Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Ẩm thực miền trung tây nguyên  (Đã xem 6095 lần)

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #9 vào: Tháng Tám 05, 2008, 11:05:06 PM »
Đúng điệu cao lầu

Nói đến Hội An mà không nói đến cao lầu cũng như Nha Trang không biển, Sài Gòn không chợ Bến Thành. Nhìn bề ngoài, cao lầu và mì Quảng có vẻ giống nhau. Cũng là những sợi mì làm từ bột gạo, cũng có thịt, rau và dùng ít nước lèo. Nhưng cao lầu "khó tính" hơn nhiều.

Mới nghe tưởng như món cao lầu có nguồn cội từ bên Tàu bởi đọc trại từ ''cao lâu'', muốn ăn phải lên lầu mới có được. Thế nhưng cao lầu không phải là món ăn cao sang và món này có gốc gác từ xứ Nhật Bản xa xôi. Bởi nếu là món ăn Tàu, tại sao Sài Gòn Chợ Lớn đông Hoa kiều mà không hề có món ăn này? Thêm nữa, khách du lịch Nhật Bản rất ngạc nhiên đặt câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam lại có món ăn Nhật Bản? Có thể lý giải là cách đây ba, bốn thế kỷ các doanh nhân Nhật đã đến Hội An làm ăn và đem theo món cao lầu này.

Nhìn bề ngoài, mì Quảng và cao lầu có vẻ giống nhau. Cũng là những sợi mì làm từ bột gạo, cũng có thịt, rau và dùng ít nước lèo. Cả mì Quảng và cao lầu đều không dùng thìa, đúng điệu chỉ ăn bằng đôi đũa, và và lua lua, chứ không húp nước. Nhưng cao lầu khó tính hơn nhiều. Nếu mì Quảng, người ta có thể tự do bỏ các loại từ tôm, cá, cua, đến thịt heo, thịt gà và gọi bằng những tên khác nhau theo như mì tôm, mì cá, mì gà thì cao lầu chỉ có một loại duy nhất là thịt heo xá xíu hay dân Quảng thường gọi tắt là thịt xíu. Nước lèo của Cao Lầu chỉ là thứ nước duy nhất tiết ra khi hon thịt xíu có ướp ngũ vị hương. Cao lầu ngon là nước xíu ngọt, đậm đà kèm theo các miếng thịt xíu thơm, ngon.

Sự khó tính của cao lầu còn thể hiện qua cách chế biến sợi mì. Người ta làm bột gạo chín và sống trộn vào nhau rồi qua bốn lửa để tiếp tục nhào trộn theo kỹ thuật riêng. Sản phẩm cuối cùng là những sợi mì có màu hơi sậm (màu của nước tro), cứng và dai hơn mì Quảng. Việc làm ra sợi mì cao lầu hao tốn công sức nên đa số các tiệm bán cao lầu ở Sài Gòn đều phải đặt mua trực tiếp từ Hội An. Cao lầu tươi từ Hội An gửi vào bằng máy bay còn đi xe đò thì có cao lầu khô. Có người nói rằng chỉ có Hội An mới làm được sợi mì cao lầu do có nước giống Bá Lễ trong và ngọt. Thực ra, ngay ở Sài Gòn cũng có thể làm được sợi mì cao lầu nhưng rất mất thời gian và không kinh tế.

Chưa hết, ăn cao lầu chỉ dùng ba loại rau cơ bản là cải non, tần ô và rau đắng. Nếu có được rau ở vùng Trà Quế (Hội An) thì quá tốt. Ở đây, rau ăn mới đậm đà vì rất thơm. Nếu dùng không đúng rau, không thể gọi là cao lầu. Quán Đo Đo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thêm vào cao lầu rau húng lủi là chưa đúng. Bởi húng lủi chỉ có ở mì Quảng.

(VnExpress)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #8 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:55:07 PM »
Đà điểu xứ biển

Trứng đà điểu nặng đến 1,2 ký và ăn cũng giống như trứng vịt. Hiện nay nếu ghé vào các nhà hàng ở Nha Trang, sẽ thấy những tấm bảng giới thiệu thịt đà điểu do công ty Khatoco cung cấp.

Trại đà điểu Đại Cát, Nha Trang hiện có gần 2.000 con và trại đang phát triển lên cả chục ngàn con, cung cấp con giống cho người dân nuôi cũng như thịt cho các nơi tiêu thụ. Hiện giá thịt đà điểu khoảng 120.000 đồng/ký.

Sau khi tới tuổi trưởng thành (2-3năm), đà điểu có thể đẻ. Để chất lượng trứng tốt, chỉ nhốt một con đực với ba con mái. Với đà điểu, mỗi mùa gây giống phải thay cho chúng mấy con mái mới và phải đánh số để tránh trùng hợp, gặp bạn cũ chúng không thiết gần.

Mỗi con đà điểu cái đẻ trung bình 4-5 ngày/ trứng. Bình thường chúng đẻ mỗi năm từ 30-50 trứng. Những trứng không đạt chuẩn chuyển làm lương thực, trứng đạt đưa vào lò ấp.

Nuôi đà điểu không chỉ để ăn thịt, mà gần như thứ gì của chúng cũng có thể quy thành tiền. Ngay cả vỏ trứng cũng làm thành đèn ngủ. Da làm đủ mọi sản phẩm.

Dẫu là giống chim, nhưng ăn cỏ nên thịt đà điểu giống thịt bò.

(SGTT)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #7 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:50:06 PM »
Đã thèm tô mì Tuý Loan

Ở đôi bờ sông Tuý, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng, dọc QL14B cũ và QL14B mới, rồi cả những đường thôn ngõ xóm, quán ăn nào cũng treo bảng bán mì Quảng. Mì Quảng quán nào cũng ngon, nhưng hơn hết là mì Bà Tỉnh ở gần cầu Giăng - "linh hồn" của mì Quảng Tuý Loan

Mì Bà Tỉnh có sức hút không chỉ vì quán có truyền thống gần 100 năm, với bí quyết riêng về các công đoạn làm bánh tráng, tráng mì... mà còn ở chất lượng và giá hợp túi tiền với đủ loại khách hàng. Tô mì ngon nhờ nhưn chế biến từ thịt mông con bò vừa tơ. Nước lèo cũng hầm từ xương bò này và nêm đủ loại gia vị vừa ngọt vừa thơm. Đậu phộng (lạc) chọn mẻ không để lâu trên một mùa, rang lửa than vừa đủ độ để giữ chất bùi bùi, mằn mặn của đậu. Rau sống dùng kèm phải chín loại, từ cây cải non đương nụ, cọng giá trắng tinh, rau muống non xanh chẻ nhỏ, lá hành chọn nơi gần củ có màu đậm, xà lách chọn lá xanh lợt… cho đến ngò ta xắt dài để ngọn, tất cả trộn đều với bắp chuối chát xắt mỏng như tơ - thấy đã thèm.

Sợi mì mỏng làm từ gạo xiệc chính gốc Đại Hiệp - Đại Lộc - Quảng Nam, ăn vừa có độ dai, vừa bùi mới ngon. Tô mì Bà Tỉnh chỉ 7.000đ cùng cái bánh tráng đặc sản vùng quê bên bờ sông Tuý. Cũng từ lò bánh tráng nhà bà Tỉnh mà ra, thơm lựng, giòn tan. Khách ở xa, sau khi ăn mì thường mua vài chục bánh tráng mang về làm quà.

Tô mì ngon và điệu nghệ như vậy, nên khách đông. Người dân xa xứ về thăm quê không quên đến Tuý Loan thưởng tô mì Bà Tỉnh. Ngày lễ tết, người dân dưới phố, bà con khắp nơi ngang qua Tuý Loan, đi viếng mộ ở nghĩa trang Gò Cà; thăm viếng người thân, bạn bè… vẫn để bụng ăn tô mì Quảng. Theo anh Nguyễn Đại Minh - truyền nhân đời thứ ba, hiện là chủ quán mì Bà Tỉnh cho biết, bình quân mỗi ngày bán 150 tô, chủ nhật lên đến 600 tô, còn những ngày tết thì trên cả ngàn là thường. "Nhà mình một năm chỉ nghỉ bán ngày ba mươi để rước ông bà, còn lại bán suốt".

(SGTT)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #6 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:45:11 PM »
Bún mực Vạn Ninh


Mực tươi rói, nấu ngót, nên nước cứ ngọt lừ

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) cách Nha Trang khoảng 60km về hướng bắc nổi tiếng có món bún mực. Trong Nam, ngoài Bắc ai đi qua đây nếu biết, đều muốn dừng để thưởng thức món quê chế biến đơn giản mà ngon lạ này. Bắt đầu từ đèo Cổ Mã, các quán bún mực nằm rải theo Quốc lộ 1A chạy dài đến Đại Lãnh.

Vùng biển Đại Lãnh mùa nào cũng có mực ngon. Con mực trung trung, don don không lớn quá, tươi rói; khi nào có khách nhà hàng mới bật bếp nấu. Nước lèo ngon phụ thuộc vào độ tươi của mực. Mực mới đánh bắt đem về chế biến chắc chắn có vị ngọt đặc trưng.

Chỉ với cà chua, hành tây, thơm, hành lá, một cái lẩu mực hai người ăn khoảng 30-40 ngàn đồng, đảm bảo no nê. Rau ăn kèm với bún mực có xà lách, rau thơm các loại. Cách nấu đơn giản này người địa phương gọi là nấu ngọt hay nấu ngót; không chỉ mực mà còn với các loại cá như cá hồng, cá phèn, cá bè… chấm với nước mắm nguyên chất dầm thêm vài trái ớt xiêm xanh nồng.

Điều thú vị là vượt qua ranh giới đèo Cả giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, món bún mực lại được chế biến kiểu khác nhưng ngon không kém. Món bún mực có tính "vùng miền" này khác nhau không chỉ cách nấu mà còn về chất liệu - chính là tuỳ thuộc vào loại mực.

Nếu ở Vạn Ninh nấu bằng mực ống, mực lá… thì bún mực Phú Yên chỉ chế biến từ mực cơm. Loại mực này ngọt, không dai, ruột trắng. Con mực chỉ nhỉnh hơn lóng tay một chút và tươi xanh.

Vạn Ninh nấu ngọt (nước trong) thì bún mực Phú Yên lại nấu theo kiểu nấu chua. Cà chua thái nhỏ, tao qua dầu cho ra màu rồi nấu. Món bún mực ở Phú Yên tuỳ mùa mực. Bún mực Vạn Ninh mùa nào cũng có bởi cách chế biến không kén mực.

(TTO)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #5 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:40:52 PM »
Thưởng rượu Tavak



Nếu có dịp đến vùng tây Quảng Nam trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch, du khách sẽ rất thích thú khi được thưởng thức rượu Tavak - một loại rượu truyền thống của người Cơ Tu có màu trắng đục, vị ngòn ngọt, mát lạnh.

Rượu Tavak được chế biến từ nước thân cây đoác mọc tự nhiên trong rừng có hình dáng giống cây dừa nhưng thân to hơn, buồng có nhiều nhánh nhỏ và có nhiều trái nhỏ như trái cau mọc trên nhánh. Cách lấy nước cây đoác là một bí quyết của người bản địa, không phải ai cũng có thể làm được.

Khi đã lấy được nước đoác thì việc pha chế rượu trở nên thật đơn giản, chỉ cần bỏ thêm vỏ cây chuồng vào nước cây đoác là đã có ngay một loại rượu Tavak uống rất ngon và bổ dưỡng.

Thật tuyệt vời khi được thưởng thức men nồng Tavak trong ánh lửa bập bùng trên sàn nhà Gươl giữa những điệu múa tung tung dá dá của người Cơ Tu hoặc nghe những câu chuyện dân gian rất kỳ thú về rượu Tavak gắn liền với cuộc mưu sinh của họ.

(Ngoisao)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #4 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:35:08 PM »
Ruốc xứ Nghệ

Gọi là ruốc song không phải là loại ruốc thịt như người miền Bắc vẫn thường làm. Đây là một loại mắm được chế biến từ tép biển, dân Nghệ Tĩnh vẫn gọi là con khuyết.

Người miền biển ủ hàng tạ con khuyết để làm ruốc trong những thùng gỗ to. Những con khuyết chỉ bé bằng con tép đồng, phơi khô thường có màu đỏ phơn phớt hồng. Khi đã chế biến thành ruốc, màu của nó vẫn được giữ nguyên trông rất bắt mắt. Trong mỗi gia đình nông dân nói chung và miền biển nói riêng, thường trữ sẵn hũ ruốc trong nhà để làm thức ăn dự trữ. Hũ ruốc được phơi nắng sẽ dậy mùi và để được lâu hơn.

Ruốc còn được dùng để làm gia vị. Nêm vào canh hoặc những món xào. Ngoài ra còn pha chanh hoặc giấm để làm nước chấm các loại rau. Trong bữa ăn nhẹ, đơn giản thường ăn với bún kèm chuối xanh, khế chua thái mỏng hoặc chấm với bánh đúc. Ăn kiểu khan này sẽ được thưởng thức hương vị nguyên tinh của ruốc (như mùi mắm tôm), nhưng ai không quen ăn thì sẽ cảm thấy rất hôi không ăn được.

Ở các chợ quê, các quán nhỏ bên đường, những người dân sau giờ lao động vẫn thường ghé vào ăn bún ruốc, vừa chống cơn đói lại hợp túi tiền, nói cười bỗ bã kể chuyện đồng quê, nhìn vào rất ấm cúng.

(Ngheanonline)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #3 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:30:22 PM »
Bánh xèo giữa tháp Chàm và thơ

Bạn có hình dung bánh xèo quán Bà Năm ngon thế nào không? Thế này: cái buổi sáng tôi vào quán, có hai cô gái đẹp đang ăn bánh xèo. Hai cô ăn chăm chú đến nỗi… quên mất mình đang đẹp, và có thể có những người ngắm mình. Đạt tới độ “quên mình” như thế ở những cô gái đẹp là điều rất lạ lùng, phải không ạ? Hai cô chẳng để ý tới ai cả, kể cả những người đang nhìn ngắm mình một cách đầy ngưỡng mộ. Hai cô cứ tập trung hết tinh thần vào đĩa bánh xèo, cứ như lúc ấy trên đời không có gì đáng quan tâm hơn. Hai mỹ nhân này quả đã đạt đạo… bánh xèo!


“Con cá đối nằm trên cối đá” - cối xay bột đúc bánh xèo.

Nhưng chả phải bánh xèo ở đâu cũng có được sức hút kỳ lạ như thế. Mà phải là bánh xèo thuộc Bình Định tỉnh, Tuy Phước huyện, Phước Sơn xã, Mỹ Cang xứ, và… bà-Năm-quán kia. Dù không phải đệ tử “đặc chủng” của món bánh mà chỉ cái tên vang lên đã nghe… khoái khẩu này (chả thế mà ngoài Huế người ta gọi bánh xèo là bánh… khoái, hẳn là để chỉ cái “hậu quả trực tiếp” mà món bánh mang lại cho người ăn, hơn là biểu đạt cái âm thanh tự nhiên đến hoang dại khi người ta chế biến món bánh ấy), nhưng tôi tự kiểm lại, từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ và ở đâu khi có người nhã ý mời tôi ăn bánh xèo mà tôi lại từ chối.

Ngày trước, ở quê tôi, bánh xèo không phải là món ăn bán ở quán. Nó là món bánh mang tính lễ hội ở từng gia đình, như kiểu người Mỹ ăn món gà Tây ở Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) hàng năm vậy. Vì bánh xèo cũng được “đúc” hay “đổ” vào dịp cúng Cơm mới rằm tháng Mười. “Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không, rằm tháng Mười mười nhà mười quảy”- “quảy” là từ ghép của “cúng quảy”, nhưng ở ý nghĩa độc lập nó mang tính lễ hội hơn là từ “cúng”. Vậy đấy, cứ vào dịp rằm tháng Mười, ở quê tôi mùa mưa bão cũng sắp mãn (Ông tha Bà không tha là 23 tháng Mười), những cơn mưa rai rắc chỉ làm ấm thêm không khí gia đình sau vụ thu hoạch và khiến người làng chợt lâng lâng một cảm giác thèm… mùi thơm và tiếng kêu reo vui trên bếp của… bánh xèo. Vậy là huy động vào bếp cả gia đình, chị xay bột bằng chiếc cối đá truyền thống (con cá đối nằm trên cối đá), mẹ chuẩn bị khuôn đúc bánh, em chọn vào bếp những thanh củi khô nỏ, còn cha lúi húi với chiếc vó ngoài con sông nhỏ trước nhà, cong người cất lên những mẻ… không khí nằng nặng một sớm đầu đông với hy vọng bên trong lòng vó sẽ hiện roi rói những con tép nhỏ. Cái giống tép sông chưa lớn bằng đầu đũa mà búng tanh tách, thân mình trong mọng ngon mắt đến nỗi người ta đã thèm ăn ngay lúc chúng còn tươi sống. Nhưng bát tép sông ấy không phải để ăn gỏi hay rang mặn, chúng được đặc cách dành cho món bánh xèo chủ lực. Người ta có thể dùng rất nhiều thứ thực phẩm khác nhau để làm nhân bánh xèo, từ thịt heo tới thịt bò, từ tôm… xuất khẩu tới giò lụa, nhưng tôi có thể nói chắc, không thứ thực phẩm nào làm nhân bánh xèo ngon cho bằng những con tép sông nho nhỏ. Điều này, bà Năm chủ quán bánh xèo ở Tuy Phước đã chứng nhận dùm tôi.

* Tôm sông giá sống

Quán (cũng là nhà) bà Năm chỉ có hai khẩu: hai mẹ con. Mẹ đã ngót 75 tuổi, con trai ngót 40 tuổi, ở vậy chăm và phụ mẹ đúc bánh xèo. Bà Năm kể: cứ gà gáy là tôi thức dậy, gạo đã ngâm sẵn, cứ thế cho từ từ vào chiếc cối đá và quay tay. Tôi hỏi, sao bác không xay bột bằng máy cho tiện, bà Năm cười: “Bột bánh xèo chỉ thiệt ngon, nghĩa là mềm, dẻo vừa độ, quyện mà không dính bết khi được xay bằng cối đá. Còn xay máy, tuy nhanh và khỏe, nhưng bột không đạt, bánh không ngon, khách không thích”. Ra vậy! Đâu phải cái gì nhanh cũng tốt, và cái gì làm bằng máy móc cũng hay. Có lẽ một nghìn năm nữa, cho tới khi món bánh xèo chưa… tuyệt diệt trên trái đất, thì cách duy nhất để có bột đúc bánh đạt tiêu chuẩn vẫn là xay bột bằng chiếc cối đá quay tay thời tiền sử. Tôi hỏi anh con trai: “Con trai không dậy xay bột giúp mẹ à?”. Bà Năm cười đỡ lời: “Tôi già rồi, ít ngủ. Buổi sáng sớm, xay bột xong, cháu nó chở xe máy đưa tôi ra chợ Gò Bồi chọn mua tôm sông và giá sống, rau thơm. Khi tôi vào bếp đổ bánh thì cháu đi uống cà phê. Tôi đổ xong một hiệp (như bóng đá) thì cháu về đổ giúp tôi hiệp hai (cầu thủ dự bị vào sân)”. Nghe vừa thú vị vừa thương quá là tình cảnh hai mẹ con bà chủ quán bánh xèo. Hỏi anh con trai, sao không chịu lấy vợ cho mẹ nhờ, có cháu bế, anh cười lỏn lẻn: “Nhà nghèo, người ta chơ (chê)”. Trời ơi, có cô gái nào dám chơ (chê) anh con trai hiếu thảo như thế này, bà mẹ chồng lam làm như thế này, và những đĩa bánh xèo thơm phưng phức như thế này cơ chứ!

Khi đĩa bánh xèo được bưng lên, tôi thấy hình những con tôm sông đỏ màu hồng ngọc nổi bật giữa chiếc bánh có độ lớn vừa phải. Bánh khoái ở Huế nhỏ nhít hơn, còn bánh xèo “quảy rằm tháng Mười” ở quê tôi thì “hoành tráng” hơn về diện tích khuôn đúc, nên chiếc bánh to hơn, ăn vài chiếc là… oải. Ăn chiếc bánh xèo vừa miệng của quán bà Năm mà cảm phục sự thật thà của người làm bánh. Một chiếc bánh xèo “chất lượng” nó là kết quả của bao công phu lao động và chăm chút. Bà Năm nói: “Lựa tôm sông ngay tại chợ Gò Bồi mới bảo đảm mười con đều tăm tắp cả mười, không con nào chết, không con nào nhỏ quá hay lớn quá. Nếu mình để họ bỏ mối tại nhà, thì họ đưa tôm thế nào mình cũng phải lấy”. Rồi từng mớ rau thơm, từng rổ cải cay loại mới mọc bốn lá mầm, rồi giá sống đúng điệu, rồi… tất cả hỗ trợ cho đĩa bánh xèo “tiêu chuẩn”. Nước chấm cũng được pha vừa miệng, không ngọt và không chua quá. Hóa ra, để có một đĩa bánh xèo “ăn một lần nhớ mãi”, bà Năm chủ quán đã “đầu tư” vào đó không ít tâm sức. Vì thế, mỗi sáng, bà chỉ đúc chưa tới 100 chiếc bánh, và chỉ bán gọn trong vòng ba tiếng đồng hồ.


Đúc bánh xèo bằng lò than.

Khách của quán bà Năm cũng đủ “5 thành phần kinh tế”, có khách đi xe Toyota hay thậm chí cả Mercedes từ thành phố tới thưởng thức, có khách đi Honda vượt vài ba chục cây số ngàn để ăn một đĩa bánh xèo. So tiền xăng xe và tiền “công đi ăn” có khi nhiều gấp mấy tiền bánh. Và cũng có không ít khách là người làng, là bà con trong xóm. Tất cả đều bình đẳng trong ngôi nhà nhỏ mái lợp tranh của bà Năm. Và tất cả đều được phục vụ ân cần như nhau. Nhưng khi trả tiền, thì có khác. Người đi ô tô hay xe @ tới ăn, phải trả 7 nghìn đồng cho một chiếc bánh xèo. Người trong làng trong xóm đi bộ hay xe đạp tới ăn chỉ phải trả 5 nghìn đồng/bánh. Hỏi sao có sự “phân biệt” giữa “hai thành phần ăn bánh xèo” như thế, bà Năm giải thích: “Khách xa phần lớn họ là những người có tiền, muốn thưởng thức bánh của quán như một đặc sản, nên họ có thể trả khá hơn một chút. Còn bà con trong xóm trong làng vì mến quán mà tới ăn bánh, họ cũng ít tiền, nên chỉ lấy họ giá vốn, có lời chút chút”. Xem ra, “chính sách hai giá” của quán bà Năm quá hợp lý mà cũng rất nghĩa tình. Người kinh doanh như thế, có thể lấy vui làm chính, lấy công việc làm vui, chứ không quá tính toán đến lợi nhuận. Bây giờ Việt Nam vào WTO rồi, liệu cách kinh doanh dựa trên nghĩa tình như thế có cạnh tranh được với những “đại gia” coi lợi nhuận là “Thượng đế”? Tôi nghĩ là được. Có khi còn “ngon” như ăn bánh xèo nữa kia.

* Giữa tháp Chàm và Thơ

Nem nép bên con đường huyện lộ, quán bánh xèo bà Năm không ngờ lại là điểm giữa của hai đặc sản văn hóa Bình Định: đó là tháp Chàm Bình Lâm và ngôi nhà tuổi ấu thơ của thi sĩ Xuân Diệu ở ngay vạn Gò Bồi - nay là “Nhà Lưu niệm Xuân Diệu”. Về tháp Chàm Bình Lâm, thì có thể nói vắn tắt: đây là ngọn tháp có mặt sớm nhất ở vùng Kinh đô Đồ Bàn xưa. Nó tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật thuần Champa khoảng đầu thế kỷ thứ X. Tháp Bình Lâm nay đang có nguy cơ thành phế tích, và rất cần được tu tạo để vẻ đẹp hút hồn của nó tiếp tục tồn tại cùng với… bánh xèo.

Nhân nói về tháp Chàm và bánh xèo, chắc ít ai ngờ, chúng lại có mối giao duyên từ xửa xưa. Vì đơn giản, tháp Chàm là của người Chăm, và bánh xèo cũng là món ăn của người Chăm. Chưa có nhà khảo cổ nào nói được giữa bánh xèo và tháp Chàm cái nào có trước, nhưng theo tôi, thì bánh xèo phải có trước. “Có thực… bánh xèo mới vực được (xây được)… tháp Chàm”, đúng không ạ? Người nghệ sĩ Chăm xưa mỗi sáng, trước khi bắt tay vào công trình tạo tác một kiệt tác tầm nhân loại như thế này, chắc phải điểm tâm vài chiếc… bánh xèo cho ấm bụng và thơm miệng, uống một tô nước chè xanh đặc “cắm tăm” cho sảng khoái và tăng cảm hứng, như ông cha chúng tôi vẫn uống trước khi xuống ruộng đi cày. Ăn bánh xèo thì phải uống chè xanh nó mới quyện, mới quánh, mới đã!

Bây giờ khách xa “gặp lúc mùa xuân chín”, tới quán bánh xèo bà Năm thưởng thức món đặc sản Chăm, sau đó phải tính, đi thăm tháp Chàm Bình Lâm, hay đến viếng nơi sinh của “Đệ nhất thi sĩ thơ tình” Xuân Diệu trước. Chắc là đi viếng tháp Chàm trước. Còn vạn Gò Bồi - “quê hương của thơ tình và… nước mắm” - sẽ được thăm sau. Hai nơi này đều cách quán bánh xèo bà Năm khoảng một cây số. Khi Xuân Diệu vừa qua đời, quán bánh xèo “thời Đổi Mới” của bà Năm được khai trương. Hỏi bà, sao mãi tới năm 1986 mới mở quán, bà Năm nói tới năm ấy việc làm ăn buôn bán mới “được nới”. Thật tiếc cho anh Xuân Diệu, năm 1985 chúng tôi đi cùng anh về Tuy Phước, đã không ít lần anh nhắc đến món bánh xèo nhân tôm sông quê mình, nhưng chúng tôi không biết kiếm đâu ra một đĩa bánh xèo “đúng kiểu” để đãi anh. Nghĩ lại mà buồn! Nhà thơ của chúng ta, mỗi ngày đi nói chuyện thơ vài ba lần phục vụ bà con quê nhà, đêm “ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ”, giá lúc ấy có vài chiếc bánh xèo quán bà Năm như bây giờ để Ông ăn lấy thảo, thì hạnh phúc biết bao nhiêu! Hạnh phúc nhiều khi chỉ giản đơn như vậy, mà cũng khó có được như vậy.


Bánh xèo ở quán bà Năm.

Hôm rồi vào Quy Nhơn dự một tọa đàm về Tháp Chàm, buổi sáng hôm sau lại được về Phước Sơn ăn bánh xèo quán bà Năm, rồi ghé vạn Gò Bồi để nhớ Xuân Diệu, trong tôi chợt dào lên một nỗi niềm xa lăng lắc nào. Năm nay, kỷ niệm 90 năm ngày sinh Xuân Diệu, liệu Bình Định ngoài một cuộc hội thảo về thơ Xuân Diệu, có tổ chức được một “tiệc bánh xèo” hoành tráng để anh chị em văn nghệ cả nước có dịp thưởng thức một món ăn dân dã mà sinh thời Xuân Diệu rất thèm. Nhân đây cũng xin nói, mỗi khi nhìn mái tóc quăn bềnh bồng tự nhiên của “Ông Vua thơ tình Việt Nam”, tôi cứ nghĩ, hình như Xuân Diệu có gốc gác Chăm, ít ra là từ bên mẹ. Nhiều lúc, thấy Ông ngồi lặng im như một tháp Chàm cô đơn. Thơ, nhà thơ với tháp Chàm đúng là “họ hàng” với nhau. Và ở giữa những “quan hệ họ hàng” ấy, chợt tỉnh người khi nghe “xèo” lên một tiếng, như tiếng reo con mừng mẹ đi chợ về! Ngôn ngữ của bánh xèo đấy. Ngôn ngữ của tháp Chàm đấy! Và ngôn ngữ Thơ đấy!

Có thể nói, mỗi chiếc bánh xèo quán bà Năm là một tác phẩm nghệ thuật. Lẽ ra, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì thường phải thong thả, từ tốn. Nhưng vì đây là “tác phẩm đặc biệt” nên người thưởng thức nhiều khi… quên, nhiều khi vồ vập hơi… quá nhanh. Chợt nghĩ, liệu những quán bánh xèo như thế này có thể “nhân rộng điển hình” như kiểu “Phở 24” không nhỉ? Và có thể “nhượng quyền thương mại” không nhỉ? Chắc là khó đấy! Bởi không phải người chủ quán nào cũng tâm huyết với tác phẩm của mình như bà cụ đã 75 tuổi này. Và nếu trong nghệ thuật luôn tồn tại sự độc bản, thì nhiều khi ta cũng phải thở dài mà tiếc cho nhiều món ăn ngon của quê mình đã và đang lặng lẽ chìm theo thời gian vì không có “chân truyền”. Khi bà Năm đã “hai năm mươi”, liệu anh con trai bà có thể duy trì quán bánh xèo độc bản này? Và nếu anh lấy vợ, liệu vợ anh có tiếp thụ được một phần nào chất nhân văn và nghệ thuật đúc bánh xèo của mẹ chồng mình? Vẫn là “những câu hỏi lớn chưa lời đáp”, phỏng theo một câu thơ Huy Cận.

THANH THẢO - Baobinhdinh
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Ẩm thực miền trung tây nguyên
« Trả lời #2 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:25:37 PM »
Ăn rong ở Quy Nhơn

Đi ăn rong cũng là một cái thú. Lang thang trên những con đường, tình cờ ghé vào một quán nhỏ ven đường ăn lót dạ. Và thật thú vị khi ta phát hiện ra được một quán ngon, “làm quà” để tặng người thân và bạn phương xa bằng câu nói “có quán này ngon lắm, ăn thử hông?”, hoặc “khi nào bạn về, mình sẽ dẫn bạn lang thang, đi ăn rong trên phố xá Quy Nhơn”...


Hàng bánh ít, bánh tai vạc, bún dây lúc nào cũng đắt hàng.

* Bánh canh, bánh cuốn và bún chả cá Quy Nhơn

Đó là những món ăn mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ quán ăn nào trên đường phố Quy Nhơn. Đó là “đặc sản” của phố biển quê hương.

Bánh canh làm từ những sợi bột dài trắng tinh làm từ bột gạo hoặc bột mì nhất. Còn bánh tráng cuốn, ở Bình Định mới có thứ bánh tráng vừa mỏng, vừa dai vừa miệng người ăn đến vậy. Nổi tiếng và được nhiều người biết nhất là quán bánh canh Bà O (45 Phan Đình Phùng). Chẳng biết bà tên thật là gì, chỉ biết bà dân gốc Huế, khách vẫn kêu O, lâu rồi thành quen. Bánh canh của bà là bánh canh làm từ bột gạo, cọng tròn dài vừa đủ ăn. Bánh canh chả cuốn, thêm một quả trứng cút, nửa lát chả lụa sóng sánh trong vị nước lèo đậm đà. Thêm chút hành lá, chút tiêu, chút ớt tương sánh đỏ. Vậy là ta đã có một tô bánh canh ngon lành, giá 5.000 đồng/tô, chả cuốn 3.000 đồng.

Gần hai năm trở lại đây, xuất hiện món bánh canh cua O Huệ (28 Trường Chinh)- đặc sản của xứ biển du lịch Nha Trang. Chẳng biết lấy nguồn từ đâu, nhưng lúc nào tô bánh canh cũng có vài miếng nạc cua thêm vài lát chả cá. Vị cá - cua kết hợp, thêm cọng bánh canh bột mì nhứt dai dai... khiến thực khách Quy Nhơn thấy lạ miệng.

Còn bún cá ư? Hầu như mọi con đường ở Quy Nhơn đều có bán. Nhưng nhiều người vẫn “chấm” quán 159 đường Nguyễn Huệ. Ngoài nguyên liệu chính là chả cá, tô bún còn được chủ quán “điểm xuyết” thêm một vài tai nấm rơm làm cho tô bún “ngọt” hơn. Dĩa rau sống được chủ quán chăm chút từng chút một, từ hoa chuối chát xắt nhỏ đến các vị húng, quế, xà lách thái nhỏ, tạo cho thực khách cảm giác rất ngon miệng. Một người bạn dân Hà Nội của tôi đến Quy Nhơn nằng nặc đòi dẫn đi ăn bún cá dù buffee sáng tại khách sạn chẳng thiếu thứ gì. Vừa ăn vừa hít hà, anh phán “ngon quá” và làm liền một lúc hai tô.

Mùa sứa rộ (cuối xuân đầu hè), bạn muốn thưởng thức món bún sứa cho mát dạ, hãy nhớ ghé đến quán Vân Vi ở 142 Lê Hồng Phong.

* Bánh xèo

Nói đến bánh xèo, thể nào giới sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn và những người sống ở Khu 6 (đoạn đường Nguyễn Thái Học, Ngô Mây, Hoàng Văn Thụ) sẽ nghĩ ngay đến quán Cây Me (số 546 Nguyễn Thái Học) bởi nó khá ngon.

Trước đây, ở góc ngã tư đường Trần Cao Vân - Phan Bội Châu có đến ba, bốn quán bánh xèo nằm liền kề nhau, rất đông khách. Nhưng kể từ khi một cô chủ quán xinh gái theo chồng bỏ cuộc chơi (làm nhiều nam thực khách tiếc ngẩn ngơ) thì góc quán bánh xèo này thưa hẳn. Trong hai quán còn lại ấy, giờ thực khách đến quán Thu Vân nhiều hơn (90C Trần Cao Vân). Phải chăng là vì cô ấy trẻ hơn người chủ quán kia?

Nếu bạn là người hay la cà, chịu bỏ thời gian đi tìm hiểu các ngóc ngách, hẻm nhỏ của Quy Nhơn, xin mời đến căn hẻm nhỏ mà có thể đi vào bằng hai đường Đinh Bộ Lĩnh hoặc Trần Hưng Đạo (hẻm 90 Trần Hưng Đạo). Cua qua ba, bốn dạo, hỏi thăm quán chị Mai, chuyên bán bánh vào buổi chiều. Bánh xèo đúc ngon, cô chủ quán niềm nở, đón tiếp chu đáo nên dẫu có ngồi chờ 1-2 tiếng, khách vẫn cứ vui lòng đợi thêm. Lưu ý: nhắm mình ăn được bao nhiêu thì kêu đúc bấy nhiêu phòng khi quán không kịp phục vụ. Đang ăn “dở mồm” mà phải chờ... để ăn tiếp thì mất cả ngon.

* Các loại bánh khác và chè

Quy Nhơn chẳng có nhiều loại chè, loại bánh kiểu “cung đình”, thưởng thức “hương hoa” như ở Huế mà chỉ có các loại bánh “ăn chắc, mặc bền” như chính tính cách của người dân Bình Định vậy.

Quán bánh bèo nóng ở số 742 Trần Hưng Đạo mà mọi người vẫn thường gọi là bánh bèo Cây Mận. Đơn giản, vì quán có hai cây mận trước sân. Bánh bèo nóng mới đúc, rắc thêm ít tôm chấy (tôm quá mắc nên thay bằng cá nhưng đảm bảo không để lại mùi tanh) lên trên, thêm ít bánh mì chiên giòn, hành phi... bảo đảm người đói bụng, lâu ngày thèm bánh bèo có thể “dứt” một lúc hai, ba chục chén bánh bèo.

Tại góc đường Mai Xuân Thưởng, trước hiên nhà số 100, có cô chủ chuyên bán nhiều loại bánh. Từ bánh ít nhân mặn, bánh bèo, bánh hỏi, bánh tai vạc, bánh gói đến bún dây, chả ram... để cho thực khách tha hồ mà chọn lựa, thích gì ăn nấy. Cỡ từ 3 giờ chiều trở đi, quán lúc nào cũng đông khách, không chỉ các bà, các cô, học sinh ăn lót dạ trước khi vào tiếp các cua học thêm mà cánh đàn ông, con trai cũng có mặt. Hóa ra, thú đi “ăn hàng” cũng không phải là “độc quyền” của giới nữ.

Người “hảo ngọt” thích ăn chè, hẳn thể nào cũng biết đến quán chè của Cô Bảy- ngay gần ngã tư đường Tăng Bạt Hổ - Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Chè đậu xanh bông cau vàng ươm, hột đậu mềm nhưng không nát. Chè đậu trắng, đậu đỏ, đậu ván, đậu đen, rồi chè ỉ... loại nào cũng ngon. Ăn miếng chè ngọt thanh chứ không gắt như những quán khác. Vì tín nhiệm Cô Bảy nên nhiều gia chủ đã đến tận nhà (hẻm 53 Diên Hồng) mua chè trước để về cúng rằm, tất niên.

Ở đường Ngô Mây, HSSV rất kết quán chè Nhớ ở số nhà 134. Quán chỉ chuyên bán chè thập cẩm (đủ loại), chè trái cây hay đông sương. Chè ở quán này ngon, rẻ nên nơi đây là “điểm hẹn” không chỉ của các đôi bạn yêu nhau mà còn của các bạn sinh viên đến “khao” học bổng, hoặc “chung độ” sau chầu cá độ nào đó.

Đất Quy Nhơn vốn “nổi tiếng” về giá cả phải chăng, rẻ hơn các thành phố khác. Bởi thế cho nên, chỉ 1.000 đồng bạn có thể thưởng thức được một chén chè nóng, vị ngọt thanh tao của chè Cô Bảy, dĩa bánh tai vạc, bún dây 2.000 đồng, tô bún cá ngon nhất cũng chỉ có 6.000 đồng (có thể lên vào dịp Tết).

Chiều. Dạo quanh thành phố bằng xe máy, xe đạp, lang thang trên từng con phố nhỏ trong không khí bình yên của phố biển, rẽ vào quán bên đường hay trong hẻm nhỏ thưởng thức thú ăn rong. Chà, thật chẳng có gì tuyệt bằng!

Không tin, thử thì biết!

(Baobinhdinh)
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Ẩm thực miền trung tây nguyên
« vào: Tháng Tám 02, 2008, 09:43:20 PM »
Thơm ngon bánh tráng Đại Lộc

Có thể nói, địa phương nào của Việt Nam cũng có bánh tráng. Bình Định nổi tiếng với bánh tráng dừa, Bến Tre là bánh tráng sữa, Tây Ninh có bánh tráng phơi sương... nhưng bánh tráng cuốn thì không đâu bằng Đại Lộc xứ Quảng.

Bánh tráng Đại Lộc đã có "thương hiệu" và chỗ đứng trên thị trường. Người Đại Lộc thường dùng bánh tráng để làm quà. Trước khi đưa bánh đi xa, phải dùng vật nặng ép bánh xẹp xuống, tiện mang vác. Cồng kềnh là thế, nhưng khi về quê, nhiều Việt kiều vẫn thường mua bánh tráng mang đi. Ngay như trong Hội chợ Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 10 năm của Quảng Nam vừa rồi, bánh tráng Đại Lộc bày ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, tự dưng cảm thấy vui vui và dậy lên một niềm tự hào...

Điều đặc biệt của bánh tráng cuốn Đại Lộc là nếu biết cách nhúng nước thì các miếng bánh không dính vào nhau, nhưng khi ăn lại dẻo "dính răng". Về hình thức, chiếc bánh tròn vành vạnh, trắng mịn màng, đều ri rí. Sau khi xay bột, người thợ tráng bánh dùng một cái rây có lỗ nhỏ li ti, lượt qua một bận, loại bỏ vỏ trấu lấm tấm, để bột bánh trắng mịn. Khi tráng phải nhanh tay quây cho đều, chậm một tí sẽ chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh mỏng mảnh nên khi phơi phải nhẹ nhàng, kẻo bánh rách bươm.

Trước đây, ở Đại Lộc, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ tráng bánh và có thể tự tráng được theo kiểu "tay ngang". Chỉ cần có chiếc cối xay, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải, những lúc nông nhàn có thể tráng bánh để ăn lai rai quanh năm. Bây giờ đồ nghề vẫn còn đấy, nhưng ít ai tự tráng bánh mà chỉ còn những thợ chuyên nghiệp. Tất nhiên trước khi trở thành thợ, những người này đã phải "hy sinh" mấy chục cân gạo để tập cho tay nhuần nhuyễn. Cối xay tay bây giờ được thay thế bằng máy. Thay vào những tấm liếp tre là cả mấy chục chiếc vỉ bằng lưới nhựa căng cứng.

Giáp Tết là thời gian làm bánh tráng cao điểm, đây cũng là dịp bánh tráng được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, trong những tháng này thời tiết lại không thuận lợi cho việc phơi bánh. Không lẽ cứ đứng nhìn trời mưa mà đành chịu một cái Tết vô vị vì thiếu bánh tráng? Bánh tráng phải phơi được nắng mới dẻo, gặp trời tù mù là bánh sượng sượng, dở không chi bằng. Vậy là người thợ nghĩ ngay đến chuyện làm lò sấy bánh. Bánh tráng sấy bằng than, bán đắt hơn bánh tráng phơi nắng một chút, nhưng khách hàng vẫn chuộng.

Bánh tráng Đại Lộc nổi tiếng và người Đại Lộc ăn bánh tráng cuốn cũng... có tiếng. Trước đây, bánh tráng cuốn thường chỉ có mặt vào những ngày giỗ chạp, lễ Tết. Bây giờ thì quanh năm suốt tháng, nhà nào cũng có bánh tráng để sẵn trong nhà. Ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn bữa chính. Ăn mọi lúc, mọi nơi. Khách đến, chiêu đãi bánh tráng cuốn; xa quê lâu ngày, khi về làm ngay bữa bánh tráng cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Bánh tráng cuốn với cá hấp, chấm mắm cái thì có vạt rau muống trồng sẵn trong vườn nhà; cuốn với thịt heo lại có buồng chuối chát, luống xà lách, mấy cây rau thơm. Thậm chí nếu không có thịt cá thì bánh tráng cuốn chấm nước mắm vẫn ngon như thường!

(Ngoisao)
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
2535 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 27, 2008, 02:18:35 PM
Gửi bởi TonyViet
2 Trả lời
3233 Lượt xem
Bài mới Tháng Năm 22, 2019, 02:44:17 PM
Gửi bởi kimhasky
0 Trả lời
2628 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 08, 2008, 04:10:40 PM
Gửi bởi khidotdh88
2 Trả lời
4883 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 21, 2009, 10:05:14 AM
Gửi bởi saigonopentour
6 Trả lời
7074 Lượt xem
Bài mới Tháng Chín 16, 2013, 03:46:28 PM
Gửi bởi nguoibohanh

Đà Nẵng City - bán đảo Sơn Trà - Bảo tàng Đà Nẵng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Sapa - chợ Bắc Hà 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Thiên Đường – Vũng Chùa – Mộ tướng Giáp 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Tour du lịch Cần Giờ 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Vinpearl Nam Hội An - khởi hành từ Đà Nẵng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác

Chủ đề mới nhất


Mobile View