Miền Tây của tỉnh Nghệ An gồm 10 huyện miền núi có tiềm năng du lịch rất lớn, có thể phát triển được nhiều loại hình du lịch khác nhau, như du lịch sông nước, tham quan các làng cổ dân tộc, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, nghỉ dưỡng trong rừng, đi thuyền trên sông... Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác những tiềm năng này đang rất hạn chế.
Bản Cò Phạt của người dân tộc Đan Lai giữa đại ngàn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ở huyện Quế Phong có thác Sao Va nổi tiếng, nhưng do các dịch vụ phát triển chưa tương xứng, việc quy hoạch, đầu tư hạn chế nên lượng khách đến chủ yếu là người dân địa phương trong vùng, có rất ít du khách ở các huyện khác trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham quan.
Vườn Quốc gia Pù Mát nơi có hệ sinh quyển, động thực vật phong phú bậc nhất ở Nghệ An, được giới thiệu là một trong những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ.
Dịp Hè hàng năm, rất nhiều trường học trong tỉnh mong muốn tổ chức cho giáo viên đi tham quan, nghỉ dưỡng ở Vườn Quốc gia Pù Mát kết hợp tham quan các làng nghề ở các xã miền núi trong vùng. Tuy nhiên do dịch vụ nghèo nàn, đơn điệu nên sau khi tìm hiểu, nhiều trường học đã phải bỏ tour tham quan này.
Thị xã Cửa Lò cũng quảng bá tour du lịch Cửa Lò-rừng Quốc gia Pù Mát, nhưng tour du lịch này hầu như không có khách đi.
Tại một số huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An đã quy hoạch được các khu vực phát triển du lịch, nhưng quy hoạch chưa gắn với đầu tư, khai thác nên nhiều tiềm năng du lịch đang bị "ngủ quên." Một số điểm du lịch dù đã được đưa vào khai thác cũng không phát huy được hiệu quả, dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng, lượng khách giảm và mất dần.
Ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có tộc người Đan Lai duy nhất ở Việt Nam, nhiều du khách muốn được đến tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của tộc người này. Các tour du lịch cũng đã được huyện Con Cuông và Vườn Quốc gia Pù Mát xây dựng với lộ trình cụ thể, song đến nay vẫn chưa triển khai được một cách hiệu quả vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của tỉnh Nghệ An trong việc khai thác tiềm năng du lịch ở miền Tây xứ Nghệ đó là thiếu vốn đầu tư; hạn chế về công tác quảng bá, giới thiệu; chưa xây dựng được các mô hình du lịch hiệu quả làm điểm để nhân rộng, gắn kết, đưa người dân địa phương cùng tham gia, khai thác...
Tỉnh Nghệ An đang khắc phục tình trạng trên bằng việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến khảo sát, đầu tư nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch ở miền Tây xứ Nghệ. Đó là khai thác tiềm năng Vườn Quốc gia Pù Mát, khu dự trữ sinh quyển, các lễ hội truyền thống, làng nghề dệt thổ cẩm, tham quan lòng hồ, đi thuyền trên sông Lam, tìm hiểu cuộc sống của các tộc người dân tộc thiểu số.../.
Nguồn: TTXVN