Chỉ cần 2 tiếng đồng hồ đi xe gắn máy theo đường Xuyên Á qua cầu vượt Củ Chi rồi rẽ vào đường Nguyễn Thị Rành hay tỉnh lộ 7; hoặc theo tỉnh lộ 15 từ thị trấn Hóc Môn qua các triền đồi, ngã tư An Nhơn Tây... là bạn đến với Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, một điểm du lịch truyền thống độc đáo.
Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi nằm trên đất Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng cách trung tâm thành phố khoảng 70 cây số, là vùng đất với địa danh Bến Dược, có ranh giới thiên nhiên là sông Sài Gòn, bên kia sông là Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương.
Từ năm 1990 - năm Du lịch quốc gia đầu tiên - Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, lúc đó là khu Địa đạo Bến Dược - Củ Chi, đã được sự quan tâm và chọn làm tuyến điểm du lịch của ngành du lịch thành phố. Sự quan tâm này phù hợp với chủ trương của Thành uỷ, Bộ Tư lệnh thành phố và Huyện uỷ Củ Chi về việc giữ gìn, tôn tạo khu di tích địa đạo bao gồm Bến Dược - căn cứ Khu uỷ Sài Gòn Gia Định và Bến Đình - căn cứ Huyện uỷ Củ Chi, xây dựng nơi đây thành khu du lịch mang tính truyền thống.
Từ năm 1990 đến nay đã 18 năm, khu Địa đạo Bến Dược Củ Chi thay đổi không ngừng, các rừng cây mới trồng đã lên cao xen với rừng nguyên sinh còn sót lại sau chiến tranh, các tầng địa đạo được giữ lại thành khu tham quan đuợc gia cố chắc chắn và đặt các hình người bằng composte mô tả phòng họp, trạm xá, ụ chiến đấu, hầm tránh bom và nơi sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ thời chiến tranh.
Khách tham quan địa đạo Củ Chi hàng năm khoảng 1 triệu người trong đó có các đoàn khách quốc tế, khách du lịch nước ngoài, các cựu chiến binh Hoa Kỳ; khách đoàn trong nước từ Nam chí Bắc và sinh viên học sinh thành phố. Đến với địa đạo Củ Chi, khách du lịch hiểu thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, sự gian khổ của chiến sĩ, đồng bào Củ Chi qua các phim tư liệu, sản vật trưng bày và qua thực tế khi chui vào các đường ngầm trong lòng đất, phát hiện hầm chông, hầm bí mật; cảm nhận được sự diệu kỳ của "địa đạo chiến"tại Củ Chi, một điểm độc đáo của thế trận chiến tranh nhân dân.
Năm 1991, trong thời kỳ đầu tôn tạo và mở rộng khu di tích địa đạo Củ Chi, các đoàn khách tham quan - trong đó có các bà má cách mạng, các cán bộ phụ nữ các tỉnh - khi nghĩ đến cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Sài Gòn Gia Định hy sinh trong thời chiến tranh, đã tìm chỗ thắp nhang tưởng nhớ. Các má van vái liệt sĩ rồi cắm nhang dưới gốc cây, bên bờ cỏ với lòng thương nhớ khôn nguôi. Điều xúc động này đã mở ý cho lãnh đạo khu di tích địa đạo Bến Dược - Củ Chi xây dựng "một nơi tưởng nhớ liệt sĩ" ngay tại vùng đất vốn chịu nhiều bom đạn khủng khiếp của quân thù.
Sau nhiều lần xin ý kiến và được sự đồng ý, ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân thành phố, đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược được khởi công xây dựng ngày 19 tháng 5 năm 1993 và khánh thành ngày 19 tháng 12 năm 1995. Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược với ý tưởng ban đầu là nơi thờ phụng các liệt sĩ Củ Chi hy sinh trên đất Củ Chi, đã được chuyển lên một cấp độ cao hơn là thờ phụng những người con ưu tú của Sài Gòn Gia Định và các tỉnh thành trong cả nước đã đóng góp máu xương cho vùng đất anh hùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong hai thời kỳ kháng chiến. Danh sách liệt sĩ được bổ sung nhiều lần. Tính tới năm 2008, danh sách liệt sĩ được đưa vào thờ phụng tại đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược đã lên đến con số 44.728 .
Sau lễ khánh thành đền Tưởng niệm năm 1993, Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân TPHCM lấy ngày 19.12 hàng năm để tổ chức tại đền lễ tri ơn các anh hùng liệt sĩ và đồng bào Sài Gòn Gia Định đã góp công lao, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây cũng là dịp để khu di tích Địa đạo Củ chi tổ chức lễ hội văn hoá - thể thao với nhiều loại hình thi đua, vui chơi giải trí mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Đối với người dân các xã ở huyện Củ Chi, những ngày này trở thành ngày hội truyền thống.
Vào các ngày lễ lớn, khách viếng thăm đền và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ rất đông nói lên được tình cảm và sự tri ân của người dân thành phố đối với người đã khuất, thể hiện đạo đức truyền thống của dân tộc ta "uống nước nhớ nguồn".
Các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước khi đến viếng đền tưởng niệm đã trồng cây lưu niệm. Vườn cây quanh đền nay đã xanh tươi.
Từ đầu năm 2000, một công trình được triển khai ngay trên khu đất rộng 20ha trong Khu Di tích địa đạo, cho đến nay đang hình thành đã tái hiện vùng đất cây cỏ hoang sơ thành "vùng Giải phóng" lấy bối cảnh trước năm 1965, tức trước lúc Mỹ đổ quân đánh phá Củ Chi, mở rộng chiến tranh cục bộ.
Vùng giải phóng với làng chiến đấu có chốt gác và kẻng báo động, có chợ, lớp học, nhà trung nông với cối xay gạo, nhà dân với giàn bí xanh, lò nấu rượu, nơi tráng bánh... bên ngoài là giao thông hào, xa xa có 2 anh du kích đang đào địa đạo, vài con trâu gặm cỏ, cô gái hái rau... mô tả một cuộc sống bình yên nhưng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xóm làng của người Củ Chi. Chợ trong vùng giải phóng bày bán khô, mắm, gạo, thức ăn, quần áo, rỗ rá, nón, dép... đặc biệt có món bánh xèo nhà quê và rượu đế Hoa Hồng.
Chuyển sang thời chiến, vùng giải phóng của giai đoạn sau 1965 đầy vết tích chiến tranh, với chiến hào có các tay súng du kích, có xe tăng giặc bốc cháy; hầm của công binh xưởng chế tạo võ khí từ mìn trái lép, có trạm xá với các thương binh và có nắng gay gắt trên đầu mô tả đất Củ Chi thời giặc Mỹ "ủi sạch, phá sạch, đốt sạch".
Theo dự án tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, trong năm nay sẽ có thêm trên khoảnh đất này một không gian khác với "Ấp chiến lược" nơi giặc gom dân từ các xóm ấp về có hàng rào gai, vọng gác; với vùng tranh chấp địch-ta trong thời điểm từ 1965 đến 1973 và sau khi các ấp chiến lược bị quân và dân Củ Chi san bằng, người dân cùng nhau trở về nền đất cũ...
Số du khách đến với Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi tăng dần hàng năm, cộng thêm với khách đoàn phần đông là người nước ngoài đến di tích căn cứ Huyện uỷ tại Bến Đình, con số đã lên đến 1,5 triệu người. Với sinh viên, học sinh thành phố nhiều buổi lễ kết nạp Đoàn viên và hội trại được tổ chức tại đây, trên khoảng sân rộng bên bờ sông Sài Gòn lộng gió.
Mùa hè, các bạn trẻ nên đến tham quan địa đạo Củ Chi một ngày, vui chơi dưới rừng cây rợp mát, chui địa đạo, thưởng thức món khoai mì muối đậu của Củ Chi, đi chợ vùng giải phóng và thắp hương viếng bái các liệt sĩ vị quốc vong thân, các bậc tiền hiền năm xưa mở cõi...
Nguồn: Lao Động