Hội du lịch Việt Nam

Thảo luận chung => Hội du lịch - Tin tức và sự kiện => Tác giả chủ đề:: nhantam vào Tháng Chín 18, 2008, 08:38:01 AM

Tiêu đề: Bộ VH,TT&DL: Tổ chức Hội thảo “Xây dựng đề án đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL”
Gửi bởi: nhantam vào Tháng Chín 18, 2008, 08:38:01 AM
 Đặt ra những mục tiêu phát triển và xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL trong thời kỳ đổi mới CNH, HĐH đất nước, tìm những giải pháp cụ thể đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức; Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với trí thức của ngành; Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, trí thức và công tác quản lý trí thức; Các dự án ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức của ngành VH,TT&DL...,

Đó là những vấn đề thiết yếu được bàn tại Hội thảo “Xây dựng đề án đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL” ngày 16.9.2008 do Bộ VH,TT&DL tổ chức nhằm lấy các ý kiến đóng góp xây dựng cho đề cương Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020.

Nghị Quyết Trung ương Đảng lần thứ 7 đã xác định rất rõ vấn đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mối quan tâm của toàn xã hội. Phát huy tinh thần và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết TW lần thứ 7 về đội ngũ trí thức và đề ra các chính sách, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức của ngành VH,TT&DL đến năm 2020, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo xây dựng “Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020”. Đây là hành động thiết thực của ngành VH,TT&DL để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7. Hội thảo “Xây dựng Đề án đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL” lần này nhằm lấy các ý kiến đóng góp của hơn 200 đại biểu đại diện các Sở VH,TT&DL, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị trực thuộc Bộ để Đề án được xây dựng một cách hiệu quả, sát với thực tiễn.

Những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được quan tâm đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL cũng có những hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển VH,TT&DL. Vì vậy công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020 được đặt ra bởi yêu cầu này. Trước khi tổ chức hội thảo, Ban soạn thảo đã gửi đề cương xin ý kiến của các Sở VH,TT&DL, các cơ quan trực thuộc Bộ và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp gửi về.  Đề cương Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020” được phát tại hội thảo là dự thảo lần thứ 5. Đề án gồm 3 phần: Đánh giá thực trạng công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL; Quan điểm, mục tiêu và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020; Các dự án ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020. Lộ trình kế hoạch tổ chức thực hiện đề án sẽ chia làm 3 giai đoạn: Từ nay đến 2010, từ 2011 đến 2015 và từ 2016 đến 2020.

Đề án sẽ là một động lực thúc đẩy và phát triển cho đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL. Đặc biệt những giải pháp được nêu ra trong thời gian tới như: Rà soát, sắp xếp lại và quy hoạch đội ngũ trí thức; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ đối với trí thức ngành VH,TT&DL; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý trí thức; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL.

Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm hội thảo lần này chính là các tiêu chí cụ thể đề ra tại Đề án. “Phấn đấu đến năm 2020, số tiến sĩ tăng gấp đôi hiện nay và thạc sĩ tăng gấp 3 hiện nay; Mỗi năm thêm 50 tiến sĩ, 250 thạc sĩ, bác sĩ y học thể thao và 12.000 cử nhân, tăng tỷ trọng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng du lịch lên 15%; Phổ cập trình độ ngoại ngữ tương đương bằng C cho đội ngũ trí thức của ngành, tin học đảm bảo phục vụ được yêu cầu công việc; Cơ cấu lại phân bố vùng miền: Phía Bắc chiếm 40%, phía Nam chiếm 40% và miền Trung 20% và tăng số trí thức ở vùng sâu, vùng xa”.

Nếu những chỉ tiêu này được thực hiện thì sẽ tạo nên bước đột phá quan trọng trong đội ngũ trí thức của ngành VH,TT&DL. Ba Viện trưởng của ba lĩnh vực: PGS TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN, PGS TS Lê Quý Phượng – Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, TS Lê Trọng Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch đều thấy rằng chỉ tiêu này được đặt ra đã là một sự mạnh bạo và đột phá của Ban soạn thảo, đòi hỏi sự nỗ lực của cả ngành. Ai cũng thấy, lực lượng cán bộ đầu ngành, các nhà khoa học đầu ngành hiện nay của ngành VH,TT&DL rất mỏng.

Hiện nay chỉ có 4 cơ sở có chức năng đào tạo tiến sĩ là Viện Văn hóa nghệ thuật VN, Viện Khoa học TDTT,  Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Nhạc viện Hà Nội. Trong đó, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội mới bắt đầu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ khóa 1. TS Nguyễn Chí Bền cho rằng kinh phí đào tạo tiến sĩ hiện nay quá ít ỏi, không có nước nào có kinh phí đào tạo thấp như của ta. Chưa kể tới quy chế đào tạo tiến sĩ còn chưa được ban hành! Cả lãnh đạo của ba viện đều cho rằng việc thực hiện đề án là vô cùng khó khăn và cực kì nan giải. Để thực hiện chỉ tiêu đặt ra của đề án cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề, từ mã số đào tạo, kinh phí cho tới nâng chuẩn đào tạo cũng như đề án cần giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho từng lĩnh vực. Các đại biểu đều thống nhất về 6 dự án ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020 mà đề cương đề án nêu ra. Đó là: Hoàn thiện cơ chế chính sách về đội ngũ trí thức ngành; Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức của ngành; Phát triển mạng lưới đào tạo, nghiên cứu; Đào tạo giáo viên, giảng viên và các nhà khoa học; Dự án Phát triển chương trình, giáo trình và học liệu; Nâng cao trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ trí thức trong ngành.

TS Nguyễn Văn Lưu – Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết Bộ giao cho Vụ Đào tạo chủ trì xây dựng đề án với mục đích có được một đề án mang tính hành động, thực tế và sẽ phải hoàn chỉnh đề án vào tháng 3.2009 trình Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ phê duyệt. Để hoàn thành tốt lộ trình này với vô vàn những công việc liên tiếp như thống kê tập hợp ý kiến đóng góp của 256 đơn vị gửi về Bộ, tổ chức khảo sát ở 7 vùng kinh tế xã hội, tổ chức hội thảo 3 miền, hội thảo tổng kết cuối cùng khi hoàn chỉnh đề án... quả là một công việc khó khăn. Để giúp cho Ban soạn thảo và tổ biên tập đề án hoàn thiện được đề án, rõ ràng tất cả các đơn vị trong ngành, các Sở VH,TT&DL cần phải phối hợp chặt chẽ hơn. Bởi lẽ việc xây dựng và hoàn thiện đề án là một đòi hỏi cấp thiết đối với thực tiễn của ngành VH,TT&DL.

Những vấn đề cần làm ngay

Trong quá trình xây dựng đề án, cần tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau: Một là xây dựng kế hoạch, đề cương, biểu mẫu thống kê, xin ý kiến, hoàn chỉnh và tập huấn. Hai là 63 Sở, các đơn vị thuộc Bộ sẽ thống kê và làm báo cáo về đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức văn hóa, thể thao và du lịch của đơn vị, địa phương mình. Ba là phối hợp điều tra khảo sát tại một số địa phương ở 7 vùng kinh tế; một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp liên quan; đồng thời thu thập thông tin tại các Bộ, ngành liên quan. Bốn là cùng một số chuyên gia, tư vấn dự thảo Đề án và tổ chức hội thảo ở 3 miền. Năm là hoàn chỉnh một bước dự thảo Đề án sau hội thảo để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và hoàn chỉnh Đề án báo cáo Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ sẽ hoàn chỉnh lần cuối trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở từng công việc, các Sở và đơn vị cần xác định nhiệm vụ của mình để tham gia một cách tích cực, đầy đủ nhất và khẩn trương ở mức cao nhất đề cùng Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án trình lên trên một Đề án có chất lượng, thiết thực với tính khả thi cao và đúng thời gian theo kế hoạch. Sau hội thảo, đề nghị các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo cụ thể, đôn đốc sát sao việc làm báo cáo, thống kê ở đơn vị, địa phương mình một cách khẩn trương, có chất lượng và nộp báo cáo với số liệu thống kê đúng thời hạn. Trong điều kiện hiện nay đang phải kiện toàn bộ máy và gấp rút triển khai công việc cuối năm thì đây là một công việc rất quan trọng cả cho trước mắt và lâu dài. Các đồng chí lãnh đạo cần nắm lại kỹ hơn hiện trạng đội ngũ trí thức của đơn vị, địa phương mình; hoạch định những chủ trương và đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi trong xây dựng đội ngũ trí thức toàn ngành, của địa phương và đơn vị (Trích phát biểu của Thứ trưởng thường trực Bộ VH,TT&DL Nguyễn Danh Thái tại hội thảo)


Theo VH

Mobile View