Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Văn hoá Huế  (Đã xem 2318 lần)

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Văn hoá Huế
« Trả lời #5 vào: Tháng Tám 24, 2008, 12:08:35 PM »
Nhã nhạc – Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại


Đội nhã nhạc cung đình năm 1919

Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều...;

Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, lúc 15h30 ngày 7/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa thế giới: vật thể và phi vật thể, đã đánh dấu một bước ngoặc về thế giới văn hóa của vùng đất này.



Hành trình lịch sử

Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Theo sách sử thì Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Triều Lê đã định ra các loại nhạc như sau: Giao nhạc, Miếu nhạc, Nhũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt lai trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, đại yến nhạc, Cung trung nhạc. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần.
Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nữa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép, âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc: Miếu nhạc: Ngũ tự nhạc: Đại triều nhạc: Thường triều nhạc: Yến nhạc: Cung trung nhạc: Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như đai triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc ... Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần ... Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa ... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...
Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Tế Giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (thành công); Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hòa hợp), Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn (trí tuệ); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ (trường tồn); lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc (phúc lành)... Từ cơ sở kế thừa các triều đại trước, triều Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại thể nhạc như Huyền nhạc, Ty trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ.
Vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn Quân nhạc của phương Tây,  làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm.

Những nỗ lực bảo tồn di sản


   


Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Hiện nay Nhã nhạc không còn giữ được diện mạo như xưa, nhưng nó vẫn có thể là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng ngày nay, các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi ... thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và bức xúc về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị.
Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Trong Quyết định 105/TTg ngày 12-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010, thì một trong những mục tiêu bảo tồn được xác định là: bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, trong đó được khẳng định là nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình. Từ năm 1992, nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời, chuẩn bị các cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn âm nhạc cung đình Huế. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai tu bổ các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu. Bên cạnh đó đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình.
Tháng 3/1994 UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế.
Tiếp theo là các dự án đào tạo được Bộ Văn hóa Thông tin, các Quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản... tài trợ cho các lớp nhạc công, diễn viên ca múa cung đình.
Tháng 9/1996, Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và tổ chức khai giảng tại trường ĐH Nghệ thuật Huế, với 15 sinh viên theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Sau đó, năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo của nhiều nước như Nhật Bản, Phi-lip-pin, Việt Nam.
Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm BTDTCĐ Huế, đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.
Bên cạnh đó, nhà hát Truyền thống cung đình Huế đã được thành lập (trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) bước đầu đã bảo tồn được một số bản nhạc như: 10 bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc...; các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân Cửu chuyển, Thái bình Cổ nhạc, Đăng đàn cung, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Mang, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép) cùng một số bài bản khác. Sự góp sức của đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (thuộc Sở Văn hóa Thông tin và Câu lạc bộ Phú Xuân cũng góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản Nhã nhạc.
Cùng với việc phục hồi các tác phẩm kể trên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ở các nước Châu Á, Châu Âu như: Hàn Quốc, Lào, Pháp, Bỉ, Áo, Lucxămbua, đã tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2000, 2002. Đặc biệt từ ngày 01/02 đến 14/02/2004, Nhà hát đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố Montreuil, Arras, Areueil, Lyon, Marseille, thủ đô Paris (thuộc Cộng hòa Pháp) và thủ đô Bruxelles (thuộc Vương quốc Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.

Tỏa sáng với chức năng: khẳng định truyền thống văn hóa Việt Nam.




Trung tuần tháng 8/2002, bộ hồ sơ Nhã nhạc đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện và Chính phủ đã ký quyết định gửi đến UNESCO đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.
Hồ sơ Nhã nhạc bao gồm: trên 100 trang (hồ sơ viết), gần 100 trang phụ lục, trên 50 ảnh tư liệu và hiện trạng, phim slide, băng hình thuyết minh (10 phút), băng hình minh họa (70 phút), cùng nhiều tài liệu liên quan khác. Hồ sơ đã khẳng định Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình đạt đỉnh cao vào  thế kỷ 19 ở Việt Nam, Huế là trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị này. Với các giá trị của không gian, bối cảnh, các kỹ năng kỹ thuật, cách thức diễn xướng, trình tấu, vị thế mang tính chất khẳng định bản sắc văn hóa thực trạng của công cuộc bảo tồn và chương trình hành động...
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cùng với 27 kiệt tác khác của Châu Á (10); Châu Mỹ La tinh, vùng Caribê (6); Châu Âu (4); Châu Phi (2); vùng Trung Đông (3), Đa quốc gia (2).
Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam, bằng tất cả những gì còn lại ở Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới.

Những giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ở giai đoạn tới



Việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nổ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghê sĩ, các nhà quản lý và của tất cả mọi người.
Một trong những vấn đề then chốt là phải tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan đến Âm nhạc cung đình Huế, xây dựng kế hoạch các sưu tập tư liệu sách vở, ảnh, phim, băng nhạc, đĩa hát... Qua đó, cần tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn, đồng thời nhân bản tư liệu để cất giữ, đề phòng mất mát, nhất là điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế.
Hơn nữa, cần tiếp cận những nghệ nhân, nhân chững sống còn hiểu biết về âm nhạc cung đình, tiến hành thu băng, chụp hình, quay phim những diễn xuất giai điệu, ca từ mà họ trình bày. Hiện tại, những nghệ nhân xưa đã lần lượt ra đi, hạn hữu còn lại một vài vị cũng đã qua tuổi "cổ lai hy"... vì vậy phải khẩn trương khai thác những tri thức kỹ năng, kỷ xảo quý giá còn ở nơi họ. Cùng với sự tiếp cận này, phải xây dựng một chế độ đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân để họ nhiệt tình truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không kém phần quan trọng, nhằm góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, huy động cái sở tri của mọi tầng lớp nhân dân về âm nhạc cung đình. Mở rộng tuyên truyền đến khách du lịch nước ngoài bằng các cuộc biểu diễn tại không gian diễn xướng lịch sử, mà âm nhạc cung đình đã thể hiện. Kêu gọi sự đóng góp tri thức của các bậc thức giả: tranh thủ sự đầu tư, hổ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cả về kinh phí, phương tiện, tư liệu, ổ chức các đợt biểu diễn tuyên truyền Nhã nhạc ở nước ngoài.
Điều đáng quan tâm khác là phải thành lập Hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có uy tín để thường xuyên kiểm chứng các khúc nhạc, lời ca nhằm kịp thời uốn nắn, chỉnh lý, thậm chí loại bỏ những sai sót không đáng có, tránh sự cải biên tùy tiện làm giảm các giá trị đích thực của âm nhạc truyền thống.
Ngoài ra, cần xúc tiến thành lập một Nhà/phòng bảo tàng Âm nhạc cung đình Huế, có thể hoạt động bên cạnh hoặc trong lòng Duyệt Thị Đường, để trưng bày lưu trữ những nhạc cụ, nhạc bản, phục trang, hình ảnh, tư liệu những đĩa hát xưa và nay, những băng từ ghi âm, ghi hình, các tài lệu nghe nhìn về nhạc cung đình Hế, các địa điểm diễn xướng, để làm cho các kiến trúc lịch sử này sống lại trong môi trường văn hóa vốn có của nó.
Với sự kiện Nhã nhạc được công nhận Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, văn hóa Huế lại một lần nữa được đăng quang, chắc chắn sẽ tạo thêm những điều kiện mới cho sự phát triển của trung tâm văn hóa du lịch này. Bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc cung đình luôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô, bởi lẽ hai loại hình văn hóa này luôn đan xen, hòa quyện để làm nên vẻ đẹp viên mãn của di sản văn hóa Huế.


Theo Nhanhac.com.vn
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Văn hoá Huế
« Trả lời #4 vào: Tháng Tám 24, 2008, 12:04:54 PM »
Bình phong và non bộ trong kiến trúc Cung đình Huế


Chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các-thuộc Khiêm Cung

Huế xưa nay vốn nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc cảnh quan mang đậm tính chất phong thủy. Trong các yếu tố của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Huế, bình phong và non bộ đương nhiên là những yếu tố không thể thiếu.

Bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Non bộ lại là sự kết hợp giữa nước (thủy) và đá (thạch), chức năng ban đầu chủ yếu là kết hợp với bình phong để cản bớt hỏa khí, “tụ thủy, tích phúc” cho gia chủ. Về sau bình phong, non bộ mới kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dẫn dần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống.
Đối với bình phong cổ, hiện nay Huế vẫn còn giữ được hàng chục chiếc với đủ loại chất liệu: gỗ, đan mây, vải, bạc-vàng, đá, xây gạch...trong đó phổ biến nhất là loại hình bình phong xây bằng gạch đá. Đây cũng là loại bình phong có kích thước lớn, đặt ngoài trời, thường được trang trí công phu bằng cách chạm trổ (đá), ghép sành sứ với các biểu tượng và mô típ của nghệ thuật truyền thống (phúc-lộc-thọ-hỷ hay các linh vật như long, lân, quy, phụng, long mã...).
Lăng Tự Đức là khu di tích còn bảo tồn được nhiều bức bình phong cổ có chất lượng nghệ thuật cao. Tiêu biểu là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các-thuộc Khiêm Cung. Đây là một trong những chiếc bình phong trang trí tứ linh hiếm hoi còn bảo tồn khá nguyên vẹn.
Bình phong được xây gắn với tường thành giới hạn phía sau của Khiêm Cung, hình chữ nhật, kích thước lớn mỗi chiều đến vài mét. Trên đầu bình phong đắp nổi hình đôi rồng chầu về mặt trời. Hình tượng tứ linh với 4 linh vật long-lân-quy-phụng được thể hiện hết sức sinh động bằng cách ghép mảnh sành sứ ngay trên phần thân của bình phong. Bốn linh vật này được bố trí theo các cặp phạm trù đối xứng: Long (Thái dương)-Quy (Thiếu âm) và Phụng (Thái âm)-Lân (Thiếu dương), và cùng hướng vào biểu tượng Thái cực được thể hiện cách điệu dạng hình mặt trời có các cụm mây xoắn viền quanh.
Ngoài chiếc bình phong trên, phía trong cửa Huy Khiêm thuộc Khiêm Cung còn có chiếc bình phong trang trí long mã rất đẹp. Long mã hình dáng tựa kỳ lân nhưng đang chạy trên mặt nước, trên lưng chở Hà đồ, thần thái hết sức sinh động.
Khu vực lăng Khiêm Thọ của Lệ Thiên Anh hoàng hậu ở phía bên kia hồ Lưu Khiêm cũng có bức bình phong Loan-Phụng rất độc đáo nằm sau cổng chính. Đây là bức bình phong được trang trí bằng cách ghép sành sứ màu với số lượng rất lớn. Hình loan, phụng được thể hiện thành một đôi theo tư thế đối xứng, đầu chầu về hình mặt trời đặt ở chính giữa, đuôi vươn cao và xoè rộng như đang múa. Toàn bộ mô típ trên được đặt trong một hình tròn biểu tượng cho bầu trời, bên ngoài có 4 dây hoa cúc đặt ở 4 góc làm giới hạn cho hình vuông, biểu tượng của mặt đất theo quan điểm phương Đông truyền thống.

Bình phong ở Lăng Khiêm Thọ
Ngoài lăng Tự Đức, tại các khu di tích cung đình khác như cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu (trong Hoàng Thành), điện Voi Ré, lăng Cơ Thánh (tức lăng Sọ)...cũng còn giữ được một số chiếc bình phong được xây dựng công phu và có giá trị nghệ thuật cao.
Non bộ trong kiến trúc cung đình có mặt ở rất nhiều nơi trong các cung điện, vườn cảnh, với trình độ nghệ thuật điêu luyện, hàm chứa những triết lý nhân sinh độc đáo. Trải qua thời gian với các biến động lịch sử, hầu hết các non bộ nguyên thủy đã bị hủy hoại hay bị biến dạng qua các lần sửa sang trước đây. Hiện trong quần thể di tích cố đô chỉ còn một số ít non bộ còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn và đây là nguồn tư liệu vô giá cho công tác nghiên cứu, bảo tồn loại hình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt này.
Một trong những non bộ tiêu biểu hiện còn là hòn non bộ lớn phía sau Thái Bình Lâu. Đây là một non bộ có quy mô lớn, hình dáng được tạo dựng công phu, có giá trị khá cao về mỹ thuật. Tuy nhiên non bộ trên đã trải qua một số lần tu sửa và những đợt tu sửa này đã gây ảnh hưởng đến mỹ thuật cùng tính nguyên gốc của công trình.
Ở hồ Tân Nguyệt, phía trước cung Trường Sanh cũng có một non bộ được tạo dựng công phu. Quy mô của non bộ này cũng khá lớn, hình dáng kỳ vỹ, có cầu đá bắc qua mặt hồ để nối với bên kia bờ. Đáng tiếc là non bộ này đã bị một số cây lớn mọc lâu năm làm phá vỡ khá nhiều chi tiết.
Tại cung Diên Thọ, trong hồ vuông của Trường Du Tạ cũng có một non bộ có cấu trúc và phong cách khá giống non bộ của cung Trường Sanh. Xem xét về cấu trúc thì có thể thấy chiếc non bộ này đã được chỉnh sửa một số lần, mới đây nó lại được tu bổ qua đợt trùng tu cụm di tích cung Diên Thọ.
Nhưng có lẽ đẹp nhất và còn bảo tồn được nguyên vẹn nhất là non bộ sau gác Ích Khiêm của lăng Tự Đức. Tức là non bộ đặt phía trước chiếc bình phong tứ linh đã đề cập. Đây là chiếc non bộ được xếp đặt cực kỳ công phu và gần như chưa có bất kỳ sự tu sửa nào.
Cũng tương tự như các non bộ ở cung Diên Thọ, cung Trường Sanh về kỹ thuật xây dựng (đều dùng kỹ thuật xây đắp đá trên nền bệ đỡ bằng gạch vồ), nhưng non bộ này không thể hiện theo kiểu “Tam sơn” (3 hòn núi thần trên biển theo truyền thuyết), mà có chủ đề kiểu “Quần long đại hội” (9 con rồng họp về). Hình tượng 9 con rồng được thể hiện bằng các khối đá với những hình dáng phong phú, có sức gợi mở trí tưởng tượng rất cao. Rõ ràng là ở đây đã có sự phối hợp khăng khít giữa các hình tượng được thể hiện trên bình phong và non bộ (Thái cực-Lưỡng nghi-Tứ linh-Cửu long).
Vốn xưa khi vua Tự Đức còn tại thế, Khiêm Cung đóng vai trò là một ly cung đặc biệt của hoàng đế triều Nguyễn. Trong suốt 16 năm cuối đời, vua Tự Đức thường lên đây, mỗi đợt thường ở lại nhiều ngày để tránh xa chốn kinh thành náo nhiệt và đa sự. Khiêm Cung có đầy đủ các yếu tố của một cung điện hoàn chỉnh, lại có cả cấu trúc của một ngự uyển để nhà vua nghỉ ngơi, thư giãn. Hồi ấy, ngoài khu vực cảnh quan lớn bố trí dọc theo và bên kia hồ Lưu Khiêm, khu vực phía sau điện Lương Khiêm cũng là một hoa viên với trung tâm là gác Ích Khiêm, có trường lang nối ra hai phía, xung quanh có cả chục bồn hoa lớn nhỏ, hàng chục chậu cảnh chạm từ đá thanh rất cầu kỳ . Non bộ và bình phong tứ linh là điểm nhấn quan trọng của hoa viên, đấy là lý do vì sao chúng đều được xây dựng, tạo tác hết sức công phu.

Một phần non bộ và Long Quy
Việc nghiên cứu hệ thống bình phong, non bộ cổ sẽ góp phần giải mã nhiều vấn đề thú vị của phong thủy được áp dụng trong kiến trúc truyền thống, nhất là trong kiến trúc cung đình Huế. Bên cạnh đó, những bình phong, non bộ cổ nói trên còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vì vậy nghiên cứu kỹ những tác phẩm này sẽ giúp chúng ta lí giải được nhiều vấn đề về mỹ thuật truyền thống Huế. Nhưng vấn đề đang đặt ra hiện nay là chúng ta chưa chú ý đầu tư nghiên cứu kỹ những tác phẩm nghệ thuật nói trên. Mặt khác, phần lớn người chơi cây cảnh, non bộ hiện nay đều chịu ảnh hưởng của trường phái non bộ, cây cảnh của Nhật Bản (trường phái mới du nhập vào nước ta từ thập niên 60 của thế kỷ XX) mà lại ít am hiểu về nghệ thuật non bộ, cây cảnh truyền thống với những triết lý rất sâu sắc và nhân ái của người Việt. Thực trạng hệ thống cây cảnh, non bộ được trưng bày trên nhiều di tích Huế hiện nay đã và đang thể hiện rất rõ điều này. Vì vậy, chúng ta cần có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác nghiên cứu và bảo tồn hệ thống bình phong, non bộ trong kiến trúc cổ.
Người viết muốn nhấn mạnh rằng, để phục nguyên các di tích thì không chỉ phục hồi các công trình kiến trúc mà cảnh quan, môi trường và các yếu tố phụ trợ cũng hết sức quan trọng. Việc nghiên cứu, bảo tồn hệ thống bình phong, non bộ cổ của Huế sẽ góp phần quan trọng trong việc trả lại cho các di tích xưa đúng diện mạo vốn có, đồng thời chuẩn bị cho công tác phục hồi các khu vườn ngự uyển của cố đô.


Tổng hợp internet
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Văn hoá Huế
« Trả lời #3 vào: Tháng Tám 24, 2008, 12:02:52 PM »
Thấy gì ở “700 năm Thơ Huế”?


Bìa sách “700 năm Thơ Huế”

Nếu không có dự án chắc chắn là không thể có tuyển tập 700 năm Thơ Huế, dày hơn 1.200 trang, giá bìa 270.000 đồng - công trình của Hội LHVHNT Thừa Thiên - Huế, giấy phép của NXB Thuận Hóa.
 

Phải nói rằng, tập hợp khái quát được 700 năm thơ Huế quả là không dễ, bởi vậy, bạn đọc rất mừng vì xứ Huế, xứ thơ có được một tuyển thơ dày dặn.

Những người biên soạn quan niệm rằng: “Thơ Huế là thơ của những người sinh ra và trưởng thành ở Huế, là thơ của những người từng đến sinh sống ở Huế và sáng tác, là thơ của những người Huế xa Huế, là thơ của những người các vùng quê khác ghé Huế, chỉ dừng chân trong khoảng khắc mơ màng trước nỗi niềm sơn thủy Huế mà xúc cảm thành thơ”.

Có lẽ vì tiêu chí quá rộng và quá thoáng nên trong tuyển tập có khá nhiều bài chẳng liên quan gì đến Huế. Ví dụ như tác giả Lê Trọng Nghiêm, chỉ biết là ông sinh năm 1861 và mất năm 1940. Ban biên tập chua đúng một dòng: “Chưa rõ thân thế và sự nghiệp”. Bài được tuyển chọn có tiêu đề là Tự thuật, không giới thiệu xuất xứ, đọc hết cả bài chẳng thấy câu nào chữ nào liên quan đến Huế.

Chẳng riêng gì tác giả Lê Trọng Nghiêm còn đầy bí ẩn đối với độc giả, mà 100% tác phẩm được tuyển chọn đều không có xuất xứ.

Ngược lại, khá nhiều tác giả nổi tiếng ở đất thần kinh, lại vắng bóng: Nhà sư Huyền Không, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Kế, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết...

Thử rút trong tủ sách để kiểm chứng: Chuyện tình và thơ tình xứ Huế (NXB Thuận Hóa -1998); người bị sót trong tuyển tập là NSƯT Nguyễn Hữu Ba, chủ nhân của Tỳ Bà Trang.

Thơ Nguyễn Hữu Ba không được người đời biết đến như sự nghiệp chấn hưng âm nhạc dân tộc của ông, nhưng cũng không phải “tay ngang” như một số tác giả mới xuất hiện trong 700 năm Thơ Huế. Rồi Diệu Không thi tập (NXB Thuận Hoá-2007) của Thích nữ Diệu Không (Hoà thượng ni, người Huế thường gọi là Sư Bà).

Bà là bạn chí thân của Nữ sĩ Đạm Phương, làm thơ từ đầu thập kỷ 20 cho đến cuối thập kỷ 80, “sinh ra và trưởng thành ở Huế”, một phụ nữ, tu sĩ danh giá của Huế. Ấy thế mà không có tên trong 700 năm Thơ Huế.

Nhà văn Thừa Thiên-Huế (NXB Thuận Hoá-2002) – là một kỷ yếu và tác phẩm, giới thiệu 13 gương mặt hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống tại Huế. 1 trong 13 gương mặt này bị sót tên trong 700 năm Thơ Huế.

Ở các quán cà phê buổi sáng bên sông Hương, những người yêu âm nhạc kể cho tôi nghe một số bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, một thời trai trẻ họ đã hát say sưa, đến nay vẫn thuộc và còn yêu thích, như Kiếp nào ta yêu nhau, Để lại cho em, Tôi ước mơ... Thế nhưng các tác giả thơ này không hiểu vì sao đã bị sót, hay bị loại ra khỏi 700 năm Thơ Huế?

Một nhà nghiên cứu văn hóa Huế nói rằng: Nếu giao cho tôi một dự án tương tự thì tôi sẽ cung cấp thêm khoảng 300 tác giả là người Huế, người đã đến Huế và làm thơ về Huế. Họ đang ở khắp các châu lục trên thế giới. Thơ của họ đã được đăng ở chỗ này chỗ khác, có xuất xứ hẳn hoi, có nhiều bài hay, chứ không chỉ có bài thơ mà không có thơ...


Theo Thanh Tùng (Netcodo)
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Re: Văn hoá Huế
« Trả lời #2 vào: Tháng Tám 24, 2008, 12:01:26 PM »
Huế trong thơ Huế



Phu Vân Lâu

Huế là địa danh được nói nhiều nhất trong thơ, của cả những người chỉ tạt qua Huế đôi lần trên con đường viễn du Bắc Nam như Nguyễn Bính (*), những kẻ ở đó chỉ một thời như Phan Khôi (*), huống chi với một nhà thơ "Huế rặc" như Bùi Ngọc Lan.

Nói rõ ra, cô là người sinh ra ở đó, lớn lên, học hành và dạy học ở đó, lại có cả bà nội tổ có bà con với Hoàng triều. Thành ra, Huế của Bùi Ngọc Lan không chỉ là Huế của dân dã mà còn là Huế của Hoàng gia, Huế của Đại Nội, nơi khi còn thơ ấu, khi Bảo Đại còn ngồi trên ngai vàng, không ít lần cô đã vào ra trong những dịp lễ tết hay khánh thọ của các ông hoàng bà chúa.
Bởi một biến cố trọng đại của đất nước và cũng bởi một biến cố trọng đại trong đời một người phụ nữ, - theo chồng -, cô mới đành bỏ Huế mà đi để làm người lưu vong nơi xứ người:"Em đã theo chồng".
 
Về phương trời khác
Tôi đứng bơ vơ với nỗi nhớ ngân dài..."
(Về Qua Thành Nội - Còn Trong Nỗi Nhớ- Bùi Ngọc Lan)


Chắc chắn không ít người "đứng bơ vơ với nỗi nhớ ngân dài..." Người ấy là ai? Cô có biết hay không biết họ bởi vì những người như thế ấy, đâu có phải ai ai cũng mạnh dạn tỏ tình:

"Thêm một chút gì cho mối tình câm
Chàng Quốc Học yêu cô nàng Đồng Khánh
Một mối tình câm năm mươi năm hiu quạnh
(Cho tôi gởi một chú gì về theo- Còn Trong Nỗi Nhớ - Hoàng Long Hải)


Một "mối tình câm" kéo dài nửa thế kỷ đấy! Có đau đớn cho ai không?!
Thành Nội là địa danh Bùi Ngọc Lan nói đến nhiều nhất trong thơ cô. Lý do: Tại nhà cô ở trong Thành Nội, trong cửa Đông Ba
Đường Đông Ba thăm lại mái nhà xưa,
Hàng phượng xanh xanh trong nắng ban trưa - Về Qua Thành Nội- Sđđ) hay trường cô dạy cũng trong Thành Nội: "Trường Đồng Khánh Thành Nội" hay Đại Nội (Trong Thành Nội) là nơi cô từng vào ra khi ấu thơ vì mối liên hệ máu mủ với Hoàng giạ Mối "liên hệ" ấy làm sao xóa bỏ đi được..

Mây giăng núi Ngự cho lòng lạnh
Lối về Thành Nội trắng mưa đêm
(Gởi Hương Cho Gió- Sddd)


... ... ...
Đường Tam Tòa rặng mù u xanh mướt Áo tím bay, nắng Thượng Tứ vừa lên (Huế và Em- sddd) ... ... ...
Trăng đêm hè Thành Nội Ngát hương cau, hương bưởi vườn ai (Sddd) ... ... ...
Đường vô Thành Nội xanh xao phượng (Chút Tình Riêng Gởi Huế - Sddd)

Bùi Ngọc Lan có những nhận xét tinh tế về Huế, có lẽ những nhận xét đó cô nhận biết khi còn đi học, trên đường từ nhà cô trong Thành Nội qua trường Đồng Khánh:
Tay ôm cặp sách đi dưới rặng mù u để tránh nắng. Không những thế, có lần cô thấy
"Lối về Thành Nội trắng mưa đêm" (Gởi Hương Cho Gió... Sđd). Không những đêm, có cả ngày hè nên "Lối về Thành Nội nắng mênh mông" (Nhớ Huế - Sđd) hoặc những đêm hè, đi ngang vườn nhà ai ở đường Bộ Thị, Bộ Tham thấy "Ngát hương cau, hương bưởi" (Huế và Em - Sđd) hoặc khi mùa Xuân tới thì "Đường vô Thành Nội xanh xao phượng" (Chút Tình Riêng Gởi Huế - Sđd) hay "Đường Nội Thành xào xạc lá me
bay." (Ước Gì Có Huế Bên Này - Sddd) Cảnh đó từng làm cho nhà thơ khi xa quê "Nhớ Nội Thành da diết, Đường phượng bay" chiều mưa. (Chiều quê người - Sddd)

Trước khi mưa thường có gió lộng làm hoa phượng đỏ rơi lả tả đầy mặt những thảm cỏ xanh. Cũng trong nỗi nhớ đó, không ít lần, khi ở Melbourne (nơi cô định cư), đi trong chuyến tàu chiều, Bùi Ngọc Lan thấy "Nhớ hàng cây Nội Thành thấp thoáng nắng, Chưa bao giờ mình yêu Huế nhiều hơn."(Chuyến Tàu Hoàng Hôn - Sđd) Nói tới Nội Thành, người ta không thể không nhắc tới Đại Nội. Đại Nội là trung tâm của Thành Nội. Trung tâm của Đại Nội là Tử Cấm Thành, nơi sinh hoạt thường nhật của Vua Dĩ nhiên, ngày nay vua không còn, triều đình không còn, hoàng gia không còn, cung phi mỹ nữ không còn, Đại Nội trở thành nơi vắng vẻ, hiu quạnh, lạnh lẽo:



Đại Nội rêu phong vạn cổ sầu
Trăng tà, tiếng cuốc lạnh đêm thâu.
Cung miếu, điện đài nay vắng ngắt
Người xưa hồn thấp thoáng nơi đâu..?
(Chút Tình Riêng Gởi Huế- Sddd)


Đọc bốn câu thơ nầy, người yêu thơ nghe như đâu đây có "hồn thu thảo" của Bà Huyện Thanh Quan hay tiếng gọi của hồn Thục Đế "Năm canh máu chảy đêm hè vắng" (Quốc kêu cảm hứng - Nguyễn Khuyến) như trong thơ Nguyễn Khuyến. Đôi khi Bùi Ngọc Lan thấy le lói chút nắng của "Ngũ Phụng Lâu dưới nắng chiều rực rỡ, Ta gọi thầm Đằng Vương Các hôm nay" (Ước Gì Có Huế Bên Nầy - Sđd) nhưng trong lòng cô vẫn còn một nỗi u "Đại Nội rêu phong nhớ Thái Hòa." (Quê Người Vẫn Nhớ Xuân Quê Cũ - Sđd). Người yêu thơ băn khoăn trước những nỗi nhớ của Bùi Ngọc Lan. Cô nhớ Điện Thái Hòa là nhớ một triều đại phong kiến đã suy tàn hay nhớ Đại Nội như một chứng tích của một nền văn học cổ rực rỡ, sáng chói như mấy câu thơ của Vương Bột viết ở Đằng Vương Các: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc."
Có điều lạ! Ai ai cũng ngán cái mưa dầm xứ Huế, nhưng khi xa Huế rồi, đố ai khỏi nhớ! Nguyễn Bính chỉ ghé Huế đôi lần cũng phải than:

Giời mưa xứ Huế sao buồn thế!?
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Mưa ở Huế là mưa dầm, là
Mùa đông buồn của Huế,
Ngày lê thê trời đất trắng mông lung.
Trắng ngõ nhà em bậc thềm rêu phủ,
Huế mù sương, ôi xa quá mịt mùng..
(Huế Và Em - Sddd)


Mùa đông mưa buồn là nỗi khắc khoải, thắc mắc của tấm lòng nhà thơ đối với Huế:
 "Tháng chạp Huế mình chắc lạnh lắm?" (Chút Tình Riêng Gởi Huế - Sđd) Tháng chạp, còn chưa bao nhiêu ngày đã tết rồi mà còn "Mưa phùn lất phất trắng trời bay".
(Chút Tình Riêng Gởi Huế) Từ "Khi đông về, Trời trắng xóa mưa bay" nên nhà thơ cứ lo lắng "Nghe Huế năm nay trời lạnh lắm" (Tết Tha Hương - Sđd). Chỉ mới "nghe" thôi mà lòng đã thương Huế lắm rồi. Mưa dầm xứ Huế bao giờ cũng kèm theo cái lạnh.
Xuân Diệu gọi là "rét mướt luồn trong gió". Mưa và gió Bấc là hai cái song đôi. Gió Bấc mang theo cái lạnh của "Châu Á gió mùa": "Những ngày đông trên kinh thành Huế, Mưa trắng trời gió lạnh căm căm." Lạnh căm căm là cái lạnh từ ngoài trời! Cái lạnh từ trong lòng tội nghiệp hơn:



"Mưa, mưa hoài không dứt
Giọt, giọt dài ngân nga
Mưa trắng trời lụt đất
Lạnh trong lòng lạnh ra."


Ở quê người, ít khi nhà thơ dứt ra khỏi tâm trí mình những suy nghĩ nhớ nhung về Huế, cô tự hỏi lòng những câu rất thường, nhưng qua đó, ta thấy lòng yêu Huế của tác giả sâu đậm chừng nào:
Huế chừ mưa hay nắng
Trời đã vào thu chưa?
Nhìn chiều xuống ở chân trời, "Giấc hương quan" lại đến với Bùi Ngọc Lan:

Chầm chậm chiều xuống núi
Thẫn thờ trong mù sương
Đèn nhà ai thắp sáng
Giấc hương quan vấn vương.


Người đọc thấy trong thơ của Bùi Ngọc Lan lẫn lộn thơ cũ và thơ mới. Người ta cảm nhận ở đây cái vẻ "Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh" của Nguyễn Bính, pha trộn cùng "giấc hương quan luống lần mơ canh dài" trong tâm sự xa quê của cô Kiều của Nguyễn Du cùng với "đèn nhà ai thắp sáng" trong bóng cây đen thẩm khi chiều đã lên cao.
Lòng người Huế yêu Huế thật đậm đà và cái lạnh, mưa của Huế để lại một ấn tượng sâu sắc và buồn bã cho những người con Huế lưu lạc phương xạ Bất cứ ở đâu, thấy những cơn mưa mùa đông, người ta "Nhìn mưa nơi đất khách, Lòng chợt nhớ quê nha". Không những nhớ mà còn thương: "Khi mùa mưa lũ đến, Thương quê mình xót xạ..!" Họ thường nhớ tới những cơn mưa dầm xứ Huế, như Bùi Ngọc Lan nhắc đi nhắc lại tới mấy lần:

"Những ngày mưa mùa đông
Những ngày mưa mùa đông
Hồn tan trong sương trắng
Lòng nghe sầu mênh mông"


Giống như những thành phố lớn khác, Huế có sự sinh hoạt về đêm. Trong những đêm mưa đông lạnh giá, nghe tiếng rao hàng từ ngoài đường phố vẳng lại, người có lòng từ tâm không khỏi xót xa cho ai đang lặn lội trong đêm mưa gió lạnh lùng. Từ tâm ấy, được Bùi Ngọc Lan kể:

Những đêm khuya quạnh vắng
Tiếng rao hàng xa xa xa
Trải dài qua phố vắng
Quyện vào mưa xót xa...


Xót xa là bởi Bùi Ngọc Lan thương quê mình "Áo đơn không đủ ấm, Nghe mưa mà não nề."

Mưa và lạnh của Huế khác với mưa lạnh xứ người. Đó không phải là cái lạnh khô mà ẩm ướt của gió "Mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải" (*), cái lạnh len lỏi qua da thịt thấm vào tận xương tủy, làm cho người ta thấm thía, chua xót nhất là trong cảnh thiếu thốn "Áo đơn không đủ ấm..."
Trong cảnh mưa gió bão bùng đó, có điều may, không phải lúc nào lòng nhà thơ cũng ủ ê rầu rĩ. "Trường Tiền mấy nhịp lạnh chiều đông". Cũng có khi Bùi Ngọc Lan thấy "Trường Tiền ngạo nghễ trong mưa lạnh" (Quê Người Vẫn Nhớ Xuân Quê Cũ - Sđd). Có phải nhờ tính ngạo nghễ đó mà Huế đã tồn tại sau bao nhiêu năm giặc giã, vật đổi sao dời?
Trong bài "Hướng Âm Vô Cải" giới thiệu một nhà thơ Huế khác: Hoàng Xuân Sơn, tôi có viết: "Sông Hương là bối cảnh của Huế mà cũng là bối cảnh của tâm hồn người Huế". Thật đấy! Nếu không có sông Hương thì chúa Nguyễn đã không dựng nên kinh thành Huế và người Huế cũng không có ở đó để mà yêu thương và nhớ nhung con sông nầy. Có biết bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ viết về sông Hương rồi. Ở Bùi Ngọc Lan, cô không những chỉ có những bài thơ về sông Hương mà có cả một tập thơ và chuyên đề về "Tiếng Sông Hương."
Người xa Huế thường nhớ sông Hương, con sông êm đềm chảy qua thành phố êm đềm, hiền hòa nên có ai về Huế thì họ xin gởi cho họ một chút gì tượng trưng cho Huế:

"Nhớ gởi cho anh
Vài giọt nước sông Hương
Trong như nước mắt em lúc nũng nịu, giận hờn
Ngọt mát, dịu thơm tình dòng sông cũ
Xa Huế lâu rồi vời vợi nhớ thương."
(Huế và Em - Sddd)


Có người đã đặt dấu hỏi về tên của con sông nầy. Tại sao không là tên một người con trai, đàn ông mà Hương, là tên một cô gái? Ai đặt ra cái tên đó? Có phải đó là do một người đàn ông, một chúa Nguyễn nào đó, - có thể là chúa Nguyễn Phúc Trăn, người đời đô đến Phú Xuân - có người yêu tên Hương, cũng như Bùi Ngọc Lan, thấy nước sông Hương trong mà tưởng tượng ra đó là giọt nước mắt người yêu; dòng sông êm như người yêu, với lòng xót xa và thương yêu vời vợi...Nói tới sông Hương không thể không nói tới núi Ngự (Ngự Bình) (*). Núi Ngự là cái bình phong che mặt cho hoàng thành. Núi không cao quá che mất cái vẻ sáng của Trời, không thấp quá để không có thể chắn nỗi cái lực xung khắc từ phương xa tới, trong khi sông Hương là một hào thành thiên nhiên bảo vệ kinh độ Vì những "bửu bối" đó, nhà thơ có một nỗi ước ao rất khó thực hiện: Mang Huế qua nơi cô đang sinh sống ở hải ngoại, dựng nên như một "Disney World" ở Florida.
Điều đó cho thấy người Huế yêu Huế ghê gớm lắm:

"Ước gì mang Huế qua đây
Để được ngắm thông reo đỉnh Ngự
Dòng nước Hương Giang in bóng mây"
(Ước Gì Có Huế Bên Nầy - Sddd)


Khi yêu thương, người ta đã có những ý nghĩ thật điên rồ. Dù cho có mang được sông Hương, núi Ngự đến quê người, nhưng còn người Huế nữa thì sao? Và cái tình của người dân Huế thì sao? Ai có thể mang nó đi được, dù Walt Disney có tái sinh. Dù sao, ý nghĩ ấy cũng biểu lộ được tấm lòng của người Huế đối với quê hương của họ vậy. Không chỉ có sông Hương núi Ngự mà thôi đâu. Kỷ niệm của một người "Huế rặc" như Bùi Ngọc Lan đâu chỉ quanh quẩn với sông Hương núi Ngự, với hoàng thành. Còn những ngôi trường Đồng Khánh, Quốc Học và Đại Học Huế nơi cô từng theo học đó nữa. Kỷ niệm học trò là kỷ niệm khó phai nhất. Vả lại, những kỷ niệm rong chơi thuở còn đi học đâu có thể chóng quên được. Bùi Ngọc Lan trải hồn của mình lên tận bến đò Tuần, Đồi Vọng Cảnh, lăng Khải Định, hòa nhịp với tiếng thông reo trên lăng Tự Đức, quyện vào những nét mây lãng đãng trên chùa Linh Mụ, xóm Kim Long, dào dạt với cảnh bến sông tấp nập Bao Vinh, làng Vỹ Dạ, cùng với một miếng nem ngon, một chén chè đậu ngự, đậu xanh ngọt lịm; trái quít, trái cau tươi mát ở Ngọc Anh, Nam Phổ. Nói làm sao hết được!
Tôi có cái ngu là không có phép thần thông mà lại muốn theo bà Nữ Oa làm công chuyện "Đội Đá Vá Trời". Tình cảm của một nhà thơ, một tập thơ, với trăm ngàn nhớ thương đối với quê hương đất nước, về chiều rộng, nó mênh mông đến tận cuối thiên nhai, xa tít tắp chân trời như trong một buổi chiều hè; về chiều sâu, tình cảm đó sâu lắng như dòng sông Hương không tìm thấy đáy. Vậy mà tôi lại muốn gói gọn những thứ ấy trong mấy trang giấy giới thiệu. Đúng ra, tôi không nên nói gì hết, chỉ nên trân trọng mời bạn độc mạnh dạn bước vào thế giới ấy, thế giới đầy nhớ nhung có những màu sắc, âm thanh tuyệt vời cùng với nỗi nhớ nhung triền miên, chỉ có thể hiện hữu trong tâm tưởng vô biên của những người con yêu của Huế đang phiêu bạt nơi góc biển chân trời./
Mass, những ngay lạnh nhất!
Hoàng Long Hải
(*) Bài Thơ "Giời mưa ở Huế" của Nguyễn Bính và "Chương Dân Thi Thoại" của Phan Khôi, xuất bản khi ông làm báo "Sông Hương" ở Huế thời tiền chiến.
(*) Câu của Đài Phát Thanh Saigon trước đây thường nói khi phổ biến tin thời tiết.
(*) Ngự Bình: có thể là tên mới từ khi chúa Nguyễn lập kinh đô ở Phú Xuân. Ngự: thuộc về vuạ Bình: cầm giữ. Trấn giữ mặt tiền của hoàng thành. Thành Huế quay mặt về hướng Nam, hướng phát triển của các chúa Nguyễn về phía Nam sau khi chúa Nguyễn Hoàng xin vào nam để trấn giữ đất Thuận Hóa. Người Việt thuộc phương Nam, phương Nam thuộc quẻ Ly trong ngũ hành.
("Tiếng Sông Hương"- Thơ và chuyên đề của Bùi Ngọc Lan) Tuệ Chương

Net VN
 

Đã thoát ra nhantam

  • Lữ hành cấp 6
  • ******
  • Bài viết: 1699
Văn hoá Huế
« vào: Tháng Tám 24, 2008, 11:57:56 AM »
Ca dao Huế



"Ai về cầu ngói Thanh Toàn; Cho em về với một đoàn cho vui"

Người ta có thể tìm thấy được ca dao từ những câu hát ru con, những câu hò trên sông nước, thường nghe được ở Huế và các vùng phụ cận. Bao nhiêu tinh hoa của nhiều thế kỷ đã hội tụ về miền sông Hương, núi Ngự, để tạo nên một vùng đất văn hóa vô cùng đặc sắc.

Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, thế kỷ thứ 16, có đoạn viết về Huế "Mặt đất non sông tươi đẹp, biển cả sóng nước mênh mông"; còn trong dân gian được truyền tụng:

"Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ"


Không chỉ cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, Huế trước đây còn là kinh đô của nhà Nguyễn hàng trăm năm, nên đã hội tụ văn hoá nhiều miền của đất nước, tạo nên một di sản văn hoá đồ sộ, trong đó có CA DAO. Ca dao Huế có câu:

"Hồ Tịnh Tâm nhiều sen Bách Hợp
Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam"

Câu ca dao như thế thường xuất phát từ xúc cảm của con người trước thiên nhiên và cuộc sống, rồi vì lời hay ý đẹp nên lan dần trong dân gian, và truyền tụng từ đời này sang đời khác. Ca dao cũng biến đổi theo thiên nhiên, con người, và những thăng trầm của thế sự.

"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"


Rồi thì qua một cuộc bể dâu, ca dao lại đổi khác

"Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm"


Đó là những câu ca dao nói về đoạn đường gian khổ, khó khăn, khi từ Bắc vào Huế. Ngày nay, phá Tam Giang được bồi đắp dần dần và trở thành những mảnh đất màu mỡ cho con người canh tác. Ngày xưa, từ Bắc vào Nam đã khó, nhưng từ Nam ra Huế cũng chẳng dễ dàng

"Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghành đá, tủi thân thêm buồn"


Đèo Hải Vân nằm giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, từng được gọi là Đệ Nhất Hùng Quan. Đường bộ là thế, còn đường biển thì có Hang Dơi

"Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi"


Ca dao Huế còn lấy sự trường tồn của cảnh quan để so sánh với tấm lòng thủy chung của con người

"Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Dẫu ai ăn ở hai lòng
Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng"

"Núi Truồi ai đắp nên cao?
Sông Gianh ai bới, ai đào, mà sâu ?"


Ca dao Huế còn có ý nghĩa gợi nhớ công lao của bậc tiền nhân, hay, ta thán về nhân tình thế thái. Huế ngày nay được xem là một bảo tàng lộ thiên với điện ngọc, đền vàng, lăng tẩm. Đó chính là di sản văn hoá vật chất về di tích cố đô, và là di sản văn hoá của cung đình Việt Nam. Những tố chất đó là nguồn cảm hứng cho con người. Bởi thế, ca dao xứ Huế không chỉ ngợi ca về thiên nhiên, nói về nhân tình thế thái, mà còn tìm thấy được hình ảnh của kiến trúc cố đô Huế trong ca dao.

"Ngọ Môn năm cửa, chín lầu
Cột Cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng"

"Đi mô cũng nhớ quê mình
Nhớ Hương Giang gió mát, nhớ Ngự Bình trăng thanh"


Chính những điệu hò, những câu ca dao nặng tình yêu thương quê hương đất nước, đã thấm đẫm vào con người Huế từ thuở ấu thơ. Vì thế, mỗi lần giỗ, tết, được trở về cố thổ để tưởng nhớ tổ tiên, thăm lại bà con, bạn bè, bên chén trà, chum rượu, ôn cố tri tân, bao giờ cũng vẫn là điều mong ước, một tình cảm thiêng liêng không xóa nhòa được trong lòng ngươi Huế tha hương.

Huế là một miền đất có một cảnh quan thơ mộng, xinh đẹp, và từ đời sống thiên nhiên đó, ca dao đã được hình thành. Cứ mỗi địa danh, gần như có một câu ca dao. Ví dụ cụ thể như chúng ta đi từ thượng nguồn sông Hương về hạ nguồn sông Hương, thì sẽ thấy có những câu ca dao như là:

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiêng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"


Đến Kim Long thì có câu:
"Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến nơi đây là ngả rẽ của lòng
Biết nơi mô bến đục, bến trong cho em nhờ?"


Rồi Phú Văn Lâu, rồi Cầu Trường Tiền, rồi Chợ Đông Ba, tất cả đều có một dòng chảy của ca dao. Và, có nhiều nhà thơ, nhà nho, cũng đã làm cho nền ca dao phong phú lên. Cụ thể như những câu hò mái nhì, những câu ca dao của Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng đã làm cho nền văn học dân gian trở nên sinh động, và nó đi vào trong tâm thức của con người. Cụ thể như câu hò mái nhì:

"Chiều chiều, trước Bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non"


Ca dao Huế cũng là nơi gửi gắm của lòng người ưu tư theo vận nước. Tương truyền vào khoảng đầu năm 1916, Trần Cao Vân thường đến ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu để chờ gặp vua Duy Tân. Bên kia sông, con thuyền thấp thoáng để chờ đón vua rời khỏi kinh thành, ra đi khởi nghĩa. Không ngờ, âm mưu bại lộ, vua Duy Tân bị bắt và bị lưu đày. Ngày nay, lời ru cảm thán về vận nước vẫn còn in đậm trong lòng người dân Huế. Ca dao còn là nơi gửi gắm nỗi lòng uẩn ức trước những hà khắc của chế độ phong kiến.

"Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân"


Vạn Niên là một kiến trúc cầu kỳ nằm trong Lăng Tự Đức. Ngày nay, Lăng Tự Đức trở thành một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Lăng như một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một hồn êm thơ mộng.

Ca dao đi vào nông thôn với những lời khuyên cần kiệm, là một lời cảnh báo trước hiểm hoạ thiên nhiên trong vùng đất thường xảy ra thiên tai. Là lời nhắc nhở con người: hãy sống thủy chung.

"Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi Thân, Dậu lấy ai bạn cùng"


Cách thành phố Huế 7 km, có cầu ngói Thanh Toàn. Cầu được phỏng theo cầu Nhật ở Hội An. Ở đây, ca dao không chỉ nói đến một địa danh, mà còn ghi nhớ đến một tấm lòng hào hiệp của con người.

"Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui"


Qua ca dao, không những làm ta liên tưởng đến lịch sử, thắng tích của Huế, mà còn biết đến những địa danh với những đặc sản riêng của từng vùng.

"Ru em cho thét, cho muồi
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Mam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triệu Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim"


Tuy ca dao xuất phát trong giới bình dân, nhưng nhiều câu rất nên thơ, và ý nghĩa đậm đà, dễ xúc cảm người nghe, nên được nhiều người yêu thích và sưu tầm. Cụ Ưng Luận là một trong những con người đó. Ông sưu tầm ca dao bởi một tấm lòng, như câu thơ của Thanh Tịnh:

"Ước gì để lại mai sau
Một câu, một chữ, đượm màu dân gian"


Như sợ ca dao mai một theo giòng thời gian, cụ Ưng Luận vẫn ngày đêm miệt mài với công trình tìm kiếm ca dao của mình, để mong đóng góp một phần nhỏ vào kho tàng văn học dân gian của cố đô.

"Ca dao đã truyền tải được nhiều đền đài, thắng tích, kể cả cuộc sống của vua chúa, như là ca dao xứ Huế. Đọc ca dao xứ Huế, chúng ta sẽ thấy cả Ngọ Môn, Cột Cờ, Văn Thánh, Võ Thánh. Biết được Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Đào Duy Từ, chẳng hạn. Cụ Ưng Luận là một người rất từng trãi ở Huế. Tuổi cao. Cụ vốn là một người có uy tín ở trong hoàng tộc cũ. Là nhà giáo lâu năm, nhà hoạt động văn hoá. Có lẽ, nhờ những đặc điểm đó mà cụ đã gom góp lại được cái kho tàng trí tuệ này. Trình bày một cách, có thể nói là, khá sắc sảo, hóm hỉnh, với cái nhìn của một người từng trãi. Ca dao xứ Huế do cụ biên tập và bình giảng, đã giúp cho người dân xứ Huế, nhìn lại mình một cách kỹ hơn, soát xét lại kho tàng trí tuệ của Cha Ông mình, và tiếp nhận nó để đi vào cuộc sống hiện naỵ"

Huế từng là kinh đô của nước Việt trong thời gian dài, nên đã quy tụ nhiều danh nhân khắp các địa phương. Bởi thế, ca dao có câu xuất phát từ Huế, nhưng cũng có câu từ nơi khác đến. Theo tạp chí Nam Phong số 10 tháng 4 năm 1918, thì một nhà báo miền Bắc, nhân dịp dạo thuyền trên sông Hương vào đêm khuya, đã cao hứng viết hai câu:

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"


Không ngờ hai câu thơ này đã gây nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi. Vì chùa Thiên Mụ ở Huế, còn huyện Thọ Xương thì ở Hà Nội. Có lẽ, nhà báo này đã nhớ đến câu thơ của cụ Dương Khuê:

"Phất phơ ngọn cỏ trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương"


Huế cũng có những câu ca dao mang phong cách riêng của mình, không thể lầm lẫn xuất xứ, như lời ca dao nói về cầu Tràng Tiền:

"Cầu Tràng Tiền 6 vài, 12 nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm, em ơi!
Nghĩa tào khang ai mà vội dứt
Đêm nằm tâm tức, lụy nhỏ tuôn rơi
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời
Dẫu có xa nhau đi nữa
Dẫu có xa nhau đi nữa
Cũng bởi ông trời mà xa."


Ca dao Huế đến nay vẫn còn giữ được sức sống, và còn tiếp tục hòa nhập vào cuộc sống mới, như một tổng kết của tiền nhân, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau. Là một di sản văn hoá của dân gian, ca dao Huế, một kho tàng trí tuệ độc đáo, một gia tài văn hoá cộng đồng, đã trãi qua nhiều thử thách của năm tháng. Người ta có thể tìm thấy được ca dao từ những câu hát ru con, những câu hò trên sông nước, thường nghe được ở Huế và các vùng phụ cận. Bao nhiêu tinh hoa của nhiều thế kỷ đã hội tụ về miền sông Hương, núi Ngự, để tạo nên một vùng đất văn hóa vô cùng đặc sắc. Vì thế, qua ca dao, người ta có thể thấy được ba yếu tố: Thiên nhiên, Kiến trúc, và Con người Huế, đã hoà quyện với nhau, nuôi dưỡng nhau, để Huế trở nên một vùng đất của Thơ, bầu trời của Nhạc, và thế giới của Tâm hồn.


Theo Đặc trưng.net
 

Tags:
 

Bà Nà Hills - Cầu bàn tay: đường lên tiên cảnh
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Động Thiên Đường
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Tour 1 ngày Cù lao Chàm
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Tour du lịch địa đạo Củ Chi 1/2 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay
Hà Nội – Hang Múa – Tam Cốc 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
0
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác

Chủ đề mới nhất


Mobile View