Hội du lịch Việt Nam
Du lịch ba miền (Không quảng cáo tour ở đây) => Đến đâu ăn đó! => Tác giả chủ đề:: TonyViet vào Tháng Bảy 28, 2008, 12:13:04 PM
-
(http://www.webdulich.com/images_upload/hau28255.jpg)
Thức ăn ở các buổi tiệc buffet sang trọng thường có món hàu. Từ nhà hàng cao cấp của các khách sạn 5 sao, hàu xuất hiện ngày càng nhiều ở các nhà hàng và quán ăn hải sản.
Đơn giản thì có hàu chiên trứng, cháo hàu… Sành điệu hơn thì ăn hàu tươi nguyên con vắt chanh chấm wasabi. Hàu dễ ăn mà cũng dễ nuôi. Bằng chứng là dân xã đảo Long Sơn đang sống khoẻ nhờ nuôi hàu.
Thuộc địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu, xã đảo Long Sơn ít được biết đến vì bị chia cắt với đất liền bởi con sông Rạng. Mãi đến khi các nhà hàng hải sản khắp các tỉnh miền Đông đưa món hàu vào thực đơn, Long Sơn mới được nhắc đến bởi đây chính là nơi cung cấp hàu tươi sống cho khắp vùng.
Long Sơn được bao bọc một mặt là biển, mặt chia cắt đất liền bằng con sông Rạng nối từ cửa Ông Bền, bọc sang tận Gò Găng lại đổ ra cửa biển. Cả một khúc sông dài chừng 15km là khu vực sinh sống tuyệt vời của con hàu mà không địa phương nào khắp vùng ven biển phía Nam có thể sánh được. Thế nhưng, con hàu trời cho ấy mãi đến cuối những năm 90 mới được người dân Long Sơn phát hiện một cách tình cờ. Những người đóng cừ làm bè nuôi tôm thấy có hàu bám vào cừ tràm lâu năm, gỡ ra đem về chế biến thành những món ăn dân dã: hàu nướng, cháo hàu... nên nảy sinh ý định đóng cừ thả cây xuống cho hàu bám vào để khai thác.
Những năm 1990 ở Cần Giờ có vài người nuôi hàu, nhưng dường như không phát triển được do con nước và dòng chảy không phù hợp, hàu chậm lớn. Dân Long Sơn bắt chước làm theo lại thành công nhờ con nước và nguồn hàu giống xuất hiện quanh năm ở khắp sông Rạng, chỉ cần thả bất kỳ vật gì xuống là sau một tháng sẽ thấy những chấm nhỏ li ti hàu giống bám vào. Nghề nuôi hàu chính thức hình thành từ năm 1999, người được xem là đầu tiên ở Long Sơn bỏ nghề biển để nuôi hàu là Tám Khẩn.
Sau khi cây cầu Long Sơn nối đất liền với đảo được khánh thành, dân xã đảo như gần hơn với bên ngoài. Nghề nuôi hàu ban đầu mang tính nhỏ lẻ, vừa nuôi vừa thử nghiệm. Lúc đầu thì đóng cừ cho hàu bám, dần dà đi kiếm tôn xi măng phế thải, đập miếng nhỏ treo dây thừng thả thêm mật độ dày, tiếp đến dân Long Sơn dùng vỏ xe cũ cắt nhỏ, treo dây thả sông. Từng bước, nghề hàu hình thành và phát triển khắp xã đảo. Người nuôi không tốn kém công, thức ăn như những loại hải sản khác. Chỉ cần chọn khúc sông đóng cừ, thả tôn, vỏ xe, sau đó đợi hàu bám vào và nuôi cho đến ngày thu hoạch. Con sông Rạng vốn là môi trường rất thuận lợi cho các loại phiêu sinh phát triển. Mà đây là nguồn thức ăn tự nhiên của hàu. Nhờ vậy, hàu Long Sơn phát triển rất nhanh và hiện là một trong những nguồn lợi chính của toàn dân xã đảo.
Nuôi con hàu, nguồn thuỷ sản tưởng như cạn kiệt nay lại dồi dào trở lại. Các bè hàu thả sông trở thành nơi trú ẩn của các loại cá nâu, cá chẻm, cá mú, cá đối... Các loài cá bám theo bè hàu để ăn phiêu sinh và “xử” luôn những con hàu chết. Nuôi con hàu, người dân được lợi, nguồn thuỷ hải sản cũng phát triển, mang lại sự cân bằng cho môi trường và thiên nhiên.
Từ Long Sơn, con hàu ra Vũng Tàu, vào các nhà hàng hải sản, đưa lên Sài Gòn và các vùng lân cận. Người nuôi hàu khai thác theo kiểu gối đầu từng lứa, nhờ vậy nguồn hàng cung cấp ổn định quanh năm. Cả khúc sông dài của Long Sơn nay đã đặc kín bè nuôi, người vốn lớn nuôi nhiều, vốn nhỏ nuôi ít. Thiên nhiên ban tặng cho Long Sơn con hàu, nay đến lượt Long Sơn nuôi hàu để biến thành một đặc sản của vùng xã đảo.
-
Đọc bài này nhớ đên những buổi chiều cả đám nhóm bếp than lên mua 5-7kg hàu về nứơng nhậu thật đã. Hàu nấu cháo ăn cũng ngon phết.
SimplePortal