Đến Tây Ninh, du khách nào cũng phải dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tòa Thánh Cao Đài- một công trình kiến trúc độc đáo được dân địa phương gọi là Đền Thánh. Công trình được bắt đầu xây dựng từ năm Tân Mùi (1931), hoàn thành vào năm Đinh Hợi (1947). Đền quay mặt về hướng Tây, chiều dài 135 mét, chiều rộng 27 mét, lầu chuông và lầu trống cao 36 mét...
Người ta nói rằng: chiêm ngưỡng Tòa Thánh Tây Ninh vào tháng 8 âm lịch mới thấy được hết vẻ đẹp vốn có của nó. Có lẽ chính vì thời gian này cũng là dịp diễn ra lễ Hội yến của các tín đồ Cao Đài.
Khuôn viên Đền Thánh rộng khoảng 1km² và được 4.000 mét hàng rào bao bọc với 12 cửa ra vào luôn rộng mở. Nhìn tổng thể, Đền Thánh được xây dựng theo hình Long Mã bái sư rất uy nghi và dũng mãnh. Vẻ đẹp của Đền Thánh là kết hợp hài hòa của cả kiến trúc Đông-Tây. Hai lầu chuông và trống nằm ở chính diện cao vút như những gác chuông của nhà thờ phương Tây. Các mái ngói Đền Thánh cong uốn lượn nhiều tầng bậc lại mang dáng dấp của những ngôi chùa phương Đông. Tứ linh hội tụ và hoa sen xuất hiện trong tất cả hạng mục công trình mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh của người Việt.
Đạo Cao Đài ra đời với lý thuyết là sự đồng nguyên của 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo. Do vậy, công trình kiến thúc của Đền Thánh cũng thể hiện sự đồng nguyên đó. Vì thế, du khách dù là tín đồ của tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào khi đến đây cũng cảm nhận được không khí gần gũi, ấm áp toát lên từ lối kiến trúc độc đáo, dung hòa giữa các nền văn hóa và tâm linh. Khi đặt chân vào bên trong, du khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ uy nghi và trang trọng của mái vòm và những hàng cột chạm trổ hình rồng uốn lượn rất tinh vi. Trong Đền Thánh lúc nào cũng mát mẻ, kể cả lúc thời tiết bên ngoài hơn 36 độ C, bởi kiến trúc ở đây tận dụng được ánh sáng và không khí tự nhiên nên du khách cảm thấy rất thoải mái khi dạo bước trong đền. Du khách muốn tìm hiểu về đạo Cao Đài hay quan tâm đến những kiến trúc độc đáo này thì có thể hỏi những người đang trực nhật. Những tín đồ ngoan đạo trong trang phục áo dài trắng thường xuyên túc trực trong Đền Thánh, sẵn sàng và nhiệt tình trả lời những thắc mắc của du khách. Ngoài Đền Thánh và Đền Thờ Phật Mẫu, du khách còn có thể tham quan hàng chục công trình khác gần đó và tận mắt thấy nhiều cây gỗ quý cao vút, có niên đại hàng trăm năm.
Đến viếng Đền Thánh vào các dịp lễ lớn, đặc biệt là dịp Mùng 9 tháng Giêng và Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, du khách được sống trong không khí lễ hội, tấp nập người từ khắp nơi đổ về. Đền Thánh về đêm trở nên lung linh, huyền ảo khi khoác trên mình những ánh đèn màu. Vào dịp lễ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khéo léo các tín đồ Cao Đài qua những cổ trái cây mang hình dáng của những con vật trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) rất điệu nghệ...
Nguồn TCDL