Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Sổ tay du lịch lữ hành  (Đã xem 2753 lần)

Đã thoát ra khidotdh88

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 762
Re: Sổ tay du lịch lữ hành
« Trả lời #2 vào: Tháng Bảy 22, 2008, 04:55:07 PM »
04. Bị lạc trong rừng[/B]                                                          Có thể do mải mê công việc khảo cứu hay truy đuổi theo dấu vết của con mồi mà bạn thất lạc giữa rừng sâu. Hoặc bạn đi chậm chân rồi tụt hậu sau đoàn lữ hành và bị mất dấu mà không ai biết. Hay đang đi cắm trại, thám hiểm mà bị lũ cuốn trôi dạt vào một nơi hoang vu, mất hết hành lý. Cũng có thể bạn lo trốn chạy, đào thoát khỏi tay kẻ địch hay “thú dữ” đang truy đuổi, mà rơi vào một nơi hoàn toàn xa lạ... vân vân...

Có hai trường hợp thất lạc :
1. Thất lạc không ai biết, không người tìm kiếm
2. Thất lạc có người biết và sẽ tổ chức tìm kiếm

THẤT LẠC KHÔNG NGƯỜI TÌM KIẾM
Trường hợp vì một lý do nào đó mà các bạn bị thất lạc, nhưng không có ai biết để tổ chức những cuộc tìm kiếm, và vì các bạn không chuẩn bị cho những vật dụng cần thiết (hoặc nếu có thì cũng không đầy đủ), cho nên các bạn phải đặt mục tiêu hàng đầu là thoát ra khỏi vùng nguy hiểm càng sớm càng tốt, các bạn phải tìm cho bằng được con đường ngắn nhất đưa các bạn tới khu dân cư hay vùng an toàn gần nhất. Vì vậy, mọi sức lực, khả năng và trí tuệ của các bạn đều phải tập trung vào việc tìm đường thoát nạn. Nếu sau hai ba ngày mà chưa thoát ra được, các bạn sẽ hoang mang lo sợ, mất tự chủ, dẫn đến tình trạng suy sụp từ thể xác đến tinh thần, đây là điều tối kỵ nhất đối với một người bị thất lạc.
Trong cơn hoảng loạn, các bạn sẽ không còn bình tĩnh để cân nhắc suy xét, nên dễ đưa đến việc đi lòng vòng quanh quẩn trong khu rừng, có khi sau một hồi loanh quanh, các bạn lại quay trở về vị trí lúc ban đầu, mà trong dân gian thường gọi là bị “ma dắt”. (Hiện tượng nầy được các nhà khoa học giải thích như sau: Hai bước chân chúng ta không đều nhau, một bước ngắn, một bước dài. Khi đi trên đường, chúng ta tự động chỉnh hướng theo con đường. Còn trong rừng, do đi theo bản năng nên có khuynh hướng đi theo vòng tròn).
Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề đúng hay sai, mà chỉ nhắc cho các bạn lưu ý, đây là một hiện tượng có thật và rất phổ biến. Khi gặp phải trường hợp như thế nầy, các bạn sẽ hoang mang lo sợ, thất vọng, mất hết tinh thần và ý chí phấn đấu... Đây là một điều rất tai hại, nó còn nguy hiểm hơn cả đói khát và bệnh tật. Khi mà bản năng sinh tồn và nghị lực của các bạn không còn, thì tử thần đang chờ sẵn.
Vì vậy, để thoát nhanh ra khỏi vùng xa lạ, các bạn cần phải thật bình tĩnh để tìm cho được hướng ra, vì thường trong các trường hợp nầy, các bạn không cách xa khu dân cư là bao nhiêu.

ĐỊNH HƯỚNG – TÌM ĐƯỜNG
Cho dù các bạn có địa bàn trong tay thì cũng vô ích nếu như các bạn không biết chúng ta phải đi về hướng nào (trong trường hợp nầy, địa bàn chỉ hữu ích khi chúng ta biết khu dân cư ở hướng nào hoặc các bạn có bản đồ cả khu vực mà chúng ta đang đứng và các bạn cũng phải biết mình đang ở vị trí nào trên bản đồ).
Bây giờ coi như chúng ta không có bản đồ hay địa bàn gì cả, thì làm thế nào để chúng ta vẫn có thể tìm được hướng cần phải đi. Hướng đó là con đường ngắn nhất dẫn đến khu dân cư gần nhất.

Để làm được điều đó, các bạn có nhiều cách:
Trước tiên, các bạn chọn một điểm cao nhất trong khu vực như : cây cao, đỉnh đồi, gộp đá... để leo lên đó mà quan sát (Điều nầy cũng rất khó thực hiện nếu như các bạn ở trong một cánh rừng già bằng phẳng, vì khi leo lên cao, các bạn sẽ không trông thấy gì ngoài những ngọn cây trùng trùng điệp điệp).
Khi trèo cây, để được an toàn, các bạn phải trèo sát vào thân cây, đặt bàn chân sát vào nách của cành cây, tay bám vào những cành chắc chắn, cơ thể của các bạn lúc nào cũng ở trên 3 điểm chịu lực (1 chân và 2 tay hay 1 tay và 2 chân).


Nếu ban ngày, các bạn có thể thấy một vài đặc điểm của khu dân cư như : ngọn tháp, cao ốc, đồng ruộng, nhà cửa, khói ...
Nếu ban đêm, các bạn có thể thấy ánh lửa, đèn điện... Những nơi có phố thị, dù ở thật xa, thì ban đêm ánh sáng cũng hắt lên bầu trời một vùng như hào quang.
Nếu khu dân cư ở gần, khi rừng yên ắng, các bạn có thể lắng nghe văng vẳng những tiếng động lớn như còi xe, còi tàu...
Khi đã định hướng được rồi, các bạn chỉ cần có quyết tâm cao và một vài kỹ năng chuyên môn, là bạn có thể thoát nạn.
Thế nhưng nếu chúng ta không thể thấy hay không thể nghe gì thì phải làm sao?
Các bạn hãy cố tìm cho ra một con suối hay một con sông và đi xuôi theo hướng nước chảy về phía hạ lưu. Tuy không dễ dàng gì vì sông suối không bao giờ chảy theo đường thẳng nên lộ trình di chuyển bao giờ cũng dài hơn rất nhiều. Hơn nữa, hai bên bờ sông suối cây cối thường rất rậm rạp, rất khó di chuyển. Có thể nói; đây là con đường an toàn chứ không phải là con đường ngắn nhất.
Nếu gặp con suối cạn, thì các bạn có thể đi theo lòng suối, vừa dễ di chuyển, vừa có hy vọng gặp suối lớn hay sông (và nhiều cơ may tìm thấy nước trong các mạch nước hay những vũng nhỏ). Khi đã đến sông, nếu có thể, các bạn nên đóng bè để thả trôi theo dòng sông (Xin xem phần ĐÓNG BÈ).
Để tìm ra sông hoặc suối, các bạn có thể trèo lên một điểm cao để quan sát, nếu thấy nơi nào có hàng cây xanh chạy dài (nhất là vào mùa khô, thì hy vọng nơi đó có suối hay sông). Hoặc các bạn di chuyển đổ xuống theo triền dốc của sườn núi hay sườn đồi. Ở cuối dốc, thường có khe hoặc suối nhỏ. Nếu theo dòng chảy, các bạn sẽ gặp sông suối lớn hơn.

Chúng ta di chuyển men theo suối hay suối là do tất cả mọi con suối đều đổ ra sông, mà dọc hai bên sông thường có những khu dân cư hay làng chài hoặc có thể gặp thuyền của ngư dân, của người đi rừng... các bạn sẽ có cơ may được cứu thoát.
Trong lúc đang di chuyển, nếu gặp một con đường mòn thì vận may của các bạn sẽ được nhân lên. Tuy nhiên, các bạn cũng cần xem xét đó là đường mòn cũ hay mới, do người hay thú rừng tạo nên, đường mòn dẫn vào rừng sâu hay đưa ra khu dân cư (Các bạn phán đoán bằng cách quan sát những nhánh rẽ của con đường, nếu đi sâu vào rừng thì thường có hình chữ V thuận, ngược lại, nếu dẫn ra khu dân cư thì nó có hình chữ V nghịch. Nếu không phán đoán được, các bạn di chuyển cho đến khi gặp một con suối cắt ngang qua đường mòn thì có thể trụ lại chờ người đi qua. Vì ở đây, chúng ta có nước uống và cũng có thể để tìm thấy thức ăn ven suối. Nhưng nếu các bạn cảm thấy mình còn đủ khả năng thì sau khi nghỉ ngơi và chuẩn bị đầy đủ nước uống mang theo, chúng ta sẽ lên đường đi tiếp, hãy tin rằng; nơi có người ở không còn xa lắm đâu. Kiên nhẫn lên, các bạn sẽ được cứu thoát.

THẤT LẠC CÓ NGƯỜI TÌM KIẾM
Trước khi vào nơi hoang dã, bạn đã báo tin cho ai đó, nhưng đến ngày hẹn mà các bạn không về... Bạn rời khỏi nhóm, đi đâu đó rồi bị lạc... Bạn được giao đi làm nhiệm vụ ở một nơi xa lạ rồi mất tích... và những trường hợp tương tự như trên, thì người ta sẽ tổ chức những đội cứu hộ đi tìm kiếm các bạn. Nhưng còn bạn ? Bạn phải hành động như thế nào??
Tất nhiên bạn... sẽ bị một cú “sốc” khi biết mình bị lạc. Nhưng bạn hãy bình tĩnh và thư dãn, vì mọi việc không đến nỗi tồi tệ như bạn tưởng đâu.
Hãy cố gắng nhớ lại những kỹ thuật và kỹ năng về mưu sinh thoát hiểm mà các bạn đã học (hay đã đọc đâu đó) rồi đem ra áp dụng, những kết quả của các bài học nầy (cho dù rất nhỏ) sẽ giúp bạn tự tin hơn, tạo cho các bạn thêm nghị lực để phấn đấu, vượt qua mọi trở ngại để tồn tại.

Trong khi chờ người đến cứu, các bạn hãy làm theo những lời khuyên sau đây:

- Ở YÊN TẠI CHỖ, nếu các bạn không tìm được đường ra và chắc chắn mọi người sẽ phát hiện ra được sự mất tích của các bạn và sẽ tổ chức tìm kiếm. Điều nầy rất cần thiết cho các bạn, vì nó hạn chế sự tiêu hao sức lực, năng lượng ... trong khi các bạn đang thiếu thốn thực phẩm và có thể bị tổn thương.


- TÌM HIỂU MÔI TRƯỜNG CHUNG QUANH, để có thể phát hiện nguồn nước, thực phẩm, chỗ trú ẩn, củi...

- DỰNG LÊN MỘT CHỖ TRÚ ẨN tiện nghi thoải mái, sẽ làm cho các bạn an tâm, thư dãn, bớt căng thẳng, lo sợ...

- TẠO RA CÁC DẤU DỄ NHẬN THẤY để cho những người đi tìm kiếm các bạn (hoặc phi cơ bay ngang qua) dễ dàng nhận ra nơi ở của các bạn như: Đốt lửa (ở nơi trống trải), căng những tấm vải màu, quần áo, nón mũ... lên cao hoặc nơi dễ thấy.

- GÂY RA NHỮNG TIẾNG ĐỘNG LỚN như: thổi còi, gõ vào những thân cây rỗng, đốt tre để nguyên cây (sẽ gây ra những tiếng nổ lớn), bắn súng (nếu có)

- GIỮ LỬA CHÁY LUÔN LUÔN nếu nguồn củi hay nhiên liệu cho phép, để làm tín hiệu, xua đuổi thú dữ, thu dãn tinh thần ... (nhưng phải đề phòng cháy rừng)

- KIÊN NHẪN VÀ THẬN TRỌNG. Đừng nóng nảy vội vàng cố sức tìm đường thoát ra, vì có thể làm cho các bạn lạc càng ngày càng xa hơn, gây thêm khó khăn cho những người đi tìm kiếm các bạn.

- HÃY AN TÂM vì cơ thể của các bạn có thể chịu đựng sự thiếu nước trong 3 ngày và thiếu thực phẩm trong 3 tuần. Điều các bạn cần phải làm là ở yên tại chỗ, người ta sẽ tìm thấy các bạn.


THẤT LẠC MỘT NHÓM
Nếu là một nhóm đã có tổ chức sẵn thì không nói làm gì, còn nếu không thì phải chọn một nguời lanh lợi, tháo vát... để bầu làm “Toán trưởng”, và các thành viên trong nhóm phải tuyệt đối tuân phục người nầy. Nhiệm vụ của Toán Trưởng là:
- Phân công cụ thể cho từng người một, tận dụng mọi khả năng, kỹ năng, sở trường của họ.
- Không để một thành viên nào trong nhóm suy sụp tinh thần, gây hoang mang cho cả nhóm (Toán Trưởng dù có bị dao động cũng không để lộ ra ngoài)
- Toán Trưởng có thể tham khảo ý kiến của tất cả mọi thành viên, nhưng chính mình phải tự quyết định.
- Giải quyết linh động và hợp lý những vấn đề thường xuất hiện trong toán như : mệt nhọc, đói khát, bệnh tật... và những va chạm, cãi cọ, gây chia rẽ ...
- Tạo nên một bầu không khí lạc quan, phấn chấn, một tinh thần đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. An ủi động viên những người bị suy sụp tinh thần . Đó là sức mạnh và sinh lực giúp nhóm tồn tại để thoát ra khỏi nơi nguy hiểm.

ĐỀ PHÒNG THẤT LẠC
Để đề phòng không bị thất lạc ở trong rừng sâu, nơi hoang dã, các bạn nên làm theo những lời khuyên sau đây :

TRƯỚC KHI VÀO RỪNG HAY NƠI HOANG DÃ:
- Thông báo cho người thân (hay giới chức có thẩm quyền) biết các bạn sẽ đi đâu? Làm gì? Lộ trình dự kiến?... và khi nào thì các bạn về?
- Rèn luyện thể lực, nhất là đôi chân của các bạn, để có thể vượt qua những chặng đường dài 20 – 30 km một ngày.
- Tập thành thói quen mang theo trong người những vật dụng cần thiết như: dao xếp (đa năng), bật lửa, địa bàn... nhất là những người thường xuyên đi rừng.
- Không nên rời “TÚI MƯU SINH” khi đi rừng.
- Học tập và rèn luyện khả năng sử dụng tối đa mọi trang bị, thông thạo về các kỹ năng mưu sinh thoát hiểm, biết các phương pháp sử dụng bản đồ và địa bàn, có kiến thức về thiên nhiên, có thể phân biệt và lý giải được các dấu vết, tiếng động, mùi vị, đặc tính của các vật thể và sự việc chung quanh.
- Biết cách xử lý các trường hợp sơ cứu khẩn cấp và chữa trị bệnh tật.

KHI VÀO RỪNG
Có bản đồ :
- Cứ mỗi 20 – 30 phút, kiểm tra lại điểm đứng của các bạn trên bản đồ, so sánh xem có phù hợp với cảnh quang thực tế chung quanh hay không?
- Theo dõi và so sánh hướng gió và hướng di chuyển của các bạn, nếu thấy gió bị lệch hướng so với lúc ban đầu, hãy kiểm tra lại hướng di chuyển.
- Chọn một điểm chuẩn để đi tới, như vậy, cho dù các bạn có đi vòng vèo, cũng không bị lệch hướng (Xin xem phần DI CHUYỂN & VƯỢT CHƯỚNG NGẠI)
- Ghi nhớ thời gian và tốc độ di chuyển của các bạn, để ước tính đoạn đường đã vượt qua.
- Đánh dấu trên bản đồ những điểm đặc biệt dễ nhận thấy (nhưng không có in trên bản đồ) như : cây đại thụ, gộp đá, dị hình, gò mối, hang đá, túp lều thợ rừng, mạch nước...

KHÔNG CÓ BẢN ĐỒ
- Để lại dấu vết dễ nhận thấy làm tín hiệu trên đường đi của các bạn như : vạt một nhát dao vào thân cây, bẽ gãy những cành cây, cột túm những bụi cỏ cao, sắp xếp đá hay cành cây theo một quy ước, cột vải vụn lên các cây nhỏ... Những dấu hiệu nầy phải dễ dàng phân biệt được với những dấu vết do thú vật hay thiên nhiên tạo ra.
- Phác thảo một sơ đồ, ghi chép những điểm đặc biệt của địa thế, những điểm chủân của địa hình, các cảnh quang đặc biệt, đánh dấu những lần đổi hướng.
- Theo dõi và ghi nhớ hướng gió, hướng mặt trời, mặt trăng lặn mọc, quan sát các chòm sao....


ÓC TƯỞNG TƯỢNG – SỰ ỨNG BIẾN
Óc tưởng tượng và sự linh động ứng biến cũng có thể cải thiện được phần nào tình thế. Nó làm cho các bạn tăng thêm nhuệ khí và nâng đỡ tinh thần của các bạn.
Hãy luôn luôn ghi nhớ : mục đích của chúng ta là sự sống còn, vậy hãy tự nâng đỡ minh bay bổng bằng những “giấc mơ đẹp”, bằng những “dự án lớn” cho tương lai. Chính những điều nầy sẽ tạo cho các bạn sức mạnh để vượt qua hoàn cảnh hiện tại.
Giữ gìn sức khoẻ và sinh lực: Nếu lúc nầy mà đau ốm hay bị thương thích gì, thì vận may của các bạn trong việc mưu sinh thoát hiểm sẽ giảm đi rất nhiều.
Đói khát, lạnh lẽo, hoang mang... làm giảm bớt sự hiệu quả của sức chịu đựng. Đó cũng là nguyên nhân làm cho các bạn hoa mắt, mệt mỏi, chán nản, bất cẩn, thấy những ảo ảnh, hành động như người mất trí... Tuy nhiên, khi thấy những hiện tượng như thế, các bạn hãy an tâm, đó chỉ là hậu quả của cơ thể quá mệt mỏi, không có gì nguy hiểm, chỉ cần bình tâm nghỉ ngơi là hết.
Sự ứng biến còn bao gồm việc các bạn có thể ăn được cả côn trùng, động vật và những thức ăn hiếm hoi lạ lẫm khác mà các bạn có thể tìm thấy trong rừng.
Khi cô độc trong rừng sâu, nếu các bạn không biết để cho đầu óc bay bổng, không biết ứng biến, thì rừng sâu sẽ nhấn chìm các bạn
 

Đã thoát ra khidotdh88

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 762
Sổ tay du lịch lữ hành
« vào: Tháng Bảy 22, 2008, 04:53:35 PM »
Trích
Mục lục gồm có
 
01. Sơ lược lữ hành (bỏ qua)
02. Chuẩn bị vào nơi hoang dã
03. Vật dụng mang theo
04. Thất lạc trong rừng
05. Tai nạn
06. Liên lạc với máy bay cứu hộ
07. Truyền tin
08. Trôi dạt trên biển
09. Sa mạc
10. Băng tuyết
11. Đầm lầy
12. Vượt sông suối
13. Vượt đồi núi
14. Leo vách đá
15. Tìm phương hướng
16. Đọc và sử dụng bản đồ
17. Nước
18. Lửa
19. Thực phẩm
20. Săn bắn
21. Đánh bắt
22. Đánh bắt dưới nước
23. Nấu nướng
24. Bảo quản thực phẩm
25. Nơi trú ẩn
26. Dây, lạt, nút dây
27. Tổ chức cuộc sống hoang dã
28. Thiên nhiên nguy hiểm
29. Bảo vệ sức khoẻ
30. Cấp cứu
31. Những kinh nghiệm khác                      
02. Chuẩn bị vào nơi hoang dã
- Các bạn là những người đang chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm, khám phá những vùng đất hoang vu xa lạ.
- Các bạn đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch sinh thái ở một vùng mà bạn biết rất mơ hồ.
- Các bạn sắp sửa phải dấn thân vào rừng sâu núi thẳm vì nhiệm vụ được giao phó.
- Các bạn đã chán ngấy cuộc sống ồn ào náo nhiệt của thành phố, chán các tiện nghi của nền văn minh cơ khí... muốn tìm sự tĩnh lặng thanh thản giữa thiên nhiên.
- Các bạn muốn làm một Robinson Crusoe thời nay.
Hoặc vì một lý do nào đó, các bạn sắp phải sống một thời gian dài ở những vùng thiên nhiên hoang dã, vắng bóng người.
 
Để cho công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp và bản thân các bạn được an toàn, các bạn buộc phải qua một quá trình học tập, và rèn luyện một cách cẩn thận. Vì đây không phải là một chuyến du lịch với túi tiền đầy ắp. Không kẻ đưa người đón. Không có cỗ bàn dọn sẵn. Không có phòng ốc tiện nghi... Mà trái lại, có thể đầy dẫy gian lao nguy hiểm, nhọc nhằn, vất vả, bệnh tật, đói khát, sức cùng lực kiệt.... đang chờ đón các bạn. Ở đó, các bạn chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân của mình. Vì vậy, các bạn phải trang bị cho mình một số kỹ năng và kiến thức cần thiết.
 
Những kỹ năng nầy, không phải chỉ đọc ở sách vở hay học bằng lý thuyết suông, mà phải thực hành nhiều lần, nhất là trong những dịp cắm trại, thám du, khảo sát, dã ngoại... ngắn ngày. Các bạn cũng cần phải rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị tinh thần và nghị lực, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Dĩ nhiên là khi các bạn đã được chuẩn bị tốt, thì khả năng tồn tại nơi hoang dã của các bạn được an toàn và bảo đảm hơn rất nhiều so với những người đột nhiên bị ném vào những nơi xa lạ mà chưa hề có khái niệm gì về “mưu sinh thoát hiểm”...
 
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần của các bạn, nếu các bạn không bình tĩnh tự tin, không có nghị lực và quyết tâm cao, không có máu phiêu lưu và đam mê thiên nhiên... thì mọi sở học của các bạn cũng vô ích.
Những kỹ năng và kiến thức quan trọng mà các bạn cần phải học tập và thực hành là:
- Kiến thức về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, môi trường, động thực vật...
- Các phương pháp tìm phương hướng
- Đọc và sử dụng bản đồ và địa bàn
- Kỹ thuật di chuyển vượt chướng ngại
- Kỹ thuật lều trại và các cách làm chòi trú ẩn bằng vật liệu thiên nhiên.
- Thủ công, nghề rừng.
- Kỹ thuật săn bắn đánh bắt, mưu sinh thoát hiểm
- Biết bảo vệ sức khỏe và phòng chống các bệnh thông thường
- Cứu thương và cấp cứu
...
CÓ SỨC KHỎE
Không một nhà thám hiểm, khai phá hay một chiến binh nào mà có thể hoàn thành công việc của mình với một sức khỏe èo uột. Vì nơi hoang dã là một môi trường rất khắc nghiệt, đầy dẫy lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc, sông sâu vực thẳm, cây độc thú dữ, thực phẩm thiếu thốn, thuốc men hiếm hoi, tiện nghi nghèo nàn, hoang vắng cô đơn...
Các bạn còn phải tiêu hao rất nhiều năng lượng do mang trên vai hành trang nặng nề, sử dụng đôi chân để vượt những chặng đường dài mà không dễ đi chút nào, phải leo núi, băng sông, vượt lầy, cắt rừng... Một người có thể lực trung bình thì cũng khó mà đảm đương nổi.
Ngoài sức khỏe ra, các bạn cũng cần phải có một tinh thần kiên định vững vàng, đam mê khám phá, yêu mến thiên nhiên, không ngại gian khổ... biết bao nhiêu người đã bỏ cuộc chỉ vì thiếu tính kiên nhẫn, lòng đam mê và không vượt qua được những gian khó, cho dù họ có sức khỏe rất tốt. Các bạn hãy nhớ rằng, thực tế không đẹp như một bức tranh phong cảnh hay như một bài thơ trữ tình đâu.
 
KIẾN THỨC VỀ THIÊN NHIÊN
Là một vấn đề rất quan trọng đối với những người chuẩn bị tiến hành các cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Nếu không am hiểu về thiên nhiên, các bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc sinh tồn nơi hoang dã.
Về lý thuyết: Các bạn nên đọc và nghiên cứu thật nhiều qua sách báo, phim ảnh... để tích lũy kiến thức về môi trường sinh thái, về động thực vật, về thời tiết, khí hậu, trăng sao, thủy triều...
Về thực hành: Các bạn nên tham gia nhiều cuộc khảo sát, thám du, chinh phục, cắm trại... để cho quen việc tiếp xúc với thiên nhiên càng nhiều càng tốt.
Nếu không có kiến thức về thiên nhiên, các bạn có thể hoảng loạn trước những con vật xù xì gớm ghiếc nhưng vô hại và mất cảnh giác trước những con côn trùng nhỏ bé hoặc những con vật có màu sắc sặc sỡ đáng yêu nhưng lại rất nguy hiểm.
Các bạn cũng cần phải biết phân biệt được những cây, hoa, lá, rễ, củ... có thể làm thực phẩm hay thuốc chữa bệnh hoặc mang nhiều độc tố chết người. Biết tiên đoán thời tiết để khỏi bị động trước mọi hiện tượng của thiên nhiên.
Tóm lại: Có kiến thức rộng về thiên nhiên bạn mới mong có thể tồn tại giữa thiên nhiên hoang dã.
 
[/B]

TỔ CHỨC & LẬP KẾ HOẠCH
Khác với những cuộc cắm trại hoặc những lần xuất du dã ngoại thông thường. Trong các cuộc phiêu lưu mạo hiểm, các bạn không thể đi “tiền trạm” trước, mà chỉ biết vùng đất đó qua bản đồ hoặc một số hình ảnh, tư liệu... cho nên rất khó mà đoán biết những gì sẽ chờ đón chúng ta ở đó.
Chương trình hoạt động cũng khác với chương trình cắm trại thông thường. Chúng ta không thể sắp đặt những kế hoạch cụ thể mà chỉ có thể thiết kế một cách tổng quát rồi tùy cơ ứng biến.
Chọn đồng hành: Nếu bạn là người tổ chức (và là trưởng đoàn) thì chỉ nên chọn bạn đồng hành là những người trưởng thành, có kinh nghiệm và kiến thức, biết nhiều kỹ năng chuyên môn, đã từng tham dự nhiều chuyến xuất du, cắm trại... Những kẻ “mặt trắng” thiếu kinh nghiệm sẽ là một gánh nặng cho cả toán. (Chỉ nên để họ tham dự những chuyến xuất du ngắn ngày.)
Những thành viên trong đoàn, ngoài sự thông cảm, thương yêu, đoàn kết với nhau, còn phải cùng chung một quan điểm, mục đích, có chung một sự đam mê khám phá, tìm hiểu thiên nhiên...
Chương trình và lộ trình của các bạn phải được thông báo cho người thân và những người có trách nhiệm biết, để họ có thể biết đường tìm kiếm các bạn, nếu đến hẹn mà các bạn chưa về.
TRANG BỊ
Trang bị tốt và đầy đủ là yếu tố quan trọng để tổ chức một cuộc sống nơi hoang dã được tiện nghi, an toàn và thành công.
Trang bị cho những cuộc phiêu lưu mạo hiểm cũng khác với những cuộc cắm trại, vì chúng ta sẽ mang theo nhiều lương khô, thuốc men, dụng cụ cấp cứu, bản đồ địa bàn, dụng cụ phát tín hiệu cấp cứu, máy truyền tin... tùy theo mục đích hoặc địa thế, chúng ta có thể trang bị thêm: phao vượt sông, dụng cụ leo núi... và một vật không thể thiếu đó là “túi mưu sinh” (Survival Kit), là một túi nhỏ, trong đó đựng những vật dụng thiết yếu nhất để có thể sinh tồn nơi hoang dã (xin xem bảng liệt kê vật dụng).
Nhưng các bạn hãy lưu ý: Với thể lực và đôi chân của các bạn, cộng với đoạn đường dài mà các bạn cần phải vượt qua, các bạn không thể cõng trên lưng toàn bộ “tài sản” của mình (cho dù bạn rất muốn) mà chỉ có thể tuyển chọn những vật dụng cần thiết nhất cho phù hợp với cuộc hành trình mà thôi. Cho nên người được trang bị tốt là: người có thể tận dụng tối đa mọi chức năng của một số vật liệu, dụng cụ ít ỏi bằng kiến thức và tài tháo vát của mình. (thí dụ: chỉ với chiếc gậy đi đường, các bạn có thể biến nó thành: thước đo, vũ khí tự vệ và tấn công, cột lều, cần bẫy, sào dò độ sâu của dòng sông, cầu vượt khe, cán cuốc, xẻng, cáng cứu thương...) Do đó, hành trang của người phiêu lưu mạo hiểm tuy gọn nhẹ, nhưng đầy đủ.
Nếu bạn là một Hướng Đạo Sinh, đã từng đi trại nhiều lần, thì việc lựa chọn vật dụng để mang theo không khó khăn lắm, cho dù cắm trại và phiêu lưu mạo hiểm có khác nhau.
 
Ngoài những nhà phiêu lưu mạo hiểm, những chiến binh, những người khai phá... ít ai trong chúng ta lại nghĩ rằng; sẽ có một ngày nào đó, mình phải đối diện với sự sinh tồn của chính mình chỉ với bằng bàn tay và khối óc, trong khi chung quanh là thiên nhiên bao la bí hiểm, bệnh tật, đói khát, chết chóc.... Thế mà, có người ngày hôm qua còn đang ở trong biệt thự tiện nghi, xe cộ đưa đón, kẻ hầu người hạ, thì hôm nay: rừng rậm hoang vu, đầm lầy bí hiểm, sa mạc khô cằn, hoang đảo cô đơn...
Có người vì nhiệm vụ, có người vì sơ ý để thất lạc, có người vì tai nạn, mà cũng có người lập dị muốn sống cuộc sống hoang sơ, từ chối tiện nghi của nền văn minh hiện đại... Tất cả họ đều phải đối diện với một thiên nhiên khốc liệt, mà phần đông trong số họ thường phải bó tay (dù đôi khi họ được trang bị khá đầy đủ) chỉ vì họ chưa được học tập và huấn luyện chu đáo. Có một số ít người do may mắn, nhưng cũng không ít người do khả năng, sức lực, ý chí, sự hiểu biết về mưu sinh thoát hiểm... mà đã sống sót sau những tai nạn. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về những trường hợp điển hình đó.
Chúng tôi xin trích một đoạn trong tạp chí THẾ GIỚI MỚI về cuộc hội thảo “VĂN HÓA NGOÀI TRỜI” được tổ chức tại Nhật Bản:
“Chúng ta lo đuổi theo văn minh vật chất, lo chú ý đến kinh tế mà coi nhẹ giáo dục con người, các nhà trường hiện nay nặng về phát triển trí tuệ chứ không phát triển đức tính. Với lớp trẻ, mọi thứ đều có những phát minh khoa học cung cấp cho: ăn uống, nhà ở, tiêu dùng, sinh hoạt... tất cả đều sẵn sàng đến mức con người không phải làm gì và không biết làm gì nữa. Ở Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thí nghiệm: Tập trung một số thanh thiếu niên, cho sống với nhau trên một hòn đảo, tự túc lấy một vài tuần... Người ta thấy rằng: Các em không biết nấu cơm, không dựng được nhà ở, không thể trèo núi, băng suối...” (TGM số 221 – 1997)
Như vậy, cho dù được trang bị đầy đủ mà không được học tập huấn luyện chu đáo, thì chúng ta cũng dễ bị lúng túng và thụ động trước thiên nhiên. Chúng ta nên nhớ rằng: Thiên nhiên rất tàn nhẫn nhưng cũng rất hào phóng. Lấy đi tất cả nhưng cũng cho lại tất cả. Chỉ có điều: Chúng ta phải biết cách nhận.
Trong tập sách nầy, chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu và thực hành nhưng điều cần phải biết, những việc cần phải làm, để khi cần, chúng ta có thể SINH TỒN NƠI HOANG DÃ mà đôi khi chỉ với một con dao hay một cái rìu trong tay. Các bạn đừng nghĩ rằng: việc đó quá xa vời, ngoài tầm tay của các bạn. Không! Chỉ cần sau khi đọc cuốn sách nầy, các bạn hãy tìm cách thực tập và cộng với một quyết tâm cao, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, và biết đâu, sẽ có lúc bạn tự hào về những khả năng và sự hiểu biết của mình.

03. Vật dụng mang theo                                                          Danh mục các vật dụng dưới đây chỉ để gợi ý cho các bạn chọn lựa mà thôi, chúng ta không thể nào đủ sức để cõng theo tất cả được (trừ khi các bạn thám hiểm bằng cơ giới). Khi chọn lựa, các bạn phải tùy theo nhu cầu, mục đích, nhiệm vụ, địa thế, khí hậu... mà chọn những vật dụng thích hợp và cần thiết để mang theo. Có một số vật dụng hơi khó tìm kiếm trên thị trường, thường chỉ để trang bị cho những người có công tác đặc biệt.
 
NHỮNG VẬT DỤNG CẦN THIẾT
- Ba lô
- Sổ sách, giấy viết, nhật ký hành trình...
- Bản đồ, và địa bàn
- Thiết bị định vị toàn cầu GPS
- Đồng hồ
- Ống nhòm
- Máy chụp hình & phim
- Máy thu thanh (radio)
- Điện thoại di động (nếu vùng có phủ sóng)
- Đèn pin & pin & bóng đèn dự phòng
- Đèn bão, đèn cầy
- Dao săn (hoặc dao rừng, dao mưu sinh...)
- Dao bỏ túi (đa chức năng)
- Rìu, rựa, cuốc, xẻng, cưa...
- Dây đủ cỡ
- Thuốc thoa chống muỗi
- Nhang đuổi muỗi
- Bình lọc nước loại nhỏ (mini filter)
- Tài liệu, sách hướng dẫn (cẩm nang)
 
Y PHỤC
Tùy theo thời tiết, khí hậu, thời gian hoạt động... để mang theo quần áo sinh hoạt và dự phòng.
- Áo quần sinh hoạt & nón nhẹ
- Áo quần chống lạnh & nón lông
- Áo mưa hay poncho
- Áo quần ngủ
- Áo quần lót
- Áo quần tắm
- Áo khoác
- Giầy vớ
- Dép guốc
- Găng tay
 
ĐỒ DÙNG CÁ NHÂN
- Khăn tay, khăn tắm
- Kem & bàn chải đánh răng
- Xà phòng giặt & bàn chải giặt
- Xà phòng tắm
- Dao cạo
- Gương, lược
- Kiếng mát
- Giấy vệ sinh
- Hộp may vá (đựng kim, chỉ, nút, kéo, lưỡi lam...)
 
 
 
DỤNG CỤ NẤU NƯỚNG & ĂN UỐNG
- Nồi, soong, chảo, ấm nấu nước...
- Dao, thớt
- Đồ khui hộp
- Tô, chén, dĩa, ly, gà mên...
- Vá, muỗng đũa...
- Bình đựng nước & ca uống nước & bao bình đựng nước
- Gàu, xô xách nước, can đựng nước
- Rổ, rá...
- Quẹt gaz ( hay diêm không thấm nước)
- Lò dầu hay bếp gaz nhỏ (mini) & dầu hay gaz dự phòng
 
THỰC PHẨM
- Gạo, nếp, bắp, đậu, bột...
- Gia vị (muối, tiêu, đường, bột ngọt, hành, tỏi, dầu ăn...)
- Thức uống (trà, cà phê, bột trái cây...)
- Thức ăn tươi (thịt, cá, trứng, rau, quả...)
- Thức ăn khô (tôm khô, cá khô, mì, lạp xưởng...)
- Thức ăn đóng hộp
 
DỤNG CỤ CẮM TRẠI – NGHỈ NGƠI
- Lều, bạt, poncho(tấm trải không thấm nước)...
- Cọc, dây, gậy, dùi cui...
- Tấm lót
- Võng
- Túi ngủ, nệm hơi
- Mùng, mền, mùng trùm đầu
 
DỤNG CỤ CẦU CỨU
- Máy truyền tin
- Hỏa pháo
- Trái khói
- Kính phản chiếu
- Pa-nô, vải màu, cờ...
- Còi báo hiệu
- Đèn hiệu
 
DỤNG CỤ LEO NÚI
- Mũ bảo hộ (helmet)
- Búa bám đá (rock hammer)
- Bao giắt búa (hammer holster)
- Nêm cắm, nêm đóng (pitons)
- Nêm chèn, nêm giắt (chocks & nuts)
- Khoen bầu dục biners (carabiners / snaplink)
- Giầy leo núi (Kletterschuhe/mountaineering shoes)
- Đai (swami belt)
- Dây thừng (rope)
 
TÚI MƯU SINH
- Aspirin, vitamins
- Quẹt gaz hay diêm không thấm nước
- Băng dán cá nhân
- Dao nhíp, luỡi lam
- Đèn pin nhỏ (mini)
- Kính phản chiếu hay miếng kim loại bóng
- Dây cước, dây dù, lưỡi câu đủ cỡ
- Cưa dây
- Thuốc viên lọc nước
- Súp viên – muối tiêu hay muối xả ớt
- Còi cấp cứu
- Địa bàn nhỏ (mini)
 
TÚI CỨU THƯƠNG
- 1 chai Betadi (polyvidone iodee)
- 1 chai oxy già
- 1 chai thuốc đỏ
- 1 chai cồn
- 1 chai dầu gió
- 1 chai Amoniaque
- Bột Sulfamid hay bột Penicilline
- Kéo, kẹp, kềm...
- Ống tiêm & kim tiêm
- Thuốc chống sốt, giảm đau (Panadol, Cetamol, Aspirin...)
- Thuốc đau bụng, tiêu chảy (Ganidan, Parregorique...)
- Thuốc chống sốt rét (Chloroquine, Fansidar...)
- Thuốc kháng sinh (Ampicilline, Tetracyline...)
- Túi chữa rắn cắn (Snake bite Kit)
- Ruợu hội, viên hội (chữa rắn cắn)
- Băng vải, băng thun, băng tam giác...
- Băng keo, băng dán cá nhân
- Bông gòn thấm nước – gạc (gaze), compresse
 
GHI NHỚ:
 
TÚI CỨU THƯƠNG phải được giữ gìn cẩn thận, treo lên cao. Các loại thuốc phải được dán nhãn, ghi rõ tên thuốc, chủ trị, cách dùng... và phải bổ sung đầu đủ sau mỗi lần dùng.
Riêng về TÚI MƯU SINH, các bạn không nên đem ra sử dụng thường (trừ trường hợp bất đắc dĩ), để khỏi bị hao hụt, thất thoát. Vì nếu không, đến khi các bạn thật cần thì lại không có hoặc không đủ.
 




 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
2200 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 18, 2008, 07:11:40 AM
Gửi bởi caotri
0 Trả lời
2336 Lượt xem
Bài mới Tháng Chín 15, 2008, 09:05:53 PM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
1834 Lượt xem
Bài mới Tháng Năm 27, 2009, 11:25:35 PM
Gửi bởi taophung
0 Trả lời
1976 Lượt xem
Bài mới Tháng Năm 21, 2010, 10:44:38 PM
Gửi bởi bachht
1 Trả lời
3548 Lượt xem
Bài mới Tháng Một 02, 2014, 01:17:51 PM
Gửi bởi thocon

TOUR 1 NGÀY: TÀU RỒNG SÔNG HÀN BUỔI TỐI
Tour: Tham quan
0 ngày 1 đêm
0
Đặt ngay
Du lịch City Nha Trang 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Đà Nẵng – Cù Lao Chàm – Bà Nà Hill
Tour: Ghép đoàn
3 ngày 2 đêm
0
Đặt ngay
Tour du lịch miền Tây 1 ngày (Mỹ Tho – Bến Tre)
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View