Trang:
Actions
  • #2 Gửi bởi vivian vào 05 Oct 2011
  • PN - Cù lao Mây (H.Trà Ôn, Vĩnh Long) nổi tiếng với đặc sản bánh tráng. Những năm gần đây, làng nghề bánh tráng truyền thống của vùng này còn là điểm thu hút khách du lịch.

    Cù lao Mây gồm hai xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, thuận tiện du lịch vì nằm ở ngã ba sông Tiền và sông Hậu, cạnh chợ nổi Trà Ôn tấp nập tàu thuyền. Sản phẩm bánh tráng nơi đây phong phú chủng loại: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa, bánh tráng nướng tôm khô...

    Tay thoăn thoắt tráng bánh, bà Hồ Thị Đẹp (56 tuổi) cho hay, năm 14 tuổi bà đã được gia đình dạy nghề. Làm bánh tráng lúc đó cực lắm, vì phải đi bộ bảy cây số mới đến chỗ xay gạo và tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Hiện nay có máy móc nên người làm bánh đỡ cực hơn. Để có bánh ngon phải biết chọn gạo, xay bột, tẻ nước, nêm nếm gia vị. Kế đó là kỹ thuật tráng bánh và phơi bánh để bánh đẹp, tròn đều, dai.

    Làm bánh tráng ở cù lao Mây

    Chị Nguyễn Thị Việt Giang (xã Lục Sĩ Thành) cho biết: “Thức dậy lúc 3-4g sáng, mỗi ngày tôi làm được khoảng 500 bánh, lời 70-80 ngàn đồng. Bánh tráng được nhiều nơi ưa chuộng là do chất lượng cao, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Có khách từ Cần Thơ đi đò sang chỉ để mua bánh tráng ướt nóng. Các du khách ở các nơi đến tham quan làng nghề bánh tráng, nhiều người thích ăn bánh tráng ướt tại chỗ”.

    Những năm gần đây, mô hình du lịch homestay (ăn ở cùng gia đình người bản địa) phát triển mạnh ở cù lao Mây. Nhiều du khách đi các tour du lịch sông nước ở Cần Thơ và các tỉnh khác hoặc đi chợ nổi Trà Ôn thường ghé lại nơi này. Có hai hình thức homestay là tour do các công ty du lịch hợp đồng với nhà dân để đưa khách đến và các điểm du lịch do người dân tự mở.

    Nhà vườn của chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh được nhiều du khách ưa chuộng. Chị Ánh kể: “Thấy nhà tôi rộng rãi, vườn có nhiều loại cây ăn trái nên một công ty du lịch đề nghị mở homestay. Khách đến ở một ngày đêm, chỉ trả khoảng 120.000 đồng/người. Có tour khách nước ngoài đến cả chục người, gia đình phục vụ không xuể, phải nhờ hàng xóm qua phụ giúp và góp vui đờn ca tài tử”.

    “Nhà vườn hiếu khách, giá cả phải chăng, chứ không chém chặt như một số nơi khác. Mỗi vườn rộng hàng chục mẫu, nên khách thoải mái tham quan, ăn trái cây. Chúng tôi thích tát nước bắt cá, tự tay tráng bánh tráng, cuốn chả giò rồi cùng ăn uống với chủ nhà và đặc biệt là được thưởng thức đờn ca tài tử trên quê hương nghệ sĩ Út Trà Ôn”, anh Nguyễn Minh Sang, du khách từ TP.HCM nói.

    Chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, cán bộ phụ nữ ở cù lao Mây cho biết, mỗi năm làng nghề bánh tráng cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn bánh tráng các loại, tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là lao động nữ. Riêng ấp An Thạnh, xã Lục Sĩ Thành có trên 70 hộ và hơn 200 lao động làm bánh tráng chuyên nghiệp, lúc vào mùa cao điểm (từ tháng Mười âm lịch đến Tết), con số này có thể lên gấp đôi. Bên cạnh thu nhập từ cây trái, nghề làm bánh tráng và làm du lịch đã tạo thu nhập đáng kể cho người dân cù lao.

    Mới đây, làng nghề đã đăng ký thương hiệu độc quyền “Làng nghề bánh tráng cù lao Mây”. Tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện các đề án khôi phục và bảo tồn làng nghề, trong đó chú trọng mở rộng quy mô những làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, với nghề tráng bánh truyền thống tại cù lao Mây, tỉnh Vĩnh Long đã kết hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ xúc tiến tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm…

    Trần Huỳnh

Related Topics


Trang:
Actions