Tối 24.3, tại TP Huế, Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 phối hợp với Trung tâm THVN tại Huế và các cơ quan, ban ngành liên quan đã tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp với chủ đề: “Thương hiệu du lịch Việt - Định hướng phát triển vươn lên tầm cao mới”.
Đại diện các cơ quan, ban ngành có liên quan tham gia chương trình đối thoại
Tham dự chương trình có hơn 200 đại biểu đại diện cho Tổng cục du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hội lữ hành Việt Nam, đại diện lãnh đạo và nhiều doanh nghiệp du lịch ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung như : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế...
Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện diễn ra trong Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2012 nhằm tạo ra diễn đàn giao lưu cho các Nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị, cơ quan liên quan kết nối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển du lịch Việt Nam vươn lên tầm cao mới.
Chương trình đối thoại đã thu hút được nhiều ý kiến của các vị đại biểu, các doanh nghiệp du lịch tập trung vào một số vấn đề như: Tiềm năng du lịch Việt Nam; những khó khăn và hạn chế của ngành du lịch; xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam; vấn đề trong liên kết du lịch, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai...nhằm góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và khẳng định được vị thế trên thế giới.
Trao học bổng của doanh nghiệp du lịch cho sinh viên ngành du lịch, ĐH Huế
Về giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng, để ngành du lịch nước ta phát triển hơn nữa thì chúng ta cần phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo nhiều hướng để phù hợp với thị trường, thị hiếu. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cần phải có cách tiếp cận chuyên nghiệp và liên kết được các địa phương trong vấn đề quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên trên thực tế, du lịch Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng còn yếu kém; các doanh nghiệp du lịch phối hợp vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền chặt, liên kết du lịch theo vùng còn rời rạc.
Về chiến lược trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp như : cần phải liên kết hợp tác giữa Hiệp hội du lịch với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước; mở rộng thị trường; quảng bá thương hiệu; xây dựng các tour du lịch giữa các địa phương; đẩy mạnh sự liên kết du lịch giữa các doanh nghiệp lữ hành...
Ở khu vực miền Trung, một vấn đề về du lịch được khá nhiều đại biểu quan tâm tại chương trình là vấn đề thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với các điểm du lịch ở các địa phương còn khá ít, đặc biệt là lực lượng lữ hành còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hội lữ hành Việt Nam nhấn mạnh về biện pháp khắc phục là cần phải có một nguồn quỹ cho lữ hành ở các tỉnh miền Trung; hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành để xúc tiến du lịch và đẩy mạnh hơn nữa sự kết hợp cho các doanh nghiệp lữ hành ở miền Trung.
Cũng tại chương trình, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Khang Thông - Nhà tài trợ chính cho chương trình đã trao 20 suất học bổng cho 20 sinh viên xuất sắc đang theo học ngành du lịch tại Đại học Huế.
Thanh Ngọc – Hà Vy - tamnhin.net