Hàng trăm năm qua, chuối vẫn là thứ cây được trồng phổ biến tại đây. Điều đó tạo lên hình ảnh yên ả, thanh bình và như một biểu tượng của vùng quê bên dòng sông Châu trù phú khiến quê hương anh “Chí” càng thêm nổi danh đất Bắc.
Làng Đại Hoàng trước đây thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam, nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Chuyện xưa kể rằng: Đã từ lâu lắm, thời mà đất Nam Xang này còn ngập trong biển nước, về mùa tháng Tám, vua Trần ngự thuyền rồng cùng văn võ bá quan từ kinh thành Thăng Long về yết kiến Thái Thượng Hoàng ở cung Thiên Trường, cờ xí rợp trời đỏ cả sông Hồng xuôi về đất Tổ.
Đến ngã ba tuần vương, thuyền của Vua và các đại thần dừng lại, có đôi vợ chồng ở sát bến mang nặng ơn vua, nay được thấy mặt rồng muốn tạ ơn người. Giữa biển nước mênh mông, họ chẳng còn gì ngoài cây chuối còi cọc sót lại nơi đầu hồi đang có buồng, những nải chuối nhỏ bé với những quả xinh xinh như quả cau, chín vàng như nghệ toả hương thơm ngào ngạt.
Hai vợ chồng người nông dân vội hạ xuống cung kính dâng lên vua. Vua rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp và hương vị của loại chuối này. Người cũng truyền cho các quan khai khẩn thêm vùng đất này cho suốt bốn mùa hoa thơm quả ngọt. Đại Hoàng nổi tiếng một phần nhờ chuối ngự bắt đầu từ đó.
Vị ngọt mát, thơm ngon của chuối Ngự khiến người ăn không thấy chán
Câu chuyện trên chẳng biết có từ khi nào, cũng như chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi chuối ngự Đại Hoàng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, khi được hỏi thì các cụ cao niên ở làng đều kể cho chúng tôi nghe chuối ngự Đại Hoàng đã từng được đem vào tiến Vua Tự Đức trong cung đình Huế. Và một điều ai cũng thừa nhận là chỉ nơi đây mới có những buồng chuối ngự ngon thơm đặc biệt với vẻ ngoài rất đẹp.
Hàng trăm năm qua, chuối vẫn là thứ cây được trồng phổ biến tại đây, điều đó tạo lên hình ảnh thật yên ả, thanh bình và như một biểu tượng của vùng quê bên dòng sông Châu trù phú.
Giống chuối ngự trồng khó hơn các giống chuối thông thường khác. Từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới bắt đầu ra hoa kết trái. Qua mùa bão táp mưa sa, cây càng phải gìn giữ kỹ. Mỗi cây có một cột tre làm nơi nương tựa. Ngay đến chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kỳ, "ăn" sạch các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chứ không ưa các loại phân uế tạp.
Nay, du khách về thăm làng Vũ Đại, ngoài thưởng thức món chuối ngự ngon nức tiếng mà còn tìm lại những ký ức đẹp về truyện ngắn Chí Phèo
Gia đình nào có cả vườn chuối thường phải xây vài ba cái lò dấm trong nhà. Lò dấm vách đất, chứa được khoảng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu. Chính vì thế về Đại Hoàng ngày chuối chín, từ đầu làng ngõ xóm du khách đã ngửi thấy hương chuối ngự chín. Mùa chuối nhà nào nhà nấy đều nưng nức hương thơm từ chuối ngự.
Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh. Các cụ ngày xưa ví quả chuối như "búp tay cô gái" kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm. Vỏ chuối vàng óng như lụa, bóc vỏ, ruột lộ ra liền. Quả chuối mềm nuột, mầu vàng nhạt, cắn một miếng, lộ ra ruột vàng sậm, thơm nức. Cái ngọt đậm đà đầu lưỡi.
Cây chuối ngự vườn làng Đại Hoàng xanh mát, bẹ cây bóng trong. Tuy cùng mang tên chuối ngự nhưng có đến hai loại với những đặc điểm khác nhau: chuối ngự trâu có quả to, ăn nhạt và chuối ngự thóc hay còn gọi chuối ngự mít có vị ngọt đậm đà và mùi thơm nồng nàn khó tả, đây mới chính là loại chuối được chọn tiến Vua. Thứ chuối này chỉ có ở Đại Hoàng.
Nếu làng Vũ Đại xưa kia luôn gắn liền cái nghèo, cái khổ thì nay khi đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong từng ngõ xóm. Nay, du khách về thăm làng Vũ Đại, ngoài thưởng thức món chuối ngự ngon nức tiếng mà còn tìm lại những ký ức đẹp về truyện ngắn Chí Phèo. Thăm ngôi nhà Bá Kiến nằm ngay sát bên con đường đất liên thôn ở xóm 11 xã Hòa Hậu, bạn không khỏi ngạc nhiên khi trải qua hơn 100 năm dãi dầu mưa nắng, mái ngói của ngôi nhà vẫn dù chưa một lần tu sửa vẫn phẳng lỳ, không dột nát. Các hoa văn chạm khắc chữ nho, hình rồng ở văng, kèo, li tô dường như vẫn còn nguyên.