Đừng để một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trở thành một hành động man rợ, không có tính nhân văn. Giết trâu, dù là trâu chọi đi chăng nữa cũng đồng nghĩa với việc người dân ở đây giết hại chính người bạn thân thiết trong cuộc sống của mình.
Ngoài việc tham quan những danh lam thắng cảnh cảnh, việc đi du lịch còn giúp bạn khám phá văn hóa – lối sống của người dân bản địa. Tới với mảnh đất Hải Phòng bạn sẽ được tham dự một lễ hội hấp dẫn, kịch tính, được tổ chức suốt hàng chục năm nay: lễ hội chọi trâu.
Từ xưa đến nay, trâu luôn là người bạn thân thiết của người nông dân. Tại Đồ Sơn, Hải Phòng trâu còn là chiến binh thật sự để tham gia các cuộc tỉ thí đọ sức. Hằng năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã thu hút hàng trăm lượt khách du lịch ghé thăm. Đằng sau lễ hội đình đám đó có một sự thật tàn nhẫn không phải ai cũng biết: trâu đã tham gia chọi là phải chấp nhận cái chết, ngay cả đối với con trâu thắng cuộc.
Sự thật kể trên nghe khá phũ phàng nhưng chính là tập tục từ hàng chục năm nay. Trâu chọi thua sẽ bị giết mổ ngay tại sân thi đấu để phục vụ khách du lịch. Trâu nhì, ba sau khi làm lễ báo công tại phường xong cũng bị giết để khao dân làng, và trâu vô địch cũng chẳng nằm ngoài quy luật đó. Bởi thế từ xưa tới nay không có con trâu chọi nào tham gia giải đấu đến hai lần, cũng chẳng có khái niệm mang tên “đương kim vô địch”.
Để kết thúc lễ hội chọi trâu, người dân nơi đây sẽ rước trâu vô địch về thành hoàng để làm lễ tế thần trong ngày kế tiếp. Chú trâu này sẽ được đem ra giết mổ phục vụ cho việc cúng tế. Đầu, đuôi, một bát tiết, một nhúm lông được coi là những vật phẩm cần phải có để tế thần linh. Phần thịt trâu sẽ được chế biến cho cả làng cùng ăn. Theo quan niệm từ xa xưa của người dân Đồ Sơn, trâu vô địch là chú trâu dũng mãnh, khỏe mạnh nhất vì thế khi ăn thịt nó người làng sẽ được may mắn cả năm. Ngoài ra thịt trâu chọi còn được đem bán với mức giá khá cao. Đối với thịt trâu chọi được vào các vòng trong mức giá là 700-800 nghìn đồng 1 kg, còn thịt trâu đạt giải nhất có thể lên đến 2 triệu đồng 1 kg. Chưa kể đến các trường hợp thịt trâu bị trà trộn giả mạo để bán được với giá cao.
Với trâu thì dù thắng hay thua đều bị giết thịt, chỉ khác nhau ở thời điểm. Chỉ có người chủ của trâu mới có lợi, xa xưa thì được tặng thưởng đất tốt, ngày nay thì trở thành niềm tự hào của cả thôn cả xã.
Với sự phát triển của xã hội, các quan niệm cũng dần được thay đổi. Hiện nay, tuy việc giết trâu vẫn còn tiếp tục nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phải đối gay gắt từ phía khách du lịch. Nhiều vị khách cho rằng hành vi giết trâu sau khi chọi là hành động tàn độc, dã man, nhất là đối với trâu thắng cuộc bởi vì dù trâu có cố gắng đến đâu trong suốt cuộc đua cũng phải gánh chịu một kết thúc bi thảm: bị giết mổ.
Có một số ý kiến cho rằng từ xa xưa tới nay trâu vốn là người bạn thân của người nông dân, là con vật hữu ích trong đời sống sản xuất của đất nước thuần nông Việt Nam. Mặc dù là trâu trọi, nhưng việc giết trâu là trái luân thường đạo lý, là trái với truyền thống nhân nghĩa của dân tộc.
Cảnh được coi là dã man nhất tại lễ hội chọi trâu chính là những chú trâu thi đấu xong bị mổ thịt ngay lập tục, máu me be bét. Trâu cũng là một mạng sống, giết hại như vậy có phần quá tàn độc. Nhất là khi trâu chọi dù thắng hay thua cũng đều bị giết hết. Như vậy cuộc chọi chỉ có ý nghĩa với chủ, với người xem còn với những chú trâu thì sự cố gắng, nỗ lực suốt cả cuộc đua cũng chẳng để làm gì, có chăng chỉ là kéo dài thêm những giây phút ngắn ngủi của cuộc sống. Đó chính là hình ảnh phi lí, bất công nhất của lễ hội chọi trâu này.
Trước những phản hồi này ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nên xem xét lại cách tổ chức của địa phương mình. Có thể ngày xưa, giết trâu chỉ đơn thuần là hành động ăn mừng chứ không lẩn khuất bất cứ ý nghĩ tàn độc nào trong đó. Nhưng ngày nay, hành động đó đã không còn phù hợp với lối sống, cách suy nghĩ của thời đại mới nữa. Dù vô tình hay cố ý, đó vẫn là hành động tàn độc, cần chấm dứt ngay lập tức. Lễ hội được tổ chức ra nhằm đem đến sự sôi nổi, háo hức, niềm vui chứ không phải để đón nhận kết cục bi thảm: cảnh các chú trâu nằm bê bết máu, bị mổ xẻ sau mỗi trận đấu. Đừng để một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trở thành một hành động man rợ, không có tính nhân văn. Giết trâu, dù là trâu chọi đi chăng nữa cũng đồng nghĩa với việc người dân ở đây giết hại chính người bạn thân thiết trong cuộc sống của mình. Ban quản lý lễ hội cần nghiêm khắc xem lại vấn đề này và có sự điều chỉnh phù hợp nếu không muốn đánh mất hình ảnh tốt đẹp của lễ hội, giảm sút lượng khách du lịch trong thời gian tới.
Mỗi lễ hội là một nét văn hóa đẹp mà cha ông ta đã lưu truyền lại. Chúng ta cần tiếp tục lưu giữ những lễ hội đặc sắc đó và tổ chức thường xuyên mỗi năm. Tuy nhiên nếu phát hiện ra những điểm chưa phù hợp chúng ta cần phải có biện pháp thay đổi. Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn chính là một ví dụ tiêu biểu nhất, đừng để việc giết châu phá tan nét đẹp của lễ hội có lịch sử hàng chục năm.
ThiencamTravel
(thiencamtravel.vn)
https://thiencamtravel.vn/tin-tuc-du-lich/le-hoi-choi-trau-do-son-phan-thuong-cho-nguoi-chien-thang-cung-chi-la-cai-chet.html