Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, giai đoạn từ năm 1988-2006, tổng số dự án được cấp phép là 215 dự án với 5.282 triệu USD vốn đăng ký, trong đó có 188 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký 4.311 triệu USD.
Kể từ chỗ chỉ có 1 dự án đăng ký đầu tư trong năm 1988 với số vốn 7,7 triệu USD, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm tiếp theo. Nổi bật là năm 1993 có 22 dự án đăng ký với tổng số vốn lên tới trên 630 triệu USD. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, hoạt động đầu tư du lịch trong nước có xu hướng trầm lắng trong những năm 1997-2001. Trong cả giai đoạn khó khăn này, tổng số dự án đăng ký chỉ là 23 dự án. Niềm tin của các nhà đầu tư đã trở lại ngay sau đó vào năm 2002, có tới 18 dự án đăng ký với tổng số vốn trên 151 triệu USD. Tuy dòng vốn đăng ký không đồng đều qua các năm tiếp theo nhưng cũng đã cho thấy sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư du lịch.
Trong giai đoạn 1988-2006, lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất trong ngành du lịch dịch vụ đó là lĩnh vực khách sạn với 127 dự án và trên 3,5 tỷ USD vốn đầu tư. Còn lại là các dự án đầu tư vào các lĩnh vực giải trí, dịch vụ quản lý, dịch vụ du lịch, lữ hành, vận chuyển, golf. Hình thức đầu tư phổ biến là liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Số lượng dự án trải khá đều trong cả 3 miền, tuy nhiên có sự khác biệt trong lượng vốn đầu tư. Vốn đầu tư du lịch vào khu vực miền Nam chiếm nhiều nhất với 53,3%, tiếp theo là miền Bắc 32,1% và miền Trung là 14,6% trong 4.311 triệu USD tổng vốn đầu tư.
Trong năm 2007, số dự án được cấp phép là 47 dự án với số vốn đăng ký là 1.863 triệu USD, nâng tổng số dự án đăng ký trong giai đoạn 1988-2007 lên 235 dự án và 6.174 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Tám tháng đầu năm 2008, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến bước nhảy vọt trong lĩnh vực đầu tư du lịch. Số dự án được cấp phép là 21 dự án và số vốn đăng ký lên tới 8.773 triệu USD, nâng tổng số dự án được cấp phép theo luỹ kế lên 256 dự án với 14.947 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Như vậy, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2008, lượng vốn đăng ký đầu tư đã vượt xa tổng số vốn đăng ký trong cả giai đoạn 1988-2007. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành đang quyết tâm đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Dòng vốn đầu tư vào các khu resort, các khách sạn cao sao sẽ góp phần khắc phục được tình trạng thiếu phòng nghỉ cao cấp cho du khách, vốn là một trong những trở ngại làm hạn chế lượng khách du lịch vào Việt Nam.
Trung tâm Thông tin Du lịch - TCDL