Hội du lịch Việt Nam

Du lịch ba miền (Không quảng cáo tour ở đây) => Miền Nam => Tác giả chủ đề:: taophung vào Tháng Năm 27, 2009, 11:26:36 PM

Tiêu đề: Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau – Ẩn chứa nhiều tiềm năng quý giá
Gửi bởi: taophung vào Tháng Năm 27, 2009, 11:26:36 PM
Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau vừa chính thức được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Điều gì khiến UNESCO đồng ý “kết nạp” hai địa danh này vào hệ thống 553 địa danh trên 107 quốc gia?

Theo Đánh giá của UNESCO : Cù Lao Chàm là vùng quần đảo ven biển nằm ở miền Trung Việt Nam, nổi tiếng với các loài sinh vật biển như rặng san hô, động vật thân mềm, giáp xác và tảo biển. Khu dự trữ sinh quyển này bao bọc lấy Hội An - một di sản văn hóa thế giới - xưa vốn là một thương cảng chứng kiến sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu” - UNESCO giới thiệu.

Cù Lao Chàm là một quần gồm 8 đảo lớn nhỏ nằm trên khu vực biển có diện tích 15 km2 thuộc xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An - Quảng Nam), phân bổ theo hình cánh cung cách Hội An 19 km. Cù Lao Chàm có trên 1.500ha rừng tự nhiên và 6.700ha mặt nước, được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học hiếm có trên thế giới. Trong đó, đảo lớn nhất là Hòn Lao, với khoảng 3.000 ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Cù Lao Chàm sở hữu rặng san hô rộng 165 ha, gồm 188 loài, 61 giống thuộc 13 họ khác nhau. Khu vực này có hơn 200 loài cá, xuất hiện trong 500 ha rong biển, tảo, cỏ  biển… Ngoài ra, sự phong phú của rặng san hô, các thảm cỏ biển, rong biển là môi trường sinh sống, phát triển lý tưởng của các sinh vật đáy như thân mềm, giáp xác, da gai, giun… với mật độ dày đặc.

Không chỉ “giàu có” về các sinh vật biển, quần thể động, thực vật trên cạn của Cù Lao Chàm cũng rất có giá trị. Xã đảo này có nhiều loài cây quý hàng trăm năm như tuế, vông nem và là nơi có độ bao phủ của thảm thực vật lớn. Điều kiện này cũng giúp các loài động vật phát triển, trong đó có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài lưỡng cư. Hai trong số đó có tên trong Sách đỏ Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.

Cù Lao Chàm - Hội An còn là một quần thể văn hóa, nơi còn nhiều di tích của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt. Từ hơn 3.000 năm trước, nơi đây đã có người sinh sống và trong lịch sử, đay đã từng là một thương cảng nức tiếng, là nơi neo đậu của các thuyền buôn quốc tế trong hành trình giao thương trên biển.

 

UNESCO đánh giá: với sự hội tụ những giá trị văn hóa và thiên nhiên, sự đa dạng sinh học vốn có, Cù Lao Chàm - Hội An là địa chỉ lý tưởng để xúc tiến phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha với 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải dài trên 3 huyện địa đầu thuộc tỉnh Cà Mau.Vùng lõi được cấu thành từ 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven biển Tây.

Với các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được coi là ngôi nhà chung của hàng nghìn loài sinh vật và cũng là nguồn tài nguyên địa chất phong phú.

Hệ thống rừng ngập mặn ở đây được cho là đa dạng hàng đầu thế giới, chỉ kém rừng ngập mặn ở Nam Mỹ. Ngoài cây đước, thảm thực vật ở rừng ngập mặn Cà Mau còn có vẹt, sú, mắm, bần, chà là, dương xỉ… là cái nôi của hàng trăm loài động vật, đặc biệt là các vườn chim tự nhiên.

Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau năm 2006 nhận định: hệ sinh thái nơi đây có́ 22 loài cây ngập mặn, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh.  Nhiều loài chim quý có tên trong Sách đỏ như giang sen, bồ nông chân xám cũng được ghi nhận nơi đây.

Được gọi là vùng “đất nở”, bãi bồi phía tây Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích 6.500 ha vẫn hàng năm lấn biển, mở rộng nơi trú ngụ và phát triển của nhiều loài thủy sinh quý, là nơi cung cấp con giống thiên nhiên cho tỉnh Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Theo Đánh giá của UNESCO: Mũi Cà Mau thể hiện sự liên kết các hệ sinh thái ở những vùng phù sa mới. Giá trị bảo tồn của Mũi Cà Mau còn thể hiện ở vai trò là nơi tiếp giáp giữa rừng đước và rừng tràm, và là nơi sinh sản và phát triển của các loài thủy sinh.

UNESCO cho rằng, cần có kế hoạch phát triển bền vững khu vực này với trọng tâm là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, đồng thời cần đào tạo để cải thiện nông nghiệp và nghề cá nơi đây.
Mobile View