“Trẻ vùng cao” - một bức trong bộ ảnh đen trắng đoạt giải Cúp vàng thế giới Đại hội FIAP lần thứ 29. Lần đầu tiên, Việt Nam vinh dự trở thành nước thứ 2 ở châu á sau Trung Quốc, giành quyền đăng cai Đại hội FIAP lần thứ 30 (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế). Đây là niềm vui lớn đối với nền nhiếp ảnh nước nhà nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác tổ chức đại hội sắp tới. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam về vấn đề này.
* PV: Ông có thể cho biết, Đại hội FIAP thường diễn ra những hoạt động gì?Ông Chu Chí Thành: FIAP là một tổ chức phi Chính phủ, có trên 80 nước thành viên, mỗi đại hội có khoảng 60 nước tham dự. Song song với các hoạt động của đại hội là cuộc thi và triển lãm ảnh đen trắng, cuộc thi ảnh của thanh niên có độ tuổi từ 22 trở xuống dành cho toàn thể các nước thành viên FIAP.
Vậy với Đại hội lần thứ 30 này, Việt Nam có “sáng kiến” nào để làm phong phú các hoạt động của FIAP?- “Sáng kiến” thì phải gắn liền với tài chính. Theo thông lệ, FIAP không hỗ trợ kinh phí cho nước chủ nhà. Nước chủ nhà phải đứng ra lo chi phí ăn ở và đi lại cho đoàn chủ tịch, còn các nước thành viên tham dự, họ sẽ tự lo kinh phí.
Ngoài kinh phí, muốn tổ chức được đại hội lần này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phải phối hợp với nhiều cơ quan, bộ, ngành để đảm bảo công tác an ninh, du lịch cũng như nhiều vấn đề khác.
Đặc biệt, do yêu cầu của đại hội là tất cả các thành viên đi sáng tác theo một địa điểm nhất định mà nước đăng cai chọn lựa, nên Hội NSNAVN sẽ phải làm việc với Tổng cục Du lịch và các địa phương nơi có đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế đến sáng tác.
Hội NSNA cũng sẽ liên hệ với trường Đại học Hà Nội để lựa chọn các tình nguyện viên sử dụng được 4 thứ tiếng như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức để phục vụ cho đại hội...
Lần đầu tiên đăng cai tổ chức đại hội, ông định như thế nào về những khó khăn và thuận lợi của nước chủ nhà?- Tôi cho rằng thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động lớn mang tầm quốc tế. Hội NSNA cũng đã đi dự một số đại hội FIAP nên cũng biết cách họ tổ chức ra sao. Đặc biệt là Đại hội FIAP lần thứ 29 vừa rồi, chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và trao đổi kinh nghiệm với nước chủ nhà.
FIAP cũng đặt ra những yêu cầu đối với Việt Nam khi đăng cai tổ chức và chúng ta cũng tự đặt ra cho mình những yêu cầu nhất định để tổ chức một đại hội thật tốt, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Hội NSNA Việt Nam đã có định hướng sáng tác cho các nghệ sĩ như thế nào để chứng minh với bạn bè thế giới về nhiếp ảnh của nước chủ nhà?
- Khai thác tính nhân văn về đề tài con người vốn được các nhà phê bình thế giới đánh giá là ưu điểm của Việt Nam, nhưng nếu như lặp lại những môtíp quen thuộc thì sẽ trở nên nhàm chán.Chính vì vậy ngay từ bây giờ đã phải định hướng cho các nghệ sĩ để làm sao một lần nữa Việt Nam lại được đứng trên bục vinh quang của FIAP ngay trên quê hương mình, tiếp nối thành công của bộ ảnh đen trắng “Nếp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” vừa nhận Cúp vàng thế giới tại Đại hội lần thứ 29 tổ chức tại Slovakia.
Tổ chức vào năm 2010, đúng với dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội có phải là ý đồ của Việt Nam khi đăng cai tổ chức đại hội này không, thưa ông?- Có thể khẳng định đây là mục đích chứ không phải ngẫu nhiên. Bởi khi các đại biểu đến Việt Nam vào dịp Đại lễ, họ sẽ được tận hưởng một cách trọn vẹn nhất không khí lễ hội và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Khi đó hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp với nền văn hóa lâu đời, một Hà Nội cổ kính mang trong mình nét văn hóa đa dạng nhiều màu sắc sẽ đến với tất cả bạn bè thế giới. Đây cũng là một hoạt động của Hội NSNA Việt Nam chào mừng Thăng Long 1.000 năm tuổi.
Xin cảm ơn ông!Theo ANTĐ