Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên  (Đã xem 14531 lần)

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #19 vào: Tháng Tám 10, 2008, 10:35:16 AM »
Đền Tống Trân và lễ hội

Tục truyền rằng, vào thời nhà tiền Lý (ở Văn Miếu Hưng Yên ghi ông sống vào thời nhà Trần) ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có một người họ Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình rất hiếu đễ, ngoài xã hội khoan hoà. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh (cùng huyện) tên là Đào Thị Cuông, vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, hay làm điều thiện... Việc làm của họ thấu tới cả trời xanh, nhà Trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Bà Đào Thị Cuông có thai 11 tháng mới sinh một cậu bé khôi ngô, tuấn tú vào ngày rằm tháng Tư năm Bính Ngọ.

Lên 3 tuổi, cậu bé đã rất giỏi âm luật, cha mẹ rất yêu thương nên đặt tên là Trân. Tống Trân lên 5 tuổi đã có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười, trên từ thiên văn, dưới đến địa lý đều am hiểu tinh tường. Khi Ngài cùng mẹ lang thang hành khất, đến Sơn Tây vào một gia đình trưởng giả giàu có ăn xin, được Cúc Hoa (con gái ông trưởng giả) đem lòng yêu mến vì tài đối đáp thông minh của Tống Trân. Ba người trở về quê hương làm ăn, riêng Tống Trân dùi mài kinh sử. Đến năm 7 tuổi vua Lý Nam Đế (544-548) mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài và đến ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, ông đỗ Đệ nhất giáp cập đệ đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên). Vua khen rằng: "Quốc sĩ vô song, tướng tài quả nhị" - nghĩa là "kẻ sĩ cả nước chỉ có một (Tống Trân), tướng tài không có người thứ hai"". Ngày mồng 10 tháng 4, vua ban cho cờ biển, một nghìn vuông gấm và mười đĩnh vàng cho về vinh quy bái tổ.

Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng trong một tháng, rồi cưới nàng Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân làm nhà ở làng Phù Oanh, cho vợ trông coi rồi trở lại kinh thành. Được ba tháng, vua cử ngài đi sứ sang Bắc quốc. Vua Trung Quốc dùng đủ mọi cách để thử tài Tống Trân, nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí. Vua Trung Quốc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm "Lưỡng quốc trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước). Vua Tầu muốn gả con gái cho nhưng Tống Trân từ chối, vì thế bị giam vào chùa Linh Long trong một trăm ngày, không cho thức ăn, nước uống. Tại đây, ông đã nảy ra sáng kiến bẻ ăn tượng phật (được làm bằng chè lam) và uống nước lã, nên một lần nữa, vua Tàu phục tài bèn phong làm "Phụ quốc thượng tể Đẩu Nam Tống đại vương".

Quả thực:

"Bảy tuổi Trạng nguyên lừng đất Việt
Mười năm tứ tiết khiết trời Ngô"


Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn thủy chung với mình, khen Cúc Hoa đủ tam tòng, tứ đức, thực là nữ trung Nghiêu, Thuấn. Tống Trân đón vợ về, cùng nhau đoàn tụ. Vua biết chuyện, đã phong cho Cúc Hoa làm "Quận phu nhân". Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương, có vời Tống Trân ra làm "Phụ chính đại thần". Được hơn mười năm, Tống Trân ngoài 60 tuổi, mới dâng biểu cao quan về quê dạy học. Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng bệnh đau bụng, ba hôm sau thì mất (ngày 3 tháng 3). Năm năm sau, Tống Trân bị chứng bệnh "mã đao" (hạch ở cổ) và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi. Ngoài được phong sắc "Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương" và về sau được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần".

Tại đền còn lưu giữ những câu đối ca ngợi mảnh đất "địa linh" của huyện Phù Dung:

"Đức phối nhị vương, An quận ninh khang ca thánh trạch
Công cao thiên cổ, Phù Dung hiển tích tạ thần lưu"


Nghĩa là:

Đức sánh hai vua, An quận yên lành nhờ thánh trạch
Danh lưu muôn kiếp, Phù Dung linh ứng tỏ thần công...


đã sản sinh ra "nhân kiệt" cho địa phương.

Văn vũ bẩm toàn tài, kháng Nguỵ, sánh Ngô cái thế huân danh minh Việt sử.
Bắc, Nam dai cử thủ phong, tích tước huy niên thang mộc trang lăng từ.


Nghĩa là:

"Toàn tài văn võ, dẹp Ngô đánh Nguỵ, muôn kiếp công lao ghi sử sách.
Quy phục Bắc Nam, phong Vương tiến tước nghìn năm đất tổ tế lăng từ... thật xứng đáng là "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".


Trạng nguyên Tống Trân còn được biết đến thông qua truyện nôm khuyết danh "Tống Trân - Cúc Hoa" nổi tiếng xưa nay.

Theo quy định hàng năm, lễ hội làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, trong đó ngày 13 và 14/4 là ngày hội chính. Ngày 13/4 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng. Trong ngày chính hội (tức ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi. Và đến ngày 16/4 lại rước kiệu về các đình, đền, chùa để an vị. Ngày 17/4 làm lễ bế hội. Lễ hội đền Tống Trân là một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #18 vào: Tháng Tám 10, 2008, 10:30:15 AM »
Đền Mẫu - Đền Đào Nương và lễ hội

Đền Mẫu hay đền Đào Nương là một trong 17 di tích lịch sử văn hóa quốc gia của huyện Tiên Lữ, nằm bên đường 39B, cách thị xã Hưng Yên khoảng 6km. Đền Đào Nương thuộc xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu ngày xưa, ngày nay nằm trên địa phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên.

Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XV. Nàng ca nhi họ Đào nhan sắc xinh đẹp, hát hay múa khéo, tiếng đồn tài hoa dậy khắp mọi nơi. Năm ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta, chúng đóng đồn trại ở tận các thôn xóm, vơ vét của cải, giết hại lương dân. Đàn ông bị bắt làm phu dịch, đàn bà bị bắt làm nô tì. Chúng kéo đến làng Đào Đặng, dân chúng bỏ chạy cả, nàng ca nhi họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nàng làm cho chúng có phần vị nể, biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi.

Nàng Đào Thị khéo chiều chuộng, làm cho chúng tin cẩn, không đề phòng gì nữa. Quân Minh cứ thế kéo đến biến nhà Đào Thị thành chỗ tập trung chè chén suốt đêm. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, (xưa kia vùng này lau sậy um tùm, muỗi nhiều như chấu) chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc.

Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này "động", "nghịch", "linh thiêng".. không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.

Khi nàng Đào Thị mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ Bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm "Phúc thần" cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hàng năm. Ngôi đền ả Đào nay vẫn còn ở trước chợ làng Đào Xá, đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

Vì bà Đào Thị Huệ được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng "tom, chát" của tiếng trống đế chèo.

Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, đông vui và nhộn nhịp. Dân làng tổ chức nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #17 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:49:37 AM »
Đậu Trà Bồ và lễ hội

Trà Bồ, một trong bảy di tích có tên gọi là Đậu, một đặc trưng của văn hóa di tích Hưng Yên. Đậu Trà Bồ có tên nôm là Đậu Chè Nhang, tên tự là Sùng Hưng Điện, thuộc tổng Ba Đông, huyện Phù Hoa, phủ Khoái Châu xưa, nay là thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ.

Theo "Ngọc phả Đậu Trà Bồ" do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó được Quản giáp Bách thần Tri điện Hưng thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu tam niên (1737) thì Đậu Trà Bồ thờ ba vị thần Quý Minh Hiển Đức Đại Vương, Tĩnh Minh Bảo Hựu Đại vương và Đức Đông Hải Đoàn Thượng Đại vương.

Ngọc phả có thể tóm tắt như sau: Vào thời Hùng Duệ vương, có người họ Cao là Nguyễn Công, quê huyện Thanh Xuân phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa (tỉnh Hà Tây ngày nay). Ông có tài kiêm văn võ, dũng lược hơn người, được vua Hùng tin dùng và khen là người có tài, đức. Qua hai đời vợ không có con, Huyền Công rất buồn, sau ông chọn được thế đất "phượng hàm thư" trên núi Tựu Lĩnh để đặt mộ phần cha mẹ. Từ đó, vợ ông có mang sinh được ba người con: con cả là Sùng Công, hiệu Cao Sơn; con thứ hai là Hiển Công, hiệu Quý Minh và con thứ ba là Tĩnh, hiệu Minh Công. Khi trưởng thành, các con ông đều thông tuệ, khỏe mạnh, được vua Hùng gia phong làm tướng, cai quản vùng Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ.

Trong một buổi du ngoạn, Quý Minh và Tĩnh Minh đã dừng chân tại địa phận Trà Bồ, huyện Phù Hoa (sau này đôi thành Phù Cừ). Thấy hình thế đất đẹp liền chọn hướng cho làm hành cung và hai ông ở lại để giáo huấn nhân dân, chăm lo việc nông tang cày cấy, khuyến thiện, trừ ác. Trong lúc vua Hùng Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), nhưng Sơn Thánh từ chối. Quân Thục từ Ai Lao tiến vào xâm lược, Quý Minh và Tĩnh Minh về Trà Bồ và các địa phương xung quanh chiêu mộ quân sĩ, rồi hợp cùng các tướng đánh quân Thục. Trải qua 36 trận giao tranh lớn nhỏ, quân Thục bị thua.

Ba năm sau, quân Thục phục thù và Quý Minh, Tĩnh Minh lại lập được công lớn. Đất nước thanh bình, Hùng Duệ Vương vẫn có nhã ý nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, ông vẫn từ chối và tâu rằng: "Vua cho hạ thần gọi chúa Thục đến người ngôi để giữ bề yên ổn lâu dài..." Chúa Thục lên ngôi, hiệu là Thục An Dương Vương, chuyển kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa, đổi tên nước là Âu Lạc. Được tin Quý Minh và Tĩnh Minh đã than rằng: "Quốc gia đã thuộc về người khác!" bèn cùng một số cận thần xa giá đi du ngoạn. Một hôm Lưỡng Công đến sách Tự Pháp (miền ngược gọi là sách tương đương ấp, làng ở miền xuôi), huyện Bất Bạt, phủ Gia Lương, đạo Hưng Hóa ngắm cảnh và trèo lên ngọn núi Thu Tinh rồi tự hóa thân. Hôm đó là ngày 12 tháng Ba năm Bính Thân. Nghe tin, dân làng Trà Bồ đã giết tam sinh (trâu, bò, lợn) hành lễ, cúng tế và lập miếu thờ tại Hành cung của Lưỡng Công. Trải qua các triều đại, hai vị đều được phong mỹ tự "Thượng đẳng phúc thần".

Cũng theo ngọc phả thì vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, có người tên Đoàn Thượng, con của Đoàn Trung và bà Hoàng Thị Mỹ ở chợ Hồng Thị, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương (thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay) thông minh xuất chúng, yêu thích cung nỏ, ham đọc binh thư... thực là một người tài giỏi. Đời Lý Huệ Tông (1211- 1224) đã phong Đoàn Thượng làm Tổng đốc đạo Sơn Nam kiêm vùng Hưng Tuyên. Khi nhà Trần thay thế nhà Lý đã suy vi, ông rất tức giận, vung kiếm phi ngựa về Hồng Châu chiêu tập binh mã, xây thành luỹ tại xã An Nhân và tự xưng là "Đông Hải Đại Vương". Một hôm, Thượng Công đi qua xã Trà Bồ, nghe tin đồn miếu Lưỡng công nổi tiếng linh ứng nên lập Tả đồn, Hữu đồn ở đây làm căn cứ chống lại nhà Trần và đã thu được nhiều thắng lợi. Do mưu kế "giả cách hoà hoãn", Đoàn Thượng đã bị Nguyễn Nộn (cũng là một công thần nhà Lý chống Trần, song bị nhà Trần mua chuộc) phản bội vào ngày 04 tháng 12 năm ất Mùi (1235). Thượng Công bất lực mà than rằng "Xuất quân chưa thắng mình đã chết, mãi mãi khiến cho nước mắt anh hùng thấm ướt vạt áo". Nói xong, ông vung cao tay kiếm tự hoá.

Ngay hôm đó, dân làng Trà Bồ, Đoàn Đào... làm lễ tế phụng và viết thần hiệu "Đông Hải Đoàn Thượng đại vương" cùng thờ với Lưỡng Công tại miếu Trà Bồ. Vì thế Trà Bồ là một trong 71 nơi thờ đức Đông Hải Đại Vương.

Theo thường lệ, lễ hội Đậu Trà Bồ xưa được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3 âm lịch. Trong ngày khai hội, ngoài lễ "khai quang tẩy uế" có lễ rước kiệu tam vi đại vương từ miếu Phú (nơi thờ vọng) và rước Mẫu Liễu Hạnh từ chùa về Đậu chính. Từ ngày 13 đến 17 lần lượt bốn giáp (nhất, nhì, tam, hanh) và khách thập phương vào tế lễ làm cỗ chay. Ngày 18 tháng 3 tiến hành rước kiệu thánh từ Đậu chính về miếu Phú an vị.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #16 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:44:29 AM »
Đền Phạm Công Trứ và lễ hội

Đền Phạm Công Trứ thờ nhà quân sự, nhà chính trị đại tài hai triều đại Lê-Trịnh.

Phạm Công Trứ, người làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1599) trong một gia đình nho học, cha là Phạm Cai, mẹ là Nguyễn Thị Liên. Ngay từ nhỏ ông tỏ ra rất ham học, phong độ giản dị, tính tình cương trực và nhân hậu. Được sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của cha mẹ, lại được quan Huấn đạo Nguyễn Hiền (người ở xã An Tháp, cùng huyện) giúp đỡ, nên Phạm Công Trứ đã sớm nổi tiếng giỏi thơ, văn. Lớn lên, được vào học ở trường huyện Đường Hào (ông có học cả võ bị) và được xếp vào bậc "Nhiêu học" (tiên tiến xuất sắc bây giờ).

Năm 29 tuổi, Phạm Công Trứ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông (1619- 1643), được giao giữ chức Thái thượng Tự khanh ở Hàn Lâm viện. Cả sự nghiệp và cuộc đời của ông gắn liền với việc xây dựng và phò tá triều Lê-Trịnh thế kỷ XVII.

Năm Tân Mùi (1631), ông được giao giữ chức Hiến sát sứ trấn Thanh Hóa. Năm Kỷ Mão (1639) ông giữ chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên (thủ đô Hà Nội ngày nay), rồi làm Tham chính Tự khanh, được phép tham gia bàn luận việc Nội phủ. Năm Dương Hòa thứ 8 (1642) ông được thăng lên Tán lý đạo Sơn Nam, coi giữ việc binh. Trong hai năm Quý Mùi (1643) và Giáp Thân (1644) ông được lệnh tham gia phối hợp với Trịnh Tạc (1657-1682) đem quân đánh dẹp quân Nguyễn Phúc Lan ở phía Nam và quân Mạc ở phía Bắc. Do có công lớn, năm Ất Dậu (1645), Phạm Công Trứ được giao chức Phó Đô ngự sử, gia phong tước Khánh Yến Bá. Ông đã cùng Nguyễn Duy Thì dẹp được cuộc nổi loạn của Trịnh Sâm, được triều đình trọng thưởng và thăng chức Ngự sử đài chính chưởng.

Phạm Công Trứ còn đề ra nhiều chính sách cải cách quản lý nhà nước và ông là một nhà chính trị xuất sắc. Năm Vĩnh Thọ thứ ba (1660) ông đã dâng sớ xin kiện ước văn-võ, thưởng phạt nghiêm minh... khi giữ chức Tham tụng, ông đã nêu rõ phép "khảo khóa" (cất nhắc quan lại, ban điều lệ giáo hóa, khen thưởng phân minh, xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế...). Những việc sắp đặt của ông được chúa Trịnh chấp nhận để ổn định trị an xã tắc. Người đương thời khen ông là vị quan đa tài, liêm khiết. Năm Tân Sửu (1661) vâng lệnh triều đình, ông đem đại quân đi đánh dẹp lực lượng cát cứ Nguyễn Phúc Tần nổi dậy ở vùng Thuận Hóa. Thắng trận trở về ông được phong hàm Thiếu Bảo, tước Quận công. Để giáo dục kẻ sỹ, mở mang Nho học, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, năm Nhâm Dần (1662) triều đình cử ông quản lý Văn miếu Quốc Tử Giám và làm tham tụng phủ Chúa Trịnh. Thời gian này, ông còn cho xây dựng bia Tiến sĩ tại huyện Đường Hào (quê hương ông) để khích lệ tinh thần học tập của nhân dân địa phương.

Cảm công lao to lớn của ông, vua Lê Huyền Tông (1663- 1671) đã tấn phong "Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu Bảo Yến Quận công, Thượng trụ quốc thượng, trật Phạm Công Trứ khả vi Đặc tiến Kim tử Lại bộ Thượng thư".

Năm Cảnh Trị thứ ba (1665) đời vua Lê Huyền Tông, Phạm Công Trứ được Tây Vương Trịnh Tạc giao cho việc khảo đính (phụ trách sửa  chữa và xem xét) lại bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Ông đã cùng với Hồ Sỹ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất, Đào Công Chính, Vũ Duy Đoán... khảo, đính toàn bộ bộ sách này, chép từ họ Hồng Bàng đến Ngô sứ quân (thế kỷ X) làm bộ "Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư"; từ thời Đinh Tiên Hoàng đến Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê triều) làm bộ "Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư", theo trước tác của sử gia Ngô Sỹ Liên. Đây là một đóng góp rất lớn cho quốc sử nước nhà. Cũng trong thời gian này, ông đã biên soạn sách "Bốn mươi bảy điều giáo hóa" bổ sung cho Hình luật, xây dựng đạo đức góp phần giữ vững kỷ cương phép nước.

Vào năm Đinh Mùi (1667) và Kỷ Dậu (1669), Phạm Công Trứ cùng chúa Trịnh Căn đánh bại quan Mạc tại Cao Bằng, chặn đứng âm mưu của nhà Thanh định mượn cớ "Phù Mạc, diệt Lê" xâm lược nước ta.

Sau 40 năm phục vụ đất nước, năm Mậu Thân (1668) vua đã phong ông làm "Quốc Lão", được tham dự các việc cơ mật trong triều. Cũng thời gian này ông đã xin nghỉ hưu ba lần mới được chấp nhận. Khi về, ông được thăng Thái Bảo, chúa Trịnh đã tặng ông đôi câu đối thêu vào cờ:

Điền đỉnh nại, nhiếp âm dương, triều đình trụ thạch.
Hoàn quy mô, định hiệu lệnh, quốc gia đống lương.


Nghĩa là:

Nêm canh định vạc, điều hoà khí âm dương, làm cột đá cho triều đình.
Định ra các hiệu lệnh, hoàn thành được quy mô, là rường cột của Nhà nước.


Đến năm Quý Mùi (1673) triều đình lại mời ông ra làm Tể tướng, coi việc sáu bộ, tham tán việc cơ mật.

Ngày 28 tháng 10 năm ất Mão (1675) Phạm Công Trứ qua đời tại quê nhà, thọ 76 tuổi.  Triều đình cho xây dựng đền thờ ông, vua Lê thương tiếc phong tặng "Thái tể, thụy là Trung Cầu".

Cả cuộc đời, ông đã đóng góp công lao xây dựng triều đình, đất nước trong mọi lĩnh vực như chính trị, quân sự, văn học, sử học, pháp luật... Phạm Công Trứ đều có những cống hiến quan trọng, là rường cột của nước nhà. Công lao đó được Phan Huy Chú, trong "Lịch triều hiến chương loại chí" viết: "... Ra đương việc nước 19 năm (ông) đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương; đè nén những kẻ cậy thế, nhũng loạn; yêu chuộng người có phong cách tiết tháo... có đức tốt, có công lao sự nghiệp, là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung Hưng..." hay như trong Gia phả họ Phạm có viết: "... ông là một nhà chính trị đại tài, lái hai con thuyền phong kiến trong lúc khó khăn...".

Ngày nay, hàng năm hai lần nhân dân địa phương cùng các con cháu trong dòng họ lại tế lễ, mở hội vào ngày 17 tháng 3 âm lịch (kỷ niệm ngày sinh) và ngày 28/10 (ngày mất) nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của ông.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #15 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:41:03 AM »
Đình Quan Xuyên và lễ hội

Làng Quan Xuyên nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách thị xã Hưng Yên hơn 20km, thuộc tổng Đại Quan, huyện Đông An, phủ Khoái Châu (ngày nay thuộc xã Thành Công, huyện Khoái Châu). Quan Xuyên nằm bên bờ sông Hồng, mang những nét đặc trưng của một làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với "cây đa, giếng nước, sân đình". Trong làng, còn lưu giữ được một quần thể di tích lịch sử - văn hóa phong phú, gồm có Đình Quan Xuyên, (thờ Ngũ vị đẳng thần); Miếu Thượng (thờ Tam vị thượng đẳng thần Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân); Miếu Trung (thờ Linh ứng đại vương Phạm Công Nghi, được phong Trung đẳng thần); Miếu Hạ (thờ thành hoàng làng Quang Chiếu đại vương Vũ Quang Chiếu, được phong làm Trung đẳng thần); chùa Quan Xuyên; nhà sắc hay nhà Hội đồng (lưu giữ giấy tờ quan trọng của cả làng); Văn chỉ Quan Xuyên và lăng mộ Vũ Quang Chiếu. Tất cả những di tích trên đều có quan hệ mật thiết tới lễ hội làng Quan Xuyên, tạo thành một lễ hội hoàn chỉnh.


Lễ hội đình Quan Xuyên

Theo thần tích, thần sắc tại đình Quan Xuyên thì cả "Ngũ vị đẳng thần" đều có công rất lớn đối với dân, với nước. Tam vị đức thánh tiên đại diện cho quá trình khai phá vùng đất hoang vu thành những làng mạc trù phú, có công cứu nhân độ thế, mở mang nghề buôn... và đặc biệt là lòng thủy chung son sắt trong gia đình, xã hội. Do có công lao to lớn, đời vua Lê Trang Thông (1533-1548, niên hiệu Nguyên Hòa) đã sắc phong cho Đức Thánh Ông là "Chử công Đồng Tử thượng đẳng phù tiên tôn thần", cho "Tiên Dung công chúa thượng đẳng phù tiên tôn thần " và cho Tây Sa công chúa làm "Nội giáp Tây cung công chúa huyền diệu tôn thân". Các đời vua về sau đều ban phong cho ba vị làm "Thượng đẳng thần". Vì thế, Quan Xuyên là một trong 72 làng ven dọc sông Hồng thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân làm Đức Thành Hoàng.

Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi là bạn quan đồng liêu. Tuy có quê quán khác nhau (Vũ Quang Chiếu quê làng Lan Xuyên, Thành Công, còn Phạm Công Nghi quê làng Vĩnh Niêm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nhưng cả hai đều là những công hầu khánh tướng, phụ giúp nhà Lê. Hai ông đã kết nghĩa làm anh em vào ngày 15/2. Sau đó, nhà Mạc mất, Phạm Công Nghi dược truy phong làm Thái Bảo Nghi Công, Linh Ứng đại vương, còn Vũ Quang Chiếu làm Thái phó, Quang Chiếu đại vương. Về sau, cả hai đều được phong làm " Trung đẳng thần".

Lễ hội truyền thống đình Quan Xuyên được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 9 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, nhưng sau này vào năm 1938 cụ Cao Văn Linh (làm thông phán ở Hưng Yên) đã quy định lịch tổ chức lễ hội vào các năm "Thìn, Tuất, Sửu, Mùi" (tức ba năm một lần). Lễ hội đình Quan Xuyên cũng mang đặc trưng chung của lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ, nghĩa là có hai phần quan trọng là Lễ và Hội.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #14 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:35:00 AM »
Đền Thiên Hậu

Đền Thiên Hậu được xây dựng từ năm 1640 do 40 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến quyên góp. Kiến trúc ngôi đền theo kiểu nội tự ngoại tế nghĩa là bên trong thờ phụng, bên ngoài làm nơi tế tự. Đây là công trình mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa trên nhiều phương diện, như tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu vì kèo. Theo truyền ngôn của kiều dân thì công trình được làm sẵn ở Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam cất dựng.


Toà thiên hương đền Thiên Hậu

Mặt tiền là tam quan cao rộng, tường bao hai bên trang trí các ô vuông gắn gạch men hoa màu xanh lam rất đẹp. Sân trước nhà tiền đường có hai con nghê chầu; con đực ngậm viên ngọc, con cái ôm con bú, chất liệu bằng đá hoa cương, tạc khá sinh động. Viên ngọc được đẽo gọt tròn, nhẵn, không biết bằng cách nào đưa vào miệng con đực. Hai con nghê đã nói lên quan niệm sống của người Hoa: được của và được con là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời. Thềm đền được lát bằng những tấm đá cuội trải mưa gió hàng mấy trăm năm vẫn trơ gan không mòn vẹt. Đền chính xây bằng gạch Bát Tràng, rêu không bám được. Mái đền lợp ngói ống, đầu đao cong nhẹ hình đuôi cá. Cánh cửa tiền đường khắc hình các quan văn võ theo hầu tô sơn xanh đỏ. Trên các vì kèo ở gian tiền tế cũng khắc các tích chuyện rút ra từ Tam Quốc hoặc Tây Du. Khách vào đền dù xa lạ cũng biết ngay là nơi tế tự của Hoa kiều.

Đền thờ bà Lâm Tức Mặc, theo Đại Thanh nhất thống chí, bà là một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, nguyên là cô gái dệt lụa sinh vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Tương truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Từ tuổi hoa niên bà đã phát hiện ra một thứ rong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân, và còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc rút từ cây thuộc họ vừng giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài...

Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch bà không bệnh tật, tự nhiên qua đời. Theo thánh phả bà hoá vào một ngày có quần tiên tấu nhạc. Bốn chữ "Bạch nhật phi thăng" khắc ở cỗ kiệu trong đền của bà nói lên điều đó.

Sau khi hóa, ngài thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thường hiển linh cứu hộ thuyền bè. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu. Người Phúc Kiến tôn bà là Thần Biển nên di cư đến đâu mang thần tích lập đền thờ đến đó. Cho nên ta không lấy làm lạ, dọc bờ biển nước ta có nhiều nơi lập đền thờ Thiên Hậu. Tại Thiên Hậu Cung ở Phố Hiến Hạ có hai cuốn sách nói về sự tích bà: Thiên Hậu Thánh Mẫu Thánh Tích Đồ Chí (in lần thứ hai năm Hàm Phong thứ 3 (1853) và cuốn Thiên Thượng Thánh Mẫu cứu khổ chân kinh, in năm Thành Thái thứ 19 (1907)).

Trong đền Thiên Hậu có nhiều bức đại tự liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần, nào là Phong điều vũ thuận - Quốc thái dân an (Mưa gió điều hòa - Đất nước yên vui), nào là Hải bất dương ba (Biển không nổi sóng) Quá hải tề thiên (Vượt biển trời êm).

Ngoài gian chính thờ bà Lâm Tức Mặc, hai gian bên còn có bàn thờ cha mẹ và anh ruột bà, bàn thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo ngôi đền. Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch (ngày sinh) và ngày mồng 9 tháng 9 (ngày hóa) của Lâm Tức Mặc. Các dòng họ người Hoa ở Phố Hiến và người Việt về đây tế lễ, rước kiệu linh đình, lễ vật có bánh rong câu, kẹo sìu, bánh rùa, bánh Tô Châu... là những sản vật truyền thống của người Hoa.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #13 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:30:10 AM »
Tín ngưỡng, tôn giáo trên đất Hưng Yên

Cư dân Hưng Yên chủ yếu là nông dân, lúa nước là cây trồng chính gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng. Cho nên văn minh, văn hóa Hưng Yên là văn minh, văn hóa lúa nước, văn minh, văn hóa sông Hồng.


Văn Miếu Xích Đằng

Làng xóm của Hưng Yên thường phân bố trải dài dọc các triền sông hoặc thành từng xóm nhỏ rải rác giữa đồng ruộng, xung quanh có những lũy tre xanh bao bọc. Mỗi làng có một ngôi đình với cây đa cổ thụ và giếng nước. Cây đa, giếng nước, sân đình đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người từ thuở ấu thơ, để lại dấu ấn không phai mờ của những người xa quê.

Sau những lũy tre xanh, còn ẩn hiện những ngôi đình, chùa, đền, miếu. Từ ngoài xa đã thấy ngôi đình với những mái ngói, đầu đao cao thấp, xa gần nhấp nhô giữa um tùm màu xanh cây cối. Vùng ngoài là những cây đại thụ cao vút tạo thành những mảng lá xanh phủ lên mái nhà làm cho công trình trở lên sinh động. Cây ở đình, chùa thường là những loại cây cổ thụ, quanh năm xanh tươi như đa, đề, si, nhãn, gạo.

Chùa thường được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, vào chùa phải qua cửa tam quan. Tòa tam quan với ba cửa biểu thị ba cách nhìn huyền diệu của nhà Phật về thế gian. Qua tam quan là vào nội tự, ở đây có khu vực chính là tam bảo với ba tòa: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Hiện nay ở Hưng Yên còn vết tích một ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý là chùa Hương Lãng (chùa Lãng) xã Minh Hải và chùa Thái Lạc xây dựng thời Trần thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Đây là hai ngôi chùa cổ nhất có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Hưng Yên.


Đền Mẫu

Chùa Hương Lãng tương truyền do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng. Chùa bị phá trong kháng chiến chống Pháp. Hiện vật hiện còn là một “ông sấm” (sư tử) đá, bốn cây cột đá lớn, mười con chồn đá đặt ở các bậc thềm. Cạnh đó có nhiều hoạ tiết trang trí như phượng vũ cánh, hoa cúc dây mang nghệ thuật đời Lý. Chùa Thái Lạc còn giữ được 16 bức chạm khắc gỗ đời Trần. Mỗi bức chạm thể hiện nội dung khác nhau như tiên cưỡi phượng dâng hương, tiên đánh đàn, thổi sáo, tiên ngủ trong mây, tiên nữ dâng hoa, đường nét rất tinh xảo. Các hoạ tiết này phản ánh khá rõ nét xã hội Việt Nam thời Trần với hào khí Đông Á.

Kiến trúc đình, chùa độc đáo, còn phải kể đến đình Đa Ngưu (Văn Giang) với 100 cây cột, đền Đa Hòa (Bình Minh - Khoái Châu) với 18 nóc như 18 con thuyền, đền Ủng (Ân Thi) được tôn tạo với kiến trúc hoành tráng, đền An Xá (An Viên - Tiên Lữ) có tháp đất nung dáng dấp của tháp Chàm và hậu cung với kiến trúc bằng đá…

Quần thể di tích Phố Hiến, gồm 12 di tích được xếp hạng với những di tích mang phong cách kiến trúc Trung Hoa, cùng nhiều đồ tế tự, kiệu, võng, hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo…

Hưng Yên có hơn 800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 132 di tích được xếp hạng quốc gia, đứng thứ 4 toàn quốc, mà các công trình tín ngưỡng, tôn giáo chiếm số nhiều…
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #12 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:24:28 AM »
Chùa Hương Lãng

Chùa Hương Lãng, còn gọi là chùa Lạng thuộc thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm. Tương truyền chùa do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng từ thế kỷ XI. Chùa có quy mô lớn, trên diện tích ngót một héc ta, gồm nhiều tòa, bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Từ ngoài vào là Tam quan, có ba lối vào, rồi bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Từ cấp này lên cấp thứ hai cũng có ba lối lên. Cấp thứ ba là khu chính, bao gồm nhà tăng, nhà hội đồng, phật điện. Đáng tiếc là chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 bắt đầu được trùng tu lại.

Chùa Hương Lãng hiện còn lưu giữ nhiều di vật thời Lý, rất đặc sắc và độc đáo. Giá trị nổi bật là tượng sư tử, còn gọi là ông Sấm. Tượng được tạo bằng phiến đá lớn, dài 2m80, rộng 1m50, cao 0m90 dùng làm bệ cho một pho tượng nào đó nay không còn nữa. Hai đầu của phiến đá chạm khắc thành hình đầu và phía sau của con sư tử. Mặt sư tử tạo tác dũng mãnh, mũi to căng tròn, cặp mắt lồi như hai quả trứng, vầng trán cao. Mông sư tử căng tròn, trang trí dày đặc hoa văn xoắn ốc và hoa cúc dây. Chùa có mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng và chồn, hoa cúc dây; bốn cột đá vuông bốn góc đỡ các xà bằng đá của công trình trước đây và nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh sen và hoa cúc.

Ngoài ra chùa Hương Lãng còn một tấm bia đá ghi lại việc trùng tu chùa vào thế kỷ 16.

Tượng sư tử, các bức tay vịn bằng đá là những tác phẩm điêu khắc đá vô giá của thời Lý hiện còn trên đất nước ta.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #11 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:20:01 AM »
Chùa Thái Lạc



Chùa thuộc thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Pháp Vân (thần Mây) nên có tên gọi là Pháp Vân tự, hay chùa Pháp Vân.

Xây dựng từ thời Trần (1225-1400), chùa được tu sửa vào các năm 1609, 1612, 1630- 1636, 1691-1703. Kiến trúc hiện nay kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường năm gian, ba gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, nhà tổ bẩy gian.

Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau, hiện nay có 16 bức. Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ. Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị. Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn. Có cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc.

Chùa Thái Lạc còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ và ba tấm bia đá ghi quá trình trùng tu tôn tạo chùa. Tất cả đều có niên đại thế kỷ 16-17.

Năm 1964, chùa Thái Lạc được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt quan trọng.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #10 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:14:55 AM »
Đền Đậu An và lễ hội



Đền  Đậu An còn có tên gọi là đền An Xá hay Thụy Ứng quán, thuộc làng An Xá, xã An Viên huyện Tiên Lữ. Đền thờ Ngũ Lão tiên ông và đấng Thiên Tiên, Địa Tiên đã giúp dân khai hoang diệt trừ hổ giữ, bảo vệ mùa màng.

Đền Đậu An còn giữ được các di vật bằng đất nung rất độc đáo, đó là nhang án đất nung thời Trần và tháp đất nung có niên đại thế kỷ 17.

Nhang án bằng đất nung dài 2,7m, rộng 1,3m, cao 0,8m. Nhang án chia làm ba phần. Phần trên cùng trang trí hình cánh sen gần như vuông. Trong các cánh sen to được l*ng các cánh sen nhỏ. Phần thân bệ, chính diện được chia làm ba khuông. Trong mỗi khuông trang trí hình “Lưỡng long chầu lá đề”, chạm nổi. Rồng được mô tả chín khúc mềm mại. Phần đế làm theo kiểu chân quỳ dạ cá, chạm hình sóng nước.

Tháp nằm cách cửa đền khoảng 20m, có niên đại Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên (1667). Tháp xây bằng gạch, kích thước mỗi viên 0,3mx0,3m. Tháp cao 4,5m, gồm chín tầng (cửu trùng), bệ vuông 2mx2m. Phần đế tháp làm theo kiểu “chân quì dạ cá”. Trên bốn chân quỳ ở bốn góc là hình vũ nữ đội bệ sen. Các tầng đều có mái hẹp, lợp ngói ống. Trang trí trên tháp có nhiều hoa văn hình cánh sen, chim thần gurada, long mã, voi, sấu, rồng vờn mây… Các hình tượng trang trí được cách điệu cao, xung quanh là các đao lửa, đao lưỡi mác.

Lễ hội truyền thống đền An Xá từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. Dân làng đan biểu tượng Thiên Tiên, Địa Tiên bằng tre, cao gần 5m, rước quanh làng. Buổi chiều ngày mùng 8, diễn lại sự tích mẹ con nhà khó đánh hổ. Trò diễn được sân khấu hóa với hình ảnh Lỗ Quốc đại vương, ba lực sỹ được Ngọc Hoàng cử xuống tiêu diệt hổ dữ bảo vệ dân làng và sức mạnh của người mẹ nghèo khó tham gia diệt hổ.

Lễ hội kết thúc vào ngày 12, lúc 23h đêm. Trước giờ kết thúc, tổ chức lại trò đánh hổ ở đền, làm lễ triệt đăng, tắt hết đèn nến trong đền và các vùng xung quanh. Khi tắt đèn đồng thời với việc mô phỏng tiếng ếch, nhái kêu vang rền.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #9 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:10:32 AM »
Đền Ủng



Đền Ủng tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ông là một danh tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, có công lớn trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chống giặc phương Nam và Ai Lao.

Đền được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình ông. Đáng tiếc ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hoại năm 1948, chỉ còn lại dấu vết nền móng xưa và hai cột đồng trụ ở hai bên. Từ năm 1990, phục hồi lại ngôi đền, kiến trúc gồm năm gian tiền bái, ba gian hậu cung.

Trong quần thể di tích có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh Phạm Ngũ Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa (con gái Phạm Ngũ Lão), kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có lăng Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê (thế kỷ 17).

Hội chính đền Ủng tổ chức từ 12-15 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm ngày ra quân của Phạm Ngũ Lão. Trước cách mạng Tháng Tám, triều đình đều cử các quan về tế lễ. Những năm gần đây UBND huyện Ân Thi tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm.

Khu vực ngoài đền, trước đây tổ chức vật cù. Tương truyền vật cù được Phạm Ngũ Lão dùng để quân sỹ rèn luyện sức khỏe và vui chơi. Cù hình tròn, làm bằng gỗ vuông sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm quả cầu đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #8 vào: Tháng Tám 09, 2008, 08:04:39 AM »
Văn Miếu và lễ hội Văn Miếu


Cổng Văn Miếu

Văn Miếu Hưng Yên là Văn Miếu hàng tỉnh, còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng, xây dựng năm Minh Mạng thứ 20 (1839), tọa trên một khu đất cao rộng gần 4.000m2, thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên.

Hiện vật quý nhất của Văn Miếu là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào bia từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng khoa cử nho học, trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (Phủ Tiên Hưng của Hưng Yên ngày đó sau thuộc Thái Bình).


Văn Miếu

Học vị cao nhất là Trạng nguyên Tống Trân, người thôn An Cầu, huyện Phù Cừ, đời Trần, Trạng nguyên Nguyễn Kỳ người xã Bình Dân huyện Khoái Châu, triều Mạc. Chức vụ cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc.


Bia ký ghi lại 176 Tiến sĩ

Trước đây, hằng năm vào 2 mùa xuân thu nhị kỳ, các ngày 10 tháng giêng và 14 tháng 8 tại Văn Miếu đều tổ chức tế lễ Khổng Tử, các quan lại đương triều về dự lễ rất đông.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Miếu là cơ sở hoạt động bí mật của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Hưng Yên. 

Tại Văn Miếu những năm gần đây đã diễn ra các hoạt động mang đậm sắc thái văn hoá địa phương, dân tộc. Văn Miếu Hưng Yên đã trở thành một biểu tượng về nền văn hoá, văn hiến của tỉnh Hưng Yên.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #7 vào: Tháng Tám 08, 2008, 11:31:12 AM »
Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu còn có tên gọi là Thụy Ứng Tự, nằm ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ. Phía trước cửa chùa là đường phố Hiến, trước kia vốn là khu vực chợ Nễ Châu, địa danh cuối của phố Hiến hạ - Trung tâm thương cảng phố Hiến thời phồn thịnh.


Một bức tượng trong chùa Nễ Châu

Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 10, gắn với truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Hoàn. Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây chống quân xâm lược nhà Tống, đã lấy bà làm vợ. Bà giúp nghĩa quân cất giấu lương thảo, chăm lo hậu cần. Giặc tan, bà xin ở lại phụng dưỡng cha mẹ và đi tu tại chùa làng. Lê Hoàn cử Giới Quốc Công về xây dựng chùa. Khi bà mất, nhà vua cho lập đền thờ ngay phía trước cổng chùa.

Trải qua 10 thế kỷ, chùa đã được tu sửa nhiều lần. Khoảng thế kỷ 17, chùa được tu sửa lớn, năm 1926 có tu sửa lại, nhưng mẫu dạng kiến trúc của thế kỷ 17 vẫn còn giữ được tới nay.

Nổi bật về giá trị nghệ thuật điêu khắc chùa Nễ Châu là bộ tượng Tam Thế và tượng Tuyết Sơn có niên đại thế kỷ 18. Tượng được tạo tác cân đối, đường nét sống động thể hiện trình độ nghệ thuật tạo hình khá cao.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #6 vào: Tháng Tám 08, 2008, 11:25:48 AM »
Chùa Hiến

“Cửa ngọc, tòa vàng, Phật đã đắp cao nền bảo hiện
Thôn Hoa, chùa Hiến, sư càng mến cảnh luyện tâm kinh”



Bia chùa Hiến ghi lại 20 phường xã,
quá trình đô thị hóa của phố Hiến xưa


Chùa Hiến có tên chữ Hán là “Thiên Ứng tự”, thuộc địa phận Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Trần, niên hiệu Thiên Ứng của vua Trần Thái Tông (1232-1250), do Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Đến năm 1625, 1709 chùa được trùng tu lại.

Chùa Hiến có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan âm cùng tứ vị bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Đây là đặc điểm khác biệt trong bố cục thờ tự của chùa Hiến so với các nơi khác, nơi nhiều thương nhân trong và ngoài nước đến sinh sống, buôn bán.


Bia ghi công Lê Đình Kiên,
quan trấn thủ tỉnh Sơn Nam


Phía trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Tấm bia “Thiên ứng tự - Tân tự trùng tu thạch bi ký” niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) ghi việc hưng công tu sửa chùa, có thể xếp chùa vào hàng thứ năm sau bộ “tứ đại khí” thời Lý. Bia ghi nhận “Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương” và trụ sở Ty Hiến sát Trấn Sơn Nam đóng ở đất Hoa Dương. Tấm bia “Thiên ứng tự - bia ký công đức trùng hưng” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) ghi việc góp công tu sửa chùa, có 481 người có quê quán nhiều vùng khác nhau, trong đó có 56 người Trung Quốc. Qua đó chúng ta có thể hình dung được khung cảnh của đô thị Phố Hiến, nơi hội tụ của nhiều cư dân đến buôn bán.


Cây nhãn tổ trong vườn đền Hiến

Chùa Hiến còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ, chính xác ra tên gọi là cây nhãn tiến, nằm phía trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, mã lụa, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon đặc sắc nhất. Mỗi mùa nhãn chín, nhãn thường được chọn hái để dâng đức phật, cúng thần thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Thân cây chính đã già cỗi, bọ ruỗng, đổ chỉ còn một nhánh, được đắp vun gốc, chăm sóc phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích văn hóa - Lễ hội - Hưng Yên
« Trả lời #5 vào: Tháng Tám 08, 2008, 11:19:53 AM »
Chùa Chuông


“Chùa Chuông - Phố Hiến nổi tiếng danh lam”


Chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” nằm tại thôn Nhân Dục phường Hiến Nam thị xã Hưng Yên.

Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng).

Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 15). Năm 1707, chùa được trùng tu lớn với quy mô hoàn chỉnh của chùa Việt Nam thời Hậu Lê.


Chùa Chuông đêm trăng

Cái đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục, một bố cục cân đối, nhịp nhàng. Từ ngoài vào là tam quan, kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Qua cầu đá và khoảng sân đến nhà Tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Hai bên có hai dẫy hành lang. Phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ. Trong chùa có hệ thống tượng phật phong phú như bộ Tam thế, Di Đà tam tôn, tượng Cửu Long… Nổi bật là 8 tượng Kim Cương, 18 vị La Hán, 4 tượng Bồ Tát. Tượng được tạo tác rất công phu, trong tư thế ngồi thoải mái, nét mặt thể hiện tâm trạng vui buồn căm giận hoặc thoát tục sinh động. Chùa có phù điêu Thập điện Diêm Vương tả cảnh Diêm Vương trừng phạt kẻ ác; hai động Phật bằng đất mô tả quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật.



Trong chùa có nhiều di vật như hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá, trong đó có bia “Kim Chung tự thạch bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) mô tả vị trí cảnh quan chùa và ghi người công đức tu tạo. Qua tư liệu này giúp cho các nhà nghiên cứu đoán định có con đường thiên lý thông thương giữa Phố Hiến với Thăng Long qua lại trước cửa chùa và ghi nhận đơn vị phường của Phố Hiến, lúc đó đã có hai mươi phường.
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
2104 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 24, 2008, 09:05:40 AM
Gửi bởi TonyViet
0 Trả lời
2140 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 28, 2008, 12:16:56 PM
Gửi bởi hikaruanh
0 Trả lời
2301 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 04, 2011, 03:47:48 PM
Gửi bởi mr_hoteljob
0 Trả lời
2268 Lượt xem
Bài mới Tháng Tư 27, 2012, 01:09:37 PM
Gửi bởi booktrip
0 Trả lời
446 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 01, 2017, 04:06:23 PM
Gửi bởi vinhnguyen

TOUR CHÈO THUYỀN NGẮM LÁ PHONG ĐÀ LẠT 1 NGÀY
Tour: Thám hiểm
1 ngày 0 đêm
250,000
Đặt ngay
ĐÀ NẴNG- HỘI AN - HUẾ - ĐỘNG PHONG NHA
Tour: Ghép đoàn
4 ngày 3 đêm
4,629,000
Đặt ngay
Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
480,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Đồng Tháp - Gáo Giồng
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
695,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Tiền Giang - Bến Tre
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
595,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác

Chủ đề mới nhất

How to answer hoidulich.com ?? Gửi bởi Allaxbb
[Hôm qua lúc 11:24:34 PM]


Hướng dẫn đánh bài Baccarat Gửi bởi giaidauinfo
[Hôm qua lúc 05:32:37 PM]


Sim du lịch Thái Lan Gửi bởi thuyvan2024
[Hôm qua lúc 05:14:31 PM]


Soi kèo xiên Cúp C2 cùng Vwin - ngày 18/04 Gửi bởi winwin102
[Hôm qua lúc 03:57:33 PM]


Bán nhà phân lô đẹp nhất Hoàng Công Chất 30m2, giá tốt nhất Gửi bởi ngobach
[Hôm qua lúc 03:18:08 PM]


Mobile View