Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình là con đường có nhiều địa danh đi vào lịch sử. Bảo tồn, tôn tạo giá trị lịch sử của di tích đường Hồ Chí Minh là để tri ân với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 123/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh- Đông Trường Sơn. Sự kiện này đã tạo đà đánh thức tiềm năng du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh trên vùng đất Quảng Bình. Đường Hồ Chí Minh đi qua mảnh đất Quảng Bình là con đường huyền thoại, biết bao tên núi, tên sông, tên làng trên con đường này đã trở thành “địa chỉ đỏ” ghi lại dấu ấn của một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Đây là nút chiến lược về giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, là nơi khởi nguồn cho hai nhánh đường Đông và Tây Trường Sơn. Những con đường nối giữa hai nhánh Đông - Tây như 12A, 20 Quyết thắng, đường 10, đường 16 đã chứng kiến hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực vận chuyển vào Nam chi viện cho chiến trường.
Những địa chỉ trên đường mòn Hồ Chí Minh như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Đá Đẽo, đèo Pula Nhích, ngầm Trà Ang, km20...là những nơi đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt của giặc nhằm chặn sự chi viện cho miền Nam. Nơi đây trở thành biểu tượng cao cả của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xả thân mình, hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên tuyến đường lịch sử này, ngày 14.11.1972, bom Mỹ đã vùi lấp miệng cửa hang nơi có 8 thanh niên xung phong đang ẩn nấp. Cho dù đã hết sức giải cứu, đào đá nhưng không thành, họ đã ra đi ở lứa tuổi 20. Hang Tám Cô là một trong những di tích lịch sử quan trọng và đầy ý nghĩa trên con đường huyền thoại và là điểm nhấn trong hành trình du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh ở trên đất Quảng Bình, thu hút rất nhiều du khách thập phương, đặc biệt là thế hệ trẻ và những người đã đi qua cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó trong hành trình du lịch lịch sử đường Hồ Chí Minh, du khách còn có thể tham quan và nghỉ dưỡng ở Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng và vùng nước khoáng nóng suối Bang. Đây là 2 tuyến du lịch quan trọng mà Quảng Bình đang chú trọng khai thác. Từ năm 2002, Quảng Bình đã khởi động tuyến du lịch đường mòn Hồ Chí Minh, thế nhưng xem ra vẫn chưa được như mong muốn. Các di tích lịch sử, ngoài hang Tám Cô và nhà tưởng niệm đường 20 là được quan tâm, còn các địa danh khác như Khe Ve, Bãi Dinh, ngầm Trà Ang... thì còn bỏ ngỏ. Việc quảng bá, phát huy giá trị lịch sử của các di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh thông qua hoạt động du lịch cũng chưa được chú trọng.
Mới đây, Trung tâm Du lịch sinh thái (Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng) đã đưa vào khai thác tuyến du lịch lịch sử - văn hóa Phong Nha- hang Tám Cô đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Tuy nhiên, nhiều điểm du lịch nằm trong Vườn quốc gia vẫn chưa được khai thác để tạo ra một tua du lịch lịch sử hoàn thiện và có ý nghĩa vẫn chưa được hoàn thiện.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh- Đông Trường Sơn với tổng diện tích 271ha. Trong số 7 cụm di tích được quy hoạch tôn tạo thì Quảng Bình sẽ được tôn tạo các hệ thống di tích ở đường 20, đường 12 và đường 16. Tại Quảng Bình sẽ xây dựng khu điều hành, dịch vụ với tổng diện tích 30,8 ha tại Km 15 đường 20. Ngoài ra khu bảo tồn một đoạn đường mòn sẽ được thực hiện với diện tích 73,34 ha, bao gồm bến phà Xuân Sơn, một đoạn đường 15, cầu phao Nguyễn Văn Trỗi, hang thông tin, trọng điểm Trà Ang, dốc Ba Thang, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 tại Cổ Giang- Cự Nẫm, khu vực chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1973 tại Hiền Ninh... Việc tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của các di tích và các hoạt động du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, tỉnh liên quan thực hiện từ năm 2007 đến 2012.
Hy vọng, với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử các di tích trên đường Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội để Quảng Bình phát triển du lịch, nhất là du lịch hoài niệm và tâm linh qua các di tích lịch sử.
Theo Vietnamtourism.com