Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, trong địa phận 7 xã: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Tân, Ga Vân, Gia Lập, Gia Thanh. Khu bảo tồn này đã được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998. Năm 1999, Vân Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho xây dựng dự án thành khu bảo thồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước của Việt Nam và danh lục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt. Gần đây, chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng quý hiếm Cúc Phương đã hỗ trợ khu Vân Long trong việc bảo tồn các loài thú quý hiếm.
Tháng 10 năm 2000, Viện Điều tra Quy hoạch rừng kết hợp với Chi cục Kiểm lâm và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương đã khẳng định Vân Long là khu vực có diện tích đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái đá vôi là nơi sinh sống của quần thể voọc quần đùi (Trachypithecus delacouri) lớn nhất ở Việt Nam với khoảng trên 40 cá thể.
Qua điều tra đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước Vân Long đã xác định được đây là một khu vực đa dạng về hệ sinh thái. Ở Vân Long, ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Về hệ động thực vật, tuy không được phong phú bằng các khu bảo tồn thiên nhiên khác, nhưng hệ động và thực vật của Vân Long rất đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của châu thổ sông Hồng. Đặc biệt đây sẽ là hiện trường nghiên cứu đa dạng sinh học rất quý của hai hệ sinh thái này và là hiện trường nghiên cứu loài voọc quần đùi lớn nhất của Việt Nam vì có số lượng cá thể lớn, dễ quan sát nhất so với các sinh cảnh của voọc quần đùi ở địa phương khác.
Hệ sinh thái thực vật tại Vân Long có khoảng 457 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 327 chi, 127 họ. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996) là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán, bò cạp núi.
Hệ sinh thái động vật khu Vân Long rất phong phú, trong đó có 39 loài, 19 họ, 7 bộ thú, trong đó 12 loài động vật quý hiếm như voọc quần đùi, gấu ngựa, sơn dương, khỉ mặt đỏ, báo hoa mai, báo gấm. Có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam vẫn có ở Vân Long như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ…
Vân Long cũng có khả năng hình thành được một vườn chim vì có 62 loài, 32 họ, 12 bộ chim và hiện nay có khoảng gần 300 con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Tuy vùng đất ngập nước ở Vân Long chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng đây cũng rất có thể là nơi quan trọng đối với các loài chim nước di cư như sâm cầm (Fulicra atra) [1]. Một trong những ghi nhận đáng chú ý ở Vân Long là đại bàng Bonelli (Hieraaetus fasciatus). Đến nay, khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Vân Long là điểm duy nhất đã ghi nhận chính xác loài đại bàng này ở Việt Nam [2].
Điều đáng chú ý là tại các khu vực ngập nước Vân Long có các loài cà cuống (Belostomatidae), một nhóm côn trùng quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Ngoài giá trị dược lý gắn liền với văn hoá ẩm thực, cà cuống sống được là biểu hiện sự trong sạch của môi trường nước, giúp con người tiêu diệt một số loài thân mềm mang bệnh ký sinh trùng, loài ốc bươu vàng.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan và di tích văn hoá, Khu Vân Long có 32 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Vùng phụ cận khu Vân Long còn nhiều các di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng đã được công nhân như: Di tích lịch sử đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, di tích lịch sử động Hoa Lư, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Đức Thánh Nguyễn…. Đây là yếu tố để ngành du lịch Ninh Bình có thể phát triển thành một tua du lịch thu hút số đông lượng khách.
Hiện nay Vân Long đã được làm đề án tổng thề về quản lý, bảo vệ, phát triển khai thác tiềm năng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tiêu biểu. Đặc biệt là bảo vệ được một diện tích đất ngập nước nội đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng là bảo vệ quần thể voọc quần đùi lớn nhất Việt Nam hiện đang có nguy cơ bị tiêu diệt ở mức độ toàn cầu.
Với những giá trị về đa dạng sinh học cộng với tiềm năng khai thác du lịch ở các quần thể di tích lịch sử văn hoá lâu đời và hệ thống hang động đẹp, nếu được đầu tư, bảo vệ, chắc chắn Vân Long sẽ trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, nghiên cứu.
<Theo: vi.wikipedia.org>