Lần đầu tiên xuất ngoại - đích đến là Bhutan, nơi mà gần đây được biết đến với xứ sở hạnh phúc nhất thế giới. Họ được biết đến qua chỉ số Tổng Hạnh Phúc Quốc Nội (GNH) thay cho Tổng Thu Nhập Quốc Dân (GDP), có mức độ phủ của rừng hơn 70% toàn quốc gia, nguồn thu nhập chính từ thủy điện và du lịch, nền nông nghiệp lấy mục tiêu nông phẩm sạch làm trọng, là quốc gia không thiết lập ngoại giao với Trung Quốc..........
Mình thấy gì ở Bhutan?
Con người: Ấn tượng đầu tiên với các công chức viên làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Paro. Họ làm việc theo một phong cách rất nhanh nhẹn và nhiệt tình, đặt câu hỏi một cách rất nhẹ nhàng ân cần. Là một người lần đầu tiên tới một quốc gia khác, mình không trông mong gì nhiều hơn thế để có thiện cảm với đất nước này.Là một đất nước với Phật giáo là tôn giáo chính, bạn có thể bắt gặp những người Bhutan ở khắp nới đang đi bộ cùng với chuỗi hạt và cầu nguyện. Đích đến của họ là những ngồi chùa. Họ tới đây thực hiện việc cầu nguyện gần như hàng ngày và mỗi ngày khoảng 1000 - 2000 vòng đi quanh ngôi chùa. Đi tới đâu, gặp những người dân địa phương họ đều vẫy chào với gương mặt hạnh phúc.
Đồ ăn: Đây là điều mình nghe khá nhiều trước đi Bhutan. Tới nơi mới biết, nó không tệ như lời đồn. Có chăng là vì nó lặp đi lặp lại và không có phong phú như ẩm thực Việt Nam nên nó làm bạn có cảm giác ngán sau 2 - 3 ngày. Nhưng các món ăn sẽ vẫn đảm bảo đủ năng lượng cho hành trình trong ngày của bạn. Kể cả là với người kén ăn như mình.
Cảnh vật: “Bhutan ko có gì đặc sắc, ngoài cảnh đẹp”. Đây là một lời nhận xét mình rất thích của chị đi cùng đoàn. Nếu bạn là người thích chụp ảnh, thích tạo dáng nghệ thuật, hay đơn giản chỉ là tận hưởng kỳ quan của thiên nhiên mang lại thì Bhutan là chỗ đến không thể tuyệt với hơn. Với cá nhân mình, chương trình tour hấp dẫn không phải ở nội dung chính hay các điển đến mà chính là việc thả mình vào những cảnh đẹp trên đường di chuyển. Thức dậy từ sáng sớm, đi bộ khắp các con đường xung quanh khách sạn và căn ke từng khoảnh khắc mặt trời lên dọc sườn núi là điều bạn nên làm nếu có cơ hội đến Bhutan. Nếu may mắn, khi tới Đèo Dochula vào ngày nắng đẹp trời, bạn sẽ được chạm vào mây, chọn đủ góc độ để ghi nhận lại góc nhìn không thể tuyệt vời hơn khi bạn nhìn xuống dãy Hymalayas.
Môi trường: Một điều nữa làm mình vô cùng ấn tượng về Bhutan là độ trong lành của nó. Chính phủ Bhutan rất coi trọng việc bảo vệ mảng xanh của quốc gia. Đi trên đường, bạn sẽ thỉnh thoàng bắt gặp những tấm biển nhắc nhở về tầm quan trọng của thiên nhiên với sự hạnh phúc - không phải sự giàu có.
Giao thông: Phương tiện đi lại chủ yếu là ô tô. Mỗi nhà ở đây đều có ô tô và ít thấy sự xuất hiện của xe máy. Phần lớn là đều nhập khẩu từ Ấn Độ với giá khoảng 10000 USD. Đường sá ở đây không được bằng phẳng cho lắm, cũng vì đó mà nó phát sinh ra cái gọi là Car Massage - do anh HDV của đoàn đặt tên. Đối với những ai ngồi xe không được tốt như mình thì thật là bất lợi vì không thể ngồi yên mà tận hướng cảnh đẹp trên đường đi. Suốt hành trình 7 ngày ở đây, mình hầu như không nghe thấy tiếng còi xe ô tô lần nào. Người Bhutan tham gia giao thông rất văn minh. Ở đây không hề có đèn giao thông, họ lưu thông một cách tôn trọng người khác, nếu gặp xe đối diện, giảm tốc độ, quan sát xe đối diện và đánh tay lái theo hướng khác, sẵn sàng nhường đường chứ không cần phải tranh giành anh trước tôi hay tôi trước anh. Đó là lý do vì sao đèn giao thông đã từng được lắp đặt nhưng vô dụng - Vì một lí do đơn giản: Người Bhutan không tuân thủ đèn giao thông, họ tuân thủ sự văn minh trong văn hóa giao thông là đủ.
Những điều PHẢI TRẢI NGHIỆM khi ở Paro - Bhutan. Nói chuyện cùng anh chàng Tài xế, 26 tuổi - một kỹ sự công nghệ thông tin làm tài xế bán thời gian mình được biết, khi bạn đến Bhutan, có 3 việc bạn phải làm:
Thăm Pháo đài Punakha.
Leo lên Takshang - Tiger’s Nest.
Rafting trên 2 con sông Pho Chu và Moo Chu ở Paro.
Thật may mắn là mình đã hoàn thành cả ba, và theo như anh Tài xế nói thì sẽ không phải hối tiếc khi rời Paro. Thực ra là không phải vậy, mình vẫn muốn một ngày nào đó quay lại Bhutan thêm một lần nữa để trải nghiệm lại những điều mình đã từng về đất nước này - để thấy là khi người ta nói vế đất nước hạnh phúc nhất thế giới không phải là nói quá lên.
Bhutan, 24/8 - 31/9/2016.