Dường như thời gian đã dừng lại ở nơi này, với con ngõ lát gạch và các ngôi nhà cổ tường gạch xám san sát nhau, như không hay biết gì về một Bắc Kinh đang phát triển ngồn ngộn ngoài kia.
Một góc nhỏ phố ẩm thực ở Bắc Kinh. Ảnh: Di Li
Trong lịch trình, chúng tôi chỉ có một ngày làm việc với các nhà xuất bản ở Bắc Kinh, 7 ngày còn lại là tự do. Tuy nhiên, sau thấy 6 ngày ở Bắc Kinh với cường độ đi lại từ sáng sớm đến tối mịt dường như cũng chẳng bõ bèn gì, mới không hiểu trong những tour Trung Hoa lục tỉnh do các công ty
du lịch giới thiệu với khách hàng, đi hết Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Vô Tích chỉ trong vòng 7 ngày, người ta sẽ chứng kiến được điều gì ở Bắc Kinh khi mà chỉ lưu lại cái thành phố khổng lồ ấy có 2 ngày.
Chúng tôi ở lại
khách sạn Đông Hoa, phố Đăng Thị Khẩu, ngay tại khu Vương Phủ Tỉnh, trung tâm của thủ đô Bắc Kinh. Ngoài quận Tây Đơn thì đại lộ Vương Phủ Tỉnh cũng là một nơi mua sắm lý tưởng. Khu này có dãy phố đi bộ sầm uất và chỉ 5 phút xe buýt là đã ra đến quảng trường Thiên An Môn, tòa nhà quốc hội (Đại lễ đường Nhân dân) và nhà hát opera Bắc Kinh.
Đăng Thị Khẩu là một khu phố cổ, đối diện với
khách sạn tôi ở là nhà tưởng niệm của nhà văn, nhà soạn kịch Lão Xá. Khách được vào tham quan miễn phí. Cùng với Lỗ Tấn, Lão Xá là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20 ở Trung Quốc. Trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Trung thì Tường Tử lạc đà của Lão Xá đứng thứ ba. Hồi năm 2006, ngôi nhà số 31 phố Saint James, Luân Đôn mà tác giả của Tứ đại đồng đường sinh sống trong suốt thời gian dạy Hán ngữ ở ĐH Luân Đôn đã được Ủy ban Di sản văn hóa Anh treo tấm biển Lão Xá: 1899-1966, nhà văn Trung Quốc đã sống ở đây từ 1925-1928. Tôi vào nhà tưởng niệm của nhà văn Trung Quốc đầu tiên được vinh danh trên đất Anh, thấy tràn ngập một khuôn viên trí thức, giản dị nhưng sang trọng với thiết kế truyền thống ba gian và sân giữa. Giường tủ, bàn làm việc, ống đựng bút của ông vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn, cả những bức ảnh ông chụp cùng những người bạn ở Anh quốc nữa. Dường như thời gian đã dừng lại ở nơi này, với con ngõ lát gạch và các ngôi nhà cổ tường gạch xám san sát nhau, như không hay biết gì về một Bắc Kinh đang phát triển ngồn ngộn ngoài kia.
Nhưng chỉ bước ra đầu ngõ, rồi đi bộ vài trăm mét ra ngã tư Đăng Thị Khẩu, đã lại thấy một không gian náo nhiệt của các siêu thị khổng lồ.
Dường như cái điều mà du khách nhìn thấy rõ nhất ở kiến trúc của người Trung Quốc là sự khổng lồ. So với những công trình đồ sộ của người Nga thì người khổng lồ châu Á này cũng không hề khiêm tốn. Đi bất cứ chỗ nào ở Trung Hoa đại lục cũng thấy những đại lộ rộng hàng trăm mét, những tòa nhà mà chiều dài tới hàng cây số, công viên đi cả ngày mỏi chân không hết đường và đương nhiên thành phố Bắc Kinh có diện tích tới gần 17.000 km2. Nhìn những siêu thị trên khu phố đi bộ ở Vương Phủ Tỉnh đã thấy không nên bước vào, vì phàm đã sa vào cái vương quốc mua sắm không có điểm kết thúc ấy sẽ mất hết sạch thời gian đi thăm thú những nơi khác. Ngoài việc mua sắm ở các ki ốt của Kappa, Lacoste, Polo…; ăn Mc Donald và KFC, còn có hẳn hai khu chợ đồ nướng dành cho khách đi bộ.
Tác giả Di Li trước nhà lưu niệm nhà văn Lão Xá
Khu trong chợ đông đúc đến nỗi miếng thịt nướng đánh rơi nửa tiếng sau không chạm được đến mặt đất. Người ta bán lòng mề nướng, thịt cá tôm nướng, và cả dứa quýt nho dâu tây tẩm đường nướng. Tất cả đều được xiên que cho khách vừa đi vừa thưởng thức. Khúc đầu chợ có cửa hàng còn tiếp thị bằng cách cho cả một nghệ sĩ đứng trên ban công ngoài trời biểu diễn Kinh kịch. Thú thực rằng nhìn nghệ sĩ mặc quần chùng áo dài, mặt bôi son phấn, nhễ nhại mồ hôi giữa cái nóng 37 độ, cố gắng cất giọng ca của bộ môn nghệ thuật cung đình để át đi tiếng rao hàng ồn ã và tiếng mặc cả đòi giảm giá thịt cá nướng, lòng tôi không toát lên được chút cảm xúc nào về nghệ thuật cũng như ham muốn ẩm thực, đành sang chợ đồ nướng ngoài trời ở phố bên cạnh. Khu chợ nướng này quy củ hơn với hàng trăm ki ốt giống hệt nhau và nhân viên đều phải mặc đồng phục.
Từ phố đi bộ đến khu vực Quảng trường Thiên An Môn không xa. Một người bạn của tôi học tại Thiên Tân có nói rằng tòa nhà Quốc hội Bắc Kinh chỉ được xây dựng trong 10 tháng. Rồi sau thấy công trình nào cậu cũng nói được xây dựng chỉ trong chín tháng, trong đó có cả một khu học đường đồ sộ, hiện đại của trường ĐH Thiên Tân, và khu trung tâm kiến trúc theo phong cách Italia ở bờ sông Hải Hà, chưa kể cứ giới thiệu về thứ gì cũng khẳng định là một trong những… nhất thế giới. Chúng tôi cười bảo cậu nói xạo, mặc cho cậu cứ thề sống thề chết rằng năm ngoái sang chưa thấy nó, năm sau đã thấy nó xuất hiện, như vậy là chỉ xây trong chín tháng. Không ai bình luận thêm nữa về cái sự chín tháng và nhất thế giới, mặc nhiên trong lòng đoán rằng nếu cậu không đùa tếu thì cũng là mắc bệnh của dân du học sinh, học lâu, sống lâu ở nước nào là y rằng ca ngợi nước ấy đến tận mây xanh.
Tuy nhiên sau khi về nhà tra cứu tư liệu thấy Đại lễ đường Nhân dân được xây dựng chỉ trong 10 tháng thật, và hoàn thành vào năm 1959 để kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Đây được coi là một trong những kỳ công của lịch sử kiến trúc với 300 hội trường và sức chứa hơn 10.000 người. Ở phía Tây tay mặt của Đại lễ đường là Nhà hát Opera Bắc Kinh, rộng khoảng 150.000 mét vuông do kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu thiết kế. Nhà hát còn có tên là giọt nước mắt bạc được tạp chí Business Week xếp vào danh sách 10 công trình kỳ diệu nhất. Nhà hát có hình tấm khiên màu bạc (làm bằng chất liệu titan và kính) hoặc như nửa vỏ trứng úp trên một mặt nước mênh mông rộng tới 35.000 mét vuông. Nhìn từ xa tưởng đấy là cái hồ, đến thật gần mới biết hồ chỉ được thiết kế sâu chừng vài phân. Mùa đông, hồ biến thành một sân băng khổng lồ. Tôi đi từ khu Đại lễ đường Nhân dân, đến nhà hát không thấy cửa vào, chỉ thấy một hình tròn xoe im lặng như thể mô hình đĩa bay, nghĩ rằng đi sang phía bên kia có thể tìm thấy cửa. Nhưng đi mỏi chân hết chu vi rộng 200.000 mét vuông vẫn thấy giọt nước mắt bạc kín bưng. Mãi sau mới tìm thấy cửa ra vào ở phần dưới đường hầm. Quả là một công trình kiến trúc kỳ lạ.