Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ có ruộng lúa phì nhiêu, những dòng sông đầy tôm cá, vườn cây oằn trái ngọt mà còn có những câu hò, điệu lý, bài vọng cổ… và những người dân vùng sông nước hiền hòa, mến khách. Tiềm năng phát triển “công nghiệp không khói” ở ĐBSCL không thua kém các vùng miền khác. Tuy nhiên, lâu nay tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức...
Sản phẩm trùng lặp, giẫm chân nhau
Khu du lịch Mỹ Khánh là một trong những khu du lịch sinh thái hình thành khá sớm ở TP Cần Thơ. Sản phẩm lúc đầu của khu du lịch này chỉ là tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ mát , ẩm thực, nghe đàn ca tài tử… về sau phát triển thêm một số dịch vụ khác như: giới thiệu một số nghề truyền thống, bơi xuồng, câu cá. Tháng 9-2006, phía bên kia Sông Hậu, khu du lịch sinh thái Phù Sa ra đời. Ngoại trừ dịch vụ mô tô nước, dù bay, các sản phẩm còn lại na ná như ở khu du lịch Mỹ Khánh. Không riêng ở TP Cần Thơ mà hầu hết các khu du lịch sinh thái ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang… cũng làm du lịch theo một “bài” gần như nhau.
Các chuyên gia nghiên cứu về du lịch cho rằng: ĐBSCL hiện đang thịnh hành một số loại hình du lịch là: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch miệt vườn, tham quan di tích lịch sử văn hóa, tham quan chợ nổi. Hầu như ở tỉnh nào cũng có cách thiết kế tua theo kiểu na ná nhau. Nếu như ở Tiền Giang, Vĩnh Long... du khách được đi tua: Tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái, xem làng nghề vừa ẩm thực vừa nghe đàn ca tài tử thì về Cần Thơ, Đồng Tháp, hay Sóc Trăng... cũng thế. Nhiều du khách than phiền: “Có khi hôm qua vừa ăn món ăn ấy, vừa nghe bài hát đó thì hôm sau lại phải thưởng thức lại ở nơi khác... ngán tới cổ họng!”. Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở du lịch TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Sản phẩm du lịch trùng lắp, định hướng phát triển còn chưa rõ nét chính là nỗi trăn trở chung của người làm du lịch, nhà quản lý du lịch ở ĐBSCL hiện nay”.
Vài năm trở lại đây, cùng với tốc độ đô thị hóa, ở ĐBSCL nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, quán ăn... đua nhau mọc lên như nấm, nhưng vẫn thiếu cơ sở đẳng cấp cao phục vụ cho khách du lịch quốc tế. Đến nay, ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chưa có nơi nào xây dựng được Trung tâm hội nghị đạt tiêu chuẩn quốc tế hay Trung tâm vui chơi giải trí liên hợp qui mô lớn như Suối Tiên, Đầm Sen (TPHCM). Một bất cập khác là nguồn nhân lực phục vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam), tỷ lệ bình quân nhân viên ngành du lịch ở ĐBSCL qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 40% (khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 50%, khu vực tư nhân chiếm 30%). ĐBSCL cũng thiếu các chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch, thiết kế hướng dẫn tua chuyên nghiệp. Hầu hết các công ty du lịch lữ hành vì chưa hội đủ tính chuyên nghiệp để đón khách quốc tế trực tiếp từ các công ty đầu mối nước ngoài, nên chỉ làm mỗi việc là nối tua cho các hãng lữ hành lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Cần tạo nét riêng và liên kết
Tháng 10 là mùa nước nổi và cũng là lúc diễn ra Lễ hội Đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn. Lần đầu tiên năm 2007, Sở Du lịch An Giang thiết kế tua du lịch mùa nước nổi. Tua du lịch này chỉ diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, đón du khách tại TP Long Xuyên, buổi sáng tham quan tượng cá ba sa (TX Châu Đốc), miếu Bà Chúa Sứ, Tây An Cổ Tự, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang (Núi Sam-Châu Đốc). Buổi chiều, du khách sẽ được đi tàu máy đến rừng Trà Sư, tham quan ngắm chim cò, đàn dơi về tổ và dùng bữa “cơm gia đình” với những hộ dân ở đây, tối nghỉ tại Núi Sam. Buổi sáng hôm sau, du khách được xem Lễ hội Đua bò Bảy Núi, dùng cơm trưa do ban tổ chức lễ hội chiêu đãi. Buổi chiều, du khách sẽ được chinh phục độ cao 716m Núi Cấm bằng xe chuyên dùng, viếng chùa Vạn Linh, ngắm tượng phật Di Lạc cao 33,6m và chở về TP Long Xuyên dùng cơm chiều, kết thúc tua.
Ông Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ lữ hành Bến Thành Tourist, nhận xét: “Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi mà du khách được cung cấp khá nhiều sản phẩm như: du lịch sinh thái, du lịch sông nước, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội... Đây là tua du lịch khá hấp dẫn, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương”. Ông Lê Minh Danh, một Việt kiều ở Đức, Giám đốc Marketing một công ty thiết kế du lịch tại Đức, sau gần 20 năm mới có dịp trở về Việt Nam, tỏ ra thích thú với các món ăn đặc sản vùng lũ như: bông điên điển bóp giấm, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá linh kho lạt... Ông cho biết: “Hạn chế của du lịch Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Tuy nhiên, những thắng cảnh đẹp, in đậm dấu ấn hoang sơ chính là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Chắc chắn sau chuyến khảo sát này, chúng tôi sẽ thiết kế hàng loạt tua du lịch tại Việt Nam cho khách hàng của mình tại Đức”.
Bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Du lịch An Giang, cho biết thêm: “Để đưa tua du lịch mùa nước nổi An Giang trở thành sản phẩm truyền thống hàng năm, ngành du lịch An Giang đang xúc tiến đầu tư mở rộng tuyến đường đến rừng Trà Sư, nâng cấp mở rộng các khu vui chơi giải trí và dịch vụ tại rừng Trà Sư, đầu tư hoàn chỉnh đường xe ô tô lên đỉnh Núi Cấm, trang bị thêm xe chuyên dùng phục vụ du khách và tiến tới xây dựng tuyến cáp treo tại đây... Nhằm tăng sức hút cho các tua du lịch, sắp tới chúng tôi đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong thiết kế các tua theo hướng mở rộng, để du khách ở lại ĐBSCL lâu hơn”. Tua du lịch mùa lũ An Giang thành công ở điểm biết khai thác thế mạnh từ nhiều loại hình du lịch kết hợp với đặc điểm thời tiết vùng, mùa ở địa phương tạo nên nét độc đáo riêng biệt so với nơi khác. Đây cũng là một kinh nghiệm quí cho các địa phương trong phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia nghiên cứu du lịch, để du lịch ĐBSCL phát triển hơn nữa thì từng địa phương phải xác định được thế mạnh du lịch của mình và sau đó ngồi vào “bàn tròn” để thiết kế các tua theo vùng, mùa. Tua du lịch được xây dựng trên cơ sở liên kết thế mạnh du lịch của từng địa phương. Trong một tua liên tỉnh thì mỗi địa phương chỉ nên cung cấp một vài sản phẩm đặc trưng của địa phương ngay thời điểm kết nối tua. Trên cơ sở qui hoạch phát triển du lịch chung của cả vùng, các địa phương sẽ có điều kiện tập trung đầu tư chiều sâu sản phẩm du lịch đặc trưng của mình được tốt hơn. Việc qui hoạch, liên kết trong phát triển du lịch sẽ giúp tránh được kiểu làm du lịch “bắt chước” nhau, tạo được những tua du lịch liên hoàn, hấp dẫn thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn.
Năm 2008, TP Cần Thơ được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long”. Năm du lịch quốc gia sẽ kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 12 năm 2008, trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm lễ hội; các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, mỗi nơi đăng ký cung cấp từ 1-2 sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm làm vệ tinh cho sự kiện du lịch trọng đại này. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất để các nhà làm du lịch, nhà quản lý du lịch ĐBSCL khởi đầu liên kết làm ăn lớn hơn.
Theo báo Cần Thơ