Sững sờ Angkor
Không tấp nập, ồn ào du khách và cũng không hoành tráng như sân bay quốc tế Bangkok (Thái Lan), song sân bay Siêm Riệp mỗi ngày cũng có đón hơn 20 chuyến bay đến từ nhiều nước. Có thể dễ dàng nhận ra ngay phần lớn khách đến đây đều là khách du lịch, đông nhất vẫn là du khách Nhật Bản, Pháp.
Khi làm thủ tục ở sân bay, tôi làm quen với một cô giáo người Nhật có cái tên rất đẹp: Sakura (tiếng Nhật có nghĩa là hoa anh đào). Sakura dạy lịch sử phương Đông (trong đó có lịch sử VN) ở một trường phổ thông, nên nói tiếng Việt khá sõi.
Chuyến du lịch 2 nước châu Á mà cô cùng 3 giáo viên đưa học sinh đi bữa nay nằm trong chương trình giảng dạy của trường. Cô bảo, cả cô và học sinh đều ao ước được chiêm ngưỡng và nghiên cứu di sản Angkor nổi tiếng. “Có một câu ngạn ngữ mà ở Nhật cũng biết là: trước khi chết phải một lần đến Angkor”, Sakura cười nói.
Đúng như lời Sakura, bất cứ ai đặt chân đến Siêm Riệp đều phải sững sờ trước vẻ đẹp kiến trúc và điêu khắc của quần thể Angkor. Trong nắng vàng rực rỡ chiếu xiên qua những cánh rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây thốt nốt, cây knia, Angkor Wat (kinh đô chùa), Angkor Thom (kinh đô lớn) hiện ra nguy nga, kỳ vĩ và tráng lệ.
Trong vòng bán kính 50 km, quần thể Angkor (từng là trung tâm văn hoá của đế chế Khmer hùng mạnh) có hàng trăm đền đài mà muốn tìm hiểu kỹ phải mất rất nhiều thời gian. Mặc dù vé tham quan quần thể Angkor không hề rẻ (một ngày là 20 USD, một tuần là 80 USD), nhưng khách vẫn hài lòng, bởi đến đây, họ không chỉ được tham quan, du lịch mà nhiều khi còn để nghiên cứu hoặc thực hiện một đề tài về văn hoá phương Đông.
Tôi đã chứng kiến một cô sinh viên người Pháp ngồi hàng giờ dưới Angkor Wat ghi chép tỉ mỉ những cảm nhận của mình về phế tích hay một chuyên gia văn hoá Nhật Bản sưu tầm các mẫu đá cổ. Còn ở chỗ khác, một phóng viên ảnh chuyên nghiệp Ai Cập đang chọn góc độ ống kính, ánh sáng để thực hiện những kiểu ảnh cho một tạp chí du lịch mà anh đã ký hợp đồng.
Siêm Riệp không chỉ có Angkor mà còn có đền Bayon, những truyền thuyết hấp dẫn về nụ cười của các vũ nữ, về điệu múa Apsara… Là thành phố du lịch, không có ngành công nghiệp, với gần 1 triệu người, mỗi năm, Siêm Riệp đón tới gần 2 triệu du khách. Vì thế, khách sạn ở Siêm Riệp mọc lên như nấm.
Tuy nhiên, tất cả khách sạn ở đây khi xây dựng đều phải tuân theo một nguyên tắc nghiêm ngặt là không được quá 3 tầng (không cao hơn Angkor) và lợp ngói đỏ. Bởi thế, Siêm Riệp rất yên bình, thơ mộng.
Nhìn dòng người đổ vào Angkor, tôi cứ miên man suy nghĩ: các lăng tẩm ở Huế của ta cũng uy nghi và hoành tráng, bốn bề thành luỹ, trước mặt là dòng sông Hương thơ mộng, xa xa là núi Ngự Bình, là di sản văn hoá thế giới, vậy mà mấy lần đến Huế, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh có đông du khách như ở đây, chạnh buồn và xót xa.
Điều hấp dẫn nữa của Angkor là ở đây có một bộ sưu tập rễ cây lạ lùng, tạo nên những quần thể kiến trúc tự nhiên và nhân tạo hết sức độc đáo. Rễ cây vươn trên lối đi lâu ngày chai lỳ như sắt hoặc ôm choàng những trụ đá, những bức tường thành, thậm chí nuốt chửng cả một toà nhà.
Dọc theo nhiều bức tường đá, du khách có thể xem và ngắm những bức điêu khắc trên tường. Đó là những câu chuyện truyền thuyết, dấu ấn của một thời đại vàng son thuở xưa. Toàn bộ quần thể Angkor do ông Sor Lung, một người Khmer gốc Việt nhận thầu khoán 2 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do tổ chức, quản lý tốt, linh động trong kinh doanh, biết xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn, nên mỗi năm ông này thu tới gần 20 triệu USD.
Từ Siêm Riệp đi tàu cao tốc xuôi Biển Hồ và Tonle Sap về Phnôm Pênh mất khoảng 6 giờ. Mùa mưa Biển Hồ sâu hơn 10 m, dài trên 150 km. Các thị trấn nổi trên Biển Hồ cứ theo con nước mà trở nên xa hay gần. Phnôm Pênh có Hoàng Cung và chùa Bạc, chùa lát 5.329 viên gạch bằng bạc ròng, mỗi viên nặng 1.125 kg. Trong chùa có nhiều tượng vàng dát kim cương. Tượng lớn nhất nặng 90 kg, đính 2.086 viên, có viên bằng ngón tay cái.
Thủ đô Campuchia còn có Wat Phnôm (chùa tháp, chùa núi), bảo tàng Quốc gia, bảo tàng Tungsleng, Cánh đồng chết, Đài Độc lập, Quảng trường sông 4 mặt, sòng bạc casino… Ở tất cả những nơi này vé vào tham quan đều từ 2 đến 5 USD. Số tiền ấy nhân lên với gần 2 triệu lượt khách/năm là một nguồn thu đáng kể cho quốc gia chỉ có 13 triệu dân.
Coi trọng yếu tố văn hoá truyền thống
Nếu như cách làm du lịch của người Thái Lan mang nặng tính thương mại thì du lịch Campuchia lại đề cao yếu tố văn hoá truyền thống. Đến đây, ngoài tham quan Angkor, du khách còn được cảm thấy thảnh thơi khi đi qua những cánh rừng nguyên sinh với hàng ngàn cây cổ thụ, được thưởng thức nước dừa xiêm ngọt ngào, vị đường thốt nốt thơm dịu mỗi khi dừng lại ở những khu nhà vườn của những người nông dân thân thiện.
Làng văn hoá các dân tộc Khmer ở Siêm Riệp không lớn, nhưng vào đây du khách dễ dàng cảm nhận được truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Thật ấn tượng khi thả bộ trong quần thể Angkor, du khách lại được nghe những ca khúc của chính đất nước mình do những ban nhạc gồm những người tàn tật biểu diễn. Khi đoàn chúng tôi đi qua, giai điệu hùng tráng của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên rộn ràng. Rồi khi đi khuất vẫn còn nghe dàn nhạc hoà tấu bài “Người ở đừng về”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết, mấy năm gần đây, Lửa Việt chú trọng đầu tư vào thị trường này, bởi ngành du lịch Campuchia lấy việc tìm hiểu thiên nhiên, văn hoá, lịch sử truyền thống làm mục tiêu chính của họ.
Điều làm cho du khách hài lòng là ngành du lịch nước này đã tạo ra các tour du lịch rất thoải mái, an toàn bằng xe gắn máy, xe lôi, xe tuk tuk, thậm chí là xe đạp. Khác với VN, ở đây có đến 60% ô tô, xe gắn máy không có biển số và không khóa, song chẳng ai lấy của ai.
Hôm trước, biết tôi sắp đi Campuchia, nhiều người căn dặn không được ra đường buổi tối, không được đi một mình. Thế nhưng, sự thanh bình và thơ mộng của Siêm Riệp vào buổi tối khiến tôi không thể từ chối lời mời của các đồng nghiệp đi thưởng thức cà phê và nghe nhạc đồng quê ở một quán ven sông. Anh lái xe lôi đưa chúng tôi về khách sạn lúc hơn 11 giờ đêm với 2 USD kèm theo lời cảm ơn rối rít.
Một nét đặc biệt nữa là các món ăn của Campuchia khá hợp khẩu vị với cả người Âu lẫn người Á. Không những thế, trước khi tạm biệt Siêm Riệp hay Phnôm Pênh, du khách còn được thưởng thức chương trình Buffet Khmer và một chương trình ca nhạc độc đáo. Khắp Campuchia chỗ nào cũng thấy bán các loại côn trùng, từ dế cơm, cà cuống, cào cào, ễnh ương, nhộng tằm đến các loài chim, rắn với đủ loại chiên giòn, xào, luộc, nướng cùng với giá rẻ bất ngờ.
Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy lượng khách đổ về đây nhiều như vậy, nhưng ở tất cả các điểm du lịch đều trật tự, yên bình, không thấy cảnh sát, không trộm cắp, không thấy cảnh người bán hàng đeo bám, tranh giành hoặc lừa khách.
Đoàn Hạnh (Theo Đầu tư)