Hang Mạc Cao nằm trên núi Minh Sa, cách thành phố Đôn Hoàng 25km về phía đông nam, thuộc tỉnh Cam Túc là một di chỉ Phật giáo nổi tiếng thế giới. Người địa phương gọi là Động nghìn Phật. Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Trung Quốc dưới đời Đông Hán khoảng đầu Công nguyên.
Công trình đục mở hang đá và tạc tượng Phật (gọi tắt là hang Phật) ở đây bắt đầu vào năm 366 Công nguyên, theo truyền thuyết: một nhà sư đi ngang qua đó nhìn thấy trên núi Minh Sa có hào quang rực rỡ, cảm thấy đó là điềm lành nên tạo hang Phật để cúng dường. Lúc đó phía tây bắc Trung Quốc, các dị tộc gọi chung là Ngũ Hồ (Hung-nô, Yết, Tiên-ti, Chi, Khương) chiếm cứ, lập thành trước sau 16 nước, thay nhau cai trị, còn ở phía nam là nhà Đông Tấn (317-420), đây là một giai đoạn lịch sử rối rắm của TQ. Công trình đục đá tạo hang Phật tại Mạc Cao kéo dài cho tới năm 1368, khởi đầu triều đại nhà Minh mới chấm dứt. Nhà Minh thi hành chính sách đóng cửa khiến cho con đường tơ lụa trên lục địa châu Á bị tắc nghẽn, ít ai còn đi trên con đường đó khiến hang Mạc Cao bị rơi vào quên lãng.
Lúc thịnh thời, Mạc Cao có gần một ngàn hang Phật lớn nhỏ khác nhau, nay chỉ còn 490 hang, trong mỗi hang đều có tượng Phật đục trong đá và bích họa vẽ trên vách đá. Hiện nay chỉ có 30 hang mở cửa đón khách tham quan. Tượng Phật lớn nhất nằm trong hang số 96, đó là tượng Phật Di Lặc của cõi giới vị lai, cao 35,5m.
Tinh tế nhất là cụm 5 tượng trong hang số 328 gồm tượng Phật tổ Thích Ca Như Lai, bên trái là đại đệ tử Maha Ca Diếp, người nhận hiểu ý chỉ của Phật qua hành vi đưa cành hoa lên mỉm cười không nói gì của Phật, và sau đó mở đầu cho Thiền tông Ấn Độ, bên phải là đệ tử thân cận của Phật là A-Nan, người đọc thuộc lòng các bài giảng của Phật trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, 3 tháng sau khi Phật nhập diệt. Bên cạnh hai đệ tử là hai vị Bồ-tát. Các tượng có đường nét mềm mại nhưng rất có uy lực và rất sinh động. Bích họa dù đã trải qua cả ngàn năm mà màu sắc vẫn còn tươi tắn, đường nét vẫn còn rõ ràng. Nội dung của bích họa là truyện kể về sự tích Phật giáo, các buổi giảng kinh, thuyết pháp, trong đó có rất nhiều hình ảnh “phi thiên”. Theo quan niệm Phật giáo, trong thế giới có 6 loại chúng sinh là : trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ và côn trùng. Trời tức là chúng sinh ở cõi trời, người ở cõi đó di chuyển không phải bằng cách đi bộ như người trần mà bằng cách bay, bay là đặc trưng của họ nên gọi là phi thiên, tức là người cõi trời di chuyển bằng cách bay. Bích họa diễn tả các phi thiên thường đến nghe Phật thuyết pháp, rắc hoa mạn-đà-la để khen ngợi, tán thán công đức. Các bích họa hang Mạc Cao được các nhà khảo cổ TQ coi là “thư viện trên vách”, phản ánh sinh hoạt của xã hội cổ đại và trung đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14. Ngoài tượng Phật còn có tượng vũ nữ hoặc ca kỹ gảy đàn tỳ-bà với một tư thế rất đặc biệt là gảy đàn từ phía sau gáy, có vẻ như vừa đánh đàn vừa nhảy múa.
Hang Mạc Cao là kho tàng nghệ thuật Phật giáo đặc sắc và quý giá, được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 1987.
Nguồn tin: CRI