Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp  (Đã xem 5540 lần)

Đã thoát ra Logan

  • Lữ hành cấp 2
  • **
  • Bài viết: 300
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #14 vào: Tháng Tám 05, 2008, 10:21:42 PM »
Còn Bảo tàng điêu khắc Chămpa
 

 Bảo tàng Chàm được xây dựng từ năm 1915 dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Viễn Ðông Pháp tại Việt Nam. Năm 1936, Bảo tàng được mở rộng thêm và chính thức khánh thành vào năm 1939. Bảo tàng điêu khắc Chàm xây phỏng theo mô típ của các kiến trúc Chămpa, khối nhà trưng bày màu trắng có đường nét trang trí tuy nhỏ nhưng đơn giản và duyên dáng. Hiện nay bảo tàng trưng bày khoảng 300 tác phẩm điêu khắc nguyên bản bằng chất liệu sa thạch, số ít là đất nung được sưu tập từ các đền, tháp Chàm nằm rải rác ở miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Ðây là bộ sưu tập cuối cùng về nghệ thuật điêu khắc Chàm trên thế giới được đặt tại Ðà Nẵng, trung tâm cũ của vương quốc Chămpa.
 
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #13 vào: Tháng Tám 01, 2008, 09:05:07 AM »
Nghĩa trang I-pha-nho



Trên đường vào Cảng Tiên Sa, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có một nghĩa địa chôn cất lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn trong trận đánh vào Đà Nẵng mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Di tích chưa được xếp hạng, hiện chỉ còn một căn nhà nhỏ, mặt tiền có chiếc thánh giá với một từ tiếng Pháp chạm nổi Ossuaire (đồi hài cốt, nhiều lớp chồng lên nhau). Nhà có bề ngang hơn 3 m, dài trên 12 m, cao 3,5 m, cuối tường là bàn thờ theo nghi thức công giáo. Đây là ngôi mộ chung của nhiều binh lính chết trận từ năm 1858-1860. Xung quanh là 32 ngôi mộ lớn nhỏ có bia hoặc không bia.

Đây là một di tích đặc biệt ở Đà Nẵng, cả nước không nơi nào có. Nghĩa địa đánh dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân viễn chinh và khả năng kháng chiến của quân dân địa phương.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #12 vào: Tháng Tám 01, 2008, 09:00:30 AM »
Di tích K20



Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Khu di tích nằm trên địa bàn Khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đến khi di tích Ngũ Hành Sơn và Đô thị cổ Hội An.

K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh; rộng 3 km2, với hơn 3 nghìn dân. Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố.

Chính trong điều kiện đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Đa Mặn đã được phát huy cao độ, trở thành bài học quý báu cho phong cách mạng địa phương. Trong đó, nhiều sự kiện, cột mốc lịch sử vẫn còn được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng kể là sự kiện năm 1962, nơi đây đã tổ chức được lực lượng du kích mạnh, làm nhiệm vụ “diệt ác phá kìm”; đến năm 1964 phát triển tới 27 đội viên, tiêu diệt 12 tên ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược... Hầu hết các gia đình ở Đa Mặn thời đó đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.

Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #11 vào: Tháng Tám 01, 2008, 08:54:25 AM »
Đình Tuý Loan



Đình Tuý Loan hiện ở tại thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVIII, cụ thể là vào năm Thành Thái thứ nhất (1889). Cũng như đình Nại Nam và Bồ Bản, đình Túy Loan thờ Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng.

Ngày xưa, hằng năm nhân dân tổ chức lễ tế Xuân vào 14 - 15 tháng 2 âm lịch và tế Thu vào 14 - 15 tháng 8 âm lịch tại đình. Hiện nay, đình Túy Loan là ngôi đình duy nhất còn giữ được 15 sắc phong từ thời Minh Mạng đến Bảo Đại.

Đình có diện tích 110m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 8.000 m2, thoáng đãng, hướng quay ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn, dưới bóng cây đa cổ thụ cành lá xum xuê. Mái đình lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch, trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ. Trong đình chia làm 3 gian, 2 chái, phần hậu tẩm rộng 2,4m, dài 2,7m gồm 4 hàng cột bằng gỗ mít, mỗi hàng có 6 cột cao từ 2,5 đến 4,5m. Kết cấu các vĩ kèo, cột theo kiểu chồng rường giả thủ. Các giả thủ chạm khắc hình hoa lá cách điệu, chân giả thủ trang trí hình quả bí. Hai đầu các thanh trính chạm đầu rồng, cột kèo ở hai đầu hồi chạm đầu rồng và hoa văn mây cuộn, hoa cúc, hoa mẫu đơn... được thể hiện qua tài năng thợ Kim Bồng, có giá trị nghệ thuật.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Túy Loan là nơi nhân dân địa phương tập trung tổ chức biểu tình, phối hợp cùng nhân dân hai làng Bồ Bản và Cẩm Toại kéo về huyện đường Hòa Vang cướp chính quyền tháng 8.1945.

Thời kỳ chống Mỹ (1957 - 1959) chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lấy đình Túy Loan làm nơi cải huấn “tố cộng”, “diệt cộng” vì thế cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương chống Mỹ - Diệm.

Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa ngày 04/01/1999.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #10 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 09:14:27 AM »
Đình Bồ Bản



Đình Bồ Bản hiện ở tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX bằng thanh tre tại gò miếu Tam Vị. Năm 1852, đình được dời về trung tâm làng. Tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Đình chia làm 3 gian, 2 chái, dài 14,5m, rộng 9,7m. Có 36 cột bằng gỗ mít và kiền kiền, kết cấu kèo, cột cũng được thể hiện theo lối chồng rường giả thủ, đầu các trính chạm đầu rồng, các vì kèo chạm mai, trúc, tùng, lan. Ngoài ra, còn có các loài chim, thú như chim sẻ, khỉ (hầu) và các họa tiết hoa văn, được khắc chạm tinh tế, khéo léo và tỉ mỉ, tạo nên những tác phẩm điêu khắc độc đáo, giàu tính nghệ thuật, có giá trị khoa học.

Đình Bồ Bản lập ra để thờ Thành hoàng, các vị tiền hiền của làng và là nơi sinh hoạt lễ hội hằng năm.

Tháng 8.1945, chuẩn bị cướp chính quyền, nhân dân địa phương đã tập trung về đình để tổ chức biểu tình, buộc bọn quan lại, lý hương giao ấn triện, sổ sách. Đình Bồ Bản là nơi lập phòng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại địa phương.

Đình còn là nơi hội họp ra chủ trương diệt ác, phá kèm, cướp súng đạn và các kho tàng của địch ở huyện Hòa Vang trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa ngày 04/01/1999.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #9 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 09:09:35 AM »
Đình Quá Giáng



Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng nay nằm ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nhà thờ được xây dựng năm Tân Tỵ (1821) thờ Quan Thánh và các vị tiền hiền của bốn tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn - những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai lập nên làng Quá Giáng xưa bao gồm vùng Quá Giáng, Giáng Nam, Trà Kiểm, An Lưu và xóm Cồn Mong.

Nhà thờ được chia làm hai phần: phần tiền đường và phần chính điện. Nối nhà tiền đường và chính điện là hai dãy hành lang có mái che tạo nên một kiến trúc khép kín kiểu chữ nhật.

Tiền đường xây theo lối chồng rường giả thủ, chân giả thủ đều trang trí hình quả bí, phía trên được trang trí hình đài hoa sen.

Hai dãy cột chính mỗi dãy bốn cột cao 5m chống đỡ hai vì kèo và hai dãy cột quân thấp hơn chống đỡ hai mái phụ. Trên các thanh xà, kèo đều được trang trí cỏ cây, hoa lá, muông thú, bát bửu và các đường trang trí khác. Đuôi kèo được chạm khắc hình tượng cá chép hoá rồng.

Phần nhà thờ chính được xây dựng theo lối kéo tam đoạn (kéo chuyền) với ba gian bốn mái. Bốn cột chính cao 5m cùng 8 cột quân cao 3m và 16 cột con chống đỡ vì kèo. Đầu các thanh trính được khắc hình đầu rồng, giữa được trang trí chữ thọ và các đường nét trang trí hoa lá khác. Bộ cửa thượng song hạ bản cùng với bộ mắt cửa thể hiện rõ phong cách kiến trúc của Hội An với bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ làng Kim Bồng nổi tiếng.

Mái nhà thờ lợp ngói âm dương với hình ảnh loan phụng hòa minh trên nóc. Hai bên là hai con rồng ngoái đầu lại nhìn nhau. Các con giống trong “tứ linh” cũng được đưa lên mái trước của tiền đường.

Hàng năm dân làng có hai kỳ Xuân Thu tế lễ vào các ngày 20/2 và 12/7 âm lịch để tưởng nhớ lại các vị tiền hiền đã mở mang vùng đất này.

Nhà thờ phái chư tộc Quá Giáng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 01/02/2000.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #8 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 09:05:06 AM »
Đình Nại Nam



Đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Đình được xây dựng năm ất Tỵ (1905) từ công sức đóng góp của dân địa phương, thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng.

Đình ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, trên mái đình là lưỡng long chầu nguyệt, loan phụng hòa vinh, dơi ngậm đào, thể hiện qua nghệ thuật đắp ghép sành sứ, công phu, đẹp mắt. Bên trong chia làm 3 gian, 2 chái, phần chính diện dài 11,7m, rộng 7,9m, hậu tẩm rộng 3,9m, dài 4,1m. Có 4 hàng cột bằng gỗ mít, gồm 20 cột, có chiều cao từ 2,5m - 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường - giả thủ”. Phần đầu hồi chạm trổ khéo léo và tinh xảo qua bàn tay tài hoa của thợ chạm Kim Bồng (Hội An), thể hiện các đề tài: cá chép hóa long, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cây cỏ, hoa lá.

Ngày xưa, hằng năm có lễ cầu an tại đình vào rằm tháng 2 âm lịch và ngày lễ cuối năm (30 Tết).

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làm cơ sở, địa điểm để hoạt động cách mạng, có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây như lễ kết nạp đảng viên, triển khai lực lượng chính trị và quân sự đánh vào thành phố ở các thời điểm 1950, 1951, 1960, 1965, 1968, 1975, nhiều người con ưu tú của địa phương đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng tại đình.

Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc - nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu còn lại khá nguyên vẹn trong nội thành Đà Nẵng.

Đình làng Nại Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 04/01/1999.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #7 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:59:16 AM »
Đình Hải Châu



Đình làng Hải Châu nằm tại kiệt 42, đường Phan Chu Trinh, thuộc Tổ 6, phường Hải Châu 1. Phía trước có hồ nước lớn, ở giữa sừng sững hòn non bộ rợp bóng cây bồ đề trên dưới trăm tuổi. Trên cổng Tam Quan vẫn còn rõ tên Hải Châu Chánh Xã bằng chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền, nằm giữa hai nhà thờ tộc thành hình chữ “nhất”. Nhà thờ bên trái của tộc Nguyễn Văn mới tách ra, còn nhà thờ bên phải gọi là Kinh An Tự thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ. 42 tộc họ này đều từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam từ năm Tân Mão (1471).

Vua Lê đã lập ra ấp Hàn Giang (sau là tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố Đà Nẵng) và các tộc họ ấy đã quần tụ lại thành làng Hải Châu (theo tên xã cũ ở Thanh Hóa, bao gồm phần nội thành Đà Nẵng hiện nay), được triều Nguyễn phong sắc phong 'chánh xã”. Hơn 500 năm qua các tộc họ đầu tiên ấy đã đặt nền móng và không ngừng đóng góp công sức cho sự hình thành thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Trên gác chuông đình Hải Châu hiện còn 1 chiếc chuông đồng, thân chuông có bài minh đắp nổi bằng chữ Hán. Tạm dịch: năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân - 1842) trùng tu chùa. Năm sau (1825) vua ban chỉ sắc tứ cho mang tên 'Chùa Phước Hải”. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn - 1832) nhằm ngày tốt, xã Hải Châu Chánh Đồng tạo lập chuông này. Các nhà sử học xác định Đình Hải Châu là Chùa Phước Hải, nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi - 1719 đã vào Quảng Nam và nghỉ lại, sau đó dân đã lập bàn thờ ông tại đây.

Đình làng Hải Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12/7/2001.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #6 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:50:48 AM »
Bia chùa Long Thủ



Bia chùa Long Thủ được dựng trong khuôn viên chùa Long Thủ nay đổi tên là chùa An Long. Chùa tọa lạc trên một khu đất nằm phía sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thuộc địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bia chùa Long Thủ được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1658). Bia do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu viết. Nội dung bia nói về nguyên nhân xây dựng và tên gọi của chùa Long Thủ, tên họ những người đã đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng chùa cùng danh sách những mảnh đất được cúng.

Theo nội dung bia thì ngày xưa ở vùng Nại Hiên, đức Phật thường cứu giúp những người bị hoạn nạn và hiện thân với đầu rồng, vì vậy các tín đồ Phật từ thường đến đây để cầu nguyện. ông Trần Hữu Lễ là người trong làng đã dâng cúng một khu vườn để xây dựng ngôi chùa làm nơi thờ phượng đức Phật, các tín đồ trong vùng đã đóng góp tiền của, ruộng đất để xây dựng ngôi chùa và đúc chuông, tạc tượng vào năm 1653. Theo lời kể của một số người già ở địa phương thì trước kia chùa có hai chiếc chuông lớn và nhiều tượng đẹp nhưng đã mất, và ngôi chùa cũng đã bị phá hủy trong thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn ánh. Còn tấm bia bị chôn vùi dưới đất, mãi đến năm 1903 mới tìm thấy và dựng lại bên cạnh cổng chùa. Năm 1961 giáo hội và tín đồ trong vùng đã xây dựng lại ngôi chùa như ngày nay theo kiểu dáng như những ngôi chùa cùng thời ở miền Nam, về mặt kiến trúc không có gì đặc sắc ngoại trừ cổng tam quan tương đối cũ (1903).

Bia được làm bằng sa thạch màu xám, kích thước 1,25m x 1,20m x 0,21m hình thang cân đỉnh tròn. Bia được điêu khắc cả hai mặt. ở mặt trước có một bài khắc chữ Hán được đóng khung bằng các dải hoa văn trang trí, trên trán bia, ở giữa chạm hình mặt trời có mây vờn quanh, hai bên trang trí hoa văn hình hoa dây buông thõng xuống, bên dưới là một dải hoa sen, ở hai đầu mút phía dưới có hình hai con nghê. Bài khắc gồm có 368 chữ Hán, 6 chữ lớn khắc theo đường ngang ở trên, đóng khung riêng từng chữ: “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”, ở hai đầu có hai chữ Vạn nhỏ hơn, còn 360 chữ nhỏ ở giữa lòng bia được khắc lõm theo 18 hàng dọc từ phải sang trái, ở mặt sau tấm bia cũng trang trí hoa văn thành một khung bao quanh bia như mặt trước nhưng không có chữ và ở bên dưới thay dải hoa sen bằng một dải cúc dây, ở hai đầu mút không có hai con nghê.

Ngày nay, tuy ngôi chùa cũ không còn nữa, nhưng tấm bia này là một di tích quan trọng, minh chứng cho sự hiện hữu của ngôi chùa ngày xưa, đồng thời đây cũng là một trong những tấm bia cổ nhất ở Đà Nẵng, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương.

Trước đây, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương liệt hạng là di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16.5.1925 và ngày 02/12/1992 Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Long Thủ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #5 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:44:49 AM »
Mộ Ông Ích Khiêm



Lăng mộ danh nhân Ông Ích Khiêm hiện toạ lạc tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía tây - nam. Ông Ích Khiêm, tự là Mục Chi, ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là làng Phong Lệ Bắc, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang.

Ông thi đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Nổi tiếng là người thông minh, chính trực, là một vị tướng khẳng khái và mưu lược, ông có công trong việc cầm quân bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, xâm lược nước ta vào ngày 01/9/1858. Thời kỳ này ông ở dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, ông đã lo củng cố các đồn trại như đồn Nhất ở đèo Hải Vân, đồn Liên Trì, Phong Lệ và đắp lũy từ Hải Châu đến Phước Ninh...

Ông Ích Khiêm mất ngày 19 tháng 7 năm 1884 tại Bình Thuận. Con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài ông về quê và mai táng tại làng Phong Lệ. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938) thi hài ông được cải táng về Gò Mô hiện nay.

Ngôi mộ ông được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào là 13,8m, chiều rộng 6,1m, tường bao xung quanh mộ cao 0,72m. Nấm mộ có chiều dài 4,75m, rộng 3,5m, cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch, cao 0,83m, rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá. Nội dung bia ghi:

Hoàng Triều - Hiển tổ Binh bộ tả thị lang, tấn phong Kiên trung Nam linh mộ.
Bảo Đại thập tam niên, tứ nguyệt, kiết nhật.


Nghĩa là:

Triều Nguyễn - ông cha chức là Tả thị lang Binh bộ, tước là Kiên trung Nam.
Năm Bảo Đại thứ 13, tháng 4 ngày tốt.


Lăng mộ danh nhân Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 12/7/2001.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #4 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:39:25 AM »
Nghĩa trũng Khuê Trung

Nghĩa trũng Khuê Trung (còn gọi là Nghĩa trũng Hòa Vang) - mộ lớn của nghĩa sĩ lập tại Khuê Trung - Hòa Vang, theo sắc tứ vua ban để qui tụ hài cốt tướng sĩ vị quốc vong thân trong cuộc kháng chiến chống quân pháp xâm lược năm 1858. Hòa Vang Nghĩa Trũng đầu tiên được lập ở trũng bò làng Nghi An (Phước Tường). Khoảng năm 1920 Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trũng về vườn Bá Khuê Trung. Đến 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía Nam, lại phải dời nghĩa trũng đến chỗ hiện nay, khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Nghĩa trũng nằm quay mặt về hướng đông, được bài thiết theo mô hình tam ban: chính diện và tả hữu. Ngay cổng vào chính diện có tấm bia bằng đá sa thạch khắc 4 chữ Hán "Hòa Vang Nghĩa Trũng" cùng với năm lập bia: Tự Đức Thập Cửu Niên (1866); và hai trụ đá cao khoảng 2m ghi câu đối:

"Âm triêm thập cốt di truyền cổ
Thạch cập tàn hồn tái kiến kim"
(Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ
Giữ được tàn hồn lợi thấy nay).


Sau tấm bia là Chiến sĩ đài bằng xi-mămg cao khoảng 3 mét. Trung tâm nghĩa trũng có một ngôi mộ lớn, trên bia xi-măng cẩn hàng chữ tiền triều đại tướng quí công mộ. Có người cho rằng đây là mộ của ông Nguyễn Trọng Ân - tướng trấn giữa Đồn Tuyên Hóa (phường Hòa Cường hiện nay). Lại có người nói đó là mộ ông Lê Đình Lý, cũng là mộ tướng lĩnh tài ba dưới quyền chỉ huy của khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương.

Phía cuối nghĩa trũng nhìn từ ngoài vào là các am thờ, các bàn hương án dùng cho việc cúng tế lễ. Hai bên tả hữu nghĩa trũng có hơn 1.000 ngôi mộ cân phân ngay thẳng. Ngay sau lưng nghĩa trũng là nhà thờ Tiền Hiền và miếu Bà. Hằng năm đến ngày 16/3 âm lịch người dân Khuê Trung thiết lễ tế tiền hiền để tưởng nhớ công đức hai vị tiền hiền Trần Kim Tương và Trần Kim Bảng. Nhà thờ làm theo lối kiến trúc xưa, hình chữ quốc, trên đòn đông có ghi năm trùng tu là Bảo Đại thứ 16 (1941).

Miếu Bà nằm dưới tán cây mù u cổ thụ, có tượng và bài vị thờ Ngũ Hành Thánh Phi Trung Đẳng Thần gồm Hỏa Đúc Thánh Phi ở giữa, bên trái là Kim Đức, Thổ Đức, bên phải là Thủy Đức, Mộc Đức.

Phía trước miếu Bà có một giếng vuông, thành giếng bằng đá sa thạch, dân làng gọi là Giếng Hời. Đến nay, vẫn chưa thể xác định được niên đại của giếng, bởi chữ khắc trên trụ đá đã mai một theo thời gian, chỉ còn đọc được bốn chữ Hàm Long Kiết Tỉnh, nghĩa là giếng tốt mạch hàm rồng. Dưới gốc cây mù u còn lăn lóc đây đó những viên đá trang trí đầu cột hình quả bí và một Yoni - vật thờ của người Chăm, hình vuông phẳng dẹt.

Nghĩa trũng Khuê Trung được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 04/01/1999.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #3 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:34:22 AM »
Nghĩa trũng Phước Ninh



Nghĩa trũng Phước Ninh là nơi qui tụ thi hài các chiến sĩ và đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng đã hi sinh trong buổi đầu chống Pháp (1858-1860).

Trong chiến đấu việc mai táng chỉ tạm thời, qua loa; sau này ông Nguyễn Quí Linh, làm chức Sung Chánh Thương Biện Hải Phòng đã khởi xướng lập nên nghĩa trũng này. Nhân dân địa phương đã hưởng ứng nhiệt tình, qui tập hơn 1.500 nấm mộ, táng theo hướng Đông - Nam, Tây - Bắc, có tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,20m, rộng 0,8m ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ, ngoài ra còn có 2 ngôi mộ của hai vị tướng. Chung quanh hghĩa trũng xây thành đất bao bọc.

Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận ngày 16.11.1988 và gắn bia di tích ngày 25.8.1998.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« Trả lời #2 vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:29:32 AM »
Thành Điện Hải



Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao. Đồn được xây bằng gạch.

Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn đổi tên là thành Điện Hải.

Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải.

Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Hiện nay, di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tường thành phía Tây, Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn. Cửa thành phía Nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng.

Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.

Thành Điện Hải đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 16.11.1988, được gắn bia di tích ngày 25.8.1998.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Di tích Đà Nẵng - những trang sử tuyệt đẹp
« vào: Tháng Bảy 31, 2008, 08:23:50 AM »
Những bài viết trong topic đều có nguồn từ danang.gov.vn

Như bao địa phương khác, Đà Nẵng đã trải qua bao thăng trầm trên con đường phát triển của mình. Những di tích còn lại là chứng tích cho một quá khứ vươn lên kiên cường, không mệt mỏi của mảnh đất này.

Người Đà Nẵng sống nặng tình nặng nghĩa, họ tin vào đời sống tinh thần, vào thế giới tâm linh, tin vào sự công bằng và chở che của trời đất, vì thế, những đình làng cổ kính luôn được gìn giữ với tấm lòng trân trọng và thành kính. Những mái đình còn lại với thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn giữ được những nét chạm trổ tinh xảo của nghệ nhân xưa với mái ngói âm dương phủ đầy rêu và không gian trang nghiêm pha chút u tịch của chốn thờ tự.

Người Đà Nẵng vốn trân trọng qua khứ, biết ơn những người khai sông mở núi, giữ gìn Bia chùa Long Thủ - vết tích của người xưa, Thành Điện Hải, nghĩa địa Iphanho, khu di tích K20 và rất nhiều di tích khác - chứng tích về một thời lửa khói, đau thương mà anh dũng của mảnh đất này. Thế hệ người Đà Nẵng đã nối tiếp nhau viết nên những trang sử tuyệt đẹp về thành phố thân yêu, đó là ước mong về sự yên bình, là khúc khải hoàn ca và cả những nỗi đau không gọi thành lời, có những người con đã ngã xuống, ngủ yên trong lòng đất: mộ Ông Ích Khiêm, Nghĩa Trũng Phước Ninh, Nghĩa Trũng Khuê Trung - nơi họ đã yên nghỉ để thành phố bắt đầu một sự sống mới.
 

 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
2452 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 26, 2009, 08:36:00 PM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
2807 Lượt xem
Bài mới Tháng Một 03, 2012, 03:43:14 PM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
1390 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười Một 08, 2014, 11:33:17 AM
Gửi bởi trip go
0 Trả lời
2218 Lượt xem
Bài mới Tháng Hai 03, 2015, 02:31:44 PM
Gửi bởi teddybear.nnx
1 Trả lời
2010 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 02, 2016, 09:49:04 AM
Gửi bởi Liên Phương

Bà Nà Hills - Cầu bàn tay: đường lên tiên cảnh
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Vĩnh Long
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Mỹ Tho - Bến Tre (Lễ 2/9) - 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Ngũ Hành Sơn - Hội An
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Du lịch City Nha Trang 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View