ùng đất Cồn Ràng huyện Hương Trà Tỉnh TT-Huế được biết đến là một địa điểm Văn hóa Sa Huỳnh sau khi được người dân địa phương tình cờ phát hiện vào năm 1987. Nền văn hóa rực rỡ biểu hiện một chặng đường phát triển của bộ phận dân cư trong khối cộng đồng cư dân Đông Nam Á được hình thành và phát triển trong thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam.
Sau nhiều đợt tiến hành khai quật, khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện và có những nhận định mới, khác hẳn với những nhận định từ trước đến nay đối với văn hóa Sa Huỳnh.
Cho đến nay công tác khai quật, khảo cổ ở di tích Cồn Ràng đã bước sang giai đoạn chỉnh lý và hoàn tất, đây là khu di tích lớn nhất về nền văn hóa Sa Huỳnh với số lượng phong phú về diện tích, di vật, mộ táng... Ngoài hơn 200 mộ chum lớn nhỏ, đoàn khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quý, đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng các chất liệu như gốm, đá, mã não... từ những hiện vật này, các nhà khoa học đã đưa ra mối liên hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh với nhiều nền văn hóa cổ khác.
Ngoài những hiện vật giá trị phản ánh đời sống văn hóa của cư dân Sa Huỳnh, khu di tích khảo cổ Cồn Ràng còn chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo để các nhà khoa học có thể căn cứ và đưa ra những nhận định mới, khác với những kết luận trước đây về địa bàn sinh sống, sự giao lưu với các nền văn hóa khác của cư dân Sa Huỳnh.
Qua nghiên cứu từ thư tịch và thực địa, từ những hiện vật được khai quật khảo cổ cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh và cư dân văn hóa Chăm cổ có nhiều nét văn hóa chung như sở thích dùng đồ mã não, giỏi rèn luyện sắt, cùng dùng những hiện vật đặc trưng như: khuyên tai 2 đầu thú, đồ thủy tinh... Từ đây một vấn đề được đặt ra, đó là có hay không một hướng phát triển của văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chăm cổ và người Cơ-tu cổ ở TT-Huế.
Hiện nay các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải đáp từ nền văn hóa bị vùi sâu trong lòng đất hàng nghìn năm nay.
Nguồn: VTV