Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Chùa Hà Nội  (Đã xem 3871 lần)

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #10 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 10:15:04 AM »
CHÙA HƯNG KÝ

Chùa ở giữa phố Minh Khai, trên đất làng Hoàng Mai xưa, một kiến trúc Phật giáo khá độc đáo do trang trí đều bằng gạch và mảnh gốm men màu gắn thành hình long, ly, quy, phượng và hoa lá. Chùa được dựng từ năm 1932 đến năm 1938 thì hoàn thành do nhà tư sản chủ lò gạch Hưng Ký công đức.

Chùa có tên chữ là Võ Hưng Tự. Trong khu vực chùa còn có điện Mai Sau thờ Mẫu. Chùa có tượng A-di-đà ít thấy ở các chùa khác.

CHÙA NÀNH

Chùa Nành thuộc xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm đi theo quốc lộ 1 qua cầu Đuống đến km 13 rẽ vào 3 km. Tương truyền đây là một trong bốn chùa lớn ở nước ta: chùa Dâu, chùa Keo, Chùa Đậu, chùa Nành. Chùa Nành được xây theo lối chữ “Công” gồm 100 gian, trước mặt có sân rộng trải dài tới sát tam quan rất bề thế. Đối diện có tòa thủy đình để diễn rối nước trên một ao nhỏ. Chùa thờ Phật bà Pháp Vân. Bộ tượng Tam thế bằng gỗ sơn được tạc vào cuối thế kỷ 16. Mặt tượng từ bi đôn hậu, ngực để hở trang trí hàng dây “anh lạc” với đường vân xoắn tròn mang dáng chữ “vạn” thường có trên ngực tượng Phật. Đây là phong cách tượng thời nhà Mạc.

Hội chùa vào ngày 5 tháng 2 âm lịch, có tục “giảng báng” khuyên 10 điều thiện và chạy đàn cầu kinh quanh cây phướn lớn giữa sân chùa.

CHÙA TỰ KHOÁT

Chùa tọa lạc trên khu đất của làng Tự Khoát xã Ngũ Hiệp huyện Thanh Trì. Theo truyền thuyết có hai công chúa nhà Lý (1010-1225) đi tu, về đây dựng am thờ Phật trên núi Trúc Lĩnh - đất chùa hiện nay, dân dạy nghề đan lát và làm thuyền thúng. Chùa qua trùng tu nhiều lần, có diện mạo hiện nay là từ thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn.

Tam quan chùa khá lớn, tháp cao vút, Chùa có 2 lớp, 7 gian ngoài và 5 gian trong, ngoài ra còn nhà tổ , nhà khách – chùa còn một bức chạm thời Lê sơ (TK15) tả cảnh tát nước, bơi thuyền, đấu vật, đánh kiếm và những bức chạm nổi  thời Nguyễn. Hơn 50 tượng thế kỷ 19, trong đó có pho Cửu Long bằng đồng phủ nhũ vàng, 2 pho hộ pháp đắp vữa cỡ lớn sơn son thiếp vàng.

Cảnh quan chùa rất đẹp, nằm giữa một vùng tre trúc vườn cổ thụ và cây ăn quả. Mùa xuân 1789, quân Tây Sơn đã trú tại chùa để đánh trận Ngọc Hồi, dân làng đem bò, lợn, gạo khao quân. Chùa còn là cơ sở Đảng trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1967 chùa là nơi chỉ huy của bộ đội tên lửa đánh máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #9 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 10:10:25 AM »
CHÙA BÚT THÁP

Chùa vốn của trại Vạn Bảo, nay là làng Vạn Phúc, ở ngọn đồi thấp sau số nhà 201 phố Đội Cấn. Bài minh trên quả chuông đúc năm Gia Long thứ 2 (1803) cho biết: “Chùa Bút Tháp là một danh lam cổ tích, huyền thiên thắng cảnh được lập tự tiên triều” (tức triều Lý).

Còn tấm bia đá gắn trên tường chùa dựng năm Thành Thái thứ 9 (1897) lại cho thêm: Chùa Núi Voi, trại Vạn Phúc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận là một danh lam cổ tích đã được nhập vào chùa Bút Tháp vào năm dựng bia. Chùa Núi Voi chính là chùa Chân Giáo xây trên đỉnh Voi Phục núi Vạn Bảo mà sách Tây Hồ chí đã tả, dựng năm Thuận Thiên 15 (1024) để vua Lý tiện ngự xem tụng kinh. Sau ông vua cuối cùng của triều Lý là Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Chiêu Hoàng và ra tu ở chùa này.

Chùa có tam quan rất lớn gồm 3 khối tháp hai tầng, khối giữa tầng trên có 3 cửa vòm cao làm gác chuông, tầng dưới là cửa chính có 2 cột trụ áp bên; hai khối bên tầng trên cửa tròn, tầng dưới cửa nhỏ hơn cửa chính.

CHÙA VUA


Chùa nằm trong làng Thịnh Yên xưa, nay thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Chùa xây từ thời Lê (1428 -1527) thờ Đế Thích – vua cờ của các nước phương Đông.

Một hoàng tử nhà Lê đã lấy chùa Vua làm trung tâm đấu cờ tướng của kinh đô Thăng Long. Hàng năm, làng Thịnh Yên mở hội cờ người  vào dịp đầu xuân, 5 tháng giêng, thu hút các danh thủ cờ tướng cả nước về thi đấu.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #8 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 10:06:59 AM »
CHÙA TRẤN QUỐC

Chùa Trấn Quốc vào loại rất cổ, ở phía đông hồ Tây, bên đường Thanh Niên, xây dựng trên hòn đảo xưa có tên là Kim Ngư (cá vàng, tại nền cũ của cung Thúy Hoa thời Lý và điện Hàm Thuyên đời Trần).

Theo văn bia, chùa này xưa ở bãi Yên Hoa ngoài sông Hồng, gọi là chùa Khai Quốc hoặc An Quốc, dựng từ đời Lý Nam Đế (544-548), được xếp hạng thứ tư của nước Nam. Năm 1615 bãi sông bị lở, chùa mới dời về đây. Năm 1628 thời Lê, chùa được trùng tu và đổi tên là Trấn Quốc, đồng thời đắp con đường nối với đảo với đê Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên).

Năm 1639, Chúa Trịnh sửa lại, làm tam quan, xây hành lang hai bên, trồng sen quanh chùa và biến thành cung độc quyền của Trịnh Giang, Trịnh Sâm vui chơi.

Cuối Thế kỷ 18, chùa đổ nát, dân làng chữa lại, đắp tượng, đúc chuông làm từ năm 1831 đến 1815 mới xong. Kiến trúc độc đáo khác các chùa: trước là Bái đường, đến Tam Bảo sau mới là dãy hành lang nhập điện bao gác chuông.

Năm 1842, Thiệu Trị ra Bắc, đến thăm chùa và đổi tên là Tuấn Bắc, nhưng nhân dân chỉ quen gọi tên cũ cho tới ngày nay. Chùa còn 39 tượng Phật, 24 tượng tăng, đẹp nhất là tượng Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ thếp vàng (Phật nằm).

Sau chùa có nhiều mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (Thế kỷ 18). Trong các bia cổ, đáng lưu ý là bia dựng Dương Hòa thứ 5 (1639) do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn. Cửa chùa hiện nay có 3 chữ “Phương Tiện môn” và đôi câu đối chữ Nôm:

Vang tai xe ngựa qua đường tục
Mở mặt non sông đứng cửa thiền.


CHÙA KIM SƠN

Chùa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập tam trại, xưa ở phía Tây thành Thăng Long, nay nằm ở góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh. Xưa, vùng này là một bãi chiến trong chiến dịch Đống Đa lịch sử năm 1789. Nhiều liệt sĩ Tây Sơn được táng ở đây, dân làng lập Am Vạn Lịch thờ cúng người đã mất. Sau dựng thêm chùa Tàu Mã (chuồng Ngựa) ở bên cạnh am. Cuối thế kỷ 19, có cuộc thu gom hài cốt quanh vùng đưa về một nơi, đồng thời đổi tên chùa Kim Sơn. Quy mô chùa như ngày nay là sau lần trùng tu năm 1932. Giữa là chùa, bên trái là đàn Vạn Linh, bên phải là điện mẫu. Bài văn tế chiến sĩ trong trận vong của chùa ngày 5 tháng giêng hàng năm có đoạn “Đống Đa quyết chiến, Long Đỗ xung phong, biết bao công liệt, trong lúc chiến tranh đem thân giúp nước, nổi tiếng anh hùng”. Chùa còn 3 tấm bia ghi chép lịch sử chùa đều tạc dựng thời Nguyễn (TK20).

Đình Đại Yên

Đình dựng ở đầu phía Tây trại Đại Bi tức Đại Yên bây giờ, cũng là đất thuộc Thập tam trại. Thần tích soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cho biết:

Nàng Ngọc Hoa là con ông đồ Huấn. Ông quê gốc ở Thanh Hóa ra Thăng Long dạy học lấy mẹ nàng là người trại Đại Bi. Đời Long Phù nhà Lý; năm thứ tư (1104) có giặc Ma Na, nàng Hoa mới 9 tuổi cũng xin ra trận, đóng giả làm cô gái bán hàng vào trại giặc dò la, báo tin địch cho quân ta đánh thắng. Trở về, nàng Ngọc Hoa được vua trọng thưởng, nàng xin qua nhà thăm mẹ và đột ngột qua đời, vua Lý Nhân Tông thương tiếc phong là Dung Hoa công chúa và cho dân Đại Bi lập đình thờ. Mộ nàng Ngọc Hoa tương truyền nay vẫn còn ở sau đình.
 
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #7 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 10:03:46 AM »
CHÙA HÒE NHAI

Chùa mang số nhà 19 phố Hàng Than, có tên chữ là Hồng Phúc tự, tương truyền có từ thời Lý, được sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899. Chùa có tên là Hòe Nhai. Chùa có một số bia, đáng chú ý là tấm bia dựng năm 1703 nói là chùa ở phường Hòe Nhai, Đông Bộ Đầu. Nhờ vậy mà xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29/1/1258 của quân và dân Thăng Long ở Đông Bộ Đầu, đuổi giặc Nguyên, giải phóng kinh thành là ở khoảng dốc Hàng Than bây giờ. Trong chùa có pho tượng Cửu Long là cổ nhất. Đặc sắc là pho tượng Phật ngồi trên lưng vua nằm phục, theo điển, vua Đế Thích tự nguyện làm giường cho Thích Ca thuyết pháp.

Đây là chốn tổ của phái Tào Động trong Phật giáo miền Bắc nước ta.

CHÙA MỘT CỘT

Chùa được xây dựng năm 1049, ở phía Tây Bắc Kinh thành, nay là sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần quảng trường Ba Đình (ở giữa mang tên chùa). Chùa còn có tên là Liên Hoa Đài (đài Hoa sen). Tương truyền vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật ngồi trên tòa sen dắt nhà vua lên. Nhà vua bèn cho dựng ngôi chùa mang dáng bông sen nở ở giữa hồ Linh Chiểu để cầu phật cho sống lâu gọi là chùa Diên Hựu.

Chùa xây trên một cột đá nên thường gọi là Nhất Trụ (Một Cột). Kiến trúc khá độc đáo. Toàn bộ ngôi chùa bằng gỗ, hình vuông, mỗi cạnh 3m, đặt trên một cột đá tròn cao 4m, đường kính 1,25m. Trong chùa đặt pho tượng Phật Quan Âm bằng vàng. Năm 1105, nhà Lý sửa lại chùa, xây hành lang bao quanh, lại đào hồ Khang Bích bao bọc bốn bề, bốn phía đều có cầu bắc qua, đầu cầu dựng hai ngọn tháp lợp ngói sứ trắng. Hành lang và cầu tới nay đều không còn.

Bên cạnh đó có ngôi chùa cũng lấy tên Diên Hựu mới xây vào thế kỷ 18. Năm 1108, Lý Nhân Tông cho đúc một quả chuông lớn định để treo ở chùa Diên Hựu (tức Một Cột), đúc xong đánh không kêu bèn để ở ruộng cạnh chùa cho rùa chui ra chui vào nên có tê nlà chuông Quy Điền. Chuông này sau khi bị giặc Minh phá đúc súng đạn năm 1427. Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa đẹp của Thủ Đô.

Ngày 11/9/1954, trước khi rút khỏi thành phố, giặc Pháp và tay sai đã cho đặt mìn phá hủy ngôi chùa này. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Chính phủ ta đã cho dựng lại như cũ, bảo tồn một di sản kiến trúc. Công việc hoàn thành vào tháng 4 năm 1955. Trước chùa Một Cột có trồng một cây Bồ Đề từ đất phật, đây là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi Hồ Chủ tịch sang thăm nước này năm 1958.
« Sửa lần cuối: Tháng Chín 18, 2008, 01:42:48 PM Gửi bởi caotri »
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #6 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:57:06 AM »
CHÙA QUÁN SỨ

Chùa ở thôn An Tập, huyện Thọ Xương xưa, nay là số 73 phố Quán Sứ. Chùa có vào khoảng thế kỷ 17, vốn là ngôi chùa nhỏ nằm phụ vào Quán Sứ – thành lập từ thế kỷ 15, đầu nhà Lê để làm nơi đón tiếp các sứ thần ngoại quốc đến giao thiệp với triều đình và trú lại Thăng Long. Năm 1934, Phật giáo Bắc Kỳ đóng Hội quán. Tới năm 1942, hội phật Giáo Việt Nam ra đời lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở trung ương, cho nên đã xây dựng lại khang trang và có tính hiện đại như ngày nay. Chùa có bia tạc năm 1842 do Lê Duy Trung soạn có đoạn “Tiền đường thờ Phật, hậu đường thờ Lý Quốc Sư". Đầu đời Gia Long, Thăng Long đổi ra Bắc Thành, chia đặt lại các đồn quân. Chùa ở giáp đồn Hậu Quân.

CHÙA BÀ ĐÁ

Chùa hiện nay ở số 3 phố Nhà Thờ, trên đất của làng Báo Thiên Tự Tháp cũ. Tục truyền, đời Lê Thánh Tông, trong khi đào đất đắp thành Thăng Long, một người dân làng này tìm thấy một pho tượng đàn bà bằng đá, cho là thánh mẫu và lập đền thờ. Thời Pháp thuộc, tượng bị mất và đền bị cháy. Đền được làm lại và chuyển thành chùa và tạc một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá thay thế tượng Bà Đá cũa, chùa mang tên mới là Linh Quang Tự. Bởi vậy không có vẻ cổ kính, chỉ còn một số di vật như hai cái chuông đúc năm 1873 và năm 1881, một khánh đồng đúc năm 1842 đều thuộc thời Nguyễn.

Ngày 05/01 năm 1946, Bác Hồ có đến thăm chùa Bà Đá và nói chuyện với các thượng tọa, tăng ni, phật tử. Người căn dặn “Việc Phât không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng, cứu đói, cứu dốt".

Chùa Bà Đá vốn là trường sở của phái Lâm Tế trong đạo Phật. Nay chùa là trụ sở chính Thành hội phật giáo Hà Nội.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #5 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:51:08 AM »
CHÙA NGŨ XÃ

Chùa có tên chữ là Thần Quang tự hoặc Phúc Long tự, ở giữa phố Ngũ Xã nằm ngang trên bán đảo, bên hồ Trúc Bạch. Chùa của làng đúc đồng này xây dựng từ thế kỷ 18, bên cạnh thờ Phật là thờ ông tổ nghề Nguyễn Minh Không. Trong chùa có pho tượng Di Đà, tuy mới đúc xong năm 1952 nhưng là một trong những pho tượng lớn nhất ở nước ta. Tượng cao 3,95m, khoảng cách hai gối là 3,6m, chu vi tượng 11,6m, nặng tới 10 tấn đồng. Tòa sen đỡ tượng có 96 cánh, nặng 1,6 tấn. Đồng để đúc pho tượng lớn này, ngoài khách thập phương gom góp còn có cả những pho tượng của Pháp mà nhân dân Thủ Đô đã kéo đổ xuống sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

CHÙA NGỌC HỒ

Chùa ở số 128 Nguyễn Khuyến bây giờ. Chùa được xây dựng từ đầu nhà Lê (Thế kỷ 15). Trên cổng chùa có 3 chữ “Ngọc Hồ Tự” với chữ Hồ có nghĩa là rượu. Tương truyền chùa làm trên một gò đất nổi cao như hình một cái hồ rượu nên thành tên “hồ Ngọc”.

Chùa còn được gọi là chùa Bà Ngô, nguyên do có một bà nọ tên là Ngô đã cúng tiến để sửa lại toàn bộ chùa vào thời Mạc (TK16). Còn diện mạo hiện này là sau lần trùng tu năm 1953.

Chùa thờ Phật ở bái đường, bên trái là nhà hậu, bên phải thờ mẫu Liễu Hạnh, chùa thờ cả tượng vua Lê Thánh Tông. Sự tích kể rằng: có một lần vua thăm chùa, thấy trên gác chuông có bóng người đẹp ngâm 2 câu thơ:

Ở đây mến cảnh mến thầy
Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người


Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường Luật 8 câu trong đó có 2 câu:

Chày kình mấy khắc tan niềm tục
Hồn bướm năm canh lẩn sự đời


Nàng xin phép sửa lại là:

Gió xuân đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời


Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ. Lầu Vọng Tiên bị dỡ khi phá thành Thăng Long xây lại và được chuyển về số 120B phố Hàng Bông thành đền Vọng Tiên.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #4 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:46:13 AM »
CHÙA LÁNG

Chùa Láng, tên chữ là Chiều Thiền Tự, xây dựng từ thế kỷ 12, đời Lý Thần Tông, ở làng Yên Lãng (Láng) bên bờ sông Tô Lịch, trước thuộc huyện Thanh Trì, sau thuộc huyện Từ Liêm nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Chùa làm trên một khu đất rộng, cây cối um tùm, xưa được coi là “đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long (rừng thông đẹp nhất). Đây là nơi tu hành của Từ Đạo Hạnh - Nhà sư nổi tiếng thời Lý. Chùa lập ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ ông, tục truyền khi Từ Đạo Hạnh đắc đạo, hóa kiếp ở Chùa Thầy, đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hẫu, em vua Lý Nhân Tông. Nhà vua không có con nên lập cháu, con người em làm thái tử và trở thành vua Lý Thần Tông, kiếp sau của Từ Đạo Hạnh.

Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, nhiều tượng Phật, tượng Lý Thần Tông. Đặc biệt pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài, bia đá còn lại tạc năm 1656. Trước đây, chùa còn có cuốn kinh bằng đồng lá của vua Lý thường dùng để tụng niệm. Nay cuốn sách đó đã bị thất lạc.

Hội Láng được tổ chức hàng năm vào ngày 07 tháng 3 âm lịch, trước đây có tục rước kiệu lội qua sông Tô lên làng Dịch Vọng Tiền để thăm mẹ được thờ ở chùa Hoa Lăng.

CHÙA KIM LIÊN

Chùa Kim Liên nằm giữa đê Yên Phụ và Hồ Tây, thuộc thôn Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, nay là phường Quảng An quận Tây Hồ, gần khách sạn Thắng Lợi. Trên tam quan chùa có đề ba chữ to rất đẹp “Kim Liên Tự” có nghĩa là chùa sen vàng.

Theo truyền thuyết, chùa vốn là Đại Bi tự, xây dựng năm 1639 trên nền cũ của cung Từ Hoa, nơi con gái vua Lý Thần Tông ở cùng cung nữ trông dâu nuôi tằm đầu thế kỳ 12. Nơi đây sau thành trại tằm nên có tên là Nghi Tàm. Chùa còn có thời kỳ gọi là Đống Long. Năm 1771, thời Lê, chúa Trịnh Sâm sai quan quân dỡ chùa Bảo Lâm ở phía Tây Thăng Long đem về tu sửa thêm vào chùa đặt tên mới là Kim Liên. Năm Quang Trung thứ 5 (1792) chùa được tu bổ lại và có dáng vóc như ngày nay. Chùa kiến trúc theo kiểu chức tam quan, quy chế rất cổ. Bên ngoài là tam quan, một công trình kiến trúc có giá trị. Nếp chùa thứ nhất và thứ nhì trông về hướng tây, riêng nếp thứ ba lại áp lưng vào nếp thứ nhì, quay mặt về hướng đông. Ba nếp mái kéo song song bố cục kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”.

Chùa có nhiều mái đao cong đẹp, nhiều núi giả, cây chen lá, lá chen hoa tạo nên phong cảnh tao nhã, ngoạn mục. Trong các pho tượng chạm trổ tinh vi có một pho đứng đội mũ miện, cầm hốt, mặc áo cổ tràng, râu mày như vẽ, chân không mang giày. Có người cho là tượng Trịnh Giang. Đáng chú ý nhất là tượng Quan âm Nam Hải 42 tay, các bàn tay xếp so le rất tinh xảo. Tượng cao 1,2m đặt trên tòa sen gỗ hình lục lăng. Lại có cả tượng Tôn Ngộ Không gỗ phủ sơn cao 1,1m khá sinh động. Nghệ thuật điêu khắc ở chùa Kim Liên mang tính hỗn hợp thần phật, mang dấu ấn của nhiều thế kỷ từ 16 đến 19. Bức hoành “Hoằng Uốn” (đạo lý sâu rộng) làm năm 1870.

Kiểu kiến trúc Kim Liên 2 năm sau được áp dụng thành công hơn ở chùa Tây Phương, Thạch Thất Hà Tây (1794).
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #3 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:41:39 AM »
CHÙA CHÂN TIÊN

Chùa nằm trong Ngõ ở phố Bạch Mai, chỗ số nhà 180 rẽ vào. Chùa được dựng năm 1729 do phò mã Trịnh Hợp (hoặc Thập) là em chúa Trịnh Cương làm. Lúc đầu có tên là Liên Tông, đến đời Thiệu Trị để tránh húy mới được đổi thành Liên Phái. Chùa có pho tượng Thích Ca bằng đồng khá đồ sộ, tấm bia khắc từ đời Tự Đức. Đặc điểm kiến trúc với các cây tháp quanh chùa khiến ngôi chùa càng thêm nổi tiếng.

Ngọn tháp đẹp nhất là tháp Diệu Quang ở ngay cổng chùa. Với hình lục lăng, cao 10 tầng, tháp Diệu Quang được xây khoảng giữa thế kỷ 19. Cổ kính là tháp Cứu Sinh, hình vuông với 4 tầng làm bằng đá xanh, dựng giữa một gò đất cao có 9 ngôi tháp ở sau chùa. Đây là nơi táng Trịnh Hợp, sư tổ thứ nhất của chùa.

CHÙA HÀ

Chùa Hà tọa lạc tại thôn Bối Hà, thôn Trung xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm nay thuộc phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy.

Tam quan chùa Hà rất đẹp, gác co 3 cấp nâng nhau, đao mái cong vút như bay lên. Quả chuông treo ở đây đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) thời Tây Sơn, cao 1,3, đường kính 73cm. Quai của quả chuông có đôi rồng đấu lưng vào nhau thành hình cầu vồng cân đối trang trí đẹp. Bài minh khắc trên cả 4 mặt chuông do giáo thụ Nguyễn Khuê soạn có giá trị tư liệu phản ánh tính chất dân chủ, ảnh hưởng chữ Nôm và vấn đề Phật giáo thời Tây Sơn.

Chùa tương truyền do một người thợ gốm ở Bối Khê sang trọ làm nồi đất bán, nhờ làm ăn phát tài đã tậu 13 mẫu ruộng cúng vào chùa 7 mẫu, còn 6 mẫu làm công điền bán hoa lợi đóng sưu cho dân nên xóm ấy lấy tên là Bối Hà. Mộ của người thợ gốm còn ở phía sau chùa.

Chùa Hà còn có tên chữ là Thánh Đức Tự từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), nguyên do thời vua còn bé chạy loạn Nghi Đan có lần đã qua lại chùa này trú nhờ. Chùa thờ Phật, nhưng bên cạnh có điện thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Hiện nay chùa còn lưu giữ tượng Đức Ông chưa rõ là ai.

Điều đặc biệt ở chùa Hà là được công nhận là Di tích Cách mạng. Nơi đây, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp các đội trưởng tự vệ, đội trưởng thanh niên tuyên truyền xung phong bàn về công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Chùa Hà Nội
« Trả lời #2 vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:35:06 AM »
CHÙA BỒ ĐỀ

Chùa ở thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, cách bờ bắc cầu Chương Dương 500m về phía Nam, nay thuộc quận Long Biên. Tương truyền chùa xây trên đất dinh Bồ Đề của Lê Lợi khi bao vây thành Đông Quan năm 1427. Sử còn ghi: “Vua làm lầu nhiều tầng ở Dinh Bồ Đề trên bờ sông Lô, cao bằng tháp Bảo Thiên, hàng ngày ngự trên lầu quan sát vào trong thành xem giặc làm gì”… Tên dinh Bồ Đề là do lúc ấy ở giữa sân doanh trại có 2 cây bồ đề.

Chùa  có tên chữ là Thiên Sơn. Tấm bia cổ dựng năm Hoằng Định thứ 15 (1614) đời Lê Kính Tông có chép lại việc dựng lại chùa và ghi rõ “đại công đức Bồ Đề “ của vua Lê Thái Tổ. Chùa chỉ còn tòa thượng 5 gian xây trên nền cao, dáng bề thế, cổ kính.

CHÙA BỘC

Còn có tên là chùa Sùng Phúc, ở cách Gò Đống Đa vài trăm mét. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê (1676). Sau trận Đống Đa, chùa bị cháy. Năm 1792, thời Quang Trung chùa được trùng tu lại trên nền cũ làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh.

Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am


Trong khi chùa Bộc có pho tượng Đức Ông đặt dưới bức hoành mang 4 chữ “Oai phong lẫm liệt”. Sau bệ ngồi của pho tượng có dòng chữ khắc “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” và đôi câu đối có thể hiểu nghĩa bóng ca ngợi công khai vua Quang Trung:

Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang Trung hóa Phật, tiểu nhiên thế giới chuyển phong vân


nghĩa là:

Cửa đông không bụi trần, sông núi còn lưu rường cột
Trong sáng hóa nên Phật, cõi đời chuyển nổi gió mây.


Đây chính là pho tượng người anh hùng áo vải Tây Sơn mà nhân dân đã tưởng nhớ, bí mật dựng năm 1846 để thờ, bất chấp nhà Nguyễn phản động đang tìm mọi cách xóa bỏ dấu vết chiến thắng và công lao vẻ vang của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đáng quý là trong chùa còn một tấm bia đã tạc năm Quang Trung thứ tư (Nhâm Tý – 1792) ghi lại việc chùa bị cháy và dựng lại sau trận Đống Đa.

Chung quanh chùa Bộc còn có các gò Đống Thiêng, Đầu Lâu, Trung Liệt, núi ốc, núi Cây Cờ, chùa Đông Quang… có liên quan đến chiến thắng lịch sử Đống Đa.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Chùa Hà Nội
« vào: Tháng Bảy 27, 2008, 09:31:32 AM »
Tất cả những bài trong Topic này được có nguồn từ hanoi.gov.vn

CHÙA NGA MY

    Chùa ở trại My Động xưa, nay là phường Tân Mai quận Hai Bà Trưng. Chùa nằm trong khuôn viên chữ nhật, bốn bề tường gạch bao quanh. Gác chuông hình vuông cao 6m, 2 tầng, 8 mái như chùa Keo, nóc đắp rồng đuôi cá trông trăng, bờ đao có rồng ngậm, đuôi cong cách điệu hoa lá. Thượng điện dài 12m, tam bảo có chuôi vò. Chùa có nhiều tượng quý: Phật niệm hoa, A-di-đà trong thế thiền, quan Âm tòng tử… đặc sắc nhất là pho Quan Âm Nam Hải nghìn mắt, nghìn tay. Chùa có 5 bia đá, cổ nhất là bia tạc năm Hông Đức thứ 28 (1497) vào loại hiếm. Văn bia cho biết chùa có từ thời Lý – Trần, bằng tre lá, đến lúc con gái vua Lê Thánh tông ra trụ trì mới xây dựng gạch ngói khang trang (1497). Văn bia còn là tư liệu quý cung cấp về tình hình xã hội và phật giáo thời Lê.   

CHÙA BÀ TẤM

Chùa tọa lạc trên khu đất ở hương Siêu Loại, trấn Kinh Bắc thời xưa, nay là thôn Sóc, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Chùa thờ Ỷ Lan nguyên phi, tên thật là Lê Thị Mệnh, vợ vua Lý Thánh Tông (1054-1072), được phong hậu năm 1066. Bà đã hai lần tham gia chấp chính: Một lần khi Lý Thánh Tông cầm quân đi bình giặc Chiêm (1069) và lần sau khi Lý Nhân Tông còn nhỏ (1072). Nhân vật lịch sử này được đồng nhất với nàng Tấm trong truyện cổ tích dân gian cho nên chùa có tên gọi là Chùa Bà Tấm. Chùa do bà làm từ thời Lý với tên Sùng Phúc Tự. Sau khi bà mất (1117) dân làng làm nơi thờ phụng. Các kiến trúc của thời Lý đến nay không còn, ngôi chùa mới được làm mới lại khoảng thế kỷ 16 và năm 1982 đã bị đổ. Di vật thời Lý còn lại rất quý là một bệ đá chạm hai đầu sư từ nằm phục trong tư thê vững vàng, dáng dữ tợn, miệng ngậm ngọc, nhân dân quen gọi kính cẩn là “ông Sám”. Đây vốn là bệ của tượng phật, cao 1m, ngang 1,3m. Chùa có một thềm bậc cửa dài 1,8m, cao 1,2m, phía trên chạm tượng sấu đang chồm tới, mặt ngoài là con phượng đang múa, cánh xòe rộng, chân phải co lên, chân trái đứng trên một đóa sen nở. Nét chạm mềm mại, tinh tế. Năm 1981, còn tìm thấy viên gạch cổ có niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) triều Lý.
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
3091 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 15, 2008, 12:56:47 PM
Gửi bởi hikaruanh
0 Trả lời
3922 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 22, 2008, 08:45:24 PM
Gửi bởi hikaruanh
1 Trả lời
12651 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 05, 2008, 08:23:57 AM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
2595 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 29, 2008, 01:46:02 PM
Gửi bởi nhantam
0 Trả lời
1811 Lượt xem
Bài mới Tháng Một 06, 2012, 04:44:49 PM
Gửi bởi haprotic_online

Đà nẵng - Huế: thăm cố đô
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
780,000
Đặt ngay
Hà Nội – Hang Múa – Tràng An 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,200,000
Đặt ngay
Tour du lịch Cần Giờ 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
650,000
Đặt ngay
Đồng Tháp - Châu Đốc 2 ngày 1 đêm
Tour: Ghép đoàn
2 ngày 1 đêm
2,268,000
Đặt ngay
TOUR 1 NGÀY: TÀU RỒNG SÔNG HÀN BUỔI TỐI
Tour: Tham quan
0 ngày 1 đêm
120,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View