Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa (CTPTDL KH) giai đoạn 2006-2010 được triển khai thực hiện khá đồng bộ trong hơn 2 năm qua và đã đạt được kết quả khả quan với nhiều tiến bộ khá rõ nét, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các mục tiêu chủ yếu của chương trình đều đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến và có khả năng về trước kế hoạch đề ra như: lượt khách, doanh thu, số lượng buồng phòng… Đặc biệt, các hoạt động sự kiện, lễ hội đã có tác động quảng bá rộng rãi cả trong và ngoài nước, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch uy tín của tỉnh.
Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản về kinh doanh du lịch đều đạt và vượt so với mức bình quân kế hoạch 5 năm. Trong đó, các chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách, khách tham quan vui chơi giải trí tăng mạnh. Năm 2006, lượt khách lưu trú là 1.086.598 lượt, năm 2007: 1.363.512 lượt, mức tăng trưởng bình quân 26,09%/năm. Ngày khách lưu trú năm 2006 là 2.207.325 ngày, năm 2007: 2.843.386 ngày, mức tăng trưởng bình quân 25,37%. Doanh thu năm 2006 đạt 833 tỷ đồng, năm 2007: 1.025 tỷ đồng, tăng bình quân 26%. 6 tháng đầu năm 2008, doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ (theo kế hoạch, mức tăng trưởng bình quân khoảng 16%).
Trong đầu tư các cơ sở kinh doanh du lịch (CSKDDL), xu thế xây dựng các CSKDDL quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại tiếp tục phát triển. Nhiều cơ sở lưu trú, các khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng đẳng cấp cao đã và đang được đầu tư xây mới, mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị và chất lượng phục vụ. Trong 2 năm 2006 - 2007, tăng thêm 46 CSKDDL với 1.037 số phòng tăng thêm, đưa tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh lên 371 cơ sở, với tổng số 8.890 phòng ngủ. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp (tính trên các dự án thực tế đã triển khai đầu tư) là 6.800 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị đầu tư đã thực hiện đạt trên 1.526 tỷ đồng, bằng 22,44% vốn đăng ký, trong đó hệ thống các cơ sở khách sạn ngoài Nhà nước là 1.499 tỷ đồng, doanh nghiệp Nhà nước đạt 27 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn còn một số KDL lớn như KDL Hòn Bà, KDL mới tại Vân Phong, Vạn Ninh, bãi Dài (Cam Ranh) và một số công trình khác triển khai tiến độ còn chậm so với dự kiến.
Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm CTPTDL KH, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng cơ chế chính sách đầu tư vẫn còn những bất cập. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Số cơ sở kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao còn ít. Việc chậm đầu tư phát triển các CSKDDL ở một số khu, tuyến, điểm du lịch mới, các loại hình du lịch mới, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quy mô lớn, hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh… đã hạn chế mức chi tiêu bình quân của du khách trong mua sắm sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng dịch vụ, cũng như việc kéo dài ngày nghỉ tại địa phương.
Công tác xúc tiến quảng bá đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành và doanh nghiệp, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa chủ động xây dựng chiến lược xúc tiến một cách bài bản. Các hoạt động hợp tác liên kết về du lịch chưa được triển khai một cách cụ thể.
Một số khâu trong công tác quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng, bị động. Việc triển khai các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch còn bất cập, nhất là trong việc phân loại xếp hạng cơ sở lưu trú, cấp thẻ hướng dẫn viên... do chưa ban hành được hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật mới và các hướng dẫn cụ thể. Một số hoạt động dịch vụ mới như lặn biển, câu cá thể thao trên biển, du lịch bằng thuyền buồm… chưa có cơ chế quản lý, hệ thống các văn bản pháp quy nên gây trở ngại trong việc tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của Nhà nước.
Môi trường du lịch vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là khu vực nội thành Nha Trang và lân cận. Tình trạng rác thải, nước thải đang tiếp tục gây ô nhiễm tại một số vùng trọng điểm du lịch như cửa sông Cái, bến đò Vĩnh Nguyên, các chợ và hệ thống thoát nước nội thành… Nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ, giữ xe, bán hàng rong chèo kéo khách, ăn xin, cò mồi… còn khá phổ biến, đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn cho du khách và nhân dân. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo cơ bản còn ít, còn thiếu cán bộ quản lý giỏi và nhân viên phục vụ có kỹ năng chuyên môn cao…
Để tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả CTPTDL KH năm 2008 và những năm tiếp theo, theo Ban chủ nhiệm CTPTDL KH: Cần đánh giá đúng tiềm năng và khả năng khai thác các CSKDDL trên địa bàn, đồng thời tiến hành các giải pháp cơ bản như nhanh chóng nâng cấp sân bay Cam Ranh thành sân bay quốc tế; xây dựng quy chế nghiêm ngặt để giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường TP. Nha Trang và vịnh Nha Trang tương xứng với danh hiệu “một trong các vịnh đẹp thế giới”; chú trọng đầu tư hạ tầng, nâng cấp các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá…
Theo báo Khánh Hòa