Điểm đến du lịch hấp dẫnKhi nghe tên “Chợ Lách” có người liên tưởng ngay tới một cái chợ nằm giữa một vùng lau lách. Về giả thuyết cũng là một cách để giải thích về cái tên của vùng đất này. Trước đây, muốn đến Chợ Lách phải qua phà. Kể từ ngày 24/4/2010 cầu Hàm Luông đã khánh thành nối đôi bờ thành phố Bến Tre với cù lao Minh, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho du khách tìm đến thưởng ngoạn vùng đất sinh thái – miệt vườn nổi tiếng cả nước về “vườn cây trái và hoa kiểng”. Từ thành phố Bến Tre đi bằng đường bộ đến trung tâm huyện Chợ Lách khoảng 39 km.
Huyện Chợ Lách nằm trên phần đất hẹp nhất ở phía trên cùng của vùng đất cù lao Minh, có chiều dài 22,5 km và chiều ngang giới hạn bởi hai bờ của con sông Cổ Chiên và Hàm Luông, nơi hẹp nhất chỉ có 2 km. Diện tích Chợ Lách còn bị chia cắt bởi một hệ thống kênh rạch chằng chịt. Hiện trạng này ít nhiều cũng gây trở ngại cho việc đi lại bằng đường bộ, nhưng lại rất tiện lợi về đường thủy cũng như về mặt tưới tiêu.
Chợ Lách có diện tích thuộc hàng nhỏ nhất so với các huyện khác của tỉnh, mật độ dân số lại cao. Nhưng Chợ Lách có lợi thế riêng mà các huyện khác trong tỉnh không có được. Nằm giữa hai dòng sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, đất đai Chợ Lách được sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn này, lại được tưới tắm bởi một hệ thống kênh rạch lớn, nhỏ chạy ngang dọc. Hàng năm, vào mùa nước lên, một số vùng thấp bị ngập độ vài tháng và khi nước rút để lại trên mặt đất trồng một lớp phù sa như một loại phân bón mới.
Phải nói rằng sự ưu đãi của thiên nhiên làm vùng đất này có nước ngọt quanh năm. Chỉ cần một máy bơm nhỏ đôi ba sức ngựa là người nông dân có thể đưa nước ngọt từ dưới sông vào ruộng, vườn của mình theo ý muôn không mấy khó khăn. Cho nên đất đai ở đây gần như không bị thất bát do hạn hán như ở những nơi khác. Đây là địa thế thuận lợi cho việc phát triển cây trồng tươi tốt quanh năm. Đất tốt, nước ngọt quanh năm, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi rất cơ bản giúp cho con người ở đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất của Nam Bộ và trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái và cây giống nổi tiếng cả nước. Chợ Lách còn rất thuận lợi cho giao thông đường thủy lẫn đường bộ, nên từ ngàn xưa đã thu hút người dân hội tụ về đây an cư lạc nghiệp, tạo dựng nên những vườn cây xanh trái ngọt bốn mùa như hôm nay. Đây cũng là yếu tố để lý giải vì sao huyện Chợ Lách “đất hẹp người đông”.
Với những yếu tố vô cùng thuận lợi, nhà vườn và người dân Chợ Lách đã thực sự trở thành những người nông dân của thời đại mới, luôn chịu khó học hỏi, đầu tư những giống cây tốt nhất, trồng đủ các loại trái cây đặc trưng, ngon nhất của vùng đất Nam bộ để cung cấp cho thị trường như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, dâu, nhãn..., làm nên danh tiếng cho vùng đất này.
Đến nơi đây vào mùa trái cây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vườn chôm chôm chín đỏ, những vườn dâu xanh, măng cụt, bòn bon với những buồng trái xây quanh từ gốc đến ngọn, trông thật thích mắt. Những liếp cam, liếp quýt, vườn bưởi, vườn nhãn sai oằn trái che khuất cả lối đi. Trái cây vùng này còn có cả mận, cam, quýt, xoài, chuối, cóc, ổi, mãng cầu xiêm, mít, vú sữa, sapôchê, lêkima, táo, đu đủ…. Phải nói, thiên nhiên ban tặng vùng đất này quá tuyệt, với đa dạng trái cây mùa nào trái ấy, loại trái nào cũng nhiều, cũng ngon, cũng được mọi người ưa chuộng.
Du khách đến Chợ Lách không những được thưởng thức những loại trái cây ngon nổi tiếng, mà còn tận mắt chứng kiến nghề độc đáo nhất: nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo, nhân giống cây ăn quả cùng nghề trồng cây và hoa kiểng. Những sản phẩm này, đã cung cấp cho nhân dân trong tỉnh và toàn quốc với hàng chục triệu cây giống các loại, cũng như các loại cây kiểng, để làm giàu và làm đẹp thêm cuộc sống. Những năm gần đây, các loài cây giống, hoa kiểng đã xuất khẩu ra nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Với tài nghệ và kinh nghiệm cha truyền con nối, thông qua những cây tắc (quất) kiểng trĩu quả, hay những con long, lân hoặc hươu, nai…, được tạo dáng bằng cành và lá cây giống với vẻ đẹp độc đáo, thanh thoát, ta càng cảm phục tài năng và bàn tay khéo léo của con người ở đây. Nghề làm vườn cây trái và sản xuất cây giống, cây hoa kiểng đã đem lại cho người dân ở đây một đời sống sung túc, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, đường sá trong làng sạch và rộng. Nghề này tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới…So với các huyện khác trong tỉnh, thì Chợ Lách là nơi ít bị chiến tranh tàn phá nhất, do đó có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khắc phục những hậu quả chiến tranh, sớm đi vào xây dựng và tổ chức ổn định, phát triển quê hương sau ngày giải phóng.
Vùng đất Chợ Lách, còn có nhà bia của học giả Trương Vĩnh Ký. Ông sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Nơi đây là đất tổ, là trung tâm của xứ sở vương quốc hoa kiểng và cây trái nổi tiềng cả nước. Trương Vĩnh Ký đọc và nói giỏi 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông, được giới học thuật xếp vào danh sách 18 nhà bác học đương thời của thế giới. Ông đã để lại 118 tác phẩm lớn nhỏ, kể cả tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán, không kể những di cảo dang dở. Điều đó chứng tỏ ông có một sức làm việc không biết mệt mỏi và một tri thức uyên bác, bách khoa. Toàn bộ những công trình biên soạn của Ông là kết quả của 40 năm miệt mài lao động và Ông đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là với khoa ngôn ngữ học và khoa lịch sử. Riêng đối với văn học dân tộc và văn học Nam Bộ nói riêng, Ông đã góp một phần có ý nghĩa trong việc sưu tầm, biên soạn, phiên âm với một ý thức trân trọng một loạt tác phẩm như:
Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hịch Quản Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trung nghĩa ca, Gia Định thất thủ vịnh, Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Chuyện khôi hài...Về tín ngưỡng, Chợ Lách là nơi có nhiều tôn giáo: Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo. Chiếm số lượng đông nhất là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà thờ. Họ đạo Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) là họ đạo lâu đời nhất, được thành lập từ tháng 2-1872, là một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta. Nơi đây, ngoài một nhà thờ lớn còn có nhà dưỡng lão, trường học, trại mồ côi và nhà nguyện cho các nữ tu sĩ. Họ đạo Cái Nhum (xã Long Thới) cũng là một họ đạo lớn, ngoài nhà thờ, ở đây còn có một chủng viện. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở hai nơi này chiếm từ 80 - 90 % dân số.
Tại Chợ Lách hàng năm còn diễn ra “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp” vào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl). Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian và tổ chức tại vùng cây trái, hoa kiểng Chợ Lách như một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để ghi nhớ công ơn những người đi trước, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của nhà nông trong tỉnh. Song song đó, cũng nhằm để tôn vinh các nhà vườn giỏi, giới thiệu dịch vụ lao động kỹ thuật, quảng bá các thương hiệu trái cây của Chợ Lách. Trong ngày hội này, những người nông dân phấn khởi giới thiệu những sản phẩm mà họ đã chăm chút tách, ghép để có những giống cây chuẩn, những trái cây ngon. Hầu hết nhà vườn có trái ngon, trái to và sạch đều dự thi trái ngon an toàn hoặc đấu xảo, mong đoạt được danh hiệu cao nhất. Du khách đến Chợ Lách dịp này sẽ thưởng thức được đúng trái ngon mang từ nhà vườn ra mỗi ngày hoặc có thể vào vườn tự tay hái trái với sự hướng dẫn của nhà vườn. Đây cũng là dịp để giới thiệu quảng bá du lịch sinh thái vườn gắn với ẩm thực đặc sản của địa phương. Nhiều năm qua, ngày hội này không những được dân địa phương hào hứng tham gia, mà còn tạo thành sự kiện du lịch độc đáo thu hút khách thập phương đến rất đông.
Điều mà du khách khó có thể bỏ qua đó là: Theo dòng Cổ Chiên, du khách đến tham quan cồn Phú Đa ăn đặc sản ốc gạo vùng sông nước. Theo các bậc cao niên, con ốc gạo đã có mặt từ khi cồn Phú Đa vừa ló dạng và theo năm tháng, chứng kiến con người bên này sông sang khai thác cồn, gặp nước ròng, phải lội sau những buổi chiều về. Con ốc “được làm bạn” với con người từ thuở hàn vi và thưa thớt ấy. Ốc không chỉ là bạn mỗi khi con người lỡ bước sang sông. Ốc còn góp mặt với đời bằng nhiều món ăn thú vị, độc đáo. Nếu đi đường bộ, từ thị trấn Chợ Lách đến UBND xã Vĩnh Bình 6 km và rẽ trái đi tiếp khoảng hơn một cây số là đến Cồn Phú Đa. Nếu đi đường sông, nhìn lên bản đồ, từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách, đến trung tâm huyện rẽ về Vĩnh Long, chạy một đoạn gặp kênh Bổn Sồ là tới nơi. Từ Vĩnh Long sang có dễ hơn, theo sông Cổ Chiên, qua phà Đình Khao chạy thẳng khoảng 10 cây số sẽ đến cồn Phú Đa. Nơi đây hiện vẫn còn nguyên vẹn nét “hoang sơ” của miệt vườn sông nước. Dân gian có câu: “Ốc gạo Phú Đa vừa ngon vừa béo - Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn”.
Về Chợ Lách du khách có thể chọn tham quan tại các vườn trái cây hay xuống xuồng ra sông Cổ Chiên để xem hoặc tham gia cùng người dân nơi đây khai thác ốc gạo hoặc cào hến. Hến vốn sinh ra từ rạch, lớn lên một tí là ra sông, khi “đủ lông, đủ cánh” là “leo lên cồn”. Lúc hến sống được bên cồn là rất mập, trắng lại tròn, nên rất ngon. Qua kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai lý giải có sức thuyết phục là vì sao con hến ở Chợ Lách ruột trắng, ăn rất ngon và giòn. Thực tế hến ở các cồn khác của Chợ Lách cũng có nhiều, nhưng không hiểu sao không ngon bằng hến ở cồn Phú Đa. Bởi vậy, dân trong tỉnh đến cồn Phú Đa gọi hến là “con nghêu nước ngọt” không phải là quá đáng. Điều mà du khách khó quên thưởng thức ở đây là những món ăn dân dã nhưng đặc sắc như: Bánh xèo hến Phú Đa, gỏi cuốn hến hay ốc gạo, gà luộc chấm muối ớt hay ăn cơm cá kho tộ, cá chiên, canh chua, …
Ngoài việc chiêm ngưỡng các loại cây kiểng, khám phá các loại cây ăn trái, thưởng thức các loại trái cây đặc sắc, nổi tiếng, du khách sẽ cảm thấy thiếu vắng nếu không được thưởng thức những món ăn được con người ở đây chế biến từ hương đồng cỏ nội thành những món ăn đặc sắc như: Về vùng Hưng Khánh Trung B có món súp trân châu, gỏi măng cụt, thỏ giỡn trăng, bò tắm nắng. Hay du khách tùy thích mà chọn món: Súp hến cua, hoành thánh ốc, cơm hến gói lá sen ăn với cá điêu hồng tứ bửu. Lên Sơn Định sẽ có gỏi bưởi, gà ấp trứng vàng, ngư trầm bãi cỏ, hoàng long ẩn náo trong lá. Ngoài ra, còn có tôm chiên xù, ốc hấp tôm, gỏi trái cóc, cá lội ao vườn, công múa ngày hội, … Phải công nhận rằng ở Chợ Lách không những mùa nào trái ấy, mà về “văn hóa ẩm thực” cũng mùa nào thức ăn nấy, du khách mặc tình lựa chọn ăn thoả thích. Còn thức uống thì có nước dừa sáp, dừa dứa, tắc xí muội, nước trái cây các loại.
Điều càng thú vị nhất là khoảng trước và sau tết Đoan ngọ (mùng 5/5âl), vùng đất này sản sinh sản vật thiên nhiên độc đáo trong vườn cây trái và du khách có thể thưởng thức đó là: “nấm mối” xào nước cốt dừa lá cách hay xào muối ớt; nấm mối quấn lá cách nướng; lẩu nấm mối; canh măng, canh rau vườn nấu với mấm mối…
Du khách đến với vùng cây lành trái ngọt bốn mùa này, tùy thích chọn lựa tham quan nhiều điểm du lịch sinh thái - miệt vườn nổi tiếng như: Ba Ngói ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình) với vườn cây trái trĩu cành nhiều chủng loại; du lịch sinh thái Năm Công (xã Hưng Khánh Trung B) chuyên sản xuất cây kiểng hình dạng thú, cây cảnh,… Và còn nhiều điểm du lịch như Lan Anh (Cái Mơn); du lịch sinh thái Hồ Vũ (xã Phú Phụng). Phải nhìn nhận rằng chổ nào nơi đây cũng trang trí phù hợp với không gian, rất đẹp mắt, thu hút khách và làm du khách không thể nào quên khi đến vui chơi thưởng thức các món ăn miệt vườn sông nước Cửu Long này. Ngoài sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên cho xứ sở này với không khí trong lành, với cảnh quan, sông nước hữu tình và cây trái tươi tốt quanh năm, người dân vùng đất này còn có cả tấm lòng nhân hậu, hiếu khách, biết giữ chân khách. Du khách đến rồi sẽ đi, nhưng với cách sống, cách bố trí nhà cửa, cây cối trong vườn và lối sống, ứng xử có tình người nơi đây sẽ làm cho khách giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nơi họ từng đến. Và rồi mai mốt họ sẽ giới thiệu với bạn bè và cùng quay trở lại. Hy vọng rằng, với cảnh quan sinh thái – miệt vườn và xu thế đổi mới cách làm du lịch, trong tương lai Chợ Lách sẽ hoà cùng các huyện khác của tỉnh làm nên thương hiệu du lịch vùng sông nước Bến Tre có nét đặc sắc riêng và trở thành thương hiệu “Du lịch xứ dừa” của quê hương Đồng Khởi.
Đến Chợ Lách, du khách có thể chọn lưu trú qua đêm tại khách sạn hay nhà nghỉ tại thị trấn. Hoặc du khách cùng trải nghiệm thưởng thức bản giao hưởng “tấu khúc đồng quê” của thiên nhiên. Tại Chợ Lách du khách tùy thích lựa chọn mua sản phẩm của xứ dừa hay đặc sản đặc sắc của vùng đất này làm quà cho bè bạn kỷ niệm nhân chuyến đi du lịch thú vị khó có thể quên ở vùng “vương quốc cây trái và hoa kiểng” ./.