Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã biết uống trà. Ngày nay, trà đã trở thành thức uống phổ biến trên toàn thế giới, được xem là thứ giải khát rất tốt, có tác dụng ngừa và chữa được nhiều bệnh.
Trung Quốc có nhiều loại trà, trong đó có 4 loại nổi tiếng nhất: trà Long Tỉnh (ở tỉnh Triết Giang), trà Ô Long, trà Thiết Quan Âm (ở tỉnh Phúc Kiến), trà Phổ Nhĩ (ở tỉnh Vân Nam). Trong các loại danh trà kể trên, trà Long Tỉnh được đánh giá cao nhất, có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm và đậm, xưa kia các bậc vua chúa và quý tộc Trung Quốc thích dùng nhất loại trà này.
Một buổi sáng mùa thu, chúng tôi rời thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Triết Giang) đến thăm thôn Long Tĩnh, nơi tập trung nhất ở Trung Quốc trồng loại trà nổi tiếng này. Long Tỉnh nằm ở ngoại ô phía tây nam Hàng Châu, đi xe chỉ độ 15 phút là đến. Đây là một vùng đồi núi, chen lẫn vào giữa là những cánh đồng nhỏ trồng cây trà. Hai bên đường đi vào trung tâm thôn Long Tĩnh, có rất nhiều trà thất, trà quán, xen lẫn những ngôi nhà rất khang trang, gần như những biệt thự nho nhỏ. Hỏi ra mới biết đó là nhà của những nông hộ trồng trà. Bên cạnh những ngôi nhà hoàn chỉnh, người ta còn đang xây tiếp những ngôi nhà khác. Nông dân trồng trà ở Long Tỉnh thuộc loại giàu có ở Trung Quốc. Trà Long Tỉnh vừa đắt tiền vừa được tiêu thụ rộng rãi ở Trung Quốc và trên thế giới.
Trà Thánh của Trung QuốcDu khách đến Long Tĩnh, nơi đến thăm chủ yếu là trà thất của Mai gia (gia tộc họ Mai). Đây là một khu rộng lớn, gồm nhiều nhà ngang dãy dọc, có bãi đậu xe, kho dự trữ, nơi tiếp khách, quán uống trà. Đứng trước cửa trà thất, có thể nhìn bao quát cả phong cảnh chung quanh, những cánh đồng trà từ chân đồi lên đến các sườn đồi thoai thoải, đằng sau là những dãy núi mờ ảo trong sương sớm. Phong cảnh đúng như trong những bức tranh thuỷ mặc của Trung Hoa.
Cánh đồng trà thoai thoảiBước vào khuôn viên trà thất, đập vào mắt du khách là một bức tượng đồng sừng sững ở giữa sân, với dòng chữ khắc ở bệ pho tượng: Trà Thánh Lục Vũ. Nói đến văn hoá trà, không thể không nhắc đến Lục Vũ. Ông là người đọc nhiều, hiểu xa, giao du rộng rãi, xuất du nhiều lần ở lưu vực sông Hoài và hạ lưu sông Trường Giang, đặc biệt là những vùng nổi tiếng về sản xuất trà tại miền đông Triết Giang (trong đó có Long Tĩnh). Từ hơn nghìn năm nay, phong cách uống trà do Lục Vũ đề xướng đã được phổ biến khắp Trung Quốc. Các trà quán, trà thất đều thờ phụng ông, tôn ông là trà thánh, trà thần, trà tiên.
Nghệ thuật uống trà Long TĩnhTrà được cho vào từng cốc, lần đầu chỉ rót một ít nước (chỉ nóng 80 độ), sau đó mới rót đầy cốc - cách rót cũng đặc biệt. Cô thiếu nữ Trung Quốc cầm chiếc ấm nước rót vào cốc, nhưng khi rót nhún lên nhún xuống đến ba lần, mục đích là để đảo trà cho đều, nếu không khéo tay thì nước nóng có thể văng tung toé trên bàn. Năm phút sau, mới lấy nắp đậy lên cốc. Để tỏ ý cám ơn người pha trà, trước khi uống, nên lấy hai ngón tay trỏ và giữa gõ lên cốc ba lần.
Điều đáng chú ý là người Trung Quốc không uống trà đặc như ở Việt Nam. Họ cho rằng uống trà đặc sẽ dẫn đến sự hưng phấn quá độ ở đại não, làm cho nhịp tim tăng nhanh và do đó không lợi cho sức khoẻ.
Cô thuyết minh còn cho biết trà Long Tỉnh có nhiều loại, loại rẻ tiền nhất là trà lão bà có thể hái vào bất cứ giờ nào trong ngày, còn quý nhất là trà cô nương, chỉ hái vào lúc 2 - 3 giờ đêm. Theo lời cô, trà Long Tỉnh có thể giữ được một năm rưỡi, còn nếu để trong tủ lạnh có thể giữ được ba năm.
Cũng giống như trà Ô Long, trà Long Tỉnh có thể pha năm lần mà vẫn còn hương vị. Chúng tôi lấy trà khô chưa pha cho vào mồm nhai thử, thấy rất dễ ăn, vừa thơm vừa ngọt, giòn tan trong miệng, nuốt vào rồi mà hương vị còn đọng ở cổ họng rất lâu.
Theo SGTT