Trích tái chanh: Đặc sản Phú Quốc
Bánh canh cá thu Phú Quốc
Ăn còi biên mai ở Phú Quốc
Khám phá đảo xanh Phú Quốc
Những điều cần biết khi đi DL Phú Quốc
Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa đầu mùa ở Phú Quốc bắt đầu nặng hạt, người dân ở đảo lại đổ xô vào rừng hái nấm.Có người đi hái nấm vì kế sinh nhai nhưng cũng có người đi hái nấm chỉ vì niềm vui và niềm vui ấy mỗi năm chỉ đến một lần.
Nấm Tràm vừa hái.Rừng Phú Quốc mùa khô lá rụng phủ một lớp lá vàng ươm như chiếc áo khoác của thiên nhiên, e ấp che đậy để giữ cho lớp đất bên dưới luôn mát mẻ, nuôi dưỡng những lớp meo nấm phát triển chờ mùa mưa tới.
Sau những cơn mưa đầu mùa tưới ướt đẫm những cánh rừng, những tai nấm tràm tí hon cũng bắt đầu đội đất chui lên từng đám dưới tán rừng tràm, rừng mua, rừng sim và những trảng tranh dọc theo bờ sông, ven suối. Những tai nấm sau một mùa khô hạn bỗng bật dậy chui lên thành từng cụm lô nhô lấp ló dưới lớp lá khô sau một đêm mưa tầm tã.
Bữa đầu tiên nấm chỉ bằng đầu đũa, ngày thứ hai đã lớn bằng ngón chân và sang hôm thứ ba thì đã phỗng phao như cái bánh bò ngoài chợ. Đó là cũng là lúc bà con ở đảo vào rừng hái nấm về nhà.
Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa đầu tiên, nếu trễ những cây nấm sẽ lụi tàn, trở về với đất. Thế là phải chờ một năm sau mới mọc lại.
Mùa nấm tràm người ta vào rừng hái nấm như đi hội. Áo xanh, áo đỏ, áo vàng của các cô gái hái nấm thấp thoáng trong những lùm sim; các em nhỏ nhát gan không dám vào sâu trong rừng thì hái nấm dọc theo bờ suối; các ông bà già không đi xa được cũng mon men ở bìa rừng gần nhà để kiếm nấm.
Người Phú Quốc xa quê thường chạnh lòng, bâng khuâng nhớ đảo mỗi khi xuất hiện cơn mưa đầu mùa: Nấm tràm trở lại!
Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh để dành ăn dần. Có khi trời nắng tốt đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa.
Những cây nấm lấm lem bùn đất được tắm gội sạch sẽ, giờ trông óng mượt bắt mắt. Có người cho rằng, những chất tinh túy từ đất, từ cát và từ những thảm lá mục trong rừng được cây nấm hấp thụ, chắt lọc và "dâng hiến" cho con người. Cho nên, khi ăn nấm tràm ta cảm thấy vị ngọt ngào mềm mại của cây nấm, vị mằn mặn, chua chua của đất miền biển, mùi thơm của lá mục dưới tán rừng, mùi hương mộc mạc vô cùng bình dị mà không phải ai cũng được nếm trải trong cuộc đời của mình.
Nấm Tràm xào hải sản.Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc như chính cây nấm vậy. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Người miền biển "ngán" hải sản thì nấu nấm tràm với thịt gà, thịt heo và trứng.
Nhưng dù có nấu với bất cứ cái gì thì nấm tràm vẩn là... nấm tràm, vẫn vị ngọt ngào, chua mặn của đất, vẫn mùi thơm nồng của lá ủ trong rừng mà không có bất kỳ mùi hương nào lấn át được. Nhưng có lẽ cái vị độc đáo nhất, chỉ nấm tràm mới có là vị đắng nơi cổ họng sau khi ăn xong bát canh nấm. Vị đắng như một lời giao hẹn… hẹn mùa nấm năm sau!
Nguồn: Tuổi trẻ
Trích tái chanh: Đặc sản Phú Quốc
Bánh canh cá thu Phú Quốc
Ăn còi biên mai ở Phú Quốc
Khám phá đảo xanh Phú Quốc
Những điều cần biết khi đi DL Phú Quốc