Nhắc đến Đà Lạt đa phần du khách thường nhớ tới những cánh đồng hoa bạt ngàn sắc hương, những đồi thông xanh ngắt reo vui cùng gió, những hồ nước xanh ngắt, đẹp tuyệt trần như đôi mắt người mỹ nữ,.. mà vô tình quên mất một di sản phi vật thể của nhân loại: cồng chiêng Tây Nguyên.
Đến Đà Lạt đâu chỉ có hoa thơm cỏ lạ, đâu chỉ có những địa điểm lãng mạn, trữ tình, dành cho các cặp đôi. Ghé thăm thành phố xinh đẹp này bạn còn có cơ hội khám phá nền văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây đó chính là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Không gian cồng chiêng Tây Nguyên trải dài suốt 5 tỉnh thành của Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng nơi có thành phố cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt, điểm đến của mọi du khách Việt. Chính vì vậy nếu đến Đà Lạt mà bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nét văn hóa cồng chiêng thì bạn đã đánh mất một trải nghiệm vô giá của nhân loại.
Với người dân Lâm Đồng cồng chiêng không đơn thuần là một loại nhạc cụ mà nó còn là phương tiện để cư dân nơi đây giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Âm thanh của cồng của chiêng chính là thanh âm của núi rừng, của thác nước, của ngọn gió ở Tây Nguyên. Chính vì thế bất cứ lễ hội nào ở Tây Nguyên nói chung, ở Lâm Đồng nói riêng cũng phải có tiếng cồng, tiếng chiêng: lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ đâm trâu, lễ mừng cơm mới, lễ bỏ mả,.. Có thể khẳng định ngay rằng từ khi sinh ra đến khi chết đi đời sống của người dân nơi núi rừng Đà Lạt đã gắn liền với tiềng cồng tiếng chiêng.
Với người dân Tây Nguyên, ẩn sau mỗi tiếng cồng, tiếng chiêng là một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì càng quý. Bởi tiếng cồng tiếng chiêng đã gắn với cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc tại Đà Lạt nói riêng, nó đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo không thể thiếu của người đồng bào, không những thế nhằm tạo không gian cho du khách giao lưu cùng những người dân bản mà những đêm giao lưu cồng chiêng được tổ chức mỗi đêm chào đón du khách từ mọi vùng miền.
Nhắc đến đêm hội cồng chiêng tại Đà Lạt chắc hẳn nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến những đêm giao lưu lửa trại tại chân núi Langbiang thuộc địa phận làng Cù Lần, xã Lát, huyện Lạc Dương nơi bạn có thể hòa mình với những bản nhạc núi rừng cùng những chàng trai cô gái Tây Nguyên.
Đến với đêm hội du khách còn có cơ hội có được những trải nghiệm vô cùng thú vị như Thăm làng dân tộc Lạch-K’Ho, thăm quan nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc, tham dự chương trình văn nghệ cồng chiêng do nhóm nghệ nhân dân tộc Lạch biểu diễn, thưởng thức rượu Cần, thịt nướng, và cùng ca hát, nhảy múa với đồng bào bên ánh lửa trại. Bạn sẽ được mê đắm cùng cồng chiêng, cùng say, cùng cười với những người con của núi rừng Tây Nguyên.
Nếu đã một lần trải nghiệm đêm giao lưu lửa trại tại Đà Lạt rồi thì chắc chắn bạn sẽ không quên được những giây phút quây quần bên đống lửa, cùng trai gái trong bản sum vầy nhảy múa, hương rượu thơm nồng nàn, ánh mắt trao nhau mê đắm, đặc biệt là tiếng cồng tiếng chiêng vang vọng khắp cả núi rừng. Tiếng cồng tiếng chiêng đã trao tặng cho Đà Lạt vẻ đẹp huyền bí, hùng vĩ và mờ ảo để bất cứ du khách nếu ghé thăm cũng nặng lòng chẳng muốn về.
Đà Lạt là xứ sở dành cho những kẻ mộng mơ, là nơi chốn cho những cặp tình nhân, là thiên đường của những ai trót bén duyên cùng các loài hoa,.. Và đặc biệt hơn cả Đà Lạt chính là nơi lưu giữ một di sản phi vật thể vô cùng giá trị: Không gian văn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vì vậy, nếu có dịp ghé thăm thành phố Đà Lạt xinh đẹp bạn đừng chỉ tới thăm đồi thông xanh ngắt, hồ Xuân Hương thơ mộng trữ tình hay đỉnh Lang Biang nức tiếng gần xa,.. mà hãy dành một chút thời gian trong lịch trình của mình để khám phá nét văn hóa cồng chiêng độc đáo, bởi tiếng cồng tiếng chiêng là lời nhắn nhủ trìu mến nhất của núi rừng Tây Nguyên.
Thiencam Travel
(thiencamtravel.vn)