Ít ai ngờ rằng ở Nha Trang ngoài bãi biển xinh đẹp, tuyến đảo đa dạng phong phú, trong lòng ngoại ô thành phố còn có hàng trăm ngôi nhà cổ khi miền đất này bắt đầu hình thành từ thế kỷ 17. Ðiểm đặc biệt nữa là ở đó có cả những dòng họ nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cha ông đã khai hoang.
Ít ai ngờ rằng ở Nha Trang ngoài bãi biển xinh đẹp, tuyến đảo đa dạng phong phú, trong lòng ngoại ô thành phố còn có hàng trăm ngôi nhà cổ khi miền đất này bắt đầu hình thành từ thế kỷ 17. Ðiểm đặc biệt nữa là ở đó có cả những dòng họ nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cha ông đã khai hoang.
Giờ đây, lượng nhà cổ ở Nha Trang cứ giảm dần theo năm tháng bởi chủ nhân của những ngôi nhà đó cần xây dựng mới hoặc chia phần cho con cái khi chúng lớn khôn.
Thế rồi tour du lịch nhà cổ ở Nha Trang từ hơn hai năm nay trở thành "điểm đến" của một số du khách nước ngoài. Trong hàng trăm ngôi nhà cổ đó, các đơn vị du lịch đã chọn một số nhà ở xã Vĩnh Thạnh. Lý do để chọn bởi chúng còn giữ nguyên vẹn kiểu nhà cổ ở Nha Trang, có vườn rộng và nằm trên trục đường đi lại thuận tiện là Hương lộ 45.
Tất cả nhà cổ ở đây đều xây dựng theo kiểu "căn bát dần" (trong nhà có 36 cây cột). Nhà luôn hướng mặt tiền về hướng Ðông Nam để đón mặt trời buổi sáng dù thế đất như thế nào. Những căn nhà cổ đều lợp ngói âm dương, hai chái phình ra, vật liệu là vôi, cát, xỉ đường, gạch nung. Gỗ để làm nhà là loại gỗ vững chắc như căm xe, kền kền...
Trên đầu những chiếc đòn tay đều chạm rồng, màu gỗ qua thời gian ngả màu nâu đen nhưng không bị mối mọt. Giữa tất cả các ngôi nhà đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà. Riêng bàn thờ cũng làm bằng tủ gỗ dài chiếm hết một nửa bề ngang giữa hai cột giữa nhà. Những ngôi nhà Căn Bát Dần chủ yếu dùng để thờ phượng, tụ họp gia đình nhân dịp giỗ chạp hoặc trong ba ngày tết.
Có những ngôi nhà rất cổ sát nách Nha Trang như nhà của ông Huỳnh Bá Cau (80 tuổi) thuộc xã Ngọc Hiệp. Theo giấy tờ mua bán thì vào ngày 11/9/1853 (Tự Ðức năm thứ 6), bà Lý là chủ nhà đã bán lại ngôi nhà cho ông Nguyễn Văn Hiếu với giá 120 quan, khi đó ngôi nhà được xây dựng trên 20 năm. Ðến năm 1867 thì ông Hiếu chết, được chôn ngay trong khu vườn nhà, ngôi nhà bán được 200 quan. Ðến năm 1877 khi vợ chồng ông Lý Phát mua thì đã lên 1200 quan. Vào đời Tự Ðức thứ 33 (1880) ông Huỳnh Bá Trang (nguồn gốc Sa Ðéc) về huyện Vĩnh Xương làm "Nam Nguyên Tư vụ" đã mua lại căn nhà trên với giá 190 lạng vàng, ông Trang là ông nội của ông cố của ông Huỳnh Bá Cau. Như vậy ít ra căn nhà này cũng đã có tuổi đời 150 năm. Nhưng do thời gian tàn phá, ông Cau đã xây dựng lại bên ngoài ngôi nhà, chỉ còn giữ hiện trạng bên trong. Khi chúng tôi ghé thăm thì căn nhà còn khá nhiều câu đối, sắc phong của vua Tự Ðức cho ông Huỳnh Bá Trang, cả bộ tràng kỷ quý giá đã 200 tuổi. Nếu đừng phá cảnh quan, nhà ông Huỳnh Bá Cau coi như là ngôi nhà cổ đẹp, bởi trước nhà vẫn còn tấm bình phong chắn nhà đúc vôi.
Theo chủ những ngôi nhà cổ thì cách đây 3 năm, việc khai thác tour du lịch nhà cổ Nha Trang được hình thành chủ yếu từ một nhóm hướng dẫn viên du lịch tự do. Sau đó, trước nhu cầu của du khách nước ngoài, các đơn vị du lịch mới đến các nhà cổ đặt vấn đề cho đưa khách đến tham quan.
Lúc đầu, chủ các ngôi nhà cổ cảm thấy vui vì được khách nước ngoài đến tham quan nhà mình. Nhưng dần dần họ thấy cũng có nhiều phiền toái. Ðoàn du lịch thường kéo theo một đội quân bán hàng rong kéo khách, kết quả là sau khi khách đi, cả một khu nhà cây cỏ hư hại và rác. Anh Lại cũng cho rằng du lịch đòi hỏi phải có hoa, chuối bày trên bàn thờ, phải có ghế cho khách ngồi. Còn nữa, mỗi gia đình được cấp một bảng số, khi được báo thì phải đem bảng số ra cắm trước nhà cho xe biết đường mà đến.