Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Làng đồng bằng Bắc Bộ  (Đã xem 7381 lần)

Đã thoát ra hikaruanh

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 731
Làng đồng bằng Bắc Bộ
« vào: Tháng Bảy 19, 2008, 12:18:08 PM »
Kho tàng truyền thuyết và huyền thoại luôn nhắc nhở mỗi con người Việt Nam về dòng giống Tiên Rồng của mình. Xưa kia, 18 đời vua Hùng Vương đã cư ngụ trên đất Trung Du và làm căn cứ xuất phát vững chắc để cho sau này các cư dân Việt cổ tiến xuống chiếm lĩnh vùng châu thổ Bắc Bộ, lập nên các làng đồng bằng.

Miền châu thổ Bắc Bộ nguyên nhờ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp mà thành, song cho đến nay, người ta vẫn quyen gọi nó là đồng bằng sông Hồng, và gọi nền văn minh khu vực này là văn minh sông Hồng. Những cứ liệu sử học và khảo cổ học cho thấy, sau đợt biển tiến toàn tân cách ngày nay chừng 3000 năm, lần theo dòng chảy của các dòng sông, tổ tiên người Việt từ những vùng trước núi đã tràn xuống đồng bằng. Những ưu điểm của một vùng đất màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp đã giữ chân được những người đi khai phá. Họ ở lại, lớp nọ nối lớp kia, bám trụ trên mảnh đất đồng bằng, trần mình trong cái khắc nghiệt của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa để làm ăn, sinh con, đẻ cái và mở mang làng xóm. Những khó khăn trong quá trình chinh phục đồng bằng đã được đưa vào truyền thuyết, huyền thoại như việc đắp đê, ngăn lũ trong truyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng trong truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ngày nay, ở nhiều làng ven sông Hồng và sông Đuống vẫn còn những khu đền thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung như ngôi đền Đa Hoà ven sông Hồng thuộc đất Hưng Yên. Câu chuyện về mối tình của chàng trai đánh cá nghèo với nàng công chúa con vua Hùng không chỉ là biểu trưng cho lòng hiếu thảo, cho tình yêu đôi lứa, mà còn là biểu tượng cho chí hướng phát triển của cả cộng đồng nhằm mở mang khai phá vùng đồng bằng lầy trũng thành những cánh đồng tốt tươi, trù phú.
Nghiên cứu về vùng châu thổ Bắc Bộ, cho đến đầu thế kỷ 20, các nhà dân tộc học và địa lý học đã coi đây là một ô trũng rộng lớn, được hợp thành bởi nhiều ô trũng lớn nhỏ. Mỗi ô trũng gồm nhiều bậc với thế đất, thế nước và chế độ thổ nhưỡng khác nhau, đòi hỏi cư dân các làng phải có thế ứng xử thích hợp, linh hoạt. Vì thế mà hình thành ở phía trên miệng trũng những làng đồng mùa, có ruộng ở thế cao. Dưới rốn trũng là những làng đồng chiêm, chỉ cày cấy được sau mùa mưa khi nước đã rút hết khỏi các đồng trũng. Giữa miệng và rốn trũng là những làng nép dưới chân các dải đồi hoặc các triền đất thấp, cư dân sống dựa chủ yếu vào một vụ mầu, diện tích cấy lúa hạn hẹp. Ngoài ra còn có những làng ven sông với các bãi bồi rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng các loại rau mầu như: ngô, khoai, đậu, đỗ... Hệ thống làng dày đặc được phân bố trên khắp vùng tam giác châu thổ, từ đỉnh Việt Trì chạy dọc theo hai cạnh xuống tận ven biển Hải Phòng - Quảng Yên, Ninh Bình - Nam Định. Trong vô số các làng ấy, có không ít làng mang tên Nôm là từ Kẻ đi kèm với một tên nôm khác như Kẻ Noi, Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ, Kẻ Mỗ, Kẻ Ngà... vốn là những làng cổ, ra đời trong quá trình khai phá vùng đồng bằng của các cư dân người Việt và tồn tại bền vững cho đến ngày nay. Đối với những cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, một trong những khó khăn lớn nhất chính là nạn lụt lội vào mùa mưa bão. Sông Hồng mang đến cái lợi bồi đắp phù sa cho đồng bằng, song cũng là mối lo cho người dân vì thường gây ra lụt lớn. Để chống chọi với thiên nhiên, những người nông dân Bắc Bộ đã sáng tạo, bồi đắp nên một hệ thống đê điều ngày một hoàn chỉnh và ngày nay có chiều dài lên tới khoảng 1700 km. Theo sử sách thì đê ở Bắc Bộ có từ xưa vào đời Đường khoảng năm 867 - 875, Cao Biền đã đắp đê quanh thành Đại La dài 2125 trượng để ngăn nước sông. Sau này các đời vua Lý, vua Trần, vua Lê rồi nhà Nguyễn đều rất quan tâm đến việc đắp đê và coi sóc đê bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự no đói, thái bình trong thiên hạ và liên quan mật thiết đến việc giữ yên kinh thành. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đánh giá về vùng đồng bằng Bắc Bộ người ta cho rằng nền nông nghiệp lúa nước cùng với hệ thống đê điều là những đặc trưng không thể thiếu của vùng đồng bằng này, và nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng, tiếp tục chi phối đến đời sống kinh tế văn hoá của các cư dân châu thổ.
Trong ký ức của những người dân Việt xa quê, làng mạc đồng bằng là cây đa, giếng nước, sân đình, đồng lúa phì nhiêu, dòng sông bao bọc quanh làng gắn liền với thời thơ ấu. Song nếu nhìn nhận đầy đủ về nơi cư trú của các cư dân Việt của làng tại miền đồng bằng, có thể nói nó không chỉ quy định các hoạt động kinh tế mà còn in đậm dấu vết trong bố trí làng xóm. Ví như các làng đồng mùa thường có tính chất mật tập hơn hẳn các làng đồng chiêm và làng ven sông. Do thế đất cao nên nhà cửa ở đây thường làm trên nền đất thấp, trong khi đó thì ở các làng đồng chiêm và ven sông, nhà lại được làm trên những doi đất cao để tránh ngập lụt, cảnh quan thoáng đãng hơn nhiều. Có ý kiến cho rằng, thời kỳ đầu của quá trình khai phá đồng bằng Bắc Bộ, các cư dân Việt cổ đã sống trong những ngôi nhà sàn, sau mới chuyển sang ở nhà đất. Điều này cũng tương đối phù hợp với một thực tế đã được chứng minh. Đó là tiến trình di cư của người Việt từ các vùng gò đồi xuống các miền đồng bằng cách đây hàng nghìn năm trước. Ngày nay, trong điều kiện mới, nhà ở cũng như cảnh quan chung của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đã có nhiều thay đổi theo xu hướng hiện đại. Điều này đã làm nảy sinh những tâm lý trái ngược nhau trong xã hội. Người ở thành phố thì tiếc những cảnh quan xưa cũ của làng quê, còn người ở làng quê thì ao ước có được sự đổi mới khang trang nơi phố thị. Rõ ràng đã đến lúc, việc lưu giữ những giá trị truyền thống ở mỗi làng quê cần được nhìn nhận trong lối sống, phong tục tập quán, trong gia đình, dòng họ chứ không chỉ đơn thuần qua dáng vẻ bề ngoài.
Người xưa có câu: "Nhất cận thị, nhị cận giang" để nói về lợi thế của những nơi chốn gần với các khu đô thị và cận kề với các dòng sông, thuận lợi cho việc làm ăn buôn bán, giao thông đi lại. Đối với những cư dân đồng bằng Bắc Bộ quanh năm đầu tắt mặt tối, luôn phải chịu cảnh: "Cấy cắn răng, gặt há mồm" mà vẫn không đủ ăn, thì việc làm thêm kinh tế phụ và chạy chợ là lẽ đương nhiên. Ban ngày làm việc đồng áng, tối tranh thủ xếp hàng để 1-2 giờ sáng đem đi bán. Ấy là chuyện thường thấy ở những làng ven Hà Nội. Vẫn những sản phẩm quen thuộc của đồng quê như quả bí, mớ rau, bắp ngô, cân khoai, nải chuối, giờ đây được người nông dân đem ra chợ. Người có điều kiện thì chở ra Hà Nội bán, người không có điều kiện thì bán lại luôn ở chợ quê. Ngoại trừ một số người buôn bán chuyên nghiệp, có lều quán ở chợ hoặc chuyên đưa hàng ra thành phố bán, còn lại đa số người nông dân chạy chợ trong cái cảnh "đòn gánh đè vai, lấy công làm lãi" mỗi lúc nông nhàn. Bất chấp khó khăn, vất vả, với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, họ hy vọng có thể kiếm được chút ít để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình. Trong điều kiện kinh tế hàng hoá mở rộng, có làng ở đồng bằng Bắc Bộ đã chuyển thành làng buôn do phần lớn dân làng lấy việc buôn bán làm nghiệp chính và nguồn sống chủ yếu của họ do kinh tế thương nghiệp mang lại, tiêu biểu như làng Phù Lưu ở Bắc Ninh. Tuy nhiên làng buôn vẫn chưa vượt ra khỏi cấu trúc truyền thống của làng Việt.
Về phong tục tập quán của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể thấy tập quán ăn uống có quan hệ rất mật thiết với sinh thái môi trường, đặc biệt là nguồn lương thực và thực phẩm. Nước ta từ xưa do vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới cho nên hai thứ đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo tẻ dùng để nấu cơm là món ăn chính hàng ngày, ngoài ra còn xay thành bột để làm bún và các loại bánh tẻ. Gạo nếp thì dùng để nấu xôi, đóng oản, làm các thứ bánh chưng, bánh tét, bánh dày hoặc xay ra bột để làm nhiều thứ bánh mặn ngọt khác nhau. ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày cho vua cha, ngụ ý nhắc nhở con người cần phải quý trọng những sản phẩm được làm ra từ chính bàn tay và công sức lao động của mình. Giờ đây, mỗi khi có dịp đi chợ quê là lúc ta có thể thưởng thức các loại bánh đặc sản của từng vùng. Sản phẩm bánh từ trong gia đình đã ra đến chợ và trở thành một mặt hàng đặc trưng không thể thiếu ở các chợ quê. Song chỉ có một số loại bánh trở thành hàng hoá thực sự, được đem đi bán ở nhiều nơi, còn đa số vẫn là những món ăn được làm trong gia đình hoặc phục vụ một cộng đồng làng nho nhỏ, mang đậm nét văn hoá ẩm thực địa phương. Làng Phụng Công thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên có một loại bánh tẻ rất ngon được làm từ bột gạo tám thơm. Theo người dân ở đây thì bánh muốn ngon phải được làm bằng đúng gạo tám thơm của vùng Hải Hậu, Nam Định. Và nếu muốn có màu xanh đẹp mắt cộng với mùi thơm hấp dẫn thì phải được gói bằng lá dong ta trồng ở vườn. Chính vì vậy mà ở đây, người ta còn dùng lá dong vườn nhà gói bánh chưng loại nhỏ đem đi bán ở khắp nơi, rất được ưa chuộng. Thực ra xưa kia, bánh tẻ làng Phụng Công được làm bằng thứ gạo ngon ngay ở trong vùng hoặc trong đồng ruộng gia đình. Sau này, khi việc trao đổi buôn bán giữa vùng này với vùng khác trở nên thuận lợi, người ta mới chuyển sang dùng các loại gạo ngon của các vùng khác. Còn các thứ nguyên liệu như lá dong, nhân bánh vẫn được lấy ngay trong làng, trong gia đình. Điều này cũng phản ánh tính tự cấp tự túc và việc khai thác sản phẩm tự nhiên của kinh tế gia đình khá rõ nét ở nông thôn Bắc Bộ khi kinh tế hàng hoá chưa phát triển mạnh.
Xưa nay, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc thì công việc làm bánh trái nói riêng và việc nội trợ nói chung đều do người phụ nữ đảm nhận. Họ có trách nhiệm dạy dỗ con cái và truyền dạy những kinh nghiệm bản thân cho đến khi con cái trưởng thành. So sánh các loại bánh của vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ có thể thấy một điểm tương đồng: đó là hầu hết đều được làm từ sản phẩm lúa gạo của đồng ruộng. Từ nguyên liệu chính ấy, tuỳ theo đồ gia giảm và khẩu vị ở từng vùng mà người ta chế biến ra nhiều loại bánh khác nhau. Có một số loại bánh không chỉ là món ăn thông thường mà còn là đồ thờ cúng như bánh chưng, bánh dày ở miền Bắc hay bánh tét, bánh ít ở miền Nam. Ngày nay, ở các đô thị và thành phố, cách ăn uống đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của phương Tây. Song cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người muốn tìm về những món ăn quen thuộc, cổ truyền của người Việt, tìm về với những hương vị mộc mạc của làng quê. Và điều đó giải thích tại sao một số hàng bánh gia truyền ở các vùng ven Hà Nội trước đây tưởng như chỉ chuyên bán cho những người dân quê lam lũ thì giờ đây lúc nào cũng tấp nập khách hàng từ thành phố đặt mua. Bánh tẻ Phụng Công của Hưng Yên không biết từ khi nào đã trở thành món quà quê đầy ý nghĩa của người dân Văn Giang, Hưng Yên mỗi khi lên thành phố. Có thể nói, nét văn hoá ẩm thực của các cư dân đồng bằng Bắc Bộ đã chứng minh rõ: họ là cư dân của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Những ảnh hưởng của nền văn minh đó còn được thể hiện rõ qua thực tế cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp, qua phong tục tập quán và các sinh hoạt văn hoá dân gian. Vì vậy mà một số làng đồng bằng Bắc Bộ có tục thờ lúa, rước lúa hoặc các sản phẩm của ruộng vườn. Về vấn đề tôn giáo - tín ngưỡng, có thể nói mỗi làng đồng bằng Bắc Bộ đều có một hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo gồm đình, đền, miếu để thờ thần, chùa để thờ Phật, văn chỉ để thờ người sáng lập ra đạo Nho và khuyến khích, tôn vinh sự học hành thành đạt. Ngoài ra còn có nhà thờ - thờ ông tổ các dòng họ, thờ người có công trong việc đem nghề thủ công cho dân làng... Do đạo Phật du nhập vào nước ta từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3 và có thời kỳ phát triển mạnh nên việc dựng chùa ở các làng quê Bắc Bộ khá phổ biến. Có nhiều ngôi chùa còn giữ được những pho tượng cổ như tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Nhìn chung, chùa có mặt ở hầu khắp các làng đồng bằng Bắc Bộ. Song nếu như so với đình ở làng nào cũng có thì chùa thờ Phật do không phải là việc công của làng nên không nhất thiết phải có. Chùa có khi do dân làng xây dựng ở một chỗ phong cảnh đẹp, tĩnh mịch rồi giao cho một thầy chùa trông giữ, lại cũng có khi do một cá nhân thiết lập rồi chiêu mộ tăng ni đến ở.
Chùa Dâu trên đất Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay là ngôi chùa Phật cổ nhất nước ta. Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ mà tiêu biểu là Khâu Đà La đã có mặt ở vùng đất Dâu để truyền bá đạo Phật, biến nơi đây thành một trung tâm lớn nhất, lâu đời nhất của đạo Phật thời cổ đại trên đất Việt và cả vùng lân bang. Sách Thiền uyển tập anh xưa chép rõ: Khi ở Hoa Nam, Phật giáo còn chưa thịnh thì ở Luy Lâu đã xây dựng được hơn 20 bảo tháp, độ được 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh. Ngôi chùa Dâu được dựng nên cùng với các ngôi chùa khác ở trong miền, làm thành hệ thống chùa cổ Tứ pháp nổi tiếng khắp xa gần, mà đứng đầu là Pháp Vân, rồi đến Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tương truyền Phật Pháp Vân được thờ ở chùa Dâu, trước khi hoá thân thành Phật vốn là nữ thần Mây, đã cùng với Mưa, Sấm, Chớp hợp thành Tứ pháp: Vân, Vũ, Lôi, Điện - tượng trưng cho các hiện tượng tự nhiên được sùng bái của người Việt cổ tại nơi đây. Trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử, ngày nay chùa Dâu vẫn còn đó, không chỉ là một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mà còn là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân Bắc Ninh và dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với chùa, có thể xem đình là một trong hai kiến trúc đặc trưng của làng đồng bằng Bắc Bộ xưa và đình là một kiến trúc mang tính tộc người Việt. Xưa kia, người Việt đi đến đâu thường mang bát hương đình đi theo. Đến nơi mới, họ sẽ lập đình, đặt bát hương quê nhà vào để tiếp tục thờ cúng. Trong những cuộc chuyển cư gần, họ có thể dỡ cả đình mang theo đến nơi định cư mới để dựng lại. Điều này cho thấy đình có sự gắn bó máu thịt với người Việt. Đình được xem là ngôi nhà chung của làng, vừa là nơi thờ thần, vừa là nơi tụ hội của dân. Đối với các cư dân trong làng, Thần Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình khiến cho làng xóm thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ. Giống như gia đình đối với tổ tiên, làng đối với các vị Thành Hoàng, gặp những ngày huý và những ngày thuần tiết trong năm thì phải cúng cấp. Mỗi năm hoặc năm ba năm một lần, người ta làm lễ nhập tịch hoặc tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày sinh hay ngày kỵ của thần. Lễ hội thường được làm to, có những chi tiết quan trọng và cả những cuộc vui chơi cho dân làng như hát chèo, đánh cờ, chọi gà, chọi trâu... Trong ngày lễ hội, có một chi tiết đặc biệt là người ta diễn trò để nhắc lại sự nghiệp hoặc công lao của vị Thành Hoàng làng đối với làng. Ví như trong lễ hội của người dân làng La Cả, xã Dương Hội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, người ta sẽ tổ chức trò đánh hổ để nhắc lại và ghi nhớ công lao đánh đuổi bảo vệ làng của vị Thành Hoàng từ thủa làng còn là một miền rừng rú hoang vu. Trong lễ hội rước Thành Hoàng làng từ quán thờ về đình làng, người dân làng La Cả còn có một phong tục đẹp, đó là lễ cúng tiến của xóm khi kiệu rước Thành Hoàng đi qua. Theo thông lệ, mỗi một xóm sẽ đặt ra một mâm lễ chờ đến khi kiệu Đức Thành Hoàng đi qua thì làm lễ cúng tiến. Thông thường, lễ này được tổ chức từ khoảng 5 giờ chiều và đến khoảng 10 giờ đêm mới kết thúc và nó phản ánh niềm tin cùng tấm lòng biết ơn của những người dân dành cho vị Thành Hoàng làng. Họ luôn hy vọng rằng, những lễ vật mà họ dâng lên Thành Hoàng sẽ biểu đạt được tấm lòng của họ và nhờ đó, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với gia đình, dòng tộc mình.
Cùng với tấm lòng biết ơn, những người có công khai phá, mở mang làng xóm, người Việt còn luôn trân trọng tài năng của những bậc hiền tài, những học giả của đất nước. Về những tên tuổi của các bậc tài danh trên đất Văn Giang, Hưng Yên ngày nay có thể kể đến Chu Mạnh Trinh, một nhà thơ được nhiều người biết đến hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 hay Dương Quảng Hàm, vị giáo sư có công lao lớn đối với sự nghiệp giáo dục của dân tộc. Song đó cũng chỉ là vài ví dụ cụ thể tại một vùng đất nhỏ, còn trên khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi nổi tiếng khắp cả nước về truyền thống hiếu học và khoa cử thì còn có vô số những vị tiến sĩ, những trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa nổi tiếng trong lịch sử. Và có nhiều làng ở đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành làng khoa bảng. Làng đồng bằng Bắc Bộ với những ưu thế hơn hẳn các làng trung du, làng miền núi, là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài để cho sau những Chu Mạnh Trinh, Dương Quảng Hàm còn có những tên tuổi lừng danh khác làm rạng danh cho vùng đất châu thổ, rạng danh cho dòng giống con cháu Lạc Hồng của người Việt - tộc người làm chủ đồng bằng. Những công trình kiến trúc, tôn giáo, những luỹ tre, đường làng, ngõ xóm với đồng lúa, cây đa, bến nước, con đò. Những phong tục tập quán đánh dấu những bước trưởng thành của chu trình đời người, hay những làn điệu dân ca, điệu ví, câu hò mộc mạc mà da diết, trữ tình, cùng kho tàng truyện kể, tục ngữ, ca dao, kho tài liệu Hán Nôm trên văn bia, gia phả, hương ước, bản khắc gỗ... tất cả đã tạo nên hồn cốt văn hoá làng đồng bằng, là bầu sữa trong lành nuôi dưỡng bao thế hệ người nông dân Việt vùng châu thổ

Nguồn tin: vietlove.net
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
4154 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 24, 2008, 07:55:38 PM
Gửi bởi hikaruanh
0 Trả lời
2918 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 25, 2008, 08:49:29 PM
Gửi bởi conhi1991
0 Trả lời
3514 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 07, 2008, 11:42:38 PM
Gửi bởi bin_lin
2 Trả lời
3643 Lượt xem
Bài mới Tháng Sáu 06, 2011, 02:27:26 PM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
2398 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 19, 2013, 09:14:13 AM
Gửi bởi dongakd

Nha Trang - Hang Rái - Vĩnh Hy - Bình Hưng - Bình Lập 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Tour du lịch Cần Giờ 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Hòn Khô - Eo Gió
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Động Thiên Đường
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
TOUR CHÈO THUYỀN NGẮM LÁ PHONG ĐÀ LẠT 1 NGÀY
Tour: Thám hiểm
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View