Hội du lịch Việt Nam

Giải Trí => Trên rừng dưới biển - tả pí lù - linh ta linh tinh => Tác giả chủ đề:: thanhnt vào Tháng Tám 23, 2008, 02:43:48 PM

Tiêu đề: KHÚC HÁT CHỢ LÀNG
Gửi bởi: thanhnt vào Tháng Tám 23, 2008, 02:43:48 PM
Đã từ rất lâu rồi, hình ảnh những cô hàng xén thắt lưng hoa lý trong văn học Thạch Lam đã vắng bóng trên những phiên chợ quê xứ Bắc. Tháng năm qua đi cuốn theo biết bao kỷ niệm và làm mới lên cuộc sống của biết bao con người. Nhưng có lẽ, không chỉ với riêng tôi, trong tâm khảm rất nhiều người vẫn khắc sâu những hình ảnh êm đềm thân thuộc về một làng quê có những phiên chợ xưa như trong cổ tích.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được những buổi ấu thơ lon ton theo chân mẹ đến chợ bán hàng. Không như bây giờ, ngày ấy hàng trầu cau của mẹ tôi đắt hàng lắm. Khi đi, mẹ tôi kĩu kịt gánh trên vai nào là cau tươi, cau khô, trầu không, vỏ… Thế mà khi về, quang gánh nhẹ bỗng, nhiều khi hàng họ hết sạch, chẳng còn gì mà bán. Đồ hàng của mẹ tôi không bao giờ thiếu được một con dao sắc như nước, một bình vôi nho nhỏ, một con dao lớn để chặt vỏ. Những khúc vỏ hình tròn, dài tới nửa mét được mẹ tôi chặt thành những khúc ngắn van vát. Thứ vỏ này được các bà các cô ăn trầu thuốc hết sức ưa chuộng.
Ngày ấy, mỗi lần theo mẹ đến chợ, tôi thường bị mê hoặc bởi những dãy hàng đầy sức hấp dẫn. Từ những gian lều chuyên bán đồ hàng xén với những lược gương, kim, chỉ, bút, vở… cho đến những gian lều treo đầy quần áo rực rỡ, tất cả đều là một thế giới huyền diệu đầy ao ước của chúng tôi. Lần nào đến chợ, tôi cũng được mẹ cho ăn quà. Khi thì là bát bún riêu cua nóng bỏng, khi thì chiếc bánh rán, bánh khoai thơm phức, khi thì lại là túi bỏng nếp, bỏng ngô giòn tan… mà dư vị của nó còn theo tôi đến tận bây giờ. Có những buổi sáng mùa đông cầm cây đèn dầu soi đường cho mẹ đến chợ khi trời còn mờ hơi sương trên con đường lồi lõm những ổ trâu ổ gà, hai bên đường là những mái nhà tranh lúp xúp… Lại có những buổi chiều chợ tàn bóng xế, mong ngóng mẹ về chợ để được chia quà. Đấy là những tấm mía, khoai, sắn, đao, từ…. những thức quà chỉ thường xuất hiện trên những phiên chợ quê nghèo nhưng nó đã trở thành một nỗi nhớ trong ký ức tôi suốt những năm tháng sau này.
Ngày ấy, chợ quê tôi còn nghèo lắm, hàng hóa không nhiều như bây giờ, nhưng cũng rất nhiều thứ đặc sắc. Nhất là những phiên chợ tết. Bên cạnh những hàng bán thực phẩm phục vụ Tết như thịt lợn, gà, vịt, măng, miến… Còn tràn ngập là những dãy chuyên chỉ bán chuối xanh, bưởi vàng dành cúng tổ tiên. Quả thực, không có màu sắc nào hài hòa, tôn vinh lẫn nhau như cái xanh đậm của chuối xanh và vàng ươm của bưởi chín. Xa một chút nữa lại là màu vàng đỏ của những chùm quấn quýt, rực rỡ. Cùng tham gia trong mâm ngũ quả còn có những trái phật thủ, trái trứng gà chen chúc trong những chiếc thúng, chiếc rổ lớn của những bác nông dân chân đất, hoa trái, còn nguyên cả cành lá ướt đẫm sương đêm.
Những người dân quê tôi cũng như biết bao người dân đất Việt khác, lúc nào cũng thuộc lòng câu nói của ông cha ta: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Vì thế, sau khi mua về, những gói muối, gói bỏng xinh xinh được mẹ tôi trân trọng đặt lên bàn thờ làm lễ tổ tiên, mong các cụ phù hộ cho con cháu năm mới làm ăn phát đạt. Để rồi từ ngày hôm sau, phiên chợ quê tôi lại bắt đầu nhộn nhịp với những gánh gồng kĩu kịt.
Vào độ tháng 2, tháng 3, khi những đợt mưa xuân bay lất phất, hàng xoan đầu ngõ trải xuống đất một tấm thảm hoa tim tím và những gốc gạo đầu làng trổ hoa đỏ rực cũng là lúc những phiên chợ quê lại đông nghịt người. Bởi lẽ, thời điểm này, người dân quê vừa hoàn thành vụ cấy. Sau thời điểm “đồng đông, chợ vắng”, những thôn nữ lại cùng nhau tay nắm tay đến chợ sắm sanh mua bán. Bọn trẻ con chúng tôi lại có dịp theo mẹ đi chợ và vòi vĩnh, mua quà. Các bà, các bác lại sắm thêm những quang, sọt, rổ, rá, liềm, dao… Và cuộc sống cứ thế tiếp diễn như chính nó ngàn đời vẫn thế trên phiên chợ quê hương…
Đã nhiều năm qua đi, những dấu ấn xưa cũ đã phai bớt trên nếp chợ quê tôi. Chợ quê giờ đây đã trở nên sầm uất, nhưng mãi trong đó, bản sắc dân tộc không thể mờ phai bởi cốt cách thuần hậu của người nông dân đã tạo dựng lên nó. Vẫn những người dân hai sương một nắng, vẫn cách mua bán chắt chiu mà xiết bao thân thuộc dấu yêu…
Sưu tầm
Mobile View