười nói và những chiếc áo xanh xanh lấp ló từ đằng xa, tôi đã mừng đến rớt nước mắt. Tôi lập tức đứng lên, đợi họ đi đến và bám theo cùng. Tôi lấy hết can đảm trình bày hết mọi chuyện với người (có vẻ) rằng nhiều tuổi nhất và mong được giúp đỡ. Thật may mắn vì chính họ cũng…bị bỏ lại bởi phân nửa kia của đoàn. Nhóm này gồm sáu sinh viên và hai giảng viên trẻ. Gặp người đồng cảnh ngộ nên chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Một thầy trong đoàn đã đi leo Fan ba lần, thể lực tốt, am hiểu đường đi nên luôn đi sau để kèm cặp các bạn yếu hơn. Thấy họ mà tôi bỗng buồn khó tả.

Thế là chúng tôi thành những người bạn đường!



Thể lực tôi vẫn không tiến triển lên tí nào, vẫn khó thở khi leo lên các con dốc cao, nhưng mọi người đều tốt bụng nắm lấy tay tôi để tôi có đà bước lên. Nhờ vậy mà tôi vượt qua được hết những con dốc ấy, dù khác chật vật. Tôi chia họ chocolate, nước uống và quýt như lời cảm ơn. Chúng tôi vừa đi vừa tám chuyện, chụp hình và…hát, thế nên ít nhất là những ý nghĩ tiêu cực đã không còn.





    3. Bị bỏ lại lần hai

Tôi gặp lại lớp mình ở trạm dừng 2200m vào lúc ăn trưa. Cả bọn chỉ nhai nuốt xôi thật nhanh, chăm chú nghe hướng dẫn viên hướng dẫn về chặng đường phía trước. Chẳng ai hỏi thăm nhau, và tôi cũng chẳng kịp kể tình hình của mình. Sau khi tôi và Yến, cô bạn thân trong lớp đi vệ sinh ra thì lại tiếp tục…bị bỏ rơi lần hai. Rất may là lần này còn có anh hướng dẫn viên. Rồi Yến cũng vượt lên trước và sau cùng chỉ còn lại tôi với anh.



Đường càng lên cao càng hiểm trở và dốc, nhất là khi ra khỏi rừng, phải đi dọc sườn núi với những bậc thang đá cao ngất. Và chuyện tôi lo sợ đã tới, hai đầu gối tôi đông cứng. Nước của tôi và anh hướng dẫn viên cũng cạn sạch mà cổ họng tôi thì khát khô cả lên. Bác sĩ đã đi trước cùng đám bạn tôi nên chẳng có miếng dán giảm đau nào cả. Bi kịch là lúc này sóng điện thoại đã mất nên chúng tôi chẳng thê liên lạc được với anh bác sĩ. Anh chỉ biết động viên và tiếp tục kéo tôi đi lên những con dốc. Tôi bước đi chầm chậm, vừa sợ rằng sẽ sụm chân, trặc chân và phải xuống núi hoặc kiệt sức vì mất nước. Rồi tôi sẽ không thể lên trạm dừng đúng giờ và phải lang thang trong rừng tối đen chỉ với một cây đèn pin.





Vì đường trên núi nhiều lúc cũng gập ghềnh và sỏi đá nên tôi té cũng không ít lần. Nhớ lại lúc sáng, tôi đề nghị anh dừng chân một lúc để chờ sự giúp đỡ, chứ nếu tiếp tục tình trạng này thì ác mộng của tôi sẽ thành sự thật mất. Và quả thật là có một đoàn porter đi ngang qua. Tôi mừng rỡ đề nghị họ bán cho tôi nước và cao dán nếu có, hoặc hướng dẫn cho tôi cách giảm đau. Không ngờ rằng họ tốt bụng đến thế, tặng tôi liền…ba chai nước và bắt tôi đi thẳng lưng, duỗi thẳng chân để cơ không bị co rút. Tôi tiếp tục hành trình của mình với cái chân đã bị bạo hành liên tục nhiều giờ liền. Anh hướng dẫn viên đã nghĩ ra cách tăng sức mạnh tinh thần cho tôi bằng việc kể tên các loài…rắn thường xuất hiện lúc tối trời ở đây!





    4. Bạn đã bao giờ cảm thấy cô đơn ngay khi bạn bè vây quanh?

Cuối cùng, tôi cũng đã đến được trạm dừng chân ở độ cao 2800m vào lúc 6h15 phút.



Vừa thò đầu vào lều, Thanh ngẩng lên thấy tôi và reo lên:

“Ê con Lin tới rồi kìa tụi bây! Haha đúng là kì tích. Tao còn tưởng anh hướng dẫn viên dẫn mày xuống Sapa luôn rồi chứ!”

Cô bạn tên Yến, người mà trước khi đi chúng tôi luôn lo lắng rằng chắc chẳng chịu nổi 500m đầu tiên thì lăn ra cười:

“Trời ơi nó đâu “bánh bèo” vậy! Mình thuê hướng dẫn viên là để kéo bọn con gái lên mà!”

Không ai hỏi thăm tôi về hành trình không-có-họ và cũng chẳng để ý rằng tôi đang run run vì lạnh. Chỉ mình tôi mới nhận thức được rằng mình cần kiếm một túi ngủ, một khoảng trống để nằm nghỉ. Chỉ còn một chỗ trống ở gần rìa bên ngoài. Vì thế mà tôi chẳng thể nào hòa cùng những câu chuyện đường đi của cả lớp. Tôi thở dài, bỗng dưng lại đi nhắn tin cho Thanh.

“Sao mày bỏ tao lại một mình hả thằng quỷ?????” – Hình như hắn không nhận ra rằng tôi không hề đùa nên ngồi bật dậy và nói rõ to:

“Ê đang nằm gần xịt nhau mà nhắn tin chi hả Lin? Thì chẳng phải hướng dẫn viên đã bảo ai khỏe thì đi trước, ai yếu đi sau để không làm phiền người khỏe. Anh ấy sẽ đi sau cùng để kéo những người yếu lên rồi còn gì. Ủa chứ mày không đi với hướng dẫn viên à?”

“Những đoàn khác họ cũng có mấy anh khỏe lắm nhưng họ vẫn ở lại để kéo bạn mình lên đấy thôi!” – Tự dưng tôi cảm thấy nghèn nghẹn…

“À thì ra mày đi với đoàn khác à? Có quen được anh nào tốt tính, đẹp trai không? Giới thiệu tao thử!” – Tú, cô bạn nằm kế tôi nhanh nhảu khiến câu chuyện tự dưng bị lái sang hướng khác. Chẳng ai thèm hỏi thăm tôi về hành trình không-hề-có-chúng-nó.



Ăn tối xong, tôi chui vào túi ngủ và cố chợp mắt. Niềm vui mà tôi tưởng tượng trước đó về việc cả bọn sẽ nắm tay nắm chân và chụp hình thật vui vẻ bên suối, giữa lưng chừng núi đã tắt ngấm từ khi nào. Tôi tự hỏi mình rằng có hối hận vì đã đi chuyến này không. Biết đâu nếu không hăm hở đi, thì ít ra tôi cũng không biết đến cái cảm giác thế nào là bị bỏ lại. Tôi nhận ra lúc tôi một mình ở bên suối ban sáng chưa phải là lúc tôi cô đơn nhất, mà là lúc này, khi xung quanh mình toàn là những bạn bè thân thiết.

    5. Cùng nhau lên đỉnh, liệu có còn vui?

Sáng sớm hôm sau chúng tôi cùng nhau leo lên đỉnh. Lúc này các porter đã rảnh tay, không cần phải mang vác thức ăn, đồ dùng nặng nên kèm từng cặp ba người và kéo chúng tôi nhanh chóng. Nhờ đó mà cả lớp đã cùng nhau lên đỉnh không quá khó khăn, dù hơi khó thở vì không khí loãng. Tấm ảnh kỉ niệm của cả lớp trên độ cao 3.143m tôi vẫn còn giữ, nhưng tôi chẳng bao giờ l*ng nó vào khung ảnh để trên bàn. Tôi sợ rằng những nụ cười và cái khoác vai bên trong đều không thật.



Cuối cùng thì tôi cũng đã đứng lên đỉnh, nhưng niềm vui thì không còn

Nếu bảo rằng con đường lên đỉnh Fansipan của tôi toàn ký ức buồn thì cũng không hẳn. Trên núi, khi gặp khó khăn, không hiểu sao những người xa lạ có thể gần gũi, làm quen và chia sẻ với nhau dễ dàng đến thế. Mỗi khi gặp những anh chị, cô chú và những người bạn khác đi hướng ngược lại xuống núi, họ luôn đứng lại, bắt tay và động viên chúng tôi “cố lên nhá các bạn trẻ!” hay thậm chí là dọa một cách hài hước “Chúc mừng các em đã qua đoạn đường…hạnh phúc nhất. Tiếp theo là đoạn đau khổ nhất haha…” Những lúc gặp các bạn cùng cảnh ngộ, đứa thì đau lòng bàn chân, đứa thì chân cũng tê cứng, chúng tôi cùng nhau ngồi nghỉ, chia nhau miếng chocolate và chụp hình hoa đỗ quyên rất đẹp trong rừng. Chúng tôi động viên nhau “Chẳng lẽ lên tới đây rồi còn đi xuống? Bọn bạn nó cười cho chết!” hay “Lúc này chân mình đi theo quán tính rồi nên chỉ cần làm theo nó là lên tới đỉnh ngay!” Thế là những ý nghĩ tiêu cực và sự nhụt chí vơi đi phần nào. Các hướng dẫn viên chẳng sai khi khuyên bạn rằng “tinh thần quyết định tất cả.”



    6. Đừng dại leo núi nếu bạn chưa biết núi là gì!

Đó là lời khuyên thật lòng của tôi với những ai sắp hoặc đang lên kế hoạch leo núi. Người ta nói tuổi trẻ thì phải liều, phải thử thách mình, phải làm mọi thứ mà không hề sợ hãi. Nhưng điều này không thể áp dụng cho việc leo núi, nhất là với việc leo Fansipan đầy nguy hiểm và cần nhiều sức bền.



    7. To-do-list khi bạn chuẩn bị leo núi

 Tìm kiếm mọi hình ảnh về ngọn núi sẽ leo. Bạn sẽ biết được địa hình ở đó để chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp. Chẳng hạn leo Fan thì không nên mặc quần jeans vì quà gò bó và không cử động nhiều được. Chú ý cả những khúc dốc đứng, vực,…nguy hiểm và bàn trước với hội bạn về cách vượt qua.

 Leo một ngọn núi/đồi thấp hoặc vừa trước để có kinh nghiệm. Langbiang, Bà Đen là một lựa chọn tốt.

 Tuân thủ chế độ tập luyện và duy trì sức bền của công ty du lịch hoặc tham khảo trên các diễn đàn phượt. Nếu không, bạn sẽ bay nhảy trong vài đoạn đầu, và đuối dần rồi bỏ cuộc trong đoạn gay cấn nhất.



Bị lạc/bỏ lại sau, thật ra cũng không tệ lắm, nếu bạn cố tìm các để sống sót

 Hãy nhớ rằng mình còn có một cái điện thoại. Gọi cho tất cả mọi người trong đoàn, hướng dẫn viên, bác sĩ,…để thông báo tình hình ngay. Khả năng mất sóng khi lên núi là rất cao, nếu thế thì hãy hét lên, càng to càng tốt.

 Đứng lại chờ đợi những đoàn đi ngang qua để bám theo họ, nhờ họ dẫn đường và giúp đỡ khi leo những đoạn khó. Đừng coi thường chính mình vì khi bạn lâm vào tình trạng quá vất vả, bản năng sống của bạn sẽ trỗi dậy và bạn sẽ tìm được mọi cách để sống sót. Điều cần thiết chỉ là bình tĩnh và tìm kiếm sự giúp đỡ.

 Khi bị lạc đường, thì điều cần thiết nhất là…cho người khác biết bạn đang lạc đường. Ngoài việc đứng lại hét, thì leo lên những chỗ cao để quan sát xung quanh xem có người đi ngang qua để gọi giúp đỡ không cũng là hành động khôn ngoan. Không nên cố tìm đường thoát vì khả năng lạc thêm là rất cao.

Dù sao đi nữa, tôi cũng biết ơn chuyến đi này, như lời anh hướng dẫn viên đã nói với tôi: “Leo Fan là khó nhất rồi mà em đã chinh phục được nghĩa là sau này không khó khăn nào mà em không thể vượt qua.”

Lin (ghi)
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
1618 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 29, 2012, 03:24:04 PM
Gửi bởi fansipan DaNang
0 Trả lời
1859 Lượt xem
Bài mới Tháng Hai 11, 2013, 10:47:21 AM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
1851 Lượt xem
Bài mới Tháng Hai 25, 2016, 03:26:57 PM
Gửi bởi MaiLe
2 Trả lời
1436 Lượt xem
Bài mới Tháng Sáu 13, 2017, 07:36:51 AM
Gửi bởi mythientran
0 Trả lời
1215 Lượt xem
Bài mới Tháng Ba 08, 2018, 10:43:00 AM
Gửi bởi dungxaem

Suối khoáng nóng núi Thần Tài
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Đà Nẵng – Cù Lao Chàm – Bà Nà Hill
Tour: Ghép đoàn
3 ngày 2 đêm
0
Đặt ngay
TOUR 1 NGÀY: TÀU RỒNG SÔNG HÀN BUỔI TỐI
Tour: Tham quan
0 ngày 1 đêm
0
Đặt ngay
Khám phá thánh địa Mỹ Sơn
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Bà Nà Hills - Cầu bàn tay: đường lên tiên cảnh
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác

Chủ đề mới nhất


Mobile View