Chỉ cần vài ngàn đồng là bạn có thể có trên tay chiếc bánh khúc nóng hổi, ngon rẻ lại chắc dạ.
Người Hà Thành đã quen với những “ thương hiệu” nổi tiếng như bánh khúc Cầu Gỗ, bánh khúc chợ Đồng Xuân. Nhưng nổi tiếng hơn cả phải nói đến bánh khúc cô Lan ở chợ Nguyễn Công Trứ. Cho đến tận ngày nay, với nhiều người thì “ thương hiệu “ xôi khúc cô Lan vẫn là đệ nhất ở Hà Nội.
Người ta thưởng thức bánh khúc vào bất cứ lúc nào. Với nhiều người thì nó là món quà sáng ưa thích. Với những người dân lao động nghèo đôi khi nó lại là bữa trưa đạm bạc đủ no đến chiều. Nhưng trên hết là món quà khuya không thể thiếu. Khi những tiếng rao đêm cất lên trong từng ngõ ngách nhỏ của Hà nội “ Ai khúc đê! khúc đê!” thì ngay cả những người còn no bụng sau bữa cơm chiều muộn cũng không kìm được lòng.
"Ăn bánh khúc ngon nhất là vào mùa xuân, vào tháng 2 tháng 3 âm lịch. Khi những hạt mưa xuân rơi là lúc khúc vào mùa rộ nhất. Là lúc khúc cho mùi nồng và bùi nhất”.
Khúc được hái từ buổi sớm, khi những hạt mưa xuân còn vương trên những cọng lá. Mang về rồi chọn những cây non đem giã cho nhuyễn rồi trộn với bột gạo làm vỏ bánh.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh được đồ chí tới và giã mịn, viên lại cùng thịt ba chỉ, hành khô và hạt tiêu. Rồi khéo léo dàn mỏng lớp bột vỏ bánh bao kín lấy nhân bánh.
Sau đó bỏ bánh vào nồi xếp thành từng lượt rồi mỗi lượt lại rắc thêm một lượt gạo nếp mới ngâm kĩ để thành áo bánh. Cho bánh lên đồ như đồ xôi, khi chín bánh bốc mùi thơm hòa quện của khúc, của thị mỡ, hạt tiêu, của hành khô… tạo nên mùi nồng đợm rất riêng.
Biết làm theo những kinh nghiệm mà người xưa truyền dạy. Và mỗi người làm bánh lại có những bí quyết cho riêng mình với những hương vị khác nhau.
Những này sang xuân tiết trời còn hơi lạnh, được cầm trên tay một chiếc bánh khúc gói trong chiếc là sen còn tươi, xì xòa vừa ăn vừa thổi ta mới thấy hết nét tinh tế của những món ăn Hà Thành.
Bài: Hà Phạm