Trang:
Actions
  • #2 Gửi bởi thanhthuy87 vào 24 May 2016

  • Không chỉ là đất nước của những Angkor nổi tiếng, ẩm thực Campuchia còn vô cùng màu sắc và hấp dẫn. Cùng điểm qua những món ngon không thể bỏ qua của đất nước Chùa Tháp nhé.

    1. Mắm bồ hóc

    Mắm bồ hóc (prohok) là loại mắm được làm từ những chú cá con đã sơ chế sạch rồi ướp muối và đậy trong hũ kín trong vài tháng cho ngấu rồi mới đem ra ăn. Đây là món ăn truyền thống trong đời sống ẩm thực của người Campuchia.


    Mắm bồ hóc rất mặn do chỉ ướp muối. Đây là nguyên liệu không thể thiếu để chế biến món bún nước lèo cùng rất nhiều món ăn khác của Campuchia.



    2. Bai Sach Chrouk

    Cứ mỗi sáng, các quán ăn ở khắp thủ đô Phnom Penh lại huyên náo tiếng thực khách gọi món Bai Sach Chrouk - một kiểu cơm thịt heo nướng của Campuchia. Món ăn này được chế biến tương đối đơn giản. Bên cạnh bát cơm dẻo thơm, nóng hổi là đĩa thịt heo xắt mỏng ướp sữa dừa được nướng trên than hồng. Món này thường được ăn kèm với vài lát dưa chuột và chút tương ớt.


    Tuy chế biến đơn giản nhưng món ăn này vẫn rất tuyệt vời và hút khách.



    3. Amok

    Amok là một trong những món ngon nổi tiếng và được xem là tinh túy của ẩm thực Campuchia. Món ăn này mang đầy đủ những hương vị riêng của đất nước Chùa Tháp: từ vị ngọt thanh của đường thốt nốt, ngọt béo của nước dừa đến mùi mắm bồ hóc thoang thoảng nhẹ nhàng quyện với hương lá chuối đặc trưng.



    Nguyên liệu cho món gà amok gồm thịt ức gà, dừa nguyên trái và một loại gia vị đặc biệt chỉ có trong bếp của người Campuchia có tên gọi là “khượng”. Khượng được làm từ trái chúc (loại chanh rừng có vỏ sần sùi và rất thơm), củ ngải bún, riềng, nghệ, hành tím, tỏi, sả bằm nhuyễn. Với người dân Campuchia, gà amok là món ăn “lai rai” rất tuyệt, mà để ăn cùng cơm cũng rất ngon.


    Món amok thường được đựng trong quả dừa.

    Món ăn dân dã này thường được đựng trong trái dừa. Khi thưởng thức món này, bạn phải ăn chậm rãi để cảm nhận được trọn vẹn sự kết hợp tinh túy, tuyệt vời của gà và dừa tan dần trong miệng.


    Món amok còn có thể đựng đựng trong các chiếc bát làm bằng lá chuối
    thay vì múc vào trong quả dừa như truyền thống.

    4. Mì Nom Banh Chok

    Đây được mệnh danh là “món ăn quốc gia” của người Campuchia. Món mì vẫn được người dân đất nước Chùa Tháp thưởng thức vào mỗi sớm mai này được làm từ loại gạo ngon lên men chan với nước sốt cà ri cá đậm hương sả, lá chanh và nghệ vàng. Mì Nom Banh Chok thường được ăn kèm với rau sống, giá đỗ, dưa chuột và tương ớt cay.


    Đây là một món ăn dân dã nhưng rất "hút" khách của Campuchia.

    5. Món nướng

    Đối với người Campuchia, nướng là cách chế biến đồ ăn rất được ưa chuộng. Bạn có thể bắt gặp món nướng ở khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp. Hầu như quán ăn, nhà hàng nào cũng có một bếp than hồng rực để ngay ngoài cửa.



    Các món nướng cũng vô cũng phong phú đa dạng, từ các món hải sản nướng thơm ngon đầy chất dinh dưỡng đến các món thịt rừng tẩm đầy gia vị vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt cà cuống nướng là một món ăn bạn nên thử khi đến đất nước này.


    Những món nướng ngon lành hấp dẫn du khách.

    6. Món côn trùng

    Côn trùng có lẽ là món ăn khiến nhiều du khách quốc tế sợ nhất khi đến Campuchia. Tuy nhiên, đây lại là món ăn ngon lành và bổ dưỡng được người dân đất nước này yêu thích.


    Một quầy hàng bán các món ăn từ côn trùng.

    Các loại côn trùng từ kiến, nhện, bò cạp , cà cuống, bọ xít… đủ loại đều được chế biến thành những món ăn đầy chất dinh dưỡng. Nhiều thực khách sau khi vượt qua nỗi sợ hãi, thưởng thức các món côn trùng thì trở nên thích thú với món ăn này.


    Các món côn trùng rất phong phú.

    Một trong những món ăn từ côn trùng được yêu thích nhất đất nước Chùa Tháp là nhện Skuon. Tại khu chợ thương mại Phsar Leu, bạn có thể bắt gặp những người bán hàng dạo bê với một chiếc khay đầy ắp những chú nhện chiên giòn. Nhện rang giòn ở ngoài nhưng lại bùi bùi, mềm xốp ở bên trong, ăn rất lạ miệng.


    Nhện Skuon chiên giòn.

    7. Thốt nốt

    Vùng đất Campuchia nổi tiếng một loài cây rất đặc trưng, đó chính là cây thốt nốt. Cây thốt nốt rất hữu dụng trong đời sống của người dân nơi đây. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, thân cây dùng làm cột, còn nước thốt nốt được chắt lọc từ hoa thì dùng để nấu đường.

    Món đường thốt nốt còn được cô lại thành viên dùng để nấu chè hoặc làm phụ gia chế biến thực phẩm và nêm vào các món canh, món kho. Đây cũng là một món quà thường được nhiều khách chọn mua. Đường thốt nốt được bán rộng rãi trong các chợ hay các quầy hàng thực phẩm và thường được bọc trong lá cọ.


    Đường thốt nốt.

    Từ cây thốt nốt, người dân Campuchia còn chế biến ra hai loại đồ uống rất ngon. Một là rượu “thốt nốt chu” (thốt nốt chua) - một loại rượu nhẹ như vang. Hai là nước thốt nốt, được lấy trực tiếp từ cây thốt nốt bằng thủ thuật của riêng của người dân nơi đây. Thức uống này thơm ngon, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong ngày.



    8. Hoa sầu đâu

    Hoa sầu đâu - loại hoa thu hoạch từ cây sầu đâu trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3. Đây là một loại hoa được xem là đặc sản của Campuchia. Loài hoa này có vị khá đắng giống mướp đắng nhưng ăn xong lại đọng lại vị ngọt nơi đầu lưỡi.

    Hoa sầu đâu trộn chung với các loại thịt khô như khô mực, khô cá, khô nai xé nhỏ được gọi là món “gỏi sầu đâu”. Ngoài sầu đâu, món ăn này còn có củ cải, dưa leo bào mỏng và nước mắm me. Hoa sầu đâu trước khi trộn gỏi tước bỏ xơ trên hoa và phải trụng sơ với nước sôi. Món ăn này khá dễ ăn và được nhiều người, đặc biệt là dân nhậu ưa chuộng.

    Gộp bài: Tháng Năm 25, 2016, 11:30:58 AM
    DU LỊCH VŨNG TÀU - ĐỊA CHỈ ĂN UỐNG NGON RẺ Ở VŨNG TÀU
    Thành phố biển này có những món ăn hấp dẫn khiến khách phương xa từng ghé qua thưởng thức phải thương nhớ và thường xuyên quay trở lại.

    Vũng Tàu vào những dịp nghỉ hè, nghỉ lễ hay cuối tuần thường đón một lượng lớn du khách từ khắp vùng miền và TP HCM. Họ tới Vũng Tàu không chỉ để du lịch, mà còn thưởng thức hải sản và các món đặc trưng địa phương, trong đó có bánh khọt nổi tiếng. Dưới đây là một số thông tin về quán ăn ngon Vũng Tàu và một số đặc sản.

    Ăn sáng



    - Phở Bình trên đường Trương Công Định (đoạn cắt Nguyễn Du): khá ngon và rất đông khách.

    - Mỳ thảy Nghiệp Ký, ông chủ quán mỗi khi chế biến lại thảy mì lên cao (khoảng 1,5 m) trông khá vui mắt. Địa chỉ: 127 Ba Cu, đoạn gần bãi trước Vũng Tàu, giá 35.000 đồng/tô.

    - Phở Quyền nằm trên đường Thống Nhất gần nhà thờ Vũng Tàu, phở Huỳnh nằm trên đường Đội Cấn, phở Mạnh nằm gần tượng đài liệt sĩ (hương vị bắc ăn ngon), giá: 30.000 - 35.000 đồng/tô.

    - Quán hủ tiếu, bánh canh trên đường Bà Triệu. Bánh canh và hủ tiếu ở đây ngon hơn nhiều Sài Gòn.

    - Bún bò Huế hay bún cá: quán Sỏi nằm trên đường Trương Công Định, rất ngon, giá 35.000 đồng/tô

    - Nếu thích bánh cuốn và miến ngan, miến lươn hãy vào đường Hoàng Văn Thụ: ngon và giá rẻ 25.000 đồng/tô, bánh cuốn: 20.000 đồng/đĩa.

    - Bún chả Hồ Tây: quán Hồ Tây 1 đường Lê Lai, Hồ Tây 2 đường Nguyễn Tri Phương nối dà, giá 35.000 đồng/suất.

    - Quán bánh mỳ ở góc đường Đồ Chiểu - Lý Thường Kiệt (không có tên), chủ quán tên Yến. Quán này chỉ mở vào buổi tối (18-24h), có bánh mì, xôi. Nước sốt và pate ở đây rất ngon. Quán rất đông khách, phải chờ khá lâu.

    - Nếu đi cùng trẻ con có thể mua cháo Dinh An: từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/suất hoặc tìm ở ngã tư Ba Cu - Lý Thường Kiệt. Quán nhỏ ven đường nên hơi tối, nhưng khách đông lắm, giá 25.000 đồng/tô.

    - Lòng heo ở quán Tuấn đường Đồng Khởi (cắt Lê Lai).

    Ăn trưa và tối

    - Cơm Niêu Hoa Sữa: 569/19A Nguyễn An Ninh.

    - Cơm phần quán Phú Vinh: số 10 Lý Tự Trọng.

    - Quán Nhà Lá, nằm trên đường Nguyễn An Ninh: khá ngon mà giá cả rất bình dân.

    - Quán Tre ở Bãi Dâu (di theo đường Hạ Long dọc bờ biển)

    - Quán Gành Hào (bãi Dứa): view đẹp, hải sản không quá đắt. Gành Hào 1: đồ ăn cũng được, lượng nhiều, nhân viên dễ thương, dù đông khách nhưng vẫn rất vui vẻ. Gành Hào 2 thì ở bến tàu ngầm.

    - Cơm tấm Hướng Dương: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

    - Cơm trưa văn phòng quán Sỏi: đường Trương Công Định.

    - Ăn tối ở dãy quán ở đường Đồ Chiểu: cơm, bún, phở, cháo chim bồ câu, rau má đậu xanh, sinh tố trái cây…

    Các món lẩu

    Món lẩu cá đuối đầy ú thịt cá, chua chua ngọt ngọt. Ảnh: cobavungtau.
    Món lẩu cá đuối đầy ú thịt cá, chua chua ngọt ngọt. Ảnh: cobavungtau.
    - Lẩu cá đuối, ếch 46 Trương Công Định (ếch xào lăn hoặc cá đuối xào xả ớt) hay quán Trận số 7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (lẩu cá đuối và cá đuối chiên giòn chấm nước mắm me): giá rẻ mà ăn rất ngon.

    - Lẩu đầu cá ở quán Bảy Giai (trên đường Hoàng Hoa Thám): cá nhiều, chả cá ngon.

    Món ăn vặt

    - Cháo bồ câu: 56 đường Đồ Chiểu.

    - Kem Alibaba, nước rau má đậu xanh: cũng khu Đồ Chiểu quán bán mỳ tàu trên đường

    - Quán A Khèn, cũng ở khu Đồ Chiểu. Kem và sinh tố ở quán này thì nổi tiếng rồi, các món bánh ở đây cũng rất ngon, giá cả hợp lý.

    - Món nướng kiểu Nga: thịt heo miếng sườn xỏ xiên nướng, miếng thịt to, thơm lừng, ăn kèm salad Nga và khoai tây chiên vàng giòn: quán Việt Nga hay quán Vườn Bàng ở 37/4 Nguyễn Thái Học.

    - Bánh bông lan trứng muối: quán Gốc Cột Điện, 17B Nguyễn Trường Tộ.

    Quán nhậu

    - Quán Hạ Long đường Cô Bắc.

    - Dê - lẩu dê Hưng, đường Tôn Thất Tùng: đảm bảo ăn dê chính hiệu.

    - Ngoài ra có thể thử thêm quán Tám đường Bình Giã, khá đông khách, khuyết điểm là nằm trong hẻm, không có chỗ đậu xe ô tô.

    - Heo mọi thì có quán Thanh Hằng, đường Thống Nhất (đường mới 51B), trước quán ở Tú Xương.

    - Cầy: cách 2-3 nhà là quán thịt cầy Bốc Lửa, ăn cũng khá ngon, nhưng bây giờ có thể hơi đông nên không còn như trước.

    - Gà hấp lá chanh Sài Gòn ở đường Chu Mạnh Trinh.

    - Quán thịt trâu Phương Nam trên đường Bình Giã, đoạn gần ngã tư Bình Giã - Nguyễn An Ninh, gần mấy cái hồ nước trên đường Bình Giã, có món lá sách trâu xào khế nhậu bắt lắm.

    Bánh khọt Vũng Tàu

    Ngoài những món ăn trên, Vũng Tàu còn được biết đến với món đặc sản là bánh khọt. Bánh khọt ngon phải kể đến bánh khọt Bà Hai. Bánh ở đây không dùng nhiều dầu, không to như ở Gốc Cây Vú Sữa nhưng rất giòn, tôm cũng nhỏ hơn nhưng một cái bánh có thể có 2-3 con. Đặc biệt ở đây là vị béo thơm của bột bánh rất ngon, rất hợp với nước mắm pha vừa miệng và ít đồ chua vừa ăn. Tuy nhiên, quán bán cũng rất tài tử nên nhiều bạn khi về Vũng Tàu chơi thì không thấy bán. Thường thì đầu tháng và rằm thì quán nghỉ, nhưng nhiều khi chủ quán mệt hay bận đi đâu đó là nghỉ 1-4 ngày nên cũng tùy hên xui. Vào các ngày thứ 7, chủ nhật quán hơi đông nên chờ cũng khá lâu. Vì vậy bạn nên đến sớm khoảng 7 giờ thì chắc chắn có bánh nhanh, còn từ 8 giờ thì phải chịu khó chờ. Ngày thường thì thoải mái.

    Kế đến bạn có thể đến bánh khọt ở quán Gốc Cây Vú Sữa. Địa chỉ: 14 đường Nguyễn Trường Tộ, TP Vũng Tàu giá khoảng 35.000 đồng/8 cái.

    Bánh khọt Cây Đa: nằm gần nhà thờ Vũng Tàu, trường THCS Vũng Tàu, địa chỉ: 21 Lý Thường Kiệt. Quán nằm cùng với các quán đồ ăn vặt khác như nước dừa, khô bò nên tiện cho những bạn đi nhiều người, mỗi người mỗi ý. Bánh chiên ít dầu, tôm to vừa phải, rau sống nhiều. Bạn muốn ăn tôm chà thì phải nhắc chủ quán bỏ vào nhé. Cái dở ở đây là đồ chua. Đồ chua làm bằng đu đủ, cà rốt nhưng đu đủ làm chưa kỹ nên còn vị đắng, lại bỏ vào ngay trong nước mắm rồi mới bưng ra làm nước mắm cũng có vị đắng.

    Mua làm quà

    Mua hải sản về làm quà: vựa hải sản Phụng San, Thành Phát: dọc theo hết đường Hạ Long, đến đường Trần Phú, các vựa hải sản nằm đây khá nhiều.

    Mimi tổng hợp

Related Topics


Trang:
Actions