Trang:
Actions
  • #2 Gửi bởi conan2001 vào 20 Dec 2011
  • Trong số ba danh thắng hàng đầu Nhật Bản, có Amanohasidate (Thiên kiều lập hay “Chiếc cầu bắc qua bầu trời”) - một dải đất mỏng dài 3,3km vắt ngang vịnh Miyazu, phía bắc cố đô Kyoto.


    Toàn cảnh Amanohashidate - Ảnh: T.Đ.A.S.


    Kiểu “ngắm ngược” Amanohashidate - Ảnh: karekora

    Một rừng hơn 7.000 cây thông cổ thụ như chiếc khiên xanh khổng lồ dựng ngang vịnh Miyazu để neo giữ “chiếc cầu của trời” này giữa một vùng sóng nước mênh mông. Theo truyền thuyết, các thần linh đã xây chiếc cầu nối liền trời và đất, chẳng may cầu bị sập rơi xuống vịnh Miyazu, tạo nên Amanohashidate.

    Chính quyền thành phố Miyazu đã hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Amanohashidate là di sản thiên nhiên của thế giới. Tuy nhiên do tiếng tăm của danh thắng này đã lừng lẫy từ cả ngàn năm nay nên Miyazu luôn là một địa chỉ được du khách yêu thích mỗi khi viếng thăm Kyoto.

    Từ xa xưa thắng cảnh này đã được tôn vinh là biểu tượng của vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng xứ Phù Tang, ẩn chứa nhiều điều kỳ thú. Amanohashidate cũng là chủ đề bất tận cho thi ca và hội họa Nhật Bản. Nổi tiếng nhất là tác phẩm Amanohashidate-do của thiền sư Sesshu (1420-1506), một danh họa bậc thầy, thể hiện Amanohashidate với những thần xã, tự viện, nhà cửa... ẩn hiện dưới bóng cổ tùng. Bức tranh - quốc bảo này của nước Nhật - hiện trưng bày ở Bảo tàng quốc gia Kyoto.

    Có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Amanohashidate từ những đỉnh núi xung quanh vịnh Miyazu. Từ đầu phía nam của Amanohashidate, có thể đi bằng ôtô hoặc thuê xe đạp dưới chân núi, theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo dưới bóng cổ thụ đi lên đỉnh núi. Hoặc mua vé đi băng chuyền, túc tắc tiến lên đỉnh. Trên đó có một tòa nhà khung gỗ với một hàng hiên chơi vơi, nơi bạn nên ngồi nhấm nháp tách cà phê nóng hay chén trà xanh mát lạnh ngắm toàn cảnh Amanohashidate trải dài giữa hai tầng sóng biếc của vịnh Miyazu.

    Chính ở đây bạn sẽ được nghe từ matanozoki, nghĩa là “ngắm ngược”: hóa ra người Nhật không ngắm Amanohashidate theo cách thông thường - đứng trên đỉnh núi, họ quay lưng về phía vịnh, cúi gập người xuống và ngắm Amanohashidate qua đôi chân để thấy cây cầu như nối liền mặt đất và mặt biển với bầu trời trong xanh. Nghi thức matanozoki này có từ nghìn năm qua dành cho những ai muốn thật sự khám phá những bí ẩn của “chiếc cầu bắc qua bầu trời”.


    Đi băng chuyền lên đỉnh núi, bên dưới là vịnh Miyazu bao la - Ảnh: Wikipedia

    Rời đỉnh núi bạn nên ghé thăm chùa Chionji dưới chân núi, một danh lam được thiền sư Sesshu miêu tả trong bức danh họa nói trên. Chùa lưu giữ huyền tích về một con rồng hung dữ sống ở cửa vịnh Miyazu, nhờ ánh sáng Phật pháp đã trở thành một “huệ long” khôn ngoan, nhân hậu nên được tôn xưng là Monju Bosatsu (Bồ tát Văn Thù).

    Đến chùa, bỏ ra 200 yen để “bốc” một lá xăm hình chiếc quạt, nếu gặp may bạn sẽ có được lá xăm đại cát và sau khi xem lời giải trên lá xăm, bạn đem treo nó trên những cây thông quanh ngôi chùa để lấy phước. Nếu gặp lá xăm bất như ý, bạn vẫn gửi lại những cây thông ấy, Monju Bosatsu sẽ hóa giải điềm xui và bảo hộ cho bạn.

    Từ chùa Chionji bạn đi qua chiếc cầu quay của cõi thực, bắc qua một con sông nhỏ nối thông ra vịnh Miyazu để đặt chân lên “chiếc cầu của cõi trời”. Đi dọc dải cát trắng với đôi bàn chân trần là một trải nghiệm nhớ đời cho những ai từng ước ao được một lần đặt chân đến “xứ thần tiên” này. Có điều xứ sở ấy giờ trở nên rất sống động: bạn vừa tận hưởng cảm giác bồng bềnh ở cõi tiên ấy vừa ngắm những thiếu nữ Nhật mặc bikini đang đùa giỡn giữa làn sóng xanh sát bước chân mình.


    Bức tranh Amanohashidate-do của thiền sư Sesshu - Ảnh: Wikipedia

    Nếu đang ở đầu phía bắc của Amanohashidate, bạn lên đỉnh núi Nariaisan cao nhất vùng đồi núi phía bắc vịnh Miyazu để ngắm toàn cảnh vịnh Miyazu và Amanohashidate. Chùa Nariai-ji ở lưng chừng núi có từ đầu thế kỷ thứ 8, trải qua nhiều lần trùng hưng do hỏa hoạn và chiến tranh nhưng vẫn lưu giữ nhiều pháp bảo và pháp khí cổ, trong đó có những pho tượng được công nhận là bảo vật hay di sản trọng yếu của quốc gia.

    Cách chùa chừng 1km, ở ngọn đồi phía dưới có tòa bảo tháp năm tầng nằm cạnh một hồ nước trong xanh “treo” chơi vơi nơi vách núi. Không đâu hơn nơi này để ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống vịnh Miyazu và Amanohashidate.

    Du khách đến đây thường nhấm nháp rượu sake đặc sản đựng trong những chiếc bình làm bằng những con mực lớn phơi khô; thưởng thức những món hải sản của vịnh Miyazu, đồng thời mang về làm quà thứ giấm thượng hạng Iio-jozo, một thương hiệu hơn 100 năm tuổi, được làm từ gạo hay quả sung, quả lựu, đậu đen... và nhất là đừng quên mua một con búp bê Matanozoki bằng gỗ, thân gập về phía trước, diễn tả kiểu ngắm ngược “chiếc cầu bắc qua bầu trời”.


    Với 400 yen, du khách có lá xăm đại cát và lá bùa cầu may này.
    Lá xăm sẽ treo ở cây thông chùa Chionji, lá bùa được giữ lại để luôn gặp may - Ảnh: T.Đ.A.S.


    TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Related Topics


Trang:
Actions