Những tên cầu, tên xóm gắn liền với lịch sử phát triển hệ thống đường sắt nội đô của Sài Gòn xưa sau hơn 100 năm giờ vẫn còn tồn tại.>>> Dấu xưa xe lửa Sài Gòn - Bài 1: Từ xe lửa đến xe điệnTừ thời Pháp thuộc, Sài Gòn đã tồn tại cả mạng lưới đường sắt khá hoàn hảo. Đường sắt quốc gia thì có bốn tuyến (xếp theo trình tự thời gian xây dựng, hoàn thành) là: Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Gò Vấp - ngã tư Ga - cầu Phú Long - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn (dự tính kéo dài lên Tây Ninh nhưng phải dừng lại nửa chừng) và sau cùng là tuyến Sài Gòn - Hà Nội. Hai tuyến đường sắt chuyên dùng là tuyến nối ray từ Ga Sài Gòn cũ (Công viên 23-9 bây giờ) kéo xuống cảng Sài Gòn và tuyến nối ray từ Ga Gò Vấp xuống Tân Cảng.
Phát lộ sau mưaĐến nay toàn bộ mạng đường sắt cũ ở TP.HCM gần như mất dấu. Riêng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho thì chỗ bị tháo dỡ, chỗ bị vùi lấp.
Những cơn mưa trái mùa vừa qua đã làm phát lộ một đoạn đường sắt chưa bị tháo dỡ nằm vắt ngang giao lộ Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương. Đây không phải lần đầu tiên người dân TP được thấy lại dấu xưa tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Vài năm trước, cũng do mưa và xe đi lại nhiều nên lớp nhựa đường phủ mặt bị bong tróc, làm lộ ra đoạn đường sắt nơi giao lộ Nguyễn Duy Dương - Hùng Vương (gần chợ An Đông).
Lộ diện và lưu dấu lâu nhất với TP là đoạn đường sắt nằm ở giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền, nhìn chéo sang trước nhà thờ Văn Lang. Vài năm trước, đoạn đường sắt kẹp đôi này vẫn còn nằm nhô lên khỏi mặt đường nhựa. Sau ngành giao thông đem phủ lên một lớp bê tông nhựa nóng dày gần 20 phân. Năm 2011, khi đặt cống hộp chạy ngầm dưới đường Ngô Quyền để dễ thi công người ta bèn đào móc lên, cắt bỏ đoạn đường sắt bị chôn ở hướng tay phải từ đường Ngô Quyền xuôi xuống đường Nguyễn Trãi.
Cầu Phú Long nối Sài Gòn với Lái Thiêu xưa là cầu đường sắt. Ảnh: LƯU ĐỨCCùng các tài liệu khác, những đoạn đường sắt phát lộ nêu trên cho thấy lý trình của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho có đoạn chạy trong nội đô. Tuyến bắt đầu từ đầu đường de La Sommé (Hàm Nghi) đi qua bùng binh Sài Gòn (công trường Quách Thị Trang, lúc này chưa có Ga Sài Gòn), vòng qua đường D’Arras (Cống Quỳnh), Phạm Viết Chánh đi xuống gặp đường Fréderic Drouhet (Hùng Vương), đường Charles Thomson (Hồng Bàng) và qua các ga Chợ Lớn (khu Thuận Kiều Plaza), chợ Phú Lâm, ngã ba An Lạc, quốc lộ 1 (đi bên trái và sát quốc lộ 1 theo hướng Sài Gòn - Cần Thơ).
Tuyến đường rầy bo boTrở lại khu vực đường Hàm Nghi (tên cũ de La Sommé) nơi có trụ sở của Sở Hỏa xa Đông Dương (nay là trụ sở Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn, 136 Hàm Nghi, quận 1). Trước năm 1980, ngã ba Bạch Đằng - Hàm Nghi vẫn còn dấu tích đường xe lửa, đây là một đoạn của tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa từ cảng Sài Gòn lên. Nhiều nguồn tư liệu cho thấy trước năm 1954, đoạn đường de La Sommé trước Sở Hỏa xa Đông Dương là khu ga đầu mối của các tuyến tramways Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gia Định. Sau này, khi mở tuyến đường sắt chuyên dùng từ cảng Sài Gòn lên người ta chỉ cần nâng cấp, rồi sử dụng chính đoạn đường ray của tuyến tramways. “Đây là lý luận kinh điển của ngành đường sắt về sử dụng cùng một khổ đường ray cho nhiều loại phương tiện chạy ở trên” - chuyên gia đường sắt Hà Ngọc Trường nói.
Đường xe lửa nằm ở đường Hàm Nghi chạy thẳng ra Bến Thành rồi vào khu Ga Sài Gòn cũ. Từ năm 1975 đến 1979, hằng ngày người dân vẫn thấy xe lửa chạy từ cảng Sài Gòn qua Nguyễn Tất Thành - Hàm Nghi - Ga Sài Gòn cũ - Nguyễn Thượng Hiền - Ga Hòa Hưng... Những năm đó, dân nghèo chuyên nhảy lên tàu rạch bao bo bo cho chảy xuống đường đặng hốt... Vì thế người dân gọi đoạn đường sắt này là đường rầy bo bo.
Năm 1978, Ga Sài Gòn tạm dời về Ga Bình Triệu, đồng thời Ga Hòa Hưng cũ được tu sửa, chỉnh trang để chuyển đổi thành ga hành khách. Đến tháng 11-1983, Ga Sài Gòn chính thức hoạt động tại phường 9, quận 3 bây giờ. Cũng từ năm 1983 đến sau 1990, tuyến đường sắt chuyên dùng từ cảng Sài Gòn lên ngưng chạy tàu, các đoạn đường rầy cũng dần bị cào bóc hoặc chôn lấp, mất dấu hoàn toàn. Đoạn từ Công viên 23-9 lên tới Ga Sài Gòn mới thì bị chôn hẳn để biến thành đường phố như đường Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Phúc Nguyên… bây giờ.
Đoạn đường sắt ở giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền, chéo phía trước nhà thờ Văn Lang vài năm về trước. Ảnh: LƯU ĐỨC Lịch sử một cây cầuNgày 1-2-2012, cầu Phú Long mới nối liền quận 12, TP.HCM với thị xã Thuận An, Bình Dương được khánh thành. Cầu mới nằm ở hạ lưu, cách cầu Phú Long cũ (xây từ năm 1912) chừng 500 m.
Ông Phạm Lân, ngụ phường Thạnh Lộc (quận 12), kể trải mấy đời ông bà, cha mẹ của ông đều sinh ra và sống ở đây từ khi người Pháp xây cầu cho xe lửa từ Sài Gòn đi Lái Thiêu. Dân gian gọi là cầu sắt xe lửa, còn tên gọi cầu Phú Long thì mới có chừng 50 năm. Ở phía Lái Thiêu, nhà ga xe lửa cách chân cầu khoảng 2 km gần đại lộ Bình Dương bây giờ, nay dân xây nhà cùng khắp nên nhà ga xưa không còn dấu tích nữa.
Cầu Phú Long xưa làm theo kết cấu Eiffel, dùng chung cho xe lửa và đi bộ. Khoảng năm 1953, cầu bị đánh sập mấy nhịp giữa sông. Đến năm 1967, cầu được làm đi làm lại mấy lần, rồi bị đánh sập tiếp. Có lần vừa ăn khánh thành buổi sáng thì buổi tối cầu bị đánh sập. Trực thăng phải cấp tập chở vật liệu tới làm cầu phao nổi. Khoảng năm 1970, công binh hỏa xa bắc lại cầu phía Sài Gòn bằng nhịp sắt Bailey làm sẵn của Mỹ, mặt thả ván gỗ. Từ sau 1975, sau nhiều lần thay ván gỗ, mặt cầu mục nhanh, đi lại dễ bị trơn trượt trong tiếng kêu lụp bụp, lậc khậc. Sau năm 1980, ngành giao thông cho làm vỉ sắt đổ bê tông lớp mặt nên việc đi lại thuận lợi hơn. Vì thế, mấy kỹ sư giao thông mới nói vui: “Cây cầu trăm tuổi này phần xác thì nửa Tây, nửa Mỹ, còn cái mặt là… của ta”.
Theo chuyên gia Hà Ngọc Trường, tuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Thủ Dầu Một (qua cầu Phú Long) được Pháp làm để phục vụ cho các quan chức người Pháp và bản địa làm việc trên Sài Gòn về miệt vườn Lái Thiêu đổi gió cuối tuần. Tuyến được nối ray từ Ga Xóm Thơm (Ga Gò Vấp) chạy ra đường Nguyễn Oanh, Hà Huy Giáp bây giờ. Ở ngay ngã tư con lộ An Phú Đông xưa để đi Tân Thới Hiệp (nay là quốc lộ 1) người ta lập ra nhà ga, nằm ngay vị trí bến xe bây giờ, để tàu dừng đón khách và làm tác nghiệp trước khi vượt cầu Phú Long. Người dân gọi nơi ấy là ngã tư Ga, chết tên đến tận bây giờ.
Xóm đường rầy, cống Bà XếpTừ sau năm 1936, khi đường sắt Bắc - Nam thông tuyến đã có những cuộc di cư của người dân thường cũng như phu hỏa xa từ Bắc vào Nam. Tại Sài Gòn, họ định cư ở một số điểm và từ đó hình thành nên các địa danh gắn liền với nghề và người của hỏa xa.
Trước hết là địa danh xóm đường rầy. Xóm này nằm ở hai bên đoạn đường sắt Thống Nhất, dài 1.880 m, chạy qua các phường 13, 10, 8, 9, 4 quận Phú Nhuận. Xóm bắt đầu từ cổng xe lửa số 6 trên đường Huỳnh Văn Bánh đến cổng xe lửa số 11 trên đường Thích Quảng Đức. Xưa người trong xóm làm đủ nghề liên quan đến xe lửa như lái tàu, phu xúc than trên tàu, đi toa, gác ghi, kiểm tu…
Qua khỏi chợ Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám đến hẻm 540 quẹo phải vào một đoạn có gác chắn cho hai cặp đường rầy chạy song song. Xưa dưới hai cặp đường rầy có ống cống nối mương hở thoát nước cho cả khu vực ra kênh Nhiêu Lộc. Cống đó có tên là cống Bà Xếp. Chuyện kể rằng Bà Xếp là vợ của một sếp ở Ga Hòa Hưng (chef de gare), có nhà ở khu vực cống. Theo lệ, quan ở đâu, phu ở đó, vì thế khu vực chung quanh cống này trở thành nơi quần tụ của người làm ở trong ga và xí nghiệp đầu máy… sau nó thành tên gọi chung là xóm cống Bà Xếp. Bây giờ, các địa danh mương, cống, xóm Bà Xếp đang nhạt dần vì mương đã được đặt cống hộp, bên trên thành mặt đường rộng, nhà cửa khang trang với tên đường là Trần Văn Đang.
Sau này xóm cống Bà Xếp còn mở rộng sang và được chỉ chung cho cả một phần phường 12 và 13, quận Phú Nhuận (nằm đối diện phía bên kia kênh Nhiêu Lộc). Sở dĩ gọi như vậy là vì có cầu Bà Xếp bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nằm giữa cầu số 6 và số 7 bây giờ. Cầu này làm theo dạng cầu Eiffel, rộng 4,7 m ở giữa dành cho xe lửa, lề bộ hành ở hai bên, mỗi bên rộng 1,25 m. Năm 2000, cầu được làm lại nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng từ 100 năm trước.
Ngoài ra, trên đường Lý Thái Tổ (phía quận 3) còn có con hẻm, vốn là nơi ở của những người làm hỏa xa từ miền Bắc vào sau năm 1936. Điều đặc biệt, trước hẻm giờ vẫn còn treo bảng “Cư xá công nhân đường sắt”.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Theo: phapluattp.vn