Những hành trình không định trước luôn mang tới cho tôi vài bất ngờ nho nhỏ. Pắc Miầu - thị trấn bên bờ sông Gâm và buổi chợ phiên là một trong những bất ngờ như vậy một ngày đầu đông đông bắc.
Cầu treo trên sông Gâm - Ảnh: Giang Nguyên 1. Dường như tôi chưa có duyên với tỉnh lộ 34 từ Mèo Vạc sang Cao Bằng bao giờ. Chả thế mà lần nào đi cũng lọ mọ trong hoàng hôn chập choạng, về tới thị trấn Bảo Lâm thì trời đã tối như bưng lấy mắt. Núi non chập chùng lô nhô dưới nền trời đen và đám lá cây rừng xào xạc rít lên ngoài ô cửa xe. Dự báo bảo ngày mai gió mùa.
Dừng xe tại khách sạn to nhất thị trấn, đã thấy mấy chiếc ôtô du lịch lớn đậu, đoán tình hình nguy rồi. Bên Mèo Vạc, Đồng Văn "cháy phòng" thì khả năng du khách sẽ bị đưa đi chống "cháy" ở phía Bảo Lâm (Cao Bằng) rất cao.
Y rằng phòng hết, thức ăn cũng hết. Đành chia nhau làm hai tốp, một tốp đi về hướng chợ tìm phòng nghỉ, tốp còn lại vào bếp xem còn gì để ăn.
Vẫn may cơm không còn đặc sản gì nhưng cũng có vài món trứng rán, rau xào ăn cho qua bữa tối. Còn may hơn nữa khi nhà nghỉ tìm được nằm sát bên bờ sông Gâm, sáng mở cửa phòng ra là nhìn ngay thấy núi.
Những vách núi dựng đứng xanh rì giăng thành dọc triền sông trơ cạn, giữa dòng gồ lên một bãi sỏi lớn, nhà cửa lúp xúp mỗi cái một kiểu.
Mấy anh chị em nhìn nhau chép miệng tiếc nuối, vách núi đẹp thế này, tạc lên trên vách một bức tượng Phật hay một gương mặt vĩ nhân thì chả mấy mà Bảo Lâm có kỳ quan hấp dẫn kém gì Lạc Sơn Đại Phật của Trung Quốc hay khu tưởng niệm quốc gia Rushmore gần thành phố Keystone, bang South Dakota, Hoa Kỳ...
Đôi bờ sông Gâm - Ảnh: Giang Nguyên
Một góc thị trấn Pắc Miầu - Ảnh: Giang Nguyên
Bình yên - Ảnh: Giang Nguyên 2. Xuống chợ. Tình cờ hôm nay là ngày chợ phiên. Tên chính thức của thị trấn huyện Bảo Lâm mà đêm qua ông chủ nhà nghỉ đánh vần trẹo cả mồm là Pắc Miầu. Nơi đây cứ vào ngày âm lịch với đuôi 5 và 10 sẽ có phiên chợ lùi.
Chợ phiên Pắc Miầu là nơi giao thương của bà con các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô... sống quanh vùng, nằm ngay trên quốc lộ 34 nên giao thông khá phát triển.
Theo đó, ngoài các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thì hàng dưới xuôi, hàng của người Kinh hay từ Trung Quốc buôn về khá nhiều. Có thể thấy người dân nơi đây đang có sự pha trộn giữa lối ăn mặc truyền thống và hiện đại, đặc biệt là các cô gái.
Váy áo truyền thống lấp lánh, mũ miện xúng xính nhưng bên dưới mặc quần và đi giày đế xuồng hay dép lê, có khi mặc luôn cái áo sơmi hay áo phông phối với váy Mông, kiểu vậy. Nom thấy là lạ và cũng... hơi buồn.
Vốn dân phượt hay ích kỷ, tới đâu cũng chỉ mong văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy, giữ gìn cái gọi là bản sắc dân tộc. Nhưng khi người Kinh từ đồng bằng lên tới miền núi, cùng với sự phát triển của du lịch, mọi thứ sẽ thay đổi như là một quy luật tất yếu của đời sống.
Thế nên khi thấy một phiên chợ trâu náo nhiệt bên bờ sông Gâm, mấy du khách lỡ độ đường như chúng tôi trở nên hân hoan vô cùng.
Những con trâu béo tròn, vai gồ lên lừng lững, da đen bóng được chủ dắt xuống chợ, phần lớn là cánh đàn ông, cũng có lạc vào dăm phụ nữ trong vai trò kẻ mua người bán.
Chợ trâu Bảo Lâm nổi tiếng, thực ra tôi thấy người ta nói nhiều về chợ bò, nhưng ngay lúc này trên bãi đất trống tôi thấy phần nhiều là trâu.
Một người dân ở Pắc Miầu cho biết trâu nuôi ở Bảo Lâm thường rất béo tốt và bán được giá, thịt ngon nên nhiều khi dân bên các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang) hay Bảo Lạc (Cao Bằng) lại dong trâu sang Bảo Lâm nuôi và buôn bán cho được giá.
Lái trâu nhìn cũng dễ nhận ra bởi vẻ sành điệu trong cách ăn mặc so với các chủ trâu. Rất nhiều người đứng xung quanh, xem xét, trao đổi, bình luận, mặc cả. Trên đường đã có sẵn một chiếc xe thùng lớn, con trâu nào được bán là cánh lái trâu lại dong lên xe chở về xuôi.
Chợ trâu Pắc Miầu - Ảnh: Giang Nguyên
Náo nhiệt chợ trâu - Ảnh: Giang Nguyên
Một phụ nữ Mông trong phiên chợ trâu - Ảnh: Giang Nguyên
Đưa trâu bò về xuôi - Ảnh: Giang Nguyên 3. Thú vị gì đâu khi đi một vòng quanh thị trấn tìm quán ăn sáng, thì “linh cảm” của dân đi lang thang tây bắc, đông bắc nhiều đã luôn đưa lối cho chúng tôi đến quán ăn địa phương ngon nhất vùng. Quán phở nhà bà Liên.
Vừa ngồi lơ ngơ đã thấy mấy bác địa phương ngồi ăn bàn bên cạnh gật gù, giới thiệu về hàng ăn sáng nổi tiếng nhất Pắc Miầu, phở với thịt gà, thịt quay và xúc xích. Bánh phở khô, làm từ chiều hôm trước, thịt gà, thịt lợn nhà nuôi, xúc xích nhồi kiểu địa phương chắc nịch và ít mỡ.
Thịt gà đã hết, đành gọi bát phở thịt quay và xúc xích, thịt quay ngon quá, xin mua thêm để ăn cũng không bán vì còn dành bán phở cho người khác chứ. Lúc bà chủ chan nước vào bát phở, tôi cứ xua tay cho ít nước dùng thôi thì thấy bà trả lời thủng thẳng cho ít nước tí ăn làm sao.
Y như rằng lát sau bánh phở khô ngấm nước nở phồng lên, đầy ắp cả chiếc bát tô, không chan đẫy nước kiểu gì cũng phải xin thêm nước để ăn.
Ngắt thêm vài ngọn rau húng, mùi tàu quê thơm phưng phức thả vào bát. Lâu quá rồi mới có một bữa sáng xa thành phố giản dị mà lại ngon đến thế.
Xuống chợ với váy Mông và phối đồ của người Kinh - Ảnh: Giang Nguyên
Bát phở chan nhiều nước - Ảnh: Giang Nguyên
Món thịt quay của bà Liên ở Pắc Miầu - Ảnh: Giang Nguyên GIANG NGUYÊN