Sau khi khảo sát thực tế bốn xã đảo: An Sơn, Nam Du, Lại Sơn, Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng huyện đảo Kiên Hải hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến du lịch biển hấp dẫn không kém gì Phú Quốc. Chính vì vậy, các sở, ngành và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại – du lịch của tỉnh cần giúp Kiên Hải phát huy thế mạnh này.
Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang có 23 hòn đảo lớn, nhỏ quần tụ trên một diện tích 30 km2. Kiên Hải hiện có dân số khoảng 28.000 người sinh sống rải rác trên 11 hòn đảo thuộc bốn đơn vị hành chính là các xã: Hòn Tre (trung tâm hành chính), An Sơn, Lại Sơn và Nam Du.
Nhiều hòn đảo trên vùng biển Kiên Hải có thiên nhiên còn rất hoang sơ nên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với du khách thích loại hình du lịch “bụi”. Đến với vùng biển này, du khách có thể tự mình trải nghiệm các loại hình du lịch: nghỉ dưỡng, sinh thái, vườn đồi, thể thao dưới nước, hội thao, leo núi, cắm trại dã ngoại… Hiện nay, hai đảo Hòn Tre và Lại Sơn đã có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với hệ thống đường vòng quanh đảo và đường xuyên đảo khá đẹp, còn đường quanh đảo Nam Du thì đã triển khai và sẽ sớm hoàn thành.
Tại xã Nam Du, ấp Hòn Mấu được người dân địa phương đánh giá là đẹp nhất với bãi cát vàng bao quanh và những hàng dừa vươn mình vút lên trời xanh. Còn xã An Sơn thì có hòn Sơn Rái với năm bãi biển là: Bãi Bấc, bãi Bàng, bãi Nhà, bãi Bắc và bãi Thiên Tuế. Trong đó bãi Nhà là nơi đặt trung tâm hành chính của xã Lại Sơn, còn bãi Bàng là bãi biển đẹp và dài nhất đảo với hơn 2 km bờ biển cát vàng mịn lượn vòng theo sườn dốc.
Không quá lớn như đảo Phú Quốc, mỗi hòn đảo của huyện Kiên Hải tuy khá giống nhau về hình thù trồi lên giữa biển, nhưng lại có những nét đặc trưng rất riêng về cảnh quan thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội. Mặc dù là trung tâm hành chính của cả huyện, nhưng đảo Hòn Tre thuộc loại “em út” về diện tích, chiều cao so với các đảo khác. Dù nhỏ, nhưng tại đây cũng có bãi Chén với con suối nước ngọt tự nhiên chảy từ núi thẳng ra rất thích hợp để tắm và lặn biển. Hòn Tre còn nổi tiếng với du khách bởi đặc sản hồ tiêu, xoài, mít mọc rất nhiều trên núi. Xoài Hòn Tre được nhiều du khách đánh giá còn ngon hơn cả… xoài cát Hoà Lộc bởi vị ngọt thanh, xớ dai giòn không lẫn vào đâu được. Mít Hòn Tre cũng thuộc loại đặc biệt, múi vàng tươi, thơm lừng, ngọt lịm ngay từ đầu lưỡi nên để lại ấn tượng rất khó quên.
Đến với các đảo thuộc vùng biển Kiên Hải, ngoài những loại hình du lịch thông thường đã nêu ở trên, du khách còn có cơ hội khám phá một kiểu du lịch rất mới và rất lạ là du lịch theo những cung đường vòng quanh và xuyên đảo. Nếu con đường vòng quanh đảo Hòn Tre khá ngắn và đơn giản, thì con đường vòng quanh đảo và đường xuyên đảo ở hòn Sơn Rái (xã Lại Sơn) có lẽ ngoạn mục và đẹp nhất vùng biển Tây. Trên cung đường này, những con dốc nghiêng 10% và những đoạn cua “cùi chỏ” nối nhau liên tiếp, cảnh quan thiên nhiên mỗi lúc một đổi khác cùng với tầm nhìn sẽ khiến du khách phải liên tục dừng chân và mỏi tay bấm máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng của thiên nhiên hùng vĩ.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, quyến rũ, các đảo của Kiên Hải còn nổi tiếng bởi nhiều loại đặc sản miền biển như: Cá bống mú (có tới bảy loại), cá thu, cá bóp, các loại ốc biển, cua, ghẹ, tôm tích… Riêng xã Lại Sơn còn có đặc sản trứ danh là nước mắm “Hòn Sơn” với bí quyết gia truyền hàng trăm năm nay.
Hiện tại, hai trung tâm hành chính và kinh tế lớn nhất Kiên Hải là Hòn Tre và Lại Sơn đều đã có tàu cao tốc ra vào đất liền hàng ngày. Các hòn đảo khác cũng có tàu trung chuyển khách tới Lại Sơn và Hòn Tre nên việc đi lại đã khá thuận tiện. Tại Hòn Tre và Lại Sơn cũng đều có hệ thống nhà nghỉ với hàng chục phòng quạt, máy lạnh giá rất mềm, phòng quạt chỉ từ 100.000 – 120.000đ/ngày đêm, phòng máy lạnh thì từ 180.000 – 220.000đ/ngày đêm, điện sinh hoạt đảm bảo 24/24 giờ mỗi ngày.
Điều kiện cảnh quan thiên nhiên, sản vật địa phương, kinh tế - xã hội sẵn sàng như vậy, nhưng nhiều năm nay ngành du lịch dường như… đang lãng quên vùng biển này. Ông Ong Văn Ngay – Bí thư huyện đảo Kiên Hải – trăn trở huyện, rồi tỉnh đã nhiều lần kêu gọi, thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch, nhưng buồn một nỗi là doanh nghiệp chỉ đăng ký dự án rồi bỏ đó hết năm này sang năm khác, không thấy triển khai gì cả.
Trong khi chính quyền huyện Kiên Hải vẫn đang loay hoay với câu hỏi: Nhà đầu tư du lịch ở đâu? Thì ngay bên cạnh, quần đảo Bà Lụa thuộc xã đảo Sơn Hải (huyện Kiên Lương) lại đang phát triển mô hình người dân địa phương tự làm du lịch rất thành công, mà điển hình là gia đình của chị Phạm Tô Thuỷ sống tại hòn Đầm Đước. Từ chỗ sinh sống cực khổ, phải vật lộn với biển cả mưu sinh từng bữa, tới nay gia đình chị Thuỷ đã có cơ ngơi du lịch sinh thái biển trị giá hàng chục tỉ đồng, tất cả đều do công sức của hai vợ chồng làm ra.
Nhưng để giải bài toán này không khó. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ vốn để người dân chỉnh trang nhà cửa làm cơ sở lưu trú theo đúng đặc trưng văn hoá địa phương, rồi tập huấn kỹ năng và văn hoá giao tiếp, kỹ năng phục vụ, kiến thức gìn giữ cảnh quan môi trường, kiến thức về luật pháp… là họ sẽ trở thành những doanh nhân làm du lịch thực thụ. Chỉ khác doanh nghiệp đầu tư bài bản ở chỗ người dân địa phương chắc chắn sẽ mang theo bản sắc văn hoá của mình vào trong sản phẩm, đó cũng là một cách thổi hồn văn hoá cho ngành du lịch Kiên Hải trong tương lai./. (Theo website Kiengiangvn)