Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Giờ đây, du khách đến Lạng Sơn có thể lựa chọn cho mình những loại hình du lịch phù hợp và hấp dẫn như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch leo núi, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch văn hoá tín ngưỡng, du lịch tại cộng đồng... Trong khuôn khổ bài viết này, xin đi sâu vào phân tích những tiềm năng, lợi ích thiết thực và triển vọng của loại hình du lịch tại cộng đồng trong bối cảnh du lịch Xứ Lạng đang ngày càng khởi sắc.
Có thể thấy rằng, tại một số tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch cũng đang có những bước phát triển về loại hình du lịch này, dần thu hút du khách bằng những yếu tố đặc thù. Một trong những yếu tố khác biệt của du lịch cộng đồng so với các loại hình du lịch truyền thống là, du khách được hoà vào khung cảnh, không gian văn hoá, sinh hoạt rất đỗi mộc mạc, thân thiện người dân nơi du khách ghé thăm. Sự cảm nhận từ tua du lịch cộng đồng sẽ đem đến ý nghĩa như một sự trải nghiệm, khám phá cho mỗi du khách. Bởi qua đây, chúng ta được sống trong môi trường ăn, ở, sinh hoạt của người dân; được trò chuyện tâm tình, được nghe những câu chuyện của người cao tuổi của làng, bản kể về sự hình thành, phát triển cũng như những thăng trầm, biến cố của quê hương. Hay như được nghe kể về sự xuất hiện của một tục lệ, một loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian; rồi còn được cảm nhận những suy tư về một nghề truyền thống, một làn điệu dân ca, dân vũ nào đó trước nguy cơ mai một đang được nhiều người trăn trở đợi ngày hồi sinh. Hoặc, du khách còn có thể được bắt tay vào lao động sản xuất cùng với bà con; được chế biến những món ăn, thức uống hằng ngày mà mỗi gia đình người dân sử dụng...
Đó là vài nét phác thảo về những nội dung của một chuyến du lịch cộng đồng. Thêm vào đó, đây sẽ là thời giờ để du khách thoát ra khỏi những gì ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đô thị, được hoà mình vào khung cảnh bình dị của làng quê mỗi buổi ban mai sương giăng giăng phủ, mỗi buổi chiều tà, khói từ các nếp nhà lan toả mêng mang, không khí trong lành, thoáng đãng, mát mẻ...
Đối chiếu với những nội dung trong một tua du lịch cộng đồng, có thể thấy được, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, điều kiện cho loại hình du lịch thân thiện này phát triển. Nếu như các cấp ngành hữu quan xây dựng được một chiến lược hợp lý, chương trình cụ thể thì trong một tương lai không xa loại hình du lịch này sẽ trở thành ưu thế. Những tiềm năng, điều kiện cụ thể của Lạng Sơn đó là vốn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số phong phú, thống nhất trong sự đa dạng. Thật vậy, Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều dân tộc như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông,... đã bao đời chung sống hoà thuận bên nhau.
Các dân tộc ở mỗi huyện, xã lại có sắc thái văn hoá khác nhau. Do đó, đã tạo nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hoá, xã hội, nhưng lại khá đặc trưng và tiêu biểu cho cư dân miền núi phía Bắc. Từ văn hoá nhà, đến văn hoá mặc, văn hoá ẩm thực... đều toát lên những nét bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu đến với bản làng vào đúng mùa cưới du khách còn có thể được chiêm ngưỡng, tham dự đám cuới của đồng bào. Hay vào ngày chợ phiên, ngày lễ hội thì lại càng hấp dẫn hơn. Một điều thú vị là, có những sản vật, món ăn chỉ vào những ngày chợ phiên, lễ hội thì mới được bà con mang ra bày bán, chế biến... Khi ta vừa được tìm hiểu, vừa được thể nghiệm, rồi thưởng thức các món ăn dân dã thì chắc chắn một điều rằng sự hào hứng thú vị sẽ nhân lên gấp bội. Chỉ đơn cử như vào dịp ngày hội văn hoá – thể thao xã Hải Yến (Cao Lộc), nếu du khách có điều kiện được xem bà con quay lợn, rồi lại được thưởng thức ngay món ăn mang đặc trưng văn hoá ẩm thực Xứ Lạng này ngay khi mới ra lò với hương vị lá mác mật thơm nồng, với những ngọn rau sau sau non hăng hắc, chiêu thêm một ngụm nhỏ rượu ấm nóng do bà con chưng cất thì thật tuyệt vời...
Có thể khẳng định, lợi ích của du lịch tại cộng đồng là rất lớn. Nó sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy và quản lý các nguồn lực tự nhiên, văn hoá một cách bền vững. Và sâu xa hơn là góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập từ ngành du lịch cho người nghèo tại các địa phương phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Không những thế, ý thức của người dân về giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hoá, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương vào việc phát triển kinh tế du lịch sẽ được nâng lên. Đương nhiên của sự phát triển du lịch sẽ phải có sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Như vậy, địa phương cũng sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy sự nghiệp kinh tế - xã hội phát triển.
Song, để những tua du lịch tại cộng đồng của Lạng Sơn có cơ hội phát triển thì cần thiết phải có những giải pháp xúc tiến mạnh mẽ từ phía các cấp ngành hữu quan. Cụ thể và trước mắt, cần giúp địa phương, người dân có những định hướng và nâng cao năng lực về phát triển kinh tế du lịch thông qua tập huấn với các nội dung như: kỹ năng đón tiếp khách du lịch; tổ chức dịch vụ lưu trú ngay tại nhà dân, nhà cộng đồng; rồi kỹ thuật chế biến các món ăn từ đời thường trở thành món ăn phục vụ du lịch; tiến hành xây dựng các mô hình điểm về du lịch cộng đồng tại các huyện, xã, thôn, bản để nhân rộng. Cùng với đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, lưới điện, nước sạch sinh hoạt; hỗ trợ về vốn; tư vấn về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm du lịch như: đồ lưu niệm, hàng thổ cẩm mang đặc trưng văn hoá của địa phương, quê hương...
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, sự chủ động của người dân, chắc chắn các tua du lịch tại cộng đồng của Lạng Sơn sẽ phát triển, là một yếu tố quan trọng góp vào lộ trình tiến tới Lạng Sơn tổ chức được “Năm Du lịch Xứ Lạng” trong một tương lai gần.
Theo báo Lạng Sơn