Hội du lịch Việt Nam
Du lịch ba miền (Không quảng cáo tour ở đây) => Miền Trung => Tác giả chủ đề:: nhantam vào Tháng Tám 15, 2008, 08:59:50 PM
-
Phong Điền là một huyện nằm về phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, có địa hình trải rộng trên cả 3 vùng: núi đồi, đồng bằng và ven biển, có tiềm năng đất đai, rừng và khoáng sản khá dồi dào. Dân cư Phong Điền có truyền thống lao động siêng năng, cần cù vượt khó trong điều kiện thiên nhiên không kém phần khắc nghiệt như nhiều vùng quê khác, lại có nhiều thợ lành nghề khéo tay. Từ sau thế kỷ XVI, ở Phong Điền đã xuất hiện nhiều nghề thủ công như: nghề mộc, nghề rèn, nghề đan nệm, nghề làm gốm,...các nghề này đã phát triển và có ảnh hưởng vượt khỏi vùng đất Phong Điền đến các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, cùng với khả năng sản xuất nông nghiệp tạo nguồn lương thực lúa, ngô, khoai sắn cùng các loại rau màu vốn có từ xưa nay, còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống ra đời tư rất sớm như làng rèn Hiền Lương, làng gốm Phước Tích, làng đan đệm Phò Trạch, làng chạm trỗ Mỹ Xuyên, làng kim hoàn Kế Môn. Tất cả các ngành nghề này cùng với một số ngành nghề khác đã có thời phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phong phú thêm các ngành nghề và tạo nên sự đa dạng về sản phẩm lưu thông trên thị trường cả nước. Hiện nay, một số nghề đã mai một nhưng các giá trị về kỹ thuật, văn hoá vẫn còn được lưu truyền và cần được khôi phục.
(http://hue.vietnamnet.vn/dataimages/original/images260963_cham3.jpg)
Cụ Phan Thế Huề-là nghệ nhân từng được Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp trung ương tặng huy chương Bàn tay vàng trong nghề điêu khắc gỗ truyền thống xứ Huế và con trai Phan Thế Lâm đang làm đôi hạc sơn thếp, do một đình làng đặt hàng. Ảnh Thái Lộc-TTO
Mặt khác, Phong Điền cũng như một số địa phương khác trong tỉnh, có trên 70% dân số sống băng nghề nông, thời gian nông nhàn cũng với lao động trong độ tuổi tăng thêm hàng năm, nhất là học sinh lớp 9, lớp 12 không vào được các trường ĐH, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã tạo nên áp lực giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là rất lớn, cần phải sắp xếp, bố trí việc làm, vừa tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động đang ngày càng tăng thêm, trong khi bình quân diện tích đất canh tác cho mỗi người rất thấp.
Việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống và các làng nghề không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa mang ý nghĩa kinh tế, xã hội vừa mang ý nghĩa văn hoá dân tộc sâu sắc. Vì vậy, Phong Điền đã chọn hướng khôi phục và phát triển ngành nghề trong nông thôn, trước mắt chọn nghề có lợi thế về lao động, tài nguyên, thị trường để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp hơn trong tình hình mới. Sau một thời gian triển khai, đã thu được một số kết quả sau:
-Được sự giúp đỡ của lãnh đạo Tỉnh, của sở CN-TTCN và Sở KHĐT, làng nghề điêu khắc mộc Mỹ Xuyên thuộc xã Phong Hoà được đầu tư xây dựng hạ tầng: Điện, hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống thoát nước,...cùng với chính sách hỗ trợ về lãi vốn vay ngân hàng cho phát triển sản xuất, chính sách giao, cho thuê mặt bằng tại làng nghề, hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường, đào tạo chủ doanh nghiệp...đến nay, tại khu làng nghề đã có hơn 20 cơ sở đầu tư và đang tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho hơn 150 lao động tại địa phương và từng bước thu hút được những thợ giỏi làm ăn xa quay về tham gia sản xuất. Thu nhập bình quân khoảng 1-1,8 triệu đồng/tháng.
-Nghề đan lưới Vân Trình (thuộc xã Phong Bình) đã có từ lâu đời. Gần đây, do nhu cầu của thị trường, ở đây chủ yếu làm gia công một số công đoạn cho các cơ sở kinh doanh, thu hút khoảng 350 hộ, thu nhập bình quân 0,8-1,0 triệu đồng/tháng/hộ.
-Nghề đệm bàng ở Phò Trạch (Phong Bình), nghề làm gốm ở Phước Tích (Phong Hoà): là những nghề truyền thống có từ lâu đời, tuy thu nhập từ nghề này thấp nhưng tận dụng được nguyên liệu tại địa phương và tận dụng lao động nhàn rỗi, giá cả tuy thấp nhưng vẫn tạo được thu nhập cho gia đình nên đang được duy trì. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ tại địa phương, chưa vươn ra thị trường do mẫu mã, giá cả thấp...
Hiện nay, các địa phương đang đào tạo thợ ở các tỉnh phía Bắc để học nghề làm gốm mỹ nghệ, đệm bàng mỹ nghệ.
Để ngành nghề trong nông thôn, nhất là các nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển, bên cạnh những chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, ở địa phương, cần lưu ý một số giải pháp sau:
1. Trước hết phải hình thành cho được các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, dịch vụ đầu vào, nguyên liệu, công nghệ, mẫu mã cho người lao động và tổ chức liên kết, liên doanh tiêu thụ sản phẩm.
2. Khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống cần kết hợp hài hoà giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong cả quá trình tổ chức sản xuất cũng như cơ cấu sản phẩm đa dạng hơn. Yếu tố truyền thống sẽ giữ nét riêng, nét đặc trưng của sản phẩm, yếu tố hiện đại sẽ đáp ưng nhu cầu tiêu dùng trong thị trường hiện đại, tiết kiệm chi phí. Có như vậy mới đem lại hiệu quả cho quá trình SXKD.
3. Về mặt tổ chức sản xuất:
(http://hue.vietnamnet.vn/dataimages/original/images203215_mocmyxuyen.jpg)
Gian trưng bày mộc Mỹ Xuyên (TT-Huế) trong ngày khai mạc Không gian giới thiệu, tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại khuôn viên trường Hai Bà Trưng (Ảnh: NetCoDo)
-Sản phẩm cần có tính đa dạng, mẫu mã đẹp, vừa mang đậm nét truyền thống, bản sắc riêng có địa phương, vừa đảm bảo giá cả hợp lý, kích thích được thị hiếu của người mua.
-Sản xuất hàng hoá không chỉ bó hẹp trong các làng nghề, tại các cơ sở sản xuất mà cần có tính đa dạng: vừa sản xuất tại cơ sở, vừa có tính sản xuất, gia công tại gia đình, cá nhân nhận hàng về làm,...vừa đảm bảo được thời gian nhàn rỗi, giảm đầu tư mặt bằng có hàng cung cấp cho thị trường, vừa tạo thêm thu nhập.
4. Nâng cao nhất lượng đào tạo lực lượng cho doanh nghiệp, bao gồm năng lực đào tạo năng lực quản lý, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường,...đa dạng hoá các loại hình đào tạo: không chỉ đào tạo theo trường, lớp mà qua truyền nghề trong nông thôn; đào tạo phát huy nghề truyền thống chuyển sang mặt hàng sản xuất mỹ nghệ như: gốm mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ, đệm bàng mỹ nghệ,...phục vụ cho thị trường du lịch. Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa doanh ngiệp với các Sở chuyên ngành, các nghệ nhân và cả trường mỹ thuật, hội hoạ để tạo dáng, tạo hình cho sản phẩm.
5. Khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch tại địa phương: Đưa các lànng ghề truyền thống vào các tour du lịch để vừa giới thiệu cho du khách những nét truyền thống của văn hoá Việt Nam, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất các mặt hàng truyền thống: gốm mỹ nghệ, điêu khắc mỹ nghệ, đệm bàng mỹ nghệ,...qua đó tạođiều kiện cho các làng nghề truyền thống cũng như các ngành nghề trong nông thôn phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn Phobg Điền đang có các điểm có thể đưa vào tour du lịch: suối nước nóng Thanh Tân, hồ Quao, Khe Me, thác nước A Don, các bãi biển, tràm chim, làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên, làng cổ Phước Tích, các điểm sản xuất đệm bàng, gốm. Để đưa các làng nghề vào các tour du lịch, bên cạnh sự cố gắng của địa phương như đảm bảo các hạ tàng làng nghề, phục vụ và cung cấp các sản phẩm truyền thống cho du khách, đảm bảo an ninh trật tự,...thì các ngành cấp tỉnh, đặc biệt là các công ty du lịch cần có kế hoạch, định hướng phát triển lâu dài, đưa các làng nghề truyền thống vào kế hoạch khai thác du lịch, liên kết với các địa phương và các hộ gia đình trong tổ chức các tour du lịch, nhất là các tuyến du lịch sinh thái trên địa bàn.
Bên cạnh đó nhà nước cần có những chính sách về nguyên liệu cho làng nghề, nhất là làng nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ, nghiên cứu nguyên liệu sét cho gốm Phước Tích; hỗ trợ chi phí học nghề; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm nghề truyền thống, có chính sách đào tạo, hình thành chủ doanh nghiệp làm đầu mối ngành hàng đủ sức phục vụ cả đầu vào, công nghệ tiêu thụ sản phẩm,...đồng thời quy hoạch phát triển các làng nghề trong mạng lưới du lịch, dịch vụ của toàn tỉnh, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và du lịch.
6. Về nguồn lực: Hiện nay, nguồn lực cho sản xuất, cho đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống không khó bởi tỉnh đã có chủ trương, chính sách, kể cả với khuyến công để hỗ trợ sản xuất vốn vay, cho đào tạo, cho công nghệ. Song những nội dung đã giải quyết như vừa qua chưa đủ để tạo "cú hích" hình thành làng nghề mà cần mở rộng, mạnh dạn hơn trong cơ chế, chính sách sử dụng nguồn kinh phí này.
Nhìn chung, trong điều kiện hiện nay, muốn ngành nghề trong thôn, nhất là các nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, ngoài một số giải pháp nêu trên, cần có cơ chế để các cơ quan, đơn vị như Liên minh hợp tác xã, Sở Lao động-TB&XH, Sở Nông nghiệp và PTNT, các công ty du lịch phải tham gia và có trách nhiệm cụ thể trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng, mặt hàng, mới có thể giúp cho các chủ cơ sở CN-TTCN đủ sức phát triển. Đồng thời gắn với phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn mới đảm bảo cho kinh tế của địa phương phát triển ổn định, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Trích từ 320 năm Phú Xuân Huế nghề truyền thống Bản sắc và phát triển