Chúng tôi đi du lịch Myanmar với đầy sự e ngại, không biết sẽ xoay xở thế nào ở một đất nước nghe nói còn khá khép kín với thế giới. Tuy nhiên, tất cả đã lầm. Đất nước này đã mang đến cho chúng tôi những ấn tượng bất ngờ.
Yangon là thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất Myanmar. So với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Yangon tương đối kém phát triển, nhưng so với những gì người nước ngoài hình dung thì Yangon lại sôi động hơn.
Thành phố có khá nhiều tòa nhà thời thuộc địa Anh, nhưng cũng nhiều cao ốc thương mại và nhà ở mới được xây dựng. Yangon có khoảng 5 triệu dân nhưng gần như không nhìn thấy xe máy. Chỉ có taxi và xe buýt. Công chức và người thu nhập từ trung bình trở lên hay đi taxi, còn dân nghèo đi xe buýt hoặc đi bộ. Anh Zai Myo Thet, một tài xế taxi, nói chính phủ cấm người dân (trừ công chức) sở hữu và đi xe máy trong thành phố. Tuy nhiên, tại nông thôn và các vùng sâu vùng xa người dân vẫn được đi xe máy.'
Phần lớn ôtô ở Myanmar là xe cũ của Nhật đời 1980, 1990, thậm chí còn cả đời 1950. Gần như toàn bộ taxi trên đường không đóng hoặc không có cửa kính. Xe không có máy điều hòa, nội thất sờn rách, máy móc kêu lục cục, nhiều ổ máy cạnh vôlăng bị móc trơ ổ. Thời tiết nóng gần 40 độ C, tài xế nào cũng có một chai nước uống, quạt cói và khăn lau mồ hôi.
Đầu tiên chúng tôi rất sốc vì không biết liệu lúc nào khung cửa xe bật ra, nhưng đi nhiều cũng quen. Xe rung bần bật, lọc xọc nhưng nhiều bác tài lái rất “tít”. Hành khách kêu oai oái vì sợ nhưng tài xế luôn miệng trấn an không sao. Các xe buýt thì luôn chật cứng người vì người dân chẳng còn lựa chọn nào khác. Khách nước ngoài đi phượt rất tiếc tiền cũng chịu không dám chen lên xe buýt.
Do không có xe máy nên dù nhiều ôtô nhưng đường phố Yangon hầu như không tắc đường. Anh bạn cùng đi cứ chép miệng: “Ước gì Hà Nội cũng cấm được xe máy như Yangon”.
Sân bay quốc tế của Yangon gồm hai khu (quốc tế và nội địa). Ga quốc tế tuy khá nhỏ và ít tấp nập so với sân bay quốc tế các nước trong khu vực nhưng hiện đại, sạch bóng, đèn sáng trưng. Các thủ tục kiểm tra hành khách nhập cảnh không khắt khe lắm. Cả sân bay quốc tế chỉ có ba quầy đổi tiền nhỏ của AD Bank, KBZ Bank, chỉ khoảng 7g tối là các quầy hết kyat (tiền Myanmar) đổi cho khách du lịch. Khi xuất cảnh, nếu ai đi chuyến bay sau 3g chiều thứ bảy hoặc chủ nhật cũng không có quầy đổi tiền nào còn mở cửa để đổi kyat lấy USD mang về nước.
Sân bay nội địa của Yangon nhỏ, thiếu tiện nghi. Làm thủ tục rất nhanh vì không có dây chuyền, nhân viên sân bay đứng sẵn bên cạnh quầy làm thủ tục chất hành lý của hành khách lên xe đẩy. Điều lạ nhất ở đây là gần như không có loa phóng thanh báo chuyến bay cho khách. Cứ khoảng 30-60 phút lại thấy nhân viên của một hãng hàng không nào đó cầm biển đề tên hãng và số chuyến bay rảo bước quanh những hàng ghế chờ rao gọi hành khách ra sân bay. Nếu ai không để ý nghe hoặc nhìn biển báo dễ bị lỡ chuyến bay như chơi. Đây là điều khiến khách nước ngoài lần đầu bay nội địa cứ nhấp nhổm, nháo nhác.
Cứ ngỡ đến Yangon không có điện thoại, không Internet, thiếu điện, nhưng tình cảnh cũng chẳng đến nỗi. Mạng điện thoại của Myanmar cũng tàm tạm. Dưới sảnh các khách sạn từ 3 sao trở lên có wifi, nhưng tốc độ truy cập chậm đến nản lòng.
Nhu cầu điện thoại của người dân Myanmar rất cao. Cứ khoảng vài chục mét trên đường phố Yangon lại có những bàn điện thoại của tư nhân đặt 3-5 máy quay số cũ kỹ phục vụ khách hàng. Vào đúng tầm, người người xếp hàng chờ gọi. Cước điện thoại nội địa không đắt lắm. Gọi thoải mái trong khu vực Yangon chỉ mất 1.000 kyat (tương đương 28.000 đồng). Chỉ những người khá giả và người làm trong ngành du lịch mới có điện thoại di động.
Trên đường phố Yangon nhan nhản các máy phát điện to nhỏ đặt trong các l*ng hoặc ngôi nhà bằng sắt gắn chặt ngoài vỉa hè. Hỏi ra mới biết do Myanmar rất thiếu điện, nguồn điện từ mạng lưới điện của chính phủ yếu, hay bị mất nên nhiều hộ gia đình, cửa hàng, tòa nhà phải có sẵn máy phát điện. May mắn trong mấy ngày chúng tôi ở Yangon điện lưới quốc gia không bị mất lần nào...
Theo Tuổi Trẻ