Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc  (Đã xem 28434 lần)

Đã thoát ra hoangcf

  • Xa mẹ lần đầu
  • Bài viết: 28
    • Tổ yến thô
Re:  Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #8 vào: Tháng Mười Hai 15, 2022, 03:25:20 PM »
ăn nhiều nhất là thịt trâu gác bếp, ăn thịt lợn rừng , cá suối nướng cũng ngon lắm
 

Đã thoát ra minmin6

  • Xa mẹ lần đầu
  • Bài viết: 18
    • The Wings
Re:  Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #7 vào: Tháng Mười 15, 2021, 01:03:05 PM »
nhìn toàn món ngon đặc sản. thích nhất là thịt trâu gác bếp
 

Đã thoát ra conan2001

  • Administrator
  • Lữ hành cấp 6
  • *****
  • Bài viết: 2418
Re: Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #6 vào: Tháng Ba 03, 2017, 09:43:19 AM »
Thịt trâu gác bếp, món ngon của núi rừng Tây Bắc

Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Bạn có thể thấy khó ăn nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.

Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.

Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích.

Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.


Thịt trâu gác bếp có vị nồng nồng của khói, vị bùi của trâu, vị cay của mắc khén... chấm cùng chẳm chéo hoặc tương ớt cay rất hợp vị.  Ảnh: Blogspot.

Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.

Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu. Người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi nhà sẽ đem ra mời.

Họ thường luộc qua với nước để thịt mềm và đảm bảo chín hết, sau đó xé từng thớ nhỏ bày đĩa. Đặc biệt, những gia vị như tiêu, ớt, gừng, mắc khén do hun khói lâu ngày nên vẫn còn bám chặt trên từng thớ thịt hồng, trông qua đã thấy ngon mắt.


Giá một kg thịt trâu gác bếp dao động 650.000 - 750.000 đồng. Ảnh: Lê Thương.

Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.

Những người miền xuôi lần đầu nếm thử hẳn sẽ phải lắc đầu, nhăn mặt với vị cay của gia vị và độ mặn, hắc của món ăn.  Tuy nhiên, nếu đã phải lòng hương vị đậm chất núi rừng ấy, bạn sẽ muốn quay lại để thưởng thức thêm nhiều lần nữa.

Nếu có dịp đến các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai... du khách đừng quên thưởng thức và mua một ít đặc sản miền sơn cước về làm quà.

Cơm lam

Món ăn mang đậm hương vị núi rừng hấp dẫn du khách thập phương khi đến với núi rừng Tây Bắc chính là cơm lam. Thứ cơm được nấu từ nếp ngon, cho vào ống nứa bánh tẻ, đốt trên lửa cho đến khi chín. Hạt cơm thơm dẻo, nứa non ngọt dịu được nấu cùng nước suối tạo nên một món ăn thơm phức, dẻo và đậm đà.

Người Tây Bắc thường ăn cơm lam với muối vừng, thêm một lát thịt heo rừng nướng. Vị thơm ngậy của vừng, cái đậm đà của thịt heo rừng nướng hòa quyện với hương thơm của cơm lam được nấu trong ống nứa tạo nên một món ăn đầy đủ hương vị của núi rừng.


Cơm Lam Tây Bắc. Ảnh:L. Linh

Xôi nếp ngũ sắc

Xôi nếp ngũ sắc vốn dùng nguyên liệu là nếp ngon, thường là nếp Tú Lệ (Yên Bái) thì không gì tuyệt bằng. Những người dân Tây Bắc thường hay ngâm gạo với các loại lá để có các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Lá rừng để nhuộm màu được chọn kỹ, không quá non hay quá già.

Sau khi ngâm trong nước màu khoảng 10 tiếng, người ta mang gạo nếp đồ trong chõ. Xôi chín dẻo, thơm đậm được trình bày với 5 màu sắc trông rất rực rỡ.


Xôi được tạo màu bởi các loại lá. Ảnh: L. Linh.
« Sửa lần cuối: Tháng Ba 03, 2017, 09:45:55 AM Gửi bởi conan2001 »
www.topo.vn - Đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường.
www.tiepthiquangcao.com - Tiếp thị là sáng tạo.
 

Đã thoát ra heokoinhatgan

  • Global Moderator
  • Lữ hành cấp 1
  • *****
  • Bài viết: 55
Re: Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #5 vào: Tháng Ba 02, 2017, 01:29:41 PM »
Ăn cá suối miền núi đá

Những dòng suối đã sinh ra những chú cá xương mềm, thịt chắc và thơm lạ lùng.

Vùng đất tưởng như chỉ trập trùng núi và đá này lại có món cá suối mà theo nhiều người là ngon nhất vùng miền núi phía Bắc. Những dòng suối len lỏi giữa những vách đá trùng điệp đã sinh ra những chú cá xương mềm, thịt chắc và thơm lạ lùng.
 
Cá suối ở Mường Hum (Bát Xát- Lào Cai) không phong phú như cá sông. Dòng suối không hiền hòa như dòng sông. Lúc nào cũng ào ào đổ. Có những lúc giận dữ, suối đổ thành lũ cuốn trôi mọi thứ. Loài cá sống trong lòng suối phải thích nghi với môi trường. Chúng rất khỏe để có thể lội ngược dòng suối mạnh mẽ kia.


Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá

Cá suối ở đây lớn cỡ 2-3 ngón tay. Cá thường có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối nhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp... Những con cá trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong mắm ngon pha chanh ớt, ăn với ngọn cải ngồng luộc chín tới và cơm nóng trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác thật tuyệt.
 
Ngoài món cá chiên giòn, người dân địa phương còn mê món ruột cá suối chưng. Họ xem đó là đặc sản và là vị thuốc dân gian giúp đàn ông khỏe mạnh, phụ nữ trẻ trung. Người miền xuôi lên đây chẳng dám ăn ruột cá vì sợ “chột bụng”. Có lẽ vì vậy mà người bản địa, nhất là đàn ông, thiện cảm với du khách bởi vì họ nói: “Dân bản địa có khi đánh nhau chỉ vì ruột cá. Người miền xuôi không ăn món này thì thích quá!”.
 
Hiện nay đập thủy điện được xây dựng tại đây, nguồn cá giảm dần. Người ta phải di chuyển lên phía thượng nguồn để bắt cá. Hiếm hoi lắm mới có được cá suối nên khách đừng bỏ qua cơ hội ăn thử món này.
 

Đã thoát ra conan2001

  • Administrator
  • Lữ hành cấp 6
  • *****
  • Bài viết: 2418
Re: Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #4 vào: Tháng Tư 28, 2011, 11:15:52 AM »
Nem măng đắng: Đặc sản của đồng bào dân tộc Tày, Lào Cai

Về Bảo Yên, bạn sẽ được thưởng thức một món đặc sản của đồng bào dân tộc Tày địa phương. Một món ăn có hương vị đặc trưng sẽ làm bạn nhớ mãi không quên. Đó là món nem măng đắng.


Măng đắng tươi

Món ăn này được chế biến theo bí quyết cổ truyền. Đồng bào lấy những chiếc măng vầu đắng, luộc chín rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ, mềm và dai như những tấm lụa mỏng. Nguyên liệu này dùng như chiếc bánh đa nem thông thường trong món nem rán phổ thông.

Phần nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, trọng lượng mỗi con không quá 0,6 - 0,7 kg. Thịt và xương được băm nhỏ cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Phần nhân được gói trong lá măng đắng và rán vàng. Món ăn được trình bày ra đĩa nhỏ, trông rất đẹp mắt. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ. Độ dẻo của vỏ nem cộng với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng sẽ làm cho thực khách thấy thú vị.


Nem măng đắng được cuốn chỉn chu đẹp mắt

Món nem măng đắng từ lâu chỉ được chế biến phục vụ những bữa cỗ truyền thống trong làng bản. Ngày nay, trong lộ trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với kinh tế du lịch, món ẩm thực này đã xuất hiện trong các nhà hàng, góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách một ấn tượng về du lịch văn hóa bản làng khi dừng chân ở Phố Ràng - cửa ngõ Lào Cai.

Hương vị món thịt gừng của người Nùng Dín


Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến, người Nùng Dín lại mổ lợn đón Xuân. Dù lợn to hay bé, mỗi nhà cũng phải chuẩn bị thịt để chế biến nhiều món ăn trong ngày tết. Ngoài món thịt làm nhân bánh thì người Nùng Dín còn làm món thịt gừng 'tiếng Nùng Dín gọi là Nứt sinh'. Món ăn này rất bình dị, chế biến đơn giản nhưng có hương vị riêng, từ lâu là thức ăn quen thuộc của dân tộc này.

Để làm món thịt gừng, người Nùng Dín tận dụng tất cả các loại xương như xương sống, xương sườn và thủ tươi nguyên không được rửa qua nước đem băm nhỏ, rồi rửa một lượng khá nhiều gừng giã nhỏ vắt bớt nước. Sau đó, trộn tất cả xương băm, gừng, muối với nhau, bóp sao cho thật nhuyễn. Khi bóp người ta còn pha thêm một chút rượu vừa phải để bảo quản và giữ được sự tươi sống của thức ăn. Thịt được cho vào loại chum có men bóng rồi đổ nước (không để cạn nước ở vành chum), giữ nhiệt độ để tránh thức ăn chuyển màu. Sau đó, đậy kín miệng chum bằng tấm ni lông, buộc chặt, khi nào dùng mới lấy ra nấu chín tuỳ theo bữa.

Người Nùng Dín thường ăn món thịt gừng theo hai cách là hấp hoặc nấu. Nếu hấp thì có thể cho thêm một chút nước, hạt tiêu, rau thơm thì món ăn sẽ toả mùi thơm hấp dẫn hơn nhiều. Nếu nấu thì đổ thêm một lượng nước tương xứng với lượng thức ăn đun chín tới, cho gia vị như mì chính, hạt tiêu hoặc rau cần tây. Kể cả người già hay trẻ nhỏ không ăn được xương thì trộn cơm với nước thịt này cũng xuýt xoa ngon miệng.

Ai đã từng thưởng thức món ăn Nứt sinh của người Nùng Dín sẽ không quên được hương vị của nó bởi vị ngọt của thịt xương quyện với cái mặn đậm đà của muối, chất cay nóng của gừng già, phảng phất vị thơm của rượu ngô.

Thịt lợn muối: Món ngon của đồng bào dân tộc vùng cao Lào Cai


Thịt lợn từ lâu là một món ăn quen thuộc dân dã đối với người dân Việt Nam và đây cũng là loại thực phẩm có nhiều cách chế biến món ăn nhất. Trong các món ngon được chế biến từ thịt lợn thì thịt lợn muối là một trong những món ngon trong danh mục ẩm thực của đồng bào vùng cao Lào Cai.

 Cách chế biến món thịt lợn muối hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà. Gia vị của thịt lợn muối bao gồm các loại lá như lá quế, lá mít, lá trầu không, kèm theo ớt tươi, giềng và rượu cái nếp. Tất cả các loại lá đều được phơi khô và giã nhỏ, thịt lợn được thái vừa miếng rồi đổ rượu cái ướp cùng muối thật mặn và trộn lẫn các loại lá gia vị khô đã được giã nhỏ sau đó cho thịt vào hũ hoặc lọ để từ một đến hai tuần là có thể sử dụng được.

Khi sử dụng thịt lợn muối có thể rang hay nướng tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình. Khi ăn, chúng ta có những cảm giác khác nhau. Có vị cay của giềng và ớt, vị thơm của quế, vị hơi chát của lá mít và lá trầu không. Đồng thời, một vị đặc trưng của thịt lợn muối là vị chua hoà lẫn vị mặn của muối, miếng thịt giòn và rắn chắc. Thịt lợn muối làm giảm đi độ béo và ngấy của mỡ. Khi ăn, chúng ta có thể lấy lại cảm giác về vị giác khi đã ăn quá nhiều đồ ăn khác mà không có cảm giác ngon. Thịt lợn muối là món ăn dân dã của người dân vùng cao đặc biệt là người Tày ở Bảo Yên. Mặc dù là món ăn bình dị nhưng cũng được người dân vùng cao tiếp đãi khách quý như một món ăn truyền thống và bộc lộ tình cảm chân thành của đồng bào đối với khách.
« Sửa lần cuối: Tháng Ba 02, 2017, 01:57:00 PM Gửi bởi conan2001 »
www.topo.vn - Đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường.
www.tiepthiquangcao.com - Tiếp thị là sáng tạo.
 

Đã thoát ra conan2001

  • Administrator
  • Lữ hành cấp 6
  • *****
  • Bài viết: 2418
Re: Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #3 vào: Tháng Tư 28, 2011, 11:13:24 AM »
Thắng cố xưa và nay

Nói đến Thắng cố, ai cũng biết đó là đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. Nhưng bây giờ, thắng cố đã trở thành món ăn ngon và quen thuộc của nhiều tộc người vùng cao. Nếu người miền xuôi tự hào vì có phở, thì người miền núi tự hào vì có thắng cố. Trời càng lạnh, thắng cố càng ngon, thêm bát rượu ngô ấm nồng với người miền núi thực không có gì sánh bằng.
 
Thắng cố xưa chủ yếu là xương bò, xương trâu ninh nhừ cùng với lục phủ ngũ tạng của gia súc ăn cỏ. Nồi thắng cố to, sôi lục bục nổi lên những tảng thịt, tảng mỡ to lên màu vàng nhạt trông mới hấp dẫn làm sao. Món ăn nhiều đạm như thế mới đủ ấm lòng những người đi chợ xa, lâu lâu mới có dịp thưởng thức món ăn đặc sản này.


Thắng cố ngày nay

Thắng cố ngay nay, nhất là thắng cố ở trong các nhà hàng mang thương hiệu "dân tộc", hương vị đã bay đi ít nhiều. Bởi nồi thắng cố ấy đã bị các gia vị tẩm ướp "tung hỏa mù" khiến thực khách bị mụ mị bởi mùi thơm, bởi vị ngọt của bột nêm, mỳ chính. Vì thế, rất nhiều du khách mùa đông đã cất công lên chơi miền sơn cước vào những dịp chợ phiên để thưởng thức thắng cố "thật".

Các quán thắng cố vùng cao bây giờ nhiều nơi chế biến rất cẩn thận, sạch sẽ vì đồng bào đã hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu "giữ vệ sinh an toàn thực phẩm" và cũng là một bí quyết để thu hút khách. Những hình ảnh mà Thiếu nhi dân tộc giới thiệu với bạn là các bước chuẩn bị chế biến món thắng cố ngựa của người Mông ở Đồng Văn, Hà Giang. Các loại xương, thịt, ngũ tạng đều được đồng bào làm sạch sẽ và để riêng từng loại. Nồi nước dùng được đầu bếp người Mông "chăm sóc" rất chu đáo, múc từng muỗng bọt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Xương nhừ thì cho thịt vào nồi, thịt vừa chín tới thì cho lòng, dạ dày, tim gan vào tiếp...

Từng bát thắng cố nhỏ điểm những lát hành hoa được múc ra, nhà bếp không quên bên cạnh những đĩa gia vị xinh xắn chế biến cầu kỳ theo đúng hương vị vùng cao. Vị ngon của thắng cố hòa với hương vị đặc biệt của đồ chấm làm cho thực khách cứ hít hà, tấm tắc khen ngon. Anh Giàng Dũng Sài, một người Mông tài hoa, nổi tiếng vì chơi được nhiều loại nhạc cụ dân độc, đồng thời cũng là một "đầu bếp trẻ không đến nổi tồi" nói vui: "Đây là người Mông chế biến thắng cố theo tiêu chuẩn của người miền xuôi. Thực ra, thắng cố nguyên gốc của người ngày xưa đơn giản rất nhiều mà ngon cũng không kém. Chỉ có điều ngày xưa ở vùng cao hiếm lắm nên chế biến chưa được sạch sẽ như bây giờ thôi. Thắng cố ngày xưa được múc bằng muôi gỗ, đựng trong bát gỗ nên trông giản dị hơn."


Chảo thắng cố ở chợ Đồng Văn

Bây giờ, người Kinh, người Dao, người Tày cũng đều biết nấu thắng cố, thậm chí nấu rất ngon. Nhưng dường như hương vị thắng cố đặc biệt nhất, khiến thực khách nhớ lâu nhất vẫn là thắng cố của dân tộc đã sinh ra nó: Người Mông, với người Mông, Thắng cố không chỉ là món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo và sành ăn mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào.
« Sửa lần cuối: Tháng Ba 02, 2017, 01:49:31 PM Gửi bởi conan2001 »
www.topo.vn - Đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường.
www.tiepthiquangcao.com - Tiếp thị là sáng tạo.
 

Đã thoát ra conan2001

  • Administrator
  • Lữ hành cấp 6
  • *****
  • Bài viết: 2418
Re: Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« Trả lời #2 vào: Tháng Tư 28, 2011, 11:12:27 AM »
Nếu như trước đây, khách du lịch đến Sa Pa đã quen thuộc với các địa danh nổi tiếng như: Khu du lịch Hàm Rồng thị trấn Sa Pa, khu trạm khắc đá cổ Hầu Thào, hay những địa danh đã đi vào thơ ca như Thác bạc, Cầu Mây, các làng văn hóa, làng nghề, thưởng thức hóa trái mang hương vị xứ ôn đới cận nhiệt đới như đào, lê, táo, mận ngất ngây lòng người v.v…Nay đến với Sa Pa, du khách đã có thêm một sản phẩm du lịch đặc trưng khác mang hương vị riêng, đó là cá hồi và thăm quan địa danh nuôi cá hồi lớn nhất tại miền Bắc Việt Nam.
 
Trên cùng hành trình tham quan Thác Bạc hay mạo hiểm với cuộc leo núi, chinh phục đỉnh Phansipan hùng vỹ, ngay dưới chân “nóc nhà Đông Dương” này là mái nhà lý tưởng của những chú cá hồi vân nổi tiếng trời Âu. Nơi đây, vào những ngày đầu năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Nước lạnh Sa Pa được thành lập (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I - Bộ Thủy sản) với hoạt động chính là nghiên cứu việc sinh sản và phát triển của cá hồi vân - một trong nhiều họ thuộc loại cá hồi. Sau hơn một năm nghiên cứu và nuôi thử nghiệm, mùa xuân năm 2006 lứa cá đầu tiên nhập từ Phần Lan về nuôi thử nghiệm đã thành công, mang thứ thực phẩm thượng hạng từ xứ Âu Châu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam, đồng thời tạo cho Sa Pa một điểm tham quan mới, hấp dẫn với những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về loài cá này, cũng như ứng nhu cầu thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá hồi. Hiện nay, trong các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Sa Pa như Victoria, Châu Long, Bamboo v.v…và nhiều khách sạn, nhà hàng lớn tại Hà Nội, cá hồi vân đã có trong thực đơn và nhanh chóng trở thành một món ẩm thực hấp dẫn với nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước. Với các món ẩm thực đa dạng được chế biến từ cá hồi như: gỏi, lẩu, cháo, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột v.v…đã mang đến cho du khách hương vị hấp dẫn khó quên của món ẩm thực có một không hai tại Sa Pa. Bên cạnh đó, theo nhận xét của nhiều đầu bếp nổi tiếng tại các nhà hàng Sa Pa và Hà Nội thì chất lượng và màu sắc của cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu và đang sử dụng tại Việt Nam.
 

Cá Hồi đang được nuôi rộng rãi ở Sapa

Theo anh Chu Quang Kiệm, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu Nước lạnh Sa Pa cho biết, hiện nay Trung tâm có 3 khu riêng biệt, mỗi khu nuôi một thế hệ cá hồi khác nhau: Khu 1 là nơi ươm và ấp trứng với 12 bể con (dung tích trung bình mỗi bể là 2,5m3/bể) và 2 bể to mỗi bể có dung tích 60m3. Sau khi cá hồi đã đủ tuổi được chuyển sang nuôi ở khu 2, đây là khu nuôi cá ở tuổi trưởng thành. Khu 2 gồm 3 bể, mỗi bể có dung tích 60m3. Khu 3 là nơi nuôi cá hồi đã trưởng thành và chuẩn bị xuất chuồng, khu 3 gồm 5 bể với dung tích 250m3/ 1bể.

Ngoài ra còn có 3 khu chuyên làm các thí nghiệm sinh học như: khu làm sinh sản, khu nuôi v.v…do đó, nếu muốn thăm quan toàn bộ quy mô và tìm hiểu một số đặc tính sinh sản, phát triển của cá hồi, các công đoạn chăm sóc cá hồi và tự mình lựa chọn một chú cá để thưởng thức hương vị thì du khách phải dành cả nửa ngày, thậm chí cả ngày mới có thể tìm hiểu được hết về nơi này.

Hiện nay, “ngôi nhà” của cá hồi vân tại chân đỉnh Phansipan đã thu hút rất nhiều đối tượng khách du lịch đến thăm quan và thưởng thức. Cũng theo anh Kiệm, trung bình mỗi ngày Trung tâm đón từ 15 - 20 lượt khách, riêng ngày thứ 7 và chủ nhật lượng khách đến thăm quan và thưởng thức diễn ra cả ngày.

Du khách đến đây sẽ không dấu được sự ngỡ ngàng và thích thú trước những con cá hồi, sự hiếu kỳ và thích khám phá của du khách đã được đáp ứng. Đặc biệt với những du khách nước ngoài, nếu cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các dân tộc bản địa luôn mang đến cho họ nhiều điều thú vị thì với cá hồi, sự ngạc nhiên và thích thú còn ý nghĩa hơn thế. Họ không thể tưởng tượng ra được giữa đất nước Việt Nam với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại có thể tận mắt thưởng ngoạn và thưởng thức món ăn độc đáo của loài cá da trơn chỉ sống ở các nước ôn đới và hàn đới. Với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ cá hồi, du khách đến đây có thể vừa thăm quan, vừa tự tay lựa chọn một chú cá ưng ý để thưởng thức, và hương vị cá ở đây chẳng khi nào không tươi nguyên.


Cá Tầm Sapa

Bên cạnh cá hồi, giờ đây đến với Sa Pa du khách còn có cơ hội mục sở thị cá tầm Trung Quốc, một loại cá mới có giá trị kinh tế rất cao (khoảng 800.000đ/ 1kg). Với 26 con cá tầm trưởng thành được nhập từ Nga, trong đó có một số con đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh sản, mỗi con có cân nặng trên 20 kg. Dự án Hứa hẹn sẽ thu được nhiều thành công, Sa Pa đang được kỳ vọng không chỉ là ngôi nhà lý tưởng của riêng cá hồi vân và trong tương lai không xa cá tầm sẽ là một sản phẩm mới riêng có ở Sa Pa, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, thưởng thức của du khách gần xa.

Cùng với các giá trị độc đáo về thiên nhiên và văn hóa các dân tộc thiểu số, cá hồi đã có sức thu hút mạnh mẽ với đông đảo khách du lịch mỗi dịp đặt chân đến Sa Pa. Đây là hương vị mới của Sa Pa dành cho bất cứ ai yêu mến và gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây.

Theo vanhoalaocai.vn
« Sửa lần cuối: Tháng Ba 02, 2017, 01:46:28 PM Gửi bởi conan2001 »
www.topo.vn - Đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường.
www.tiepthiquangcao.com - Tiếp thị là sáng tạo.
 

Đã thoát ra conhi1991

  • Lữ hành cấp 2
  • **
  • Bài viết: 216
Đặc sản ẩm thực (món ăn) các tỉnh miền núi phía Bắc
« vào: Tháng Tám 07, 2008, 02:00:14 PM »
Canh lá đắng

Ở vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang,... đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày... rất thích món canh lá đắng. Vì rất đắng nên còn được gọi là lá mật vịt. Cây mật vịt vốn có nguồn gốc tự nhiên, thường mọc ở khe núi, ven rừng, trở thành một thứ rau ngon. Gần đây, bà con một số địa phương đã đưa nó về trồng trên nương rẫy hay ở vườn nhà.

Lá đắng là một trong những thứ rau dùng để chế biến món ăn vừa lạ miệng, vừa có tác dụng chữa bệnh tiêu chảy. Vì vậy, trong những bữa cơm, đặc biệt là những bữa liên hoan, giỗ chạp, tang ma, hiếu hỷ, có những món ăn dùng nhiều thịt cá, thì đồng bào dân tộc bao giờ cũng ăn một bát canh lá đắng trước, giống như một món ăn khai vị. Có bát canh lá mật vịt lót dạ rồi thì dẫu có ăn nhiều cá, thịt mỡ cũng yên tâm cái... bụng.


Canh lá đắng, ăn khi nóng rất ngon

Lá đắng có thể nấu như rau tươi với thịt lợn thái mỏng hay băm nhỏ, hoặc chỉ nấu suông với mắm, mỡ cũng đã rất ngon. Song, nếu lá đắng mà được nấu canh với tiết lợn hoặc với nước luộc lòng thì còn gì bằng, cái vị chát của tiết hòa quyện với vị đắng của lá rau trong nước vừa đủ mặn, ngọt tạo ra một vị ngon khó tả...

Điều đặc biệt là, lá đắng không chỉ ăn tươi, mà còn có thể đem phơi sấy khô, bảo quản cho khỏi mốc để đến lúc nào cần dùng thì đem ra rửa sạch rồi nấu như mọi thứ canh rau khác.

Bát canh lá đắng tươi hay khô, đều có mầu xanh đen. Cái đắng của mướp đắng cũng chưa là gì so với lá đắng. Đắng như mật vịt cơ mà! Đối với những người chưa được ăn bao giờ thì có thể miếng rau lá đắng đầu tiên, đắng đến nỗi co lưỡi lại. Nhưng rồi cứ ăn và "lắng nghe" cái vị đắng của núi rừng kia lan ra trong miệng thì sẽ thấy rất ngon và, chỉ ăn vài ba lần là đâm thèm, đâm nhớ, nói cách khác là đâm nghiện cái món ăn "đắng câm đắng ngầm" nọ, giống như người mê ăn mướp đắng vậy.


Cây lá đắng

Lá đắng ở vùng cao chắc cũng không nhiều đến mức bạt ngàn, cho nên chỉ có khách quý đến chơi và dùng bữa với gia đình thì mới được mời ăn canh lá đắng. Bởi vậy, bát canh lá đắng là một trong những dấu hiệu thân tình, mến khách của chủ nhà. Cũng cần phải nói thêm, chỉ riêng cái giá bán lá đắng khô ở chợ thường là đắt hơn chè búp khô vài ba bốn lần cũng đủ nói lên sự quý hiếm của thứ thực phẩm dân dã mà đặc sản này.

Trong bao nỗi nhớ vùng cao, có nỗi nhớ một bát canh lá đắng.

Trám đen

Trám đen – đặc sản mùa thu của miền núi phía Bắc được bày bán ở hầu khắp các chợ thuộc tỉnh Cao Bằng


Trám đen - một trong những đặc sản mùa thu của miền núi phía Bắc được bày bán ở hầu khắp các chợ thuộc tỉnh Cao Bằng. Ảnh chụp tại chợ ven sông Bằng Giang - thị xã Cao Bằng.

Quả trám đen có hình thoi, 2 đầu nhọn, màu tím thẫm, thịt màu đỏ vàng, trong hạt có nhân trắng ngần. Cây trám mọc thẳng đứng, cây trám do người dân trồng nhưng như thể cây mọc tự nhiên trong những khu rừng, khe núi. Trám đen được trồng tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng không phổ biến vì người dân chưa thật sự xác định trồng trám để làm kinh tế. Có chăng họ trồng là để giữ đất, giữ rừng, để ăn…Ở tỉnh Bắc Kạn trám trồng nhiều nhất ở các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, thị xã Bắc Kạn.

Nếu đã thưởng thức các món ăn từ trám đen thì thật khó quên hương vị của nó.  Nhưng để thu hái, chế biến phục vụ nhu cầu thực khách thì khong đơn giản. Nhất là với những người đi thu hái, như đã biết cây trám có dáng thẳng đứng, cao, thân cây to, tán xòe rộng nên trèo lên hái trám là công việc khá mạo hiểm.

Để thu hoạch trám, buộc người khai thác phải dùng thang (với cây thấp), hoặc lấy những cây tre buộc vào thân trám, ken thành bậc mới leo lên hái được.  Người trực tiếp hái trám phải luôn tỉnh táo, thuần thuộc việc chèo cây. Một nông dân ở xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn cho biết hái trám chẳng dễ dàng như những loại quả khác mà phải chuẩn tinh thần tốt, mạo hiểm, nếu chẳng may sẩy chân rơi xuống thì rất nguy hiểm tới tính mạng.


Cây trám đen cao, to, người hái trám ở xã Nông Thượng phải dùng thân tre để buộc chặt vào thân trám làm chân đỡ.

Chị Triệu Thị Hoàng ở thôn Nà Vịt, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn có 5  cây trám có tuổi trên 30 năm và cho quả được trên 15 năm, mỗi cây nếu bán quả cũng thu về tiền triệu đồng”. Chị Hoàng còn bộc bạch, ngày trước trám đến mùa quả rụng xuống đất chẳng mấy người để ý, bây giờ lại khác do quả được thị trường ưa chuộng, giá thành lại cao, 1kg trám trên dưới 80.000 đồng nên gia đình hái đến đâu ra chợ Bắc Kạn người ta mua hết tới đó, một cây trám sai có thể cho tới gần 100kg, còn trung bình chỉ khoảng 20 đến 30 kg/cây.

Trám đen  có 2 loại gồm trám nếp và trám tẻ, trám nếp ngọt, bùi, thịt mềm dẻo, còn trám tẻ thì giòn và cứng hơn. Thông thường người ăn thiên về trám nếp bởi thịt mềm, phù hợp với người già, trẻ nhỏ. Trám có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng đa phần sử dụng để kho với thịt ba chỉ, hay đồ xôi.

Để chế biến trám thành món ăn ngon nếu không tìm hiểu quy trình thì “Xôi hỏng bỏng không”, quả trám trước tiên phải được om trong nước nóng có nhiệt động khoảng 70 độ c, om khoảng 20 phút sau mới bỏ ra, lúc này quả mới mềm dễ boc lớp vỏ mỏng và tách hạt, khi ăn có thể cho thêm chút gia vị, hoạc phơi một đến hai nắng để khô ăn dần. Ngược lại nếu trám mà om quá lâu hay om trong nước quá nóng quả sẽ trở nên cứng, đành bỏ đi không.

Trám kho với thịt lợn ba chỉ là món ăn ngon. Đặc biệt người dân địa phương thường dùng trám để đồ xôi hay còn gọi là “xôi trám”, trám sau khi om mềm, bóc tách vỏ, trộn với xôi vừa đồ chín còn nóng hổi sẽ có món xôi trám đen vị ngon đặc trưng. Xôi trám có thể ăn không hoạc ăn kèm với thịt băm, lạc vừng …rất phù hợp trong tiết trởi xe lạnh của mùa thu.

Giữa thị trường bão hòa của các loại đồ ăn, thức uống như bây giờ, một món ăn đậm đà hương vị núi rừng đang được nhiều người ưa chuộng. Trám đen thực sự là đặc sản của Bắc Kạn ./.
« Sửa lần cuối: Tháng Ba 02, 2017, 01:42:45 PM Gửi bởi conan2001 »
 


Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
0 Trả lời
6045 Lượt xem
Bài mới Tháng Chín 16, 2009, 09:26:13 PM
Gửi bởi conan2001
0 Trả lời
1159 Lượt xem
Bài mới Tháng Bảy 17, 2014, 10:22:19 AM
Gửi bởi thegioigameone
2 Trả lời
4808 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 08, 2017, 02:56:37 PM
Gửi bởi trunghieu1763
0 Trả lời
2772 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 07, 2017, 11:05:10 AM
Gửi bởi Kẹo Đắng
0 Trả lời
3172 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 04, 2017, 09:18:14 AM
Gửi bởi vietravel247

Mỹ Tho - Bến Tre (Lễ 2/9) - 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
540,000
Đặt ngay
Đà nẵng - Huế: thăm cố đô
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
780,000
Đặt ngay
Đà Nẵng City - bán đảo Sơn Trà - Bảo tàng Đà Nẵng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
600,000
Đặt ngay
Hà Nội – Hang Múa – Tam Cốc 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
1,080,000
Đặt ngay
Động Phong Nha - Kẻ Bàng
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
720,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View