Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Hội Xuân được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam như là điểm đến văn hóa, giải trí và mua sắm phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.
Toàn bộ không gian của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ được tạo dựng, phối cảnh, hòa sắc mang đặc trưng của Tết Việt với hệ thống trưng bày và thiết kế mỹ thuật đẹp mắt. Tết Việt được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi: mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong... Chợ hoa với nhiều loại cây cảnh phục vụ Tết, các ông đồ ngồi cho chữ ngày Xuân cùng các hoạt động thao diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống như: hoa giấy Thanh Tiên (Huế), chạm bạc Châu Khê (Hải Dương), làm đèn l*ng (Thường Tín - Hà Nội), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), làm chuồn tre (Thạch Thất - Hà Nội), chằm nón Chuông (Thanh Oai- Hà Nội)... Tất cả tạo nên một tổng thể sống động và thân thuộc tôn vinh giá trị, nét đẹp truyền thống văn hóa, tết cổ truyền của dân tộc.
Để khách thăm quan có thể tìm hiểu thêm về thiên nhiên, đất nước, đặc trưng văn hóa của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh... hình ảnh sinh hoạt đón Tết cổ truyền... Ban Tổ chức đã xây dựng nội dung trưng bày “Du xuân qua những miền di sản”. Với hơn 100 bức ảnh đẹp, qua đó, quảng bá di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch thông qua các hình ảnh đẹp về di sản thế giới tại Việt Nam, thắng cảnh 3 miền đất nước, làng nghề, lễ hội truyền thống, văn hóa cộng đồng...
Đặc biệt, khu trưng bày Tết Việt xưa và nay sẽ là những góc nhìn thú vị với các hình ảnh Tết trước 1975; Tết sau thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới và Tết nay. Dù ở giai đoạn nào, dù khó khăn và thiếu thốn thì Tết vẫn luôn thật ấm cúng, là dịp đoàn viên của các gia đình, là nét văn hóa cổ truyền không thể nhạt phai...
Năm Mậu Tuất sẽ là thiếu sót khi không điểm lại những dấu ấn năm Tuất trong lịch sử dân tộc, danh nhân Việt Nam tuổi Tuất, Trạng nguyên tuổi Tuất và những dấu ấn năm Tuất trong lịch sử dân tộc. Triển lãm cũng giới thiệu các nội dung trưng bày “đèn tre nghệ thuật”, giao lưu tìm hiểu về nghệ thuật thưởng trà, thư pháp Việt...
Hội chợ do Ban Tổ chức phối hợp cùng Công ty TNHH ANA Việt Nam thực hiện giới thiệu và bán các sản phẩm tiêu dùng, nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ ngày Tết. Khách hàng có thể tìm thấy rất nhiều mặt hàng hữu ích và chất lượng, đặc biệt có các gian hàng về nông sản sạch và các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đã từng được giới thiệu qua các chương trình “Nông sản sạch” của Đài Truyền hình Việt Nam.
Hội chợ cũng dành riêng khu trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đá quý: Ruby - Sapphire - Spinel -Tourmaline - Aquarie... trang sức bằng đá quý, gắn đá quý gồm: vòng, nhẫn, mặt dây chuyền, các sản phẩm tranh đá quý nghệ thuật, đá phong thủy do Công ty Cổ phần Giải pháp xúc tiến thương mại và đầu tư Triệu kết nối kết hợp cùng 30 hội viên của Hội Đá Quý Việt Nam đến từ Lục Yên - Yên Bái, Nghệ An, Lâm đồng, Hà Nội và các tỉnh thành phố khác thực hiện.
Khách đến thăm quan Hội Xuân 2018 chắc chắn sẽ rất thích thú với khu ẩm thực được bài trí đẹp mộc mạc nơi bán các món quà quê dân dã: bánh đa, bánh đúc, ngô, khoai... đúng tính chất của làng quê Bắc bộ. Hay có thể tìm thấy rất nhiều điểm chụp hình lưu niệm tại các không gian của Hội Xuân từ mái cổng vòm bằng rơm, tre nứa, các dãy nhà mái lá đẹp tựa bức tranh chợ quê, nơi các nghệ nhân hướng dẫn gói bánh trưng, làm các sản phẩm thủ công, hay khu trưng bày thư pháp và cho chữ rực rỡ sắc màu của mực tàu và giấy đỏ... Và cả không gian Tết vùng quê Bắc bộ, các tiểu cảnh hoa và đèn l*ng...
Hội Xuân 2018, với sự đổi mới về nội dung và cách thức thể hiện sẽ là điểm thăm quan, thưởng lãm và mua sắm hữu ích cho nhân dân Thủ đô trước thềm năm mới. Hội Xuân mở cửa hằng ngày từ 9h00 - 21h30’ từ ngày 02-08/02/2018 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội./.
Nguồn: cinet.vn - TCDL