Trang:
Actions
  • #2 Gửi bởi caibang vào 21 Sep 2009
  • Vịnh Hạ Long với hơn 2.000 hòn đảo đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO từ 15 năm nay. Nó thật xứng đáng với danh hiệu này bởi lẽ những hòn và mỏm núi đá nhô lên khỏi mặt biển tạo nên một phong cảnh độc nhất vô nhị. Ai thích lãng mạn có thể khám phá những hòn đảo huyền bí này bằng thuyền buồm truyền thống.

    Vịnh Hạ Long với diện tích khoảng 1.500 km² nằm trong vịnh Bắc bộ

    Một cơn dông lớn đang đi qua vùng biển Tùng Sâu với những tia chớp sáng lóe, những tiếng sấm inh tai và một cơn mưa xối xả. Con thuyền của Hãng Paradise Cruises, một thuyền buồm đóng theo kiểu cổ điển, vẫn gần như không hề nhúc nhích hay chao đảo. Kể cả những cơn dông lớn cũng không làm mặt nước ở giữa những hòn và mỏm đá hay những hòn đảo nhỏ xinh của vịnh Hạ Long xao động.

    Bầu trời vẫn nặng trĩu mây đen và ánh sáng ban mai vẫn còn xám xịt khi chị Xuân mời chúng tôi lên boong tàu tập thái cực quyền.

    Những động tác của chị Xuân uyển chuyển nhịp nhàng và chậm rãi y như phim quay chậm, trong khi những người khách dậy sớm trên tàu thì vẫn còn ngái ngủ chân nam đá chân chiêu. Những đám mây lúc trước còn dày đặc giờ đã tan để nắng buổi sớm rọi xuống làn nước xanh. Khi không khí buổi sáng bắt đầu bốc hơi là lúc chị Xuân để “học viên” của mình nghỉ ăn sáng.

    Vịnh Hạ Long nằm cách Hà Nội khoảng 165km. Đi ôtô cần khoảng 3 tiếng rưỡi, đi tàu hỏa hết 5 tiếng và nếu đi trực thăng thì mất khoảng nửa tiếng. Nhưng cũng như môn thái cực quyền - chuyến đi càng chậm càng tốt. Bởi lẽ sự khác biệt giữa Hà Nội, nơi cái nóng, bụi bặm và tiếng ồn của giao thông luôn túc trực, với vịnh Hạ Long, nơi có sự yên tĩnh của đất trời và thiên nhiên, là không thể lớn hơn được nữa.
    Từ năm 1994 vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và đã trở thành điểm tham quian không thể bỏ qua của du khách khắp nơi trên thế giới khi đến Việt Nam. Du khách có thể khám phá vịnh bằng thuyền kayak
    Không chỉ du khách mới cần đến thuyền để khám phá vịnh, mà với người dân bản địa chúng cũng rất quan trọng
    Từ nhiều đời nay người dân ở đây đã sống trên mặt nước

    Cung đường từ Hà Nội ra đến bờ biển cho du khách được nếm trải những cảm giác thú vị. Họ được tận mắt chiêm ngưỡng hoa sen, những chú bò đang lim dim nhai lại, những đàn vịt được xua ngang qua  quốc lộ, những chợ phố họp trên những thị trấn nhỏ, những cánh đồng lúa màu xanh ngọc mát mắt, điểm vào đó là những chiếc nón lá của người làm đồng - hình ảnh cuộc sống vất vả của người nông dân nhưng với du khách chúng tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ.

    Hạ Long có nghĩa là rồng hạ cánh - cùng với các rồng con rồng mẹ đã tạo nên một thế giới huyền ảo trên mặt biển - trong cuộc giao chiến với giặc ngoại xâm, rồng mẹ đã phun châu nhả ngọc để giết quân thù và châu ngọc ấy đã biến thành những hòn đảo như ngày hôm nay. Đó là truyền thuyết tạo nên vịnh Hạ Long. Những nhà địa chất chắc chắn hiểu rõ hơn quá trình hình thành của vịnh nhưng truyền thuyết trên quả là thật hợp với phong cảnh tuyệt vời có một không hai ở nơi này.

    Với những ai không tin vào truyền thuyết thì các nhà khoa học đã có sẵn những lời giải thích hợp lý: vịnh Hạ Long được tạo nên vào cuối kỷ băng hà, sau khi khối núi đá vôi bị chìm xuống biển chỉ để lại những đỉnh núi nhô lên khỏi mặt nước.

    Những chiếc thuyền đánh cá màu sắc sặc sỡ tròng trành trên biển, những hòn với mỏm đá xung quanh trông như những nhân vật trong các truyện cổ tích đã hóa đá. Từ năm 1994 UNESCO đã đưa khu vực vịnh Hạ Long với diện tích 1.500 km² vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới - nó đã trở thành một trong những tâm điểm của du khách thập phương khi đến thăm Việt Nam.

    Một góc làng chài trên vịnh

    Phần lớn những hòn, tảng đá hay đảo nhỏ nhô trên mặt nước ở đây không có người sống. Nhưng trên mặt nước có khá nhiều làng nổi được làm trên những pontons

    Từ bé trẻ em đã rất quen thuộc với thuyền và buồm. Chúng bán vỏ trai cũng như san hô cho du khách

    Khách du lịch đến đây ngày một nhiều - ngày trước với 50 thuyền đã đủ phục vụ lượng du khách thì hiện tại có hàng trăm con thuyền như thế. Cuối năm 2008 Hãng Paradise Cruises được thành lập và đưa du khách khám phá vịnh Hạ Long từ đảo Tuần Châu - cách Bãi Cháy, một phần của thành phố Hạ Long, khoảng 15km.

    Đây là một lợi thế, ngoài ra tàu của hãng này còn có quyền neo đậu ngay tại khu nuôi ngọc trai Tùng Sâu - ông Vincent Le Cannelier, giám đốc người Pháp của hãng này, giải thích. Ông đã phải lòng vịnh Hạ Long từ lâu và rất tự hào về đoàn thuyền của công ty ông, đến bây giờ sau hơn 150 chuyến đi ông vẫn kể về nó một cách say sưa.

    Tại đây mỗi đêm chỉ có ba tàu được neo đậu, không như những nơi khác có đến 40, 50 thuyền, vì vậy  người ta không phải nghe tiếng mở bia trong chuyến bơi bằng thuyền kayak. Tại vịnh Hạ Long, người ta chỉ được đi thuyền cho đến 20g tối, vì vậy về đêm nơi đây thật yên tĩnh.

    Khác với phần lớn thuyền buồm trên vịnh Hạ Long, thuyền của Hãng Paradise Cruises được làm theo mẫu những con thuyền truyền thống, chứ không như những con thuyền được làm từ nước láng giềng Trung Quốc, nhỏ và nông hơn. Đoàn thuyền của Paradise Cruises được làm ở Vinh, nơi vẫn còn một số thợ đóng tàu có khả năng làm được những chiếc thuyền truyền thống. Vua chúa của Việt Nam một thuở cũng đã dạo chơi trên vịnh Hạ Long với những con thuyền như thế.

    Thuyền buồm ngày nay không còn giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam. Người lãng mạn có thể đặt một chỗ trên con thuyền gồm 17 cabin của Paradise Cruises. Thuyền trưởng Nhật, người có 20 năm kinh nghiệm trong các chuyến đi khám phá vịnh, biết rõ tường tận từng mỏm đá, từng ngóc ngách ở đây, anh dễ dàng chiếm được cảm tình và niềm tin của mọi du khách.

    Phần lớn đảo nhỏ nhô lên trên mặt nước ở đây không có người sống. Không chỉ có du khách mới cần đến thuyền để khám phá vịnh mà ngay cả người dân bản địa thì thuyền cũng là công cụ không thể thiếu. Từ hàng đời nay họ đã sống trên mặt nước. Làng chài Cửa Vạn là một trong bốn làng nổi trên vịnh Hạ Long. Những ngôi nhà ở đây được dựng trên những chiếc phao. Thậm chí họ còn có điện và vô tuyến - điện được lấy từ máy phát điện, chỉ có ống dẫn nước thải như theo quy định là không có.

    Và nếu không ngồi trên thuyền thì lại vắt vẻo trên lưng trâu

    Nước và gió đã tạo nên những hang động huyền bí ở đây - một số hang động và bãi tắm chỉ có thể vào được lúc thủy triều xuống

    Trong hang động với đủ hình thù và màu sắc huyền ảo

    Vịnh Hạ Long nằm cách thủ đô Hà Nội 165km. Trên đường đi du khách được chiêm ngưỡng những ao đầy hoa sen, những con trâu lim dim nằm nhai rơm hay những cánh đồng lúa xanh ngọc điểm những chiếc nón lá của chị em đi làm đồng

    Những chiếc thuyền buồm chở du khách vừa vào đến làng, trẻ em ở đây đã bơi ngay thuyền đến - chúng lái những con thuyền nhẹ nhàng như trẻ em ở nơi khác đi xe gắn máy. Các em mời du khách mua vỏ trai hay san hô với giá chỉ vài chục cent, tất nhiên những món hàng lưu niệm này không được phép mang ra khỏi Việt Nam.

    Làng nổi Vạn Chài có một trường tiểu học, ở đây học sinh có thể học hết lớp 5, sau đó chúng phải chuyển đến ký túc xá để học tiếp, nhưng phần lớn không mấy người làm việc này - như lời ông Nguyễn Văn Hưu giải thích.

    Ông già 84 tuổi sống với vợ là bà Vũ Thị Đại cùng năm thành viên khác trong một căn nhà gồm hai phòng và một hành lang. Họ dùng nước mưa đựng trong những thùng phuy để tắm. Nước ăn thì phải mua. Ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà - phía trước nhà là là hai bể nuôi cá. Nghề nuôi cá là nguồn sống chính của người dân làng chài với khoảng 500 dân này.

    Bàn chải đánh răng được cắm trong vỏ lon Coca Cola, một chiếc chăn đã cuộn biểu hiện của một chiếc giường. Phía sân nhà hàng xóm chỉ cách có 2m là một chú chó được xích và trên mỗi nóc nhà là cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam, bay phấp phới. Người dân ở đây không phải đóng thuế nhưng họ cũng không được hưởng phúc lợi xã hội. Nếu họ hoàn thành những nhiệm vụ như cho con em đi học đầy đủ, không dùng ma túy cũng như không có mại dâm thì sẽ được ban tặng danh hiệu "làng văn hóa“. Danh hiệu mang lại tiếng tăm và uy tín nhưng không phải là tiền của.

    Khi du khách đi qua bể cá để trở lại thuyền buồm của họ thì bọn trẻ lại một lần nữa chạy đến rao bán những món đồ của chúng. Con thuyền lại đi tiếp cung đường tới một vũng tiếp theo và du khách lại trở về với thế giới khác, thế giới của những chiếc thuyền buồm nơi mà du khách được dùng những chiếc khăn lạnh ướp hương sả.

    NAM HẢI (Theo Stefanie Bisping - báo Thế Giới, Đức) - TTO

Related Topics


Trang:
Actions