Những ngôi nhà sàn còn nguyên nét cổ kính, tiếng đàn tính mê hoặc lòng người hòa trong khúc hát then, cọi... là những tài sản vô giá của dân tộc Tày ở thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nơi được chọn để xây dựng “Làng văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các làn điệu hát then, cọi” đầu tiên ở Tuyên Quang.
Miền quê của những giá trị văn hóa truyền thốngNhững ngôi nhà sàn thấp thoáng trong màu xanh của núi rừng là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nơi được biết đến là cái “nôi” văn hóa của dân tộc Tày, và trong tương lai không xa sẽ có “Làng văn hóa du lịch” đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.
Để hiểu rõ hơn văn hóa của dân tộc Tày, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Hà Thuấn, người đã có công rất lớn trong việc sưu tầm, sáng tác, quảng bá làn điệu then, cọi, cũng như cây đàn tính. Ông đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân văn hóa dân gian. Trong ngôi nhà sàn của mình ở thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), ông chia sẻ: “Hát then, cọi là “báu vật” của dân tộc Tày chúng tôi, được truyền lại từ bao đời nay. Các khúc hát then thường nhằm cầu cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu, luôn hướng con người làm điều thiện, tránh điều ác. Bên cạnh những làn điệu then cổ, hiện nay chúng tôi còn sáng tác thêm lời mới cho then dựa theo giai điệu cổ. Những bài hát then mới có nội dung ca ngợi cuộc sống, ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Ông Thuấn cũng cho biết thêm: “Hát then, cọi không thể thiếu cây đàn tính. Đàn tính được làm từ quả bầu, có hai dây, trên mặt đàn có dát một lớp gỗ mỏng, cần đàn được làm bằng gỗ. Ngày xưa, dây đàn được làm bằng sợi tơ, nhưng tơ bây giờ rất hiếm nên dây đàn được làm từ dây cước. Nếu như hát then mà không có cây đàn tính là đã mất đi linh hồn của nó”.
Bên cạnh hát then, cọi, dân tộc Tày ở Tân An còn tự hào về những ngôi nhà sàn cổ. Ông Nguyễn Văn Định, thôn An Thịnh, xã Tân An (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) chia sẻ với chúng tôi: “Nhà sàn của gia đình tôi được xây dựng cách đây hơn 20 năm, nó là tài sản quý giá nhất của gia đình. Nhà sàn của dân tộc Tày không đơn thuần là nơi để ở, mà còn là nơi thể hiện những làn điệu then, cọi mê hoặc lòng người. Nhà sàn của dân tộc Tày thường làm theo số lẻ như ba gian hoặc năm gian, cầu thang lên nhà cũng được làm theo quy tắc này gồm 9 bậc. Nhà làm bằng gỗ, lợp lá cọ dày, có một cửa chính, một cửa phụ và phía trước có rất nhiều cửa sổ... Nó là “báu vật” mà chúng tôi cần gìn giữ”.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Chiêm Hóa đã xây dựng đề án thành lập “Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn làn điệu hát then, cọi của dân tộc Tày” tại xã Tân An. Nằm ngay tại trung tâm xã, với nhiều điều kiện thuận lợi, thôn An Thịnh chính là làng “văn hóa du lịch” của tương lai.
Những cơ hội “vàng” cho bảo tồn và phát triểnĐể giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát hơn về “Làng văn hóa du lịch” trong tương lai, ông Ma Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), cho biết:
Không chỉ người dân trong thôn mà toàn thể người dân trong xã rất vui mừng vì sắp tới xã sẽ có “Làng văn hóa du lịch”. Bởi từ đây hình ảnh của quê hương, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có cơ hội được quảng bá rộng rãi. Đồng thời, người dân cũng có thêm cơ hội để phát triển kinh tế từ các dịch vụ du lịch. Đây là cơ hội “vàng” không phải ở đâu cũng có.
Để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, góp phần xây dựng “Làng văn hóa du lịch”, xã đã thành lập câu lạc bộ hát then, cọi và câu lạc bộ gia đình văn hóa tiêu biểu.
Ngay sau khi đề án thành lập “Làng văn hóa du lịch” được triển khai, câu lạc bộ đã tiến hành tuyên truyền ý nghĩa của đề án đến tất cả các gia đình trong thôn. Kết hợp mô hình xây dựng nông thôn mới cải tạo, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường, làm đường bê tông, triển khai các mô hình cấy lúa chất lượng cao để phục vụ cho phát triển du lịch sau này...
Nói về công tác bảo tồn làn điệu hát then, cọi và cây đàn tính, nghệ nhân Hà Thuấn tự hào: “Những thành viên trong câu lạc bộ hát then, cọi đang làm mọi cách tốt nhất để truyền lại cho các thế hệ con cháu những khúc hát then, cọi của dân tộc, như: dạy hát then, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa truyền thống của dân tộc cho học sinh trong trường... để khi “làng văn hóa du lịch” thành hiện thực, chúng tôi có thể giới thiệu lời ca tiếng hát của dân tộc mình đến du khách mọi miền đất nước. Đây là cơ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc nói chung và hát then, cọi nói riêng”.
Chị Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết: Đề án xây dựng “Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu then, cọi của dân tộc Tày” được triển khai thực hiện từ năm 2012, đến năm 2015 sẽ hoàn thành, sẽ tạo nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn lực du lịch văn hóa, phát triển nghề thủ công truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, xây dựng “Làng văn hóa du lịch” đồng thời với xây dựng nông thôn mới sẽ hiệu quả và tiết kiệm về chi phí đầu tư...
Những cơ hội phát triển đang mở ra với người dân nơi đây, bởi phát triển du lịch là một trong bốn lĩnh vực “đột phá” của tỉnh Tuyên Quang từ nay đến 2015. Đặc biệt là loại hình du lịch với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương. Bên cạnh đó, hát then, cọi của dân tộc Tày đang được tỉnh Tuyên Quang đề nghị đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia./. (Nguồn:
http://dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=21197)